Thầy là ai? Và con là ai?
Câu hỏi được đặt ra không phải là Chúa Giêsu thắc mắc về chính mình mà muốn đặt câu hỏi cho người khác và các Tông Đồ để các ngài tự hỏi: “chính mình là ai?”.
Giả thiết được đưa ra trong thời hiện tại trong ba hoàn cảnh thích ứng với ba câu trả lời và câu trả lời của Phêrô.
Khi trả lời là Gioan Tẩy Giả:
Số người ấy cho thấy tâm trạng của người lưu luyến quá khứ tốt đẹp đã qua, níu kéo để tận hưởng quá khứ trong hiện tại đã mất. Trong xã hội, thường người ta hay lợi dụng cái quá khứ hào hùng để che lấp những thất bại của thời hiện tại. Sống trong bóng của chiếc cây như người ta thường nói: “cây cao, bóng cả” hơn là tự thân, sống bằng khả năng chính mình. Con người ấy sống nhờ quá khứ, thường đòi hỏi những đặc ân, quyền lợi, dựa vào thần thế, quen biết, xin xỏ... làm xã hội phát triển một cách thiếu hài hòa, làm mất khả năng sáng tạo.
Thời của Chúa Giêsu, nhiều người vẫn khư khư giữ lại những gì thuộc quá khứ như Chúa Giêsu trách họ: “Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian” (Ga 5, 35).
Không đón nhận điều mới, giữ những điều Chúa dạy, không có lòng yêu mến sự thật. Làm sao có thể ra khỏi những thành kiến, ra khỏi những tư lợi ích kỷ, ra khỏi cái tôi chật hẹp, con người của bảo thủ?
Khi trả lời là Elia:
Biểu trưng cho lớp người, biết thích ứng với hoàn cảnh, thành công trong một lãnh vực nào đó, tưởng rằng có thể chinh phục cả thế giới hoặc tưởng mình có khả năng thành công ở nhiều lãnh vực, đầu tư dàn trải và cuối cùng thất bại ê chề, hoặc rơi vào những khủng hoảng.
Cũng có thể, họ là những người nắm bắt được những kiến thức cao hơn người khác, nhưng tự phụ, kiêu căng, dường như tạo cho mình lớp vỏ khôn ngoan, không cần lắng nghe ai khác. Khi đón nhận những điều mới, luôn tự phụ mình đã nắm bắt nhưng thực tế triển khai luôn bị gẫy khúc hoặc mang tính chắp vá, thiếu nền tảng, không thể phát triển.
Thời Chúa Giêsu, người Do Thái biết tiên tri Êlia và ông Hênốc đã về trời trên chiếc xe bằng lửa. Khi sắp đến thời Messia xuất hiện, Êlia sẽ trở lại dọn đường cho Ngài (Mlk 4, 5). Họ tin rằng Êlia chấn hưng mọi sự. Người ta còn tin là Êlia xức dầu cho Đấng Messia làm vua và cho tất cả các vị vua được xức dầu. Biết nhiều như thế, nên kiêu căng và khó đón nhận Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã đến và đang ở giữa họ. Trong đời sống đạo, đôi khi tính tự phụ cũng làm cho người Kitô hữu sống bảo thủ trong giáo lý cũ kỹ của mình, không cập nhật, không canh tân, luôn lên tiếng chỉ trích, chê bai người khác và làm cho mình cách xa đời sống đạo chung với mọi người.
Khi trả lời là một trong những tiên tri:
Cái biết không rõ ràng, nhập nhằng không xác định, giống như người ta hay nói đùa: “cái gì cũng biết và biết chẳng ra cái gì”. Biết nhưng không đến nơi đến chốn. Một cái biết của sự hời hợt nông cạn, cái gì cũng biết, cũng thực hiện nhưng kết quả luôn dưới mức trung bình.
Những cái biết ít hời hợt cũng làm nên cuộc sống hời hợt, giữ đạo như giữ vậy thôi, theo Chúa cũng theo vậy vậy thôi. Không nhiệt thành mà cũng không chống, tàm tạm theo Chúa từ xa xa.
Cái biết hời hợt đôi khi cũng dễ bị cuốn hút theo chiều hướng khác, vì rễ đâm không sâu, như hạt giống rơi trên đá sỏi (Mt 13, 20 - 21).
Câu trả lời của các môn đệ.
Biết Chúa, là một chặng đường dài theo Chúa, học cùng Chúa, thi hành Lời Chúa. Cái “biết” của Phêrô đại diện cho các Tông Đồ trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16), giống như khởi đầu cho một nhận biết đích thật, còn đòi hỏi nhiều cung bậc khác nhau.
“Biết Chúa như Chúa biết con” tâm tình của Thánh Augustine thưa lên cùng Chúa. Đó là cái biết về sự yếu đuối của mình như Thánh Phêrô vừa khi tuyên xưng đã ngăn cản Chúa không thể bị nộp vào tay người đời, đã chối Chúa ba lần trong phiên tòa Thượng Hội Đồng. Điều ấy, Chúa biết, con người của mỏng giòn dễ vỡ. Chúa biết, nên Chúa giữ gìn, sửa dạy, tha thứ và yêu thương. Khi đó cái biết của người môn đệ không chỉ là cái biết “tai nghe, mắt thấy” mà còn là kinh nghiệm sâu xa ngay chính trong bản thân.
“Lạy Chúa, Chúa biết con, xin cho con biết Chúa; xin cho con biết Chúa như con được Chúa biết. Lạy Chúa là sức mạnh tâm hồn con, xin ngự vào và uốn nắn tâm hồn con cho hợp với Chúa để nó thành sở hữu của Chúa, không còn một vết nhơ hay nếp nhăn nào. Đó là niềm hy vọng của con và cũng là lý do khiến con thốt ra những lời này. Niềm hy vọng ấy làm con vui một niềm vui lành mạnh.” (Tự Thuật, Augustine).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn