TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 16/11/2021 17:41 |   1635
“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi !” (Lc 19, 41)

18.11.2021
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô

 

t5 t33tnB

Lc 19, 41-44

NƯỚC MẮT CỦA THIÊN CHÚA

Khi đến Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi !” (Lc 19, 41)

Suy niệm: Nhà văn Pháp A. Gide đã có lần than thở: “Tôi muốn khóc nhưng thấy hồn mình khô hơn sa mạc”. Phụ nữ có thể khóc thoải mái, nhưng đàn ông hoặc khô khan như A. Gide, hoặc che giấu nuớc mắt của mình: “Trái tim khóc hoài mà vẫn không rơi lệ”. Thế mà ở đây, ta thấy Đức Giê-su khóc! Hẳn Ngài quá xúc động đến nỗi những giọt nước mắt cứ tuôn tràn. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, buồn khổ của vị Thầy nhân lành thấy trước những đau khổ Giê-ru-sa-lem phải chịu, vì khước từ ơn cứu độ. Những giọt nước mắt của một vị Thiên Chúa “bất lực” vì quá tôn trọng tự do của con người. Những giọt nước mắt yêu thương dành cho những đứa con cứng lòng, đang tràn chảy như vỡ bờ trên khuôn mặt Thầy Giê-su, khuôn mặt của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngắm nhìn khuôn mặt đẫm lệ của Đức Giê-su và nhận ra lòng yêu mến vô hạn qua những giọt nước mắt ấy. Thiên Chúa yêu thương bạn, dù bạn tốt hay xấu, là nguời con hiếu thảo hay ương ngạnh. Bạn hãy là một người con hiếu thảo, luôn một lòng kính yêu tôn thờ Chúa, như Đức Giê-su.

Sống Lời Chúa: Bạn thường lãnh đạm, chai lì trước đau khổ của người nào bạn thường gặp hơn cả? Hãy bày tỏ một cử chỉ thân ái, một lời nói thiện cảm và nếu được, một sự nâng đỡ cụ thể.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc trước những khổ đau của nhân loại. Xin cho chúng con đừng cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, và không chai đá trước nỗi đau của tha nhân.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 2, 15-29

“Chúng tôi tuân theo lề luật cha ông chúng tôi”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: “Ông là thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban cho vàng bạc và ân huệ khác”. Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng: “Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi, chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi, kẻo chúng tôi đi theo con đường khác”.

Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.

Ðoạn Mathathia kêu lớn tiếng khắp trong thành phố rằng: “Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!” Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Xướng: Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng.

Xướng: Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán.

Xướng: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10

“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

“Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. 

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 41-44

“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TẠI SAO CHÚA KHÓC THƯƠNG THÀNH GIÊRUSALEM? (Lc 19, 41-44)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta cũng chứng kiến nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi… Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng!

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai qua sự đổ nát do đế quốc Rôma gây nên vào năm 70 Công Nguyên.

Nhưng có lẽ, điều làm cho Đức Giêsu đau lòng hơn cả chính là dân thành này đã khước từ chính Ngài là nguồn ơn cứu độ. Không tuân giữ những lời dạy của Ngài, không hề để ý đến những hành vi tội lỗi của mình để sám hối ăn năn… Ngược lại, họ luôn tự hào mình là dân tộc ưu tuyển, nên đương nhiên được hưởng những quyền đặc lợi cho riêng mình. Chính sự tự hào này đã giam hãm con người và thái độ của họ trong sự ích kỷ, nên không thể đón nhận được ơn lành của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến luật Chúa và cùng nhau chung tay xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính đời sống chứng tá của mình. Amen.

BÌNH AN ƠI, NGƯƠI Ở ĐÂU?
 

tbd 161121a

(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,41-44) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Giêrusalem nguyên nghĩa là thành phố của hòa bình, của bình an. Nhiều năm gần đây hiện trạng của thành phố không như cái tên của nó mà như là trái lại. Giêrusalem đã trở thành nơi của sự bất ổn, đầy dẫy sự chia rẽ dưới nhiều hình thức từ chính trị xã hội, cụ thể là giữa Nhà Nước Israel và Palestine, đến cả tôn giáo mà phải kể đến là Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo. Đã từng có nhiều cuộc chiến tranh diễn ra ở đây và hiện nay nhiều vẫn tiềm ẩn sự xung đột nơi chính thành phố mang tên hòa bình. Dù rằng năm 1981 thành phố này trở thành Di sản Thế giới nhưng vẫn nằm trong danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật XXXIII TN, Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc tường thuật những lời than thở, thương tiếc của Chúa Giêsu với thành thánh Giêrusalem. Dĩ nhiên chúng ta hiểu không phải Chúa Giêsu than thở cái thành bằng gỗ đá vật chất nhưng thực ra Người thương tiếc cho cảnh tình dân chúng đang ở trong thành về cái tương lai rất gần mà Người tiên lượng sẽ xảy ra. Và quả thật nó đã xảy ra cách cụ thể vào năm 70 khi dân Do Thái nổi loạn thì vị tướng Rôma là Titô đem quân đi đánh dẹp loạn và rồi san phẳng Giêrusalem thành bình địa theo kiểu nói của Chúa Giêsu là chẳng còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào (x.Lc 21,6).

Cũng như lịch sử các quốc gia, lịch sử đời người thường có những lúc thăng trầm. Bình yên có. Sóng gió không thiếu. Khoảng thời gian khốn khó lại được nhìn với cái nhìn tâm lý nên dễ phóng đại đến độ cha ông chúng ta than thở: “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Chính vì thế mà sự bình an là điều mơ ước của con người mọi thời, mọi nơi. Theo nhãn quan người đời thì sự bình an là tình trạng không gặp phải những sự khốn khó như chiến tranh, tai ương, hoạn nạn, dịch bệnh, mất mùa… Dưới cái nhìn đức tin, sự bình an đích thực là tình trạng được Thiên Chúa ở cùng, yêu thương, đón nhận mình như mình đang là. Và lời than thở của Chúa Giêsu được hiểu theo viễn kiến này.

Hỡi Giêrusalem, “phải chi, ngày hôm nay người cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,42). Chúng ta có thể hiểu điều che khuất căn tính của Đấng Thiên Sai chính là nhân tính của Người, cụ thể là quê quán Nagiarét, xứ Galilê và địa vị thấp hèn cũng như quyền bính như chẳng có gì của Người trong xã hội và trong Giáo hội Do Thái giáo lúc bấy giờ. Thánh sử Luca tường thuật dữ kiện tiếp liền sau đó là việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ và các Thượng Tế cùng các kinh sư đã chất vấn Người: “Ông lấy quyền gì mà làm những điều ấy?” (Lc 20,1).

Xưa, để đem bình an cho ngôn sứ Êlia trước sự truy diệt của hoàng hậu Dêgiaben thì Thiên Chúa đã không ngự trong “gió to bão lớn, trong động đất hay lửa, nhưng Người hiện diện trong cơn gió hiu hiu” (x.1V 19.9-14). Ơn bình an của Thiên Chúa thật diệu kỳ. Nó không khởi đi từ những cuộc lễ hoành tráng, kiệu rước xênh xang. Nó cũng không khởi đi từ chức cao quyền lớn, mũ cao gậy quý. Ơn bình an thường đến với chúng ta qua sự hiện diện của một ai đó, những ai đó thật đơn sơ, nhưng luôn đồng cảm, đồng hành với chúng ta trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Và có thể gọi đó là những người bạn tri kỷ, tri âm, đồng cam, cộng khổ.

Biết bao tâm hồn đau thương dập nát đã hưởng nhận sự bình an qua đôi tay, tấm lòng của mẹ Têrêxa thành Calcutta. Biết bao bệnh nhân Covid-19 đã có được sự an bình qua sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ, thiện nguyện viên tại các bệnh viện tuyến đầu. Chúa Kitô vẫn mãi đồng hành với nhân loại, đặc biệt là với những con người đau khổ. Kitô hữu chúng ta trước hết phải cảm nghiệm cách sâu xa chân lý này thì chúng ta mới có thể giúp tha nhân nhận ra sự hiện diện Đấng Cứu Thế để giúp nhau có được sự bình an giữa cảnh đời mà dường như “ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).  Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu tại Giêrusalem đã không nhận ra hiện thực này vì thế không chỉ họ mà cả dân chúng trong vòng hơn ba mươi năm sau đó đã phải lâm cảnh bĩ cực khốn cùng trong sự bất an khiến Chúa Giêsu đã phải lệ rơi. Xưa lẫn nay, sự bất an, nỗi bất hạnh, hoang mang, thất vọng của dân chúng thường có đó nguyên nhân lớn nơi sự cứng lòng, vô tâm của những người lãnh đạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây