TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ phong chức Phó tế -2016

Thứ sáu - 04/06/2021 04:03 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   1022
Bài giảng lễ phong chức Phó tế -2016

Bài giảng lễ phong chức Phó tế ngày 06. 12. 2016

Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin Mừng (Mt 5, 13-16), chúng ta vừa nghe nằm trong bài giảng Trên Núi (Mt 5, 7). Chúa Giê-su xuất hiện như một Môi-sen mới, dạy bảo dân Chúa sống trọn vẹn tinh thần của giao Ước Si-nai. Sau khi mời gọi các môn đệ sống theo tinh thần của Tám Mối Phúc, Chúa Giê-su đi vào từng hướng dẫn cụ thể để giúp cho các môn đệ nên trọn lành như Cha trên trời. Ở đây, Chúa mời gọi các môn đệ sống như là muối ướp đời và là ánh sáng thế gian.

Trước hết, muối đem lại khẩu vị cho người dùng. Người ta nhận thấy rõ nét là trong khi nấu món ăn, muối làm cho món ăn đó có ý vị hơn. Khi người đầu bếp biết nêm nếm món ăn một cách vừa đủ, người ăn sẽ thưởng thức món ăn đó một cách khoái khẩu. Cuộc sống con người hôm nay không chỉ ăn cho đủ no, nhưng còn ăn ngon, hợp khẩu vị nữa. Đời sống của người Ki-tô hữu cũng vậy: sự hiện diện của họ trong thế giới, với cung cách sống theo lời mời gọi của Tám Mối Phúc, sẽ đem lại cho con người một vị đặc biệt, một phong cách sống trong yêu thương và hi vọng. Đối diện với sự đồng điệu buồn tẻ của thế giới, như chạy theo danh vọng, tiền tài, bị vong thân trong thế giới vật chất phù du, người Ki-tô hữu sống tinh thần khiêm tốn tựa nương vào Chúa trong tinh thần nghèo khó, không tìm niềm vui trong việc tích lũy của cải, nhưng để tạo công ăn việc làm cho người khác, giúp cho mình và cho người nghèo sống xứng đáng với phẩm giá con người; người Ki-tô hữu biết đặt hạt muối của mình, được làm nên từ niềm hy vọng và ân sủng, vào cuộc sống một cách có ý nghĩa hơn. Hạt muối đó, như được cô đọng trong những lời đi trước bài Tin Mừng hôm nay, lời của các Mối Phúc, mời gọi đến niềm hạnh phúc của sự nghèo khó, của lời cầu nguyện, của sự hiền lành, sự công chính, lòng trong sạch, tinh thần hòa bình… Khi sống những thực tại đó, trong sự hiệp thông với Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu mang đến cho tất cả mọi sự một điều thú vị mới. Cái vị này không làm từ khẩu hiệu, quyết tâm, nhưng bằng cách thế sống có ý nghĩa và làm cho cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tiếp đến, muối có giá trị bảo quản. Vào thời đại Thánh kinh, chỉ có muối cho phép bảo quản thức ăn (vì chưa có các phương tiện khác như tủ lạnh v.v...) Nó đồng nghĩa với dự trữ. Người ta liên kết muối một cách biểu tượng với sự kéo dài và trung tín. Vì thế, sách Lê-vi nói về các tế phẩm dâng lên Thiên Chúa: “Các người phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các người dâng tiến; các người không được để lễ phẩm của các người thiếu muối Giao ước của Thiên Chúa các ngươi” (2, 3); đó là cách diễn giải Giao ước bền chặt giữa Thiên Chúa và con người. Người Ki-tô hữu theo gương người Do-thái, nhắc cho thế gian Giao Ước được Thiên Chúa đề nghị, và trong điều này, họ thực sự là muối cho đời, giữ gìn thế gian sống trong tinh thần của Tám Mối. Đối diện với con người và trong thực tại tinh thần của thế giới hôm nay, người Ki-tô hữu là dấu chỉ hữu hình của Giao Ước mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô với thế giới này.

Chúa còn nói, người Ki-tô hữu là ánh sáng thế gian. Thực vậy, ánh sáng tỏ bày, soi đường chỉ lối. Trong khi xua tan bóng tối, ánh sáng cho phép nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng. Trong Kinh Thánh, người ta thường nói đến sự mù lòa tinh thần, khuynh hướng không nhìn thấy rõ ràng những thực tại của Thiên Chúa. Trái lại, đối với Mat-thêu, các môn đệ của Chúa Giê-su, bằng đời sống của mình, thực sự là ánh sáng mạc khải về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Cuộc sống người Ki-tô hữu như ánh sáng giúp cho mọi người đọc thấy Lời Chúa dạy trong Tám Mối Phúc. Lời nói, cũng như tất cả cuộc sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, không phải là những dấu hiệu dành riêng cho một số những biệt lệ hiếm hoi. Chúa Giê-su không lập nên một tôn giáo bí ẩn dành riêng cho những người đặc biệt. Chỉ sự hiện diện trong thế gian của những người trung tín với Ngài, là chứng từ cho tất cả mọi người về ánh sáng của Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa mà Kinh Thánh nói rằng Ngài đã làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, nghĩa là trên mỗi người trong chúng ta.

Vì thế, ánh sáng của người Ki-tô hữu tỏ bày ra và hơn nữa, nó hướng dẫn. Ánh sáng mà cái nhìn hướng đến, chắc chắn tạo nên một điểm mốc để điều chỉnh. Thánh vinh đã gợi lên vai trò này của Lời Chúa, như ngọn đèn cho bước chân con, như ánh sáng dẫn đường. Nhưng Tin Mừng Mat-thêu còn đi xa hơn nữa. Không phải chỉ có Lời Chúa đóng vai trò này, nhưng còn là chính các Ki-tô hữu nữa. Rõ ràng giống như một thành ở trên núi, họ chỉ cho thế gian thấy con đường của Thiên Chúa. Như thành Giê-ru-sa-lem nằm cao trên đồi Sion, họ chỉ cho thấy con đường mà Thiên Chúa đã dùng để đến với chúng ta, và trên con đường đó, Ngài chờ đợi chúng ta, trong khi mời gọi chúng ta sống theo  một nền công chính tốt đẹp hơn.

Anh chị em thân mến,

Mười hai tiến chức của chúng ta hôm nay, đã lựa chọn cuộc sống dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội với tất cả ý thức và tự do của mình. Các thầy muốn thực sự trở nên những người cộng tác với Chúa trong vai trò phó tế, chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Các thầy muốn trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các thầy luôn ý thức rằng mình được kêu gọi để được sống kết hợp với Chúa Giê-su - cây nho đích thực. Nhờ đó, các thày luôn mang trong mình muối mặn của Chúa, chứ không phải những hương vị của thế gian; trở nên ánh sáng thắp lên từ cây nến Phục Sinh, chứ không phải chỉ là những bóng đèn trang trí bên ngoài. Xin cho các thầy luôn trung tín với lời cam kết hôm nay, để các thày luôn được sống hạnh phúc với ơn Chúa, trong lòng Giáo Hội, trong lòng cộng đoàn mà các thầy sẽ được gởi đến phục vụ.

Các thầy sắp sửa lãnh nhận chức phó tế thân mến,

Nếu Cha không lầm, thì lớp của chúng con là lớp chủng sinh có thời gian học tiếng dân tộc nhiều nhất. Tuy rằng mỗi mùa hè, chúng con chỉ có hai tuần để học tiếng dân tộc, và một tháng đi vào buôn làng, nhưng cha cũng đọc thấy nơi chúng con tấm lòng yêu mến anh chị em dân tộc rất nhiều. Vì thế, vào cuối năm thần học thứ 3, khi cha đề nghị những anh em xung phong học thêm tiếng dân tộc, để sau này làm việc mục vụ trong Ban Loan báo Tin Mừng hiệu quả hơn, rất nhiều người trong lớp chúng con đã quảng đại đáp lại lời gọi của giáo phận. Và sau khi mãn thần học, trong công việc mục vụ, chúng con đã có dịp để học thêm tiếng Ê-đê, Mnông Stiêng, Sê-đăng, Hmông… Để hiểu một ngôn ngữ, và nhất là trở nên một với con người và ngôn ngữ đó, cần rất nhiều thời gian và cố gắng. Cha mong ước trong giáo phận BMT, sẽ có nhiều anh em linh mục dấn thân phục vụ anh chị em, với tinh thần hội nhập, yêu thương và kính trọng.

Làm quen, hiểu biết, nên một với con người và ngôn ngữ để làm gì, nếu không phải là để giúp anh chị em hiểu được Lời Chúa tốt hơn, để giúp anh chị em điều chỉnh cái nhìn và cách sống của mình cho phù hợp với ơn gọi làm con cái Chúa.

Sống giữa anh chị em dể làm gì, nếu không phải là để nên ánh sáng, giúp anh chị em, qua cuộc sống và gương lành của chúng con, hiểu được những Lời Chúa giảng về Tám Mối Phúc, về Bài Giảng Trên Núi, là có thể thực hiện được, và chúng ta, những người Ki-tô hữu sống hạnh phúc nhờ những lời mời gọi đó.

Để có thể giúp anh chị em cảm nhận được chất muối và ánh sáng nơi các con, điều quan trọng là hãy biểu lộ cho anh chị em thấy được tình thương mà chúng con dành cho họ, thấy được niềm vui vì chúng con được thuộc về họ, và thấy được rằng chúng con là những người thuộc về Chúa nữa.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, để trong cuộc sống mới, với ơn thánh, và với lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa, chúng con luôn trung thành với lời cam kết của mình.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Giám mục GP. BMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây