TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – B

Thứ hai - 07/10/2024 23:41 |   435
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,35-45)

20/10/2024
chúa nhật XXiX THƯỜNG NIÊN – b

Chúa Nhật Truyền giáo

cn29 TNb

Mc 10,35-45


làm người phục vụ
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,35-45)

Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.

Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.

Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?

Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, nhỏ bé để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.

Ngày 20: Lạy Mẹ Mân Côi! Sự hiện diện đầy can đảm của Mẹ dưới chân Thập Giá cũng gợi lên cho chúng con biết bao khổ đau của phận người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ một người nào. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con biết cùng với Mẹ, đứng dưới chân Thập Giá, để chúng con cảm nhận được bao nỗi khổ đau của những người xung quanh, và để chúng con cảm nhận được một sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn can đảm đón nhận và vượt qua mọi trở ngại, để tiến lên trên hành trình đức tin với nhiều thử thách, cam go. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
chúa nhật XXiX THƯỜNG NIÊN – b
Chúa Nhật Truyền giáo

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Con người sống trong xã hội thường nghĩ tới danh vọng, chức quyền để được điều khiển người khác. Ngay cả các Tông Đồ là những người được Chúa dạy bảo, hướng dẫn, đào tạo. Thế mà các ông vẫn tranh dành ảnh hưởng.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIX cho thấy rõ quan điểm của họ hoàn toàn trái ngược với mạc khải của Chúa, thay vì để được phục vụ thì họ phải phục vụ người khác.

Giờ đây trong tâm tình sốt mến, chúng ta cùng ăn năn thống hối để dâng Thánh lễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. 

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 35-45 (bài dài)

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mc 10, 42-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Để có những tâm hồn thiện chí, tự nguyện hiến thân làm thợ gặt đến khắp cánh đồng truyền giáo. Chúng ta hãy tạo điều kiện và cầu xin:

1. “Nếu ngươi hiến thân làm lễ vật đền tội, ngươi sẽ thấy một dòng giống trường tồn” – Xin ban thần trí khôn ngoan và sức mạnh trên các vị Chủ chăn, để các ngài luôn hăng say, kiên trì trong công cuộc làm cho Nước Chúa được hiển trị khắp nơi.

2. “Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta”,- Xin cho cấc tín hữu ý thức được hồng ân đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy, để họ sống trọn vẹn vai trò ngôn sứ, tư tế và vương gỉa trong đời sống chứng nhân giữa lòng xã hội.

3. “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng đề phục vụ” – Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia ý thức Lời Chúa hôm nay, để họ biết đem tài sức mình mà phục vụ cho con dân được an cư lạc nghiệp.

4. “Thầy ban sự sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người“.- Xin Chúa khai quang tâm trí mọi người trong giáo xứ chúng ta, để với sự hoạt động của ơn Chúa, và sự cố gắng của mỗi người, chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con một tinh thần ham mê học hỏi chân lý, tích cực cầu nguyện, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh trong đời sống Kitô hữu, để nhiều người được dẫn vào đường cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

Phục vụ

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy nổi bật lên tinh thần phục vụ.

Thực vậy, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Suốt quãng đời công khai, Ngài đã làm biết bao nhiêu phép lạ, cho kẻ què được đi, kẻ mù được sáng, kẻ phong cùi được lành sạch, hầu xoa dịu phần nào những đớn đau và bất hạnh. Chúng ta có thể nói về Ngài như sau: Đi tới đâu, Ngài liền thi ân giáng phúc tới đó. Và sau cùng để cứu độ chúng ta, Ngài đã phải chịu chết trên thập giá, như lời Ngài đã xác quyết: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Chính Ngài cũng đã đúc kết về cuộc đời của mình: Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Đồng thời, Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài đi vào con đường dấn thân để phục vụ. Trong bữa tiệc ly vào buổi tối ngày thứ năm Tuần thánh, Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và nói: Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm. Nhưng nếu ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vậy chúng ta cần phải phục vụ và giúp đỡ người khác như thế nào?

Bác sĩ Tom Dolly, người đã từng hy sinh cả cuộc đời của mình giữa chốn rừng thiêng nước độc ở bên Lào, để giúp đỡ cho những người thiếu may mắn vào khoảng đầu thế kỷ này, đã nói như sau: Không ai quá nghèo đến độ không có một cái gì đó để trao tặng cho người khác.

Cũng vậy, dầu bất tài, xấu xí hay bệnh tật đến đâu chăng nữa, thì chẳng ai là một kẻ vô dụng cho người khác và cho xã hội. Như thế có nghĩa là ở mọi nơi và trong mọi lúc, chúng ta đều có thể thực hiện được những hành động bác ái yêu thương, phục vụ và giúp đỡ người khác.

Đúng thế, một người ăn xin ư? Họ có thể cho chúng ta một dịp để sống quảng đại và chia sẻ. Một kẻ tàn tật và đau ốm ư? Họ có thể mời gọi chúng ta sống cảm thông và nâng đỡ, đồng thời còn đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, của đau khổ và của sự chết. Một kẻ thù của chúng ta ư? Họ có thể đem lại cho chúng ta một cơ may để sống kiên nhẫn, chịu đựng và tha thứ.

Phải, bất kỳ ai cũng có thể ban tặng cho chúng ta một cái gì đó. Vấn đề là chúng ta có biết mở rộng cõi lòng để đón nhận hay không? Đồng thời chúng ta cũng phải tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để phục vụ và giúp đỡ những người chung quanh? Chẳng hạn như một nụ cười, một ánh mắt, một sự lắng nghe, một lời nói cảm thông, an ủi và khích lệ.

Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi việc làm của tình bác ái yêu thương sẽ là như một quà tặng mà từng giây từng phút, chúng ta có thể và phải đem đến cho người khác. Giữa đám đông dân chúng đang dâng cúng tiền bạc tại đền thờ, đôi mắt Chúa Giêsu đã dừng lại nơi một bà goá nghèo hèn. Bà chỉ bỏ vào hòm tiền có một đồng xu, thế nhưng Ngài đã nhìn thấy giá trị to lớn của hành vi và đồng xu nhỏ bé ấy. Bởi vì dưới cái nhìn của Chúa, mọi sự dù nhỏ bé đến đâu chăng nữa cũng vẫn có giá trị của nó.

Phục vụ – Jean-Yves Garneau.

Chỗ nhất

Giacôbê và Gioan không ngần ngại xin Chúa Giêsu điều mà các ông mơ ước có lẽ đã từ lâu. Trong vương quốc của Ngài, các ông muốn được những chỗ nhất, bên tả và bên hữu Ngài. Mười môn đệ kia nghe các ông xin như vậy thì lấy làm chướng tai… Điều đó cho thấy rõ rằng chính các ông này nữa muốn những chỗ nhất ấy.

Chúng ta đừng nói đó là chuyện trẻ con, là nhẹ dạ. Tự bản chất, con người muốn làm lớn, muốn ở trên kẻ khác, muốn thống trị, thích tìm ngồi chỗ nhất. Xã hội chúng ta lại khuyến khích và khơi dậy ước muốn đó, một ước muốn mà mọi con người bình thường đều có. Xã hội sùng bái những người đứng đầu, chiều chuộng những kẻ giàu nhất, mạnh nhất, thông minh nhất, đẹp nhất, táo bạo nhất. Chỗ nhất! Đôi khi chẳng có gì mà người ta không làm để đạt tới đó. Không phải ai cũng đều thành công, nhưng ai cũng ao ước, ai cũng mơ ước được như vậy.

Phục vụ chứ không phải được phục vụ.

Ta hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không trách hai môn đệ của Ngài vì muốn được gần Ngài trong vinh quang Thiên quốc. Ngài cũng không bảo các ông rằng ước muốn của các ông sẽ không thành đâu. Ngài không biết được. Không phải Ngài quyết định về việc này. “Về việc ở bên hữu hoặc ở bên tả Thầy thì không phải Thầy ban cho được”. Tuy nhiên Ngài lợi dụng dịp này để nhắc lại một giáo huấn cơ bản mà các môn đệ của Ngài khó hiểu.

Giáo huấn đã được lặp lại bao nhiêu lần rồi là: Những kẻ cao trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là những kẻ để cho người ta phục vụ mình, nhưng là những kẻ phục vụ; những kẻ xứng đáng chỗ tốt trong Nước Trời, không phải là những kẻ chỉ biết ước mơ xin xỏ, nhưng là những kẻ bắt chước Chúa Kitô, uống chén đắng mà Ngài đã uống, làm đầy tớ như Ngài, chịu thanh tẩy bằng đau khổ như Ngài.

Uống chén đắng, được thanh tẩy bằng cuộc thanh tẩy bằng cuộc thanh tẩy của Chúa Kitô: làm đầy tớ, làm nô lệ mọi người, phục vụ chứ không mong người ta phục vụ mình, hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người, gặp thử thách, bị đau khổ nghiền nát, làm cho cuộc sống của mình trở thành một của lễ hy sinh đền tội… Đó là những từ ta gặp thấy trong các bài đọc hôm nay. Những từ ngày bổ túc cho nhau và diễn tả những gì làm cho chúng ta trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và những gì cho phép đạt đến những chỗ nhất bên cạnh Chúa Kitô. Ta có thể tóm tắt giáo huấn này bằng công thức sau đây: Phục vụ chứ không phải được phục vụ.

Một công việc khó nhọc.

Dĩ nhiên chúng ta có ý muốn bước theo Chúa Kitô và thực hành lời giáo huấn của Ngài. Nhưng chúng ta biết rằng điều này không dễ. Phục vụ, phục vụ cách vô vị lợi, phục vụ trong sự quên mình và xả thân, phục vụ cho đến nỗi phải đau khổ, không thể trong vòng một ngày mà chúng ta làm được và cứ phải làm lại mãi.

Bao nhiêu người muốn và tự nhủ phục vụ kẻ khác nhưng không phục vụ hoặc chỉ làm nửa chừng thôi. Người bán hàng nói với khách hàng “Xin phục vụ quý vị!”. Các nhà chính trị tuyên bố: “Hãy bỏ phiếu cho tôi để tôi có thể phục vụ quý vị!”. Các công đoàn tự nhủ sẽ phục vụ công nhân, các công ty lớn khẳng định là đưa tài sản phục vụ sự tiến bộ của xã hội, các bác sĩ muốn phục vụ bệnh nhân, các giáo sư phục vụ sinh viên. Các phụ huynh phục vụ con cái, các cha sở phục vụ con chiên và Giáo Hội phục vụ hết thảy mọi người bắt đầu từ những người nghèo nhất…

Có nguy cơ lạm dụng hai từ phục vụ. Bao nhiêu dịch vụ vẫn chẳng có gì là vô vị lợi cả! Nhiều tham vọng, có thể trà trộn vào ý muốn chân thành phục vụ.

Dù ở địa vị nào trong xã hội của chúng ta, bất chấp dù mức sống cao hay thấp, dù tài năng ra sao, dù làm công việc gì, chúng ta có quan tâm đến phục vụ kẻ khác không? Chúng ta có thực sự phục vụ họ không? Đó là những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta hôm nay.

Lật ngược xuống là đúng chiều rồi

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Món Bánh táo đảo ngược là món ưa thích đối với nhiều người. Trong lúc nướng nó có vẻ giống như là bình thường và bằng phẳng, nhưng khi được phục vụ với đường, nước sốt và mứt trên đỉnh. Chúng ta có thể tin rằng Mẹ Maria đã không bao giờ nướng bánh táo lật ngược cho Chúa Giêsu (vì Giuđêa thời gian đó chưa nhập khẩu của Hawai), nhưng nếu Mẹ đã làm bánh táo này thì đó là món ưa thích đối với Chúa Giêsu. Lý do là khi bánh đảo ngược xuống giới thiệu những giá trị của Chúa Giêsu vì chúng xuất hiện trên bề mặt úp xuống.

Xã hội thế tục nói rằng: “Hãy tiến lên phía trước, hãy cạnh tranh. Đừng để bất cứ ai vượt qua mặt bạn. Hãy trình bày cho mọi người biết ông chủ là ai. Hãy làm cho mọi người nghĩ rằng bạn là quan trọng. Hãy tự chăm sóc như là số một. Hãy làm điều đó”. Ngay những tông đồ mặc dù không sống trong kỷ nguyên của chúng ta “nơi cái bánh ngọt lật ngược” họ đã nếm, đã thưởng thức với những loại tham vọng mà xã hội của chúng ta ngày nay đang tiến cử và Chúa Giêsu thì chống lại nó.

Tham vọng nơi lòng của Giacôbê và Gioan thì mạnh mẽ khiến cho họ bạo gan đòi hỏi Chúa Giêsu cho họ được ngồi ở chỗ quan trọng, bên phải hoặc bên trái Người khi Ngài tiến vào trong vinh quang của Người. Họ nhấn mạnh: “Hãy xem”. Chúng ta không chắc là những tông đồ đã tranh luận điều đó với Chúa Giêsu trong bao lâu, nhưng Giacôbê và Gioan đã không hiểu cả hai: Giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu.

Giáo huấn chắc chắn của Chúa Giêsu là khiêm nhường không được kiêu ngạo, đó là chúng ta phải sẵn lòng phục vụ người khác, không thống trị người khác. Từ khi Giacôbê, Gioan và những tông đồ khác đã thất bại trong việc nắm bắt giáo huấn của Chúa Giêsu, Người đã trở thành rõ ràng bao nhiêu có thể. Ngài nói: “Bất cứ ai trong các ngươi muốn làm lớn thì phải phục vụ như người hầu hạ, bất cứ ai muốn ngồi chỗ nhất thì phải phục vụ tất cả những người có nhu cầu”. Đó là tóm tắt tất cả giáo huấn của Người.

Gương mẫu của Chúa Giêsu còn quan trọng hơn giáo huấn của Ngài nữa, Chúa Giêsu là người Con đời đời của Thiên Chúa, đã rời bỏ ngai tòa trên trời mà trở nên một với chúng ta. Ngài đã từ bỏ tất cả những xa hoa của xã hội thế tục, Chúa Giêsu đã khiêm tốn, Ngài khiêm tốn trong suy nghĩ, không phải cho chính Ngài nhưng cho chúng ta, Ngài đã trở thành con người, Người trở thành tư tế, trở thành Đấng Cứu độ chúng ta, Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng và nhận được lòng thương xót và giúp đỡ trong những giây phút cần. Đó là gương mẫu của Người mà Người đã trình bày trong khi tuyên bố: “Này Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng phục vụ và hiến trao mạng sống để cứu chuộc muôn dân”.

Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta vẫn còn tiếp tục là nhân chứng cho sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể không phải để đặt bẫy cho sự trung thành hoặc là ở giữa những tiếng xập xình của các tín hữu hoặc là ở giữa những tiếng kèn trumbét của các thiên thần trên trời. Ngài đã đến trong sự khiêm tốn, Ngài đã sẵn lòng trở nên tầm thường, một tấm bánh đơn giản trở nên thân thể của Người, và Người đã thay đổi rượu nho rẻ tiền trở thành Máu Người, Người đã làm như thế để phục vụ chúng ta và không có điều gì hơn là để cho chúng ta có thức ăn và thức uống, nhưng chính Người là của nuôi sống thiêng liêng cho chúng ta. Thiên Chúa có thể nghĩ được điều gì hơn, gương mẫu nào hơn, trong sự khiêm nhường và phục vụ để cạnh tranh hơn không? Hãy để cho những người khác ước ao cố gắng làm Chúa trên những người khác thấy điều này, tất cả chúng ta có gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu. Một số người đã cố gắng làm ra vẻ quan trọng, Chúa Giêsu nói: “Đừng làm như thế”.

Thật là tồi tệ khi các tông đồ đã không bao giờ ăn một cái bánh đảo ngược, điều đó thì có thể cho họ nhưng điều đo cũng sẽ là cho chúng ta, một dấu hiệu mà Chúa Giêsu đã đảo ngược lại thành đúng chiều.
 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên -B

CN29TNb 2

Mc 10, 35-45
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
          
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
          
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

LÀM ĐẦY TỚ
(Chúa Nhật XXIX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Đọc Tin Mừng, ta thấy dường như duy chỉ có trường hợp hai anh em nhà Giêbêđê (hay chính người mẹ của hai ông này) đến xin Chúa Giêsu cho xí phần tả hữu khi Chúa được vinh quang, theo mộng tưởng của hai vị là Chúa sẽ làm vua. Dù rằng mười vị còn lại có biết chuyện này, vì các vị đã tức tối ra mặt, nhưng không thấy vị nào mon men đến xin xỏ Thầy một chức vị nào đó cho sau này. Có thể đây là một lý do: Điều xin thì chưa chắc được nhưng điều không xin thì lại phải bị gánh chịu. “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mc 10,39-40).
          
Phen này đúng là thua to, hai vị nhà Giêbêđê im hơi lặng tiếng đủ nói lên tâm trạng của các vị. Thực ra không phải hai vị mà cả nhóm Mười Hai đã lầm. Cái lầm căn bản của cả nhóm đó là mong sẽ được có chức vị cao trọng ngoài xã hội, và dĩ nhiên sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đi theo Thầy Giêsu. Vị tôn sư người Nagiarét đủ đầy quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn phải là Đấng Thiên Sai, nếu không thì cũng là một đại ngôn sứ. Với uy quyền cả thể như thế, chắc chắn Người sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ ngoại bang và sẽ được phong làm vua. Ngay cả trước khi Chúa về trời thì các ngài cũng còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cvtđ 1,6).
          
Cả nhóm Mười Hai lầm thì cũng dễ hiểu vì các ngài chưa được nghe lời khẳng định của Thầy trước mặt Philatô rằng Người là vua nhưng nước Người không thuộc về thế gian này (x.Ga 18,33-38). Nơi con người, song hành với tính xã hội thì có đó bản năng thống trị. Ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng tìm cách làm đầu kẻ khác. Dẫu sao đi nữa, làm đầu con tôm cũng hơn là làm đuôi con rồng. Dù lớn hay bé, khi đã được làm đầu thì không chỉ sẽ được kính trọng mà còn được cung phụng. Vì thế, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy đây là một chủ đề thường xuyên trở thành nguyên cớ tranh luận giữa tập thể nhóm Mười Hai.
          
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Lời khẳng định của Chúa Giêsu là một mệnh lệnh. Cả nhóm Mười Hai hôm ấy và cả chúng ta hôm nay, chẳng ai chối cãi hay biện bạch. Thế nhưng, thực tế minh chứng cho thấy chúng ta vẫn còn đặt để mệnh lệnh ấy trên giấy cách nào đó. Không riêng gì người theo Chúa, quý vị nắm trọng trách ngoài xã hội cũng khẳng định rằng chính quyền là đầy tớ nhân dân. Thế mà chuyện đầy tớ ăn trên ngồi trước, còn các ông chủ thì khép nép tìm các hạt cơm thừa; đầy tớ thì chễm chệ ghế salon nệm dày, sở hữu nhà cao cửa rộng còn ông chủ lại vất vưởng trong các căn chòi ọp ẹp… đã trở thành “chuyện tử tế” của một thời và hình như là của nhiều thời, nhiều nơi.
          
Có thể có nhiều lý do để biện minh về việc các ngài đầy tớ sở hữu cũng như sử dụng các phương tiện sang trọng. Các vị ấy cần có phương tiện thích ứng để làm đầy tớ tốt hơn, hữu hiệu hơn. Các vị ấy không chỉ cần có tác phong tương xứng, mà còn cần có những cái bên ngoài như y phục, đồ dùng, phương tiện đi lại… cách nào đó cho phù hợp với vai vế hay chức vụ đảm nhận mà thôi (noblesse oblige). Đây không phải là lời biện minh, nhưng là lời giải thích khá hữu lý và hợp tình. Thế thì đâu là dấu chỉ một người làm đầu đang thực sự làm đầy tớ?
          
Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta một dấu chỉ bằng chính cuộc sống, cung cách hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).
          
Số người được làm đầu con rồng trong Giáo hội hay ngoài xã hội quả là không nhiều, nhưng số người làm đầu con tôm, tôm to, tôm vừa, tôm bé hay các loại tép thì đếm không xuể. Có một vài người thuộc quyền của chúng ta, dưới quyền của chúng ta, trong trách vụ của chúng ta thì chúng ta đang được đặt làm đầu. Đó là đàn chiên chúng ta đang chăn dắt, đó là con cái mà ta đã sinh thành, đó là nhóm học sinh ta đang dạy dỗ, đó là những người cô thân, bé phận ngoài xã hội hay trong Giáo hội, đó là những người yếu đuối, tội lỗi đang cần chúng ta nâng đỡ, dìu dắt, chỉ lối, dẫn đường… Như thế, có thể nói hầu hết chúng ta đã được đặt làm đầu. Đã làm đầu thì phải làm đầy tớ.
          
Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).
          
Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ - tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.

KHÔNG BIẾT MÌNH XIN GÌ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các anh không biết các anh xin gì!”.

Ở những đất nước mà “trí tuệ” đứng sau “hậu duệ” và “tiền tệ”, thì “quan hệ” đóng một vai trò quan trọng đối với người chạy chức, chạy quyền và chạy việc! Ở Tàu, người ta nói đến “guanxi”; đọc trại một chút ra tiếng Việt, “quan hệ”, đúng với ngữ nghĩa của nó!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay bất ngờ tiết lộ việc hai môn đệ thân tín tận dụng “guanxi” để cầu cạnh Thầy mình - Giacôbê và Gioan; và bất ngờ hơn, câu trả lời của Chúa Giêsu, “Các anh không biết các anh xin gì!”. ‘Không biết mình xin gì’, chúng ta cùng suy nghĩ!

Đến với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan mạnh dạn, “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang!”. Sở dĩ, họ táo bạo đến thế, vì đã nghe Ngài nói về sự đau khổ, cái chết và sự sống mới của Ngài; và ít nhiều, họ công nhận Ngài là Messia, Vua Israel; và thi thoảng, nghe Ngài nói đến Vương Quốc. Tuy nhiên, thỉnh cầu của họ cho thấy họ không hiểu gì về bối cảnh ‘lên Giêrusalem’. Chúa Giêsu không dễ mắc lừa. Ngài nói, “Các anh không biết các anh xin gì!”. Đoạn Ngài trả lời cho họ bằng một câu hỏi khác, “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Họ lấp lửng, “Thưa được!”.

Giacôbê và Gioan không hề hiểu chiến thuật mà Vua Giêsu của họ sẽ toàn thắng. Ngài sẽ trút bỏ bản thân đến cấp độ thấp nhất của loài người; và chỉ sau đó, mới tiến vào Vương Quốc. Thiên Chúa sẽ để cho Tôi Tớ Đau Khổ của Ngài bị nghiền nát tột cùng hầu “thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn” - bài đọc một. Đó là con đường Giacôbê và Gioan sẽ đi, chén đắng họ sẽ uống, phép rửa họ sẽ chịu. Họ sẽ chìm đắm trong sự tự hiến hoàn toàn của Thầy. Và lạ lùng thay, đó là những gì họ đã làm! Giacôbê sẽ là vị tử đạo sớm nhất của Giáo Hội; họ sẽ đồng hiển trị vinh quang với Thầy, nhưng sẽ cùng Thầy đi trên con đường thập giá chứ không bằng bất kỳ ‘guanxi’ hay ‘cửa sau’ nào!

Tin Mừng cho biết, nghe vậy, mười môn đệ kia tỏ ra tức giận với hai anh em. Thái độ của họ lại tiết lộ sự hiểu biết của họ về Thầy mình cũng không tốt hơn chút nào! Tập hợp họ, Chúa Giêsu chỉ cho họ con đường dẫn đến vĩ đại: đường phục vụ, cúi xuống, đường thập giá. Nó không bao gồm việc ngồi trên ngai. Sự vĩ đại không là những gì tôi có hay tôi nhận được, nhưng là tất cả những gì tôi có thể cho đi! Thư Do Thái thật thâm trầm, “Chúng ta có một Thượng Tế cao cả - bài đọc hai. Ngài cao cả khi trở nên tư tế trần truồng treo lủng lẳng trên thập giá, lúc đám đông bên dưới chế nhạo và nộp rủa!

Kính thưa Anh Chị em,

Trong “Một Điều Gì Đó Thật Đẹp Cho Thiên Chúa”, “Something Beautiful for God”, Muggeridge viết về Mẹ Têrêxa, “Sự vĩ đại của mẹ không nằm ở danh tiếng hay thậm chí danh thơm về sự thánh thiện của mẹ; mà là ở tinh thần phục vụ đối với những ai bị bỏ rơi và túng thiếu nhất!”. Đừng trở thành những người ‘không biết mình xin gì!’. Bạn và tôi hãy xin cho mình bớt vô tâm, biết đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo, hầu xoa dịu và chữa lành ngần nào có thể bao vết thương của những ai dễ bị tổn thương nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo áo mão, chức quyền mà đánh mất chính mình. Cho con giống Chúa qua đường thập giá, phục vụ; dám uống chén Chúa trao mỗi ngày”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXIX Thường niên -B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây