TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 12/09/2024 14:36 |   243
Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, Tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,11-17)

17/09/2024
Thứ ba tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh Rôbertô Bellarminô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t24 TNb

Lc 7,11-17


hãy trỗi dậy
Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, Tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,11-17)

Suy niệm: Ai lại không tiếc thương cho người thanh niên vĩnh viễn ra đi giữa tuổi thanh xuân? Hơn nữa đó lại là người con trai duy nhất, chỗ dựa còn lại cho người mẹ goá! Đức Giê-su lại càng động lòng trắc ẩn trước những tình cảnh đáng thương như thế. Ngài nói: “Hỡi người thanh niên, hãy trỗi dậy!” Chẳng những Ngài ban lại sự sống cho chàng trai trẻ, Ngài còn ban lại đứa con cho người mẹ, ban lại sự sống tinh thần, niềm hy vọng cho bà.

Mời Bạn: Cái chết của người thanh niên là dấu chỉ cái chết đáng khóc thương nhất của con người là cái chết do tội lỗi. Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, cũng xót thương Người Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô chịu chết vì tội nhân loại, và Chúa cũng sẽ nói: “Hãy trỗi dậy!” để phục sinh Người Con ấy và để chúng ta cũng được sống lại với Người. Có thể về mặt thể lý, bạn đang sống khoẻ. Nhưng nếu như bạn cảm thấy mình đang thờ ơ nguội lạnh, chưa “siêng năng việc Đức Chúa Trời”, hoặc sa đà trong những đam mê bất chính, hãy coi chừng, đó là dấu hiệu bạn đang ở trong bóng tối của sự chết đấy.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày, bạn kiểm điểm bản thân để phát hiện những dấu hiệu của sự chết đang tiêm nhiễm vào cuộc sống của bạn, và bạn cầu xin Chúa cho bạn được “trỗi dậy” với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa nhìn đến bao con người, nhất là những người trẻ đang nằm trong bóng tối sự chết. Xin vì lòng thương xót của Chúa, cho chúng con là những người tội lỗi, được ơn chết đi cho tội, và được trỗi dậy để sống cuộc sống mới, trong Đức Ki-tô phục sinh. Amen.

Ngày 17: Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng tranh luận với người không biết lý lẽ, nếu không sẽ rất khó phân biệt: rốt cuộc, ai mới là người vụng dại. Xin cho chúng con ý thức rằng: Thành công không dành cho kẻ chiếm ưu thế ở điểm khởi đầu, mà dành cho người biết cách: vượt qua những bước ngoặt, để tiến nhanh về đích. Thể hiện hết tâm trạng ra ngoài, gọi là bản năng, biết cách điều tiết nó, gọi là bản lĩnh. Xin cho chúng con biết chế ngự con người mình, biết nâng niu những giá trị cuộc sống, và biết trao tặng tình thương cho tất cả mọi người. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 1-13

“Vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không ai trách cứ được: các vị phụ tá cũng vậy, phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Ðây là lời chân thật: Nếu ai ao ước chức chủ tịch giáo đoàn, thì đó là ước ao một nhiệm vụ tốt đẹp. Vậy vị chủ tịch giáo đoàn phải là người không có ai trách cứ được, người chỉ kết hôn một lần, ăn ở tiết độ, khôn ngoan, thanh lịch, đoan trang, hiếu khách, biết giảng dạy, không mê rượu chè, không gây gỗ, nhưng hoà nhã: không cạnh tranh, không tham lam, nhưng biết cai quản gia đình mình, dạy con cái biết vâng phục và tiết hạnh. Nếu ai không biết cai quản gia đình mình, thì làm sao coi sóc được cộng đoàn Thiên Chúa? Vị chủ tịch giáo đoàn không phải là tân tòng, kẻo cậy mình kiêu căng mà sa vào án phạt của ma quỷ. Người phải có tiếng tốt nơi người ngoại, kẻo bị ô danh và sa lưới ma quỷ.

Cũng thế, những người phụ tá phải đoan trang, không ăn nói nước đôi, không nghiện rượu, không tìm lợi cách đê tiện, nhưng phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm thanh sạch. Những kẻ ấy phải được thử thách trước, rồi nếu không có gì đáng trách, thì mới được phục vụ. Người phụ nữ cũng vậy, phải đoan trang, không nói hành, phải tiết độ và trung tín trong mọi sự. Các vị phụ tá phải là người chỉ kết hôn một lần: biết coi sóc con cái và nhà cửa mình. Vì những phụ tá khi thi hành đứng đắn chức vụ, sẽ được lên bậc cao trọng và sẽ đầy hiên ngang trong lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 100, 1-2ab. 2cd-3ab. 5. 6

Ðáp: Con sẽ sống theo lòng vô tội

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương và đức công minh, lạy Chúa, con sẽ đàn hát mừng Ngài. Con sẽ tiến thân trên đường liêm khiết, khi nào Chúa sẽ đến viếng thăm con?

Xướng: Con sẽ sống theo lòng vô tội trong nơi cung thất của con. Con sẽ không để bày ra trước mắt một chút chuyện chi gian trá.

Xướng: Ai bí mật nói xấu người lân cận, con sẽ tiêu diệt thứ người này. Hạng người mắt nhìn cao và lòng kiêu hãnh, hạng người đó con cũng không dung.

Xướng: Mắt con theo dõi những người trung thành trong đất nước, để họ cùng được cư ngụ với con. Ai sinh sống theo đường liêm khiết, con người đó sẽ được hầu hạ con.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 12, 12-14. 27-31a

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chỉ thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá.

Xướng:Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.- Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 11-17

“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Ðừng khóc nữa”. Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CON TRAI BÀ GÓA Ở NAIM SỐNG LẠI (Lc 7,11-17)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Vì tình yêu thương mà Đức Giê-su đem lại niềm an ủi cho bà góa thành Na-im. Ngài không đành lòng nhìn bà đau khổ nên đã cho con trai bà sống lại.  Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp, Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương. Ngài chạnh lòng thương trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non. Phép lạ cho thấy Đức Giê-su luôn quan tâm đến nỗi khổ của chúng ta. Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi an và cứu giúp chúng ta.

2. Bà góa trong Tin Mừng hôm nay đau khổ biết bao: một đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo. Xã hội thời đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà. Không có chồng, không có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.

Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn con của bà, thì Đức Giê-su cũng xuất hiện đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương, khẽ an ủi bà: “Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy chỗi dậy”! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.

3. “Bà góa” là một trong những thành phần được Đức Giê-su ưu đãi và đặc biệt  dành nhiều tình cảm nhất, vì họ thuộc nhóm những người nghèo hèn, cùng khốn của xã hội. Họ là đối tượng được Đức Giê-su quan tâm. Ở đây, trước nỗi đớn đau khốn cùng của bà góa thành Naim về cái chết của đứa con duy nhất. Đức Giê-su đã chạnh lòng thương. Ngài không trì hoãn. Ngài đã đến an ủi bà  và làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. Không chỉ con của bà được sống lại, tâm hồn của bà  và của mọi người chứng kiến sự sống lại này cũng được sống lại, niềm tin của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh. “Bà đừng khóc nữa”. Phải, rất cần một thái độ cậy trông hơn là thái độ than vãn trong khi chờ lòng thương xót của Chúa (5 phút Lời Chúa).

4. Trong Tông thư gửi những người sống đời tận hiến, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời họ ra khỏi chính mình và đi về những vùng biên của cuộc đời, về phía những người đang mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, các bạn trẻ đang gặp ngõ cụt trước tương lai và những người già bệnh tật đang bị loại trừ.

Đứng trước sự đau khổ của bà góa thành Naim, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và ra tay làm phép lạ cho anh con trai duy nhất của bà sống lại. Người đã đi bước trước để xoa dịu và cất đi sự đau khổ của bà.

Ngày hôm nay, xã hội tuy phát triển về kinh tế, thông tin… nhưng con người càng ngày càng dửng dưng, vô cảm với nhau. Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi sống cảm thương trước nỗi đau của người khác. Khởi đi từ việc thương cảm, chúng ta thực thi những hành động bác ái cụ thể để nâng đỡ, ủi an những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ (Học viện Đa-minh).

5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm với người khác. Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương (theo Thomas Merton), một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô đã khuyên bảo: “Hãy vui cùng kẻ vui, hãy khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,15).

Con người không thể sống trơ trơ như đá. Con vật còn biết thương nhau, chia sẻ với nhau, huống chi là con người. Người Việt nam chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này nên đã nói:

Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ (Tục ngữ)

Theo gương Đức Giê-su, chúng ta hãy tập cho mình biết đi ra khỏi mình, đừng bao giờ co cụm lại nơi mình. Hãy biết đi đến với người khác. Mang lấy cái tâm tình của người khác, nghĩa là hãy học biết thông cảm.

6. Truyện: Biết cảm thông và chia sẻ.

Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một việc kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giảng viên bộ môn trả lời:

– Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị phải luôn gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên chị tạp vụ trong trường: Chị tên là Dorothy.

Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

VỊ NGÔN SỨ VĨ ĐẠI
(THỨ BA TUẦN 24 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 24 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin Chúa nhìn đến chúng ta, và cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.

Tận tình thờ phượng Chúa, chứ không chạy theo những ngẫu tượng, để rồi, tự chuốc lấy những hậu quả đau thương, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Lòng tin tưởng Dân Giuđa đặt vào Đền Thờ là một thứ mê tín. Êdêkien khám phá ra rằng vào thời gian trước lưu đày, Đền Thờ chỉ còn là hang ổ thờ ngẫu tượng. Danh dự của Thiên Chúa không cho phép ông dửng dưng. Ông ghê tởm và giận dữ, nhưng vẫn khoan dung với các tín hữu. Khi anh em thấy Đồ Ghê Tởm Khốc Hại được đặt trong nơi thánh, khi ấy sẽ có cơn khốn khổ lớn lao. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát. Nhưng vì những kẻ đã được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn lại.

Tận tình thờ phượng Chúa, bằng cách dấn thân phục vụ anh chị em mình, tìm lợi ích cho họ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Sống là nhận lãnh vì nhu cầu và cho đi vì bác ái… Điều tôi tìm kiếm, không phải là của cải của anh em, mà là chính anh em. Thật vậy, không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái. Phần tôi, tiêu phí tiền của, tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em, là điều làm tôi vui lòng lắm. Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa thì tôi vui mừng.

Tận tình thờ phượng Chúa, bởi vì, Chúa là Cha, và chúng ta là đoàn chiên duy nhất, là anh chị em con cùng một Cha, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 99, vịnh gia đã cho thấy: Ta là Dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt. Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta. Vị ngôn sứ vĩ đại đến, không phải để làm những chuyện vĩ đại kinh thiên động địa, nhưng, mục đích chính yếu của Người là làm một việc siêu vĩ đại, đó là, phục hồi lại sự sống, làm cho chúng ta được sống muôn đời. Ngay tại cửa thành, đám đông đưa người chết từ trong thành đi ra, bắt gặp đám đông có Đức Giêsu đang đi vào thành. Vị ngôn sứ vĩ đại đã đi vào cõi chết, để cho chúng ta được sống. Vị ngôn sứ vĩ đại đã trả người thanh niên sống, lại cho bà mẹ, nhưng, lại đành nhìn thấy Mẹ mình thinh lặng hiệp công trọn vẹn, khi ôm xác Con dưới chân thập giá. Tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta thật quá cao vời, chúng ta chỉ biết đền đáp lại bằng cách tận tình thờ phượng Chúa, không bội tín thất trung: chạy theo những ngẫu tượng hư ảo, đồng thời, chúng ta cũng phải yêu thương hết tất cả mọi người, bởi vì, tất cả đều là con cùng một Cha, chúng ta là các chi thể trong cùng một thân thể của Đức Kitô, là chiên trong một đoàn chiên duy nhất của Đức Kitô. Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, ước gì chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Ước gì được như thế!


TRẢ LẠI SỰ SỐNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đừng khóc nữa!”.

Hai giọt nước mắt nhỏ xuống, trôi ra dòng sông Cuộc Đời. Giọt này nói với giọt kia, “Bạn là ai?” - “Tôi là giọt nước mắt của một cô gái đang yêu một người và đã mất anh ấy! Còn bạn, bạn là ai?” - “Ôi, tôi là giọt nước mắt của cô gái đã lấy được anh ấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những giọt nước mắt, nhưng không phải của những người đang yêu, mà là của một bà mẹ; qua đó, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ lộ! Thiên Chúa Là Tình Yêu, Đấng luôn ‘trả lại sự sống’ và luôn làm cho sống!

“Điều khiến Chúa Giêsu cảm động trong mọi tình huống không gì khác ngoài lòng thương xót. Với lòng thương xót, Ngài ‘đọc được’ trái tim của những con người Ngài gặp gỡ và đáp lại nhu cầu sâu sắc nhất của họ!” - Phanxicô. Đọc lại trình thuật Chúa Giêsu ‘trả lại sự sống’ cho đứa con của bà mẹ Nain, chúng ta có thể nhấn mạnh đến “thần tính” của Ngài và nói rằng, chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại sự sống cho con người. Phải! Nhưng hôm nay, chúng ta cần lưu ý đến “nhân tính” của Ngài nữa, vì ở đây, Ngài không là một thực thể xa lạ hay là một ai đó rất khác biệt, hoặc thậm chí là một người quá quan trọng đến nỗi không thể khơi dậy trong chúng ta một niềm tin, một niềm hy vọng, một sự tự tin như một người bạn tốt, gần gũi, đầy lòng thương xót.

Đức Phanxicô nói, “Lòng thương xót, cả trong Chúa Giêsu và trong chính chúng ta, là một hành trình bắt đầu từ trái tim để vươn tới đôi tay. Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn bằng lòng thương xót của Ngài; Ngài nói với bạn, “Hãy trỗi dậy!” và trái tim bạn trở nên mới mẻ. Thực hiện hành trình này có nghĩa là, với một trái tim mới - một trái tim được chữa lành - tôi có thể thực hiện các công việc thương xót như Ngài qua đôi tay, cụ thể bằng các việc làm, tìm cách giúp đỡ, chữa lành, ‘trả lại sự sống’ cho những ai đang cần!”.

Là những người theo Chúa, chúng ta noi gương Chúa Giêsu, cầu xin Ngài ban ơn để trở nên ‘giống Ngài vì người khác’. Tuyệt vời biết bao nếu người khác có thể nhìn thấy chúng ta là hình ảnh của Chúa Giêsu trên trái đất này! Điều đó đã xảy ra, những ai nhìn thấy Phanxicô Assisi, họ nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu. Các thánh là những người mang Chúa Giêsu trong lời nói và hành động, các ngài đã bắt chước cách cư xử đầy xót thương của Ngài. Xã hội chúng ta cần những vị thánh, bạn và tôi có thể trở thành những vị thánh ‘trả lại sự sống’ cho người khác trong môi trường của mình.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng khóc nữa!”. Đó là lời một thanh niên có tên Giêsu nói với một bà mẹ từ thành Nain đi ra. Thứ Sáu tuần thánh, Giêsu ấy cũng ra khỏi thành, Mẹ anh cũng khóc. Ô hay! Anh không an ủi bà, cũng không tự cứu mình nhưng anh đã chết thật; để nhờ cái chết của anh, Giêsu ấy đã kéo toàn thể nhân loại vào một thành khác - Giêrusalem - thành thánh trên trời. Với người thanh niên Nain đã chết, Ngài nói lớn tiếng, “Hãy trỗi dậy!”; với bạn và tôi hôm nay, Ngài cũng nói những lời đó, “Hãy trỗi dậy!”. Lòng thương xót của Ngài sẽ ‘trả lại sự sống’ cho chúng ta; và điều quan trọng là chúng ta chỗi dậy, đi tới, sống và làm những công việc xót thương như Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trỗi dậy là đứng lên, ‘ra khỏi tình trạng cũ!’. Đừng để con chết lại sau khi được Chúa làm cho sống!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây