TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Di ngôn thứ năm của Chúa trên Thánh Giá: Ta khát !

Thứ năm - 06/04/2023 21:18 |   931
Di ngôn thứ năm của Chúa trên Thánh Giá: Ta khát !
Di ngôn thứ năm của Chúa trên Thánh Giá: Ta khát !

 

 
  •  
  •  


DI NGÔN THỨ NĂM CỦA CHÚA TRÊN THÁNH GIÁ:
TA KHÁT !

(Ga 19,28)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Bài Tin Mừng.

Bối cảnh của di ngôn thứ năm.
“Ta khát”, Lời Chúa được ứng nghiệm.
Ý Cha thực sự được hoàn tất.
“Ta khát” – Lời hằng sống nói với những người bất hạnh.
Giấm chua, nho dại của cuộc đời thay vì rượu ngon hảo hạng.
Cuộc gặp gỡ của Đấng đang khát với nhân loại luôn khát ơn cứu độ.
Chúa khát chúng ta.
Chúa khát lòng sám hối ăn năn.
Chúa khát tình yêu của bạn và của tôi.
Ta khát – Như một lời sai đi.
Bài tập sống di ngôn thứ năm của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.
 

Bài Tin Mừng.

“Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát! Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,28-30). 

Bối cảnh của di ngôn thứ năm. 

Khi bắt đầu bị dẫn vào con đường thương khó, người ta đã trao cho Chúa rượu pha mộc dược cho Chúa uống (Mc 15,23), để phần nào giúp Ngài chịu đựng cơn đau đớn. Nhưng Chúa đã từ chối không uống, vì Chúa muốn chịu đựng sự đau đớn với tất cả tâm hồn và lý trí của Ngài. 

Tại cao điểm của con đường thương khó, nghĩa là trên thập giá, khi Chúa đã mất quá nhiều nước bởi cuộc tra tấn dã man của quân lính, bởi chặng đường dài với thập giá Ngài phải vác trên vai, và cũng trong thời gian nóng bức của buổi trưa, cũng như lúc Chúa chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã thốt lên hai từ “Ta khát”. Sau đó, theo như lệ thường thời đó, người ta đã cho Chúa nếm một thứ rượu có vị chua, mà người nghèo trong xã hội lúc đó rất hay dùng, để Chúa đỡ khát. Thứ rượu chua đó người ta cũng có thể gọi là giấm.[1]

Chúa Giê-su đã đón nhận thứ giấm người ta thấm vào một miếng bọt biển để cho Ngài uống, như thánh sử Gio-an đã chứng kiến và đã ghi lại: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát! Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,28-30). Gio-an đã nêu chi tiết như vậy, còn trong các Thánh Sử khác, chỉ có Lu-ca nhắc lại ngắn gọn: “Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,36-37).

Ngoài ra, trong phúc âm của Gio-an, đây là lần thứ hai Chúa Giê-su xin một chút gì để uống. Lần thứ nhất trong câu chuyện ở bờ giếng Gia-cóp vào buổi trưa, khi Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri (x.Ga 4,6-7). Chúa đã hướng nhìn người phụ nữ đến để múc nước ở bờ giếng, và Ngài đã xin bà “cho tôi chút nước uống”. Nhưng thực ra Ngài khát một điều là Ngài muốn cho đi nước hằng sống, cho đi trái tim giàu lòng thương xót của Ngài cho người phụ nữ Sa-ma-ri và mọi người trong làng của bà.


Lần thứ hai đây, Chúa đã nói lời “Ta khát” lúc ba giờ chiều ngày thứ sáu trước lễ Vượt Qua. Lần này, Ngài không ngồi ở bờ giếng mà Ngài bị treo lơ lửng trên thập giá. Chắc chắn rằng, cơn khát nước là một biểu lộ rõ ràng nhu cầu thiết thực của người bị đóng đinh cách dã man trên thập giá, như các bác sĩ đã xác định.[2]
Nhưng với hai từ “Ta khát”, Chúa Giê-su không chỉ khát khao dòng nước bình thường. Đối với Anselm Gruen, từ ngữ tiếng Hy Lạp dipso – Ta khát của Chúa Giê-su có ý nghĩa rộng hơn là khát những dòng nước bình thường. Thánh sử Gioan luôn thích cách diễn tả với các biểu tượng. Một đàng Gioan nói về việc Chúa Giê-su đang khát, người ta đã chú ý đến điều đó và đã cho Chúa nếm chút giấm chua; nhưng đàng khác cơn khát của Chúa diễn tả một khao khát về những điều khác nữa. Thánh Gioan muốn nói với chúng ta điều gì qua hai từ “Ta khát”, chúng ta sẽ tìm hiểu và cùng suy niệm trong ánh sáng của Tin Mừng và của Thánh Thần Chúa.[3]
Trở về lại với hai lần Chúa Giê-su nói về sự khát khao của Ngài trong Phúc Âm của Gioan, chúng ta thấy rằng, “lúc đầu tiên và lúc cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giê-su (theo Tin Mừng Gioan), Ngài xin chúng ta làm thoả mãn được cơn khát của Ngài. Như là một người đang khát, Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Ngài xin chúng ta hãy cho Ngài chút gì đó. Tương quan giữa Đấng Tạo Dựng và thụ tạo được xây dựng trên nền tảng của “quà tặng” trao ban. Ai là thụ tạo, đều đón nhận sự hiện hữu như là quà tặng. Thiên Chúa muốn sống với chúng ta trong tương quan tình bạn, và tình bạn thì chỉ có thể diễn ra trên nền tảng của sự bình đẳng. Thật vậy, Đấng trao ban cho chúng ta tất cả mọi sự, Đấng ấy mời gọi chúng ta bước vào tình bạn với Ngài, bằng cách Ngài đang xin chúng ta một điều gì đó mà chúng ta luôn cần trao tặng cho Ngài. Thầy Ráp-bi Jonathan Sacks giải thích rằng, theo truyền thống Do-thái giáo, chúng ta không chỉ cần cho người nghèo cái gì đó, mà chúng ta cần phải giúp họ mở rộng tấm lòng để chính người nghèo có thể trao ban cho người khác bất cứ cái gì. Đó là một điều thật cao quý trong phẩm giá làm người, nghĩa là họ không chỉ là người nhận, mà còn trở thành người cho đi.

Một câu châm ngôn của Châu Phi nói rằng: ‘Đôi tay cho đi thì luôn ở trên cao và đôi tay đón nhận thì luôn ở dưới thấp’. Thiên Chúa đã kết bạn với chúng ta, bằng cách Ngài đến gần với chúng ta như một người bình thường, và Ngài xin chúng ta một điều gì đó mà chúng ta đang có”.[4] Chúng ta có cho Chúa không? Nếu chúng ta cho Chúa chính điều Ngài đang ao ước khát khao nơi chúng ta, thì chúng ta đã góp một chút mọn hèn của mình, để cùng với Chúa làm cho Lời Chúa được tìm thấy ý nghĩa tròn đầy hơn nữa, Lời của tình yêu, Lời của ơn cứu rỗi.

“Ta khát”, Lời Chúa được ứng nghiệm.

Nhìn lại lời của Chúa Giê-su trên Thánh Giá, chúng ta thấy Gio-an muốn nhấn mạnh đến sự ứng nghiệm của Kinh Thánh trong việc Chúa thốt lên “Ta khát”. Lời ngắn ngủi này liên hệ chặt chẽ đến hai Thánh Vịnh. Thứ nhất là Thánh Vịnh 22,16 diễn tả tình trạng khát của người Công Chính chịu đau khổ:
 
“Nghe cổ họng khô ran như ngói,
lưỡi với hàm dính lại cùng nhau,
chốn tử vong Chúa đặt vào”.

Thánh Vịnh khác diễn tả:
 
“Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69,22).

Như thế, Lời Chúa đã thực sự được ứng nghiệm, như Gioan viết: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát!” (Ga 19,28). Đúng theo lời Thánh Kinh đã nói, cái chết của Chúa không phải là một sự thất bại. Trong cái chết của Chúa, lời hứa cứu độ cuối cùng đã được hoàn thành, như các tiên tri và Thánh Vịnh gia loan báo cho chúng ta.[5] Hơn nữa, cái chết của Chúa Giê-su làm cho Thánh Kinh tìm thấy được ý nghĩa trọn hảo, vì qua cái chết của Chúa Giê-su trên Thánh Giá tình yêu của Chúa dành cho nhân loại đạt đến chóp đỉnh: tình yêu hiến dâng cho người mình yêu. Tình yêu đó mọi người chúng ta đều khao khát.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đi suy niệm sâu hơn lời ngắn ngủi này của Chúa, chúng ta sẽ khám phá nhiều ý nghĩa khác. Ý nghĩa đầu tiên nói lên sự hoàn tất sứ mạng của Ngài qua tinh thần xin vâng theo thánh ý của Cha trên trời.

Ý Cha thực sự được hoàn tất.

Theo Schnackenburg[6], cơn khát cơ thể của Chúa Giê-su mang một ý nghĩa sâu xa. Nếu chúng ta nối kết hai lời ngắn ngủi này: “Ta khát” (Ga 19,28) với những lời tiếp theo đó của Chúa: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30), thì chúng ta nhận ra điều chính yếu mà Thánh Sử Gio-an muốn nói với chúng ta. Trước hết, thánh Sử Gio-an thuật lại trong đoạn 4,34 về việc Chúa Giê-su nói với các môn đệ, khi các ông lo lắng thức ăn cho Thầy: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. Tiếp đến, trong bối cảnh Chúa Giê-su bị bắt giữ, khi Phê-rô ra tay can thiệp, bằng cách lấy gươm chém đứt tai phải của người đầy tớ vị Thượng Tế, Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11).

Qua hai đoạn này, sự đói và khát kết hợp lại thành một bức tranh diễn tả về sự khao khát của Chúa. Đó là Ngài luôn ước ao thực hiện và hoàn tất thánh ý của Cha trên trời. Đặc biệt, hình ảnh chén đắng diễn tả mạnh mẽ tinh thần của Chúa Giê-su: Ngài muốn uống chén đắng này đầy khổ đau này đến giọt cuối cùng, vì thế Chúa đã đón nhận giấm chua người ta trao cho Chúa. Đó chính là tinh thần của Chúa Giê-su, người Công Chính đau khổ luôn vâng theo thánh ý của Cha trên trời. Karl Rahner đã cầu nguyện với di ngôn này như sau: “Chúa đã đón nhận cuộc thương khó của Chúa với những gì thê thảm và đau đớn nhất của nó. Sứ mạng này không phải số phận đui mù, mà là thánh ý của Cha, không phải là sự bất nhân của con người mà là hành động cứu độ của tình yêu…

Chúa ơi, Chúa đã đi xuống hoàn toàn, để chúng con được cứu độ; Chúa đã chết để chúng con được sống; Chúa đã khát, để chúng con có thể tìm thấy nguồn nước hằng sống. Cơn khát đang làm cho Chúa cháy bỏng trong tâm hồn, để từ chính cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa nguồn nước hằng sống chảy ra. Chúa đã mời chúng con đến với nguồn nước này, khi Chúa trong dịp tuần lễ Lều đã kêu lên: ‘Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’ (Ga 7,38). Chúa đã chịu khát vì con, Chúa khát tình yêu của con và ơn cứu độ của con. Như nai rừng khao khát nguồn nước, linh hồn con khao khát Ngài, Chúa ơi”.[7]

“Ta khát” – Lời hằng sống nói với những người bất hạnh.

Trong chiều sâu thiêng liêng, khi chiêm ngắm Chúa Giê-su trên Thánh Giá và suy niệm hai lời “Ta khát” của Ngài, chúng ta có thể nhận ra rằng lời này Chúa nói với rất nhiều người, đặc biệt với những con người bất hạnh.

Khi chúng ta sống trong sợ hãi, thì Chúa nói với chúng ta “Ta khát”. Lời của Chúa cũng nói với chúng ta, khi sự sợ hãi chẳng bao lâu sẽ đến với chúng ta. Thật vậy, có nhiều người luôn sợ hãi là họ sẽ bị rơi vào hoàn cảnh khát, và họ cũng sợ là cơn khát của họ sẽ không bao giờ được thoả mãn, nghĩa là họ có thể lụn bại từ từ vì cơn khát của họ. Sự sợ hãi về cơn khát này là chính sự sợ hãi của chúng ta, bởi vì chúng ta không có được một cuộc sống mà chúng ta mong ước, bởi vì chúng ta bị Thiên Chúa và bị nhiều anh chị em không dòm ngó tới, rồi còn rất nhiều chữ bởi khác liên hệ đến sự sợ hãi trong kiếp nhân sinh.

Thật vậy, nhìn vào cuộc đời thường nhật, chúng ta có thể gặp biết bao nhiêu nỗi sợ: sợ trộm cướp, sợ bị phản bội, sợ bệnh hoạn, sợ mất việc, sợ gia đình bị tan nát, sợ thất bại, sợ mất người thân yêu và sợ hãi về chính cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào. “Ta khát”, Chúa nói với chúng ta ngay chính khi chúng ta rơi vào sợ hãi, khi chúng ta ngụp lặn trong sợ hãi. Lời của Chúa nói cho chúng ta biết rằng, Chúa biết chúng ta rất khao khát sự sống, khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc, khi nỗi sợ hãi đang bao trùm chúng ta.

Lời của Chúa “Ta khát” nói với chúng ta rằng, chính Chúa đã trải nghiệm những nỗi sợ hãi mang kiếp con người như chúng ta. Đó là dấu hiệu Ngài sẵn sàng chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ chúng ta: “Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện. Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc 14,32-34).

Lời của Chúa trên Thánh Giá cũng là lời trao ban cho chúng ta sức mạnh, niềm hy vọng và niềm tin tưởng cũng như bình an, ngay khi chúng ta đang tưởng rằng mình chuẩn bị chìm xuống dưới đáy biển khơi đen đủi của sợ hãi. Như ngày xưa Chúa nắm tay Phê-rô và kéo ông lên, khi ông đang từ từ chìm xuống lòng biển cả thế nào, thì Ngài sẽ nắm lấy đôi tay của chúng ta, giữ chúng ta lại trong lòng thương xót của Ngài, và kéo chúng ta ra khỏi nguy cơ bị chìm nghỉm dưới lòng đại dương. Chỉ cần chúng ta hướng nhìn lên Chúa, dán mắt chặt vào Chúa, lắng nghe kỹ lưỡng lời Chúa nói với chúng ta “Ta khát”, thì chúng ta sẽ tìm thấy được an bình, vì Chúa khát chúng ta, khát ơn cứu độ chúng ta. Hơn nữa, chúng ta không được phép quên rằng Chúa thật dịu dàng và mạnh mẽ nói với chúng ta: “Đừng sợ, chính Thầy đây!”.

“Ta khát” lời của Chúa Giê-su nói với chúng ta, khi chúng ta ở trong sợ hãi. Lời này cũng nói với chúng ta, khi cuộc đời chúng ta trở nên như mảnh đất khô cằn. Thật vậy, mảnh đất cuộc đời mỗi người không ít thì nhiều, và trực tiếp hay gián tiếp đã có lần trở nên mảnh đất khô cằn. Hơn nữa, khô cằn một thời gian ngắn hay dài còn tuỳ nữa. Nhìn vào cuộc đời, có nhiều mảnh đất lúc đầu tưởng chừng rất tươi tốt, nhưng bỗng chốc trở nên khô cằn. Đó là mảnh đất của một số thương gia giàu sụ và rất thành công trong cuộc sống, nhưng rồi chỉ vì ăn chơi xả láng và rượu chè bê bết, nên cuối cùng sự nghiệp cùng tan thành mây khói. Mảnh đất tươi tốt một thời tưởng là đã sinh ra nhiều hoa trái cho đời, lại trở thành khô cằn biết bao nhiêu. Nhìn những thương gia đó giờ đây sống trong một nơi cai nghiện rượu ở một thành phố Tây Phương sang trọng mà thấy xót xa. Nhưng dù vậy, Chúa lại nói với họ “Ta khát”, bởi vì Chúa khát họ, khát họ được cứu độ, nếu họ biết ý thức tìm đến với Chúa, Đấng là nguồn nước hằng sống.

Cũng tại nơi cai nghiện rượu đó, một mảnh đất khô cằn đang cố gắng sống. Đó là mảnh đất của một linh mục một thời phục vụ và sống ơn gọi dâng hiến. Nhưng vì đã mê muội sa ngã, rơi vào tình trạng tội lỗi là đã lạm dụng tính dục của các em nhỏ chưa trưởng thành, và còn rơi vào tình trạng nghiện rượu. Một thời tưởng như mảnh đất này luôn là mảnh đất tươi tốt, để biết bao hạt giống có thể tìm về, đâm rễ, nảy mầm, lớn lên và đem lại nhiều hoa trái, nhưng rồi sự dữ và tội lỗi đã “hút” hết dòng nước tươi tốt, và làm cho mảnh đất đó nên cằn cỗi biết bao. Nhưng dù vậy, lời “Ta khát” của Chúa vẫn nói với mảnh đất khô cằn đó. Chúa khát phận người đã từng sống đời dâng hiến cho Chúa một thời đang bị khô cằn trên một góc nhỏ kia. Chúa khát ơn cứu độ cho người đồ đệ lầm lỡ của Chúa. Mong sao, người đồ địa kia biết ăn năn hối lỗi như Phê-rô đã chối Chúa ngày xưa, để nhờ đó ơn cứu độ sẽ đến với anh. Có như vậy, lời “Ta khát” của Chúa mới thật đẹp biết bao.
Chúa Giê-su nói lời “Ta khát” với mọi người, đặc biệt với những người bất hạnh và khổ đau, để qua đó chính Lời Chúa và lòng thương xót của Chúa sẽ như những cơn mưa và dòng nước của hồng phúc tuôn đổ sức sống cho nhiều mảnh đất cằn khô:

 
“Vì Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán
và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn;
trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí,
trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phúc lành” (Is 44,3).

Ngoài ra, khi nói lời “Ta khát”, Đức Ki-tô, người công chính đau khổ luôn sẵn sàng đón nhận mọi thứ người ta trao cho Ngài. Dù đó là nước trong lành, hoặc rượu ngon hảo hạng hay giấm chua của cuộc đời.

Giấm chua, nho dại của cuộc đời thay vì rượu ngon hảo hạng.

Đức Bênêđictô XVI[8] đã hướng đến bài ca vườn nho, mà tiên tri I-sai-a diễn tả trong chương 5, khi suy niệm lời của Chúa Giê-su “Ta khát” và người ta đã cho Ngài uống giấm chua. Trong bài ca này, Thiên Chúa quở trách dân Ít-ra-en. Chúa đã chọn một mảnh đất mầu mỡ cho vườn nho, và Ngài đã chăm sóc vườn nho với tất cả công sức, với tất cả tình yêu thương:“Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a), và Thiên Chúa mong ước sẽ nhận được những trái nho ngon ngọt, nhưng thực tế thì khác:“Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại” (Is 5,2b).

Thật là đáng tiếc, vườn nho Ít-ra-en đã không đưa lại những trái nho ngon ngọt của sự Công Chính, dù được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Ngược lại, vườn nho này lại sinh những hoa quả chua, những trái nho dại của con người ích kỷ, con người chỉ loanh quanh luẩn quẩn với chính cái tôi ích kỷ của mình, con người chỉ lo lắng cho bản thân mình, mà chẳng màng tới người khác. Thật vậy, vườn nho đó chỉ đưa lại vị chua chứ không phải vị ngọt. Sự quở trách của Thiên Chúa mà chúng ta được tiên tri I-sai-a nhắc đến được cụ thể hoá trên cây thập giá của Chúa Giê-su. Ngài đã được trao cho giấm chua, thay vì rượu ngon hảo hạng: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?” (Is 5, 4). Nhưng Chúa vẫn sẵn sàng đón nhận, bởi vì Ngài yêu thương nhân loại, bởi vì Ngài vâng lời Cha trên trời cách trọn vẹn.

Chúa Giê-su đã uống giấm chua mà người ta trao cho. Trong giấm chua Ngài đã uống cạn tất cả những chua chát và đắng cay của con người cho đến khi Ngài gục đầu trút hơi thở. Chính lúc đó và với lòng thương xót vô bờ bến dành cho con người, Ngài đã giải thoát con người khỏi mọi thứ nọc độc. Thật là tình yêu cao cả không thể diễn tả nổi của Chúa Giê-su. Các giáo phụ đã so sánh cảnh Chúa Giê-su uống giấm chua với câu chuyện mà Môsê dùng cây gậy của mình để làm biến đổi dòng nước. Đối với các giáo phụ, qua Thánh Giá Chúa Giê-su đã biến đổi dòng nước cay đắng của chúng ta là những giận giữ, thất vọng, sợ hãi và bất nhân thành dòng nước ngọt ngào. Dòng nước ngọt ngào này có thể làm cho thoả mãn cơn khát của chúng ta.

Các phúc âm nhất lãm nói rằng người ta dùng cây sậy thấm đầy giấm và cho người uống: “một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống” (Mt 27,48). Còn Gioan thì diễn tả “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người”. Ở đây, Gioan hướng chúng ta đến ngày lễ Vượt Qua mà cây hương thảo là một yếu tố trong ngày lễ. Trong Chúa Giê-su mọi sự trong ngày lễ Vượt Qua của người Do-thái được kiện toàn. Thánh Augustinô nói rằng, pascha có nghĩa là Vượt Qua (transistus).


Trên Thánh Giá đã diễn ra một cuộc Vượt Qua đích thật để dẫn con người đến với Thiên Chúa. Trên Thánh Giá diễn ra một cuộc Vượt Qua từ cái khát mang tính cách trần thế đến cái khao khát Thiên Chúa. Trên Thánh Giá diễn ra một cuộc Vượt Qua từ miền đất lạ lùng để về với quê hương đích thật, cuộc Vượt Qua từ kiếp tù đày để trở về với tự do, cuộc Vượt Qua từ những gì giả dối về với những gì chân thật. Và Trên Thánh Giá đã diễn ra một cuộc Vượt Qua đích thật để dẫn con người từ sự đắng cay của cuộc đời để về với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.[9]

Hơn nữa, thánh Augustino còn chiêm ngắm Chúa Giê-su trên Thánh Giá như là một Thiên Chúa thật khiêm hạ, khi Ngài kêu lên “Ta khát”. Dòng nước Ngài khát là dòng nước Ngài muốn dùng để thanh tẩy và cứu rỗi nhân loại: “chúng ta lắng nghe điều này được nói trong Thánh Vịnh ‘Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết’ (Tv 51,9). Như thế, qua sự khiêm nhường của Chúa Giê-su, chúng ta được thanh tẩy”.[10]

Thật là đẹp biết bao nhiêu cơn khát của Chúa Giê-su, Đấng quyền năng gục đầu chết trên Thánh Giá. Ngài khát ơn cứu độ, và nhân loại muốn cho Ngài uống gì Ngài cũng đón nhận, dù đó là giấm chua.

Giấm chua và nho dại vẫn còn hiện diện trong Giáo Hội và thế giới chúng ta hôm nay. Thật vậy, không ít lần chúng ta đã đáp lại tình yêu của Chúa không bằng rượu ngon hảo hạng được lấy từ những cây nho trồng trên mảnh đất yêu thương, mà chúng ta lại trao cho Chúa những tấm lòng chua chát với hương vị khổ đau của nho dại, của lòng vị kỷ và ác nhân. “Ta khát”, lời của Chúa Giê-su vang lên ngày xưa đó, vẫn luôn là di ngôn rất sống động trong thế giới ngày hôm nay.[11] “Ta khát” di ngôn này, Chúa muốn gởi đến từng người chúng ta, và qua di ngôn này Ngài cũng muốn diễn tả sự hiệp thông và tinh thần đoàn kết của Người với chúng ta.

Cuộc gặp gỡ của Đấng đang khát với nhân loại luôn khát ơn cứu độ.

“Ta khát”. Di ngôn này một lần nữa đưa chúng ta trở về lại với cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ thành Sa-ma-ri, mà Gio-an kể lại (x.Ga 4,1-42). Tại bờ giếng Gia-cóp, lúc 12 giờ trưa thật nóng, Chúa Giê-su đã biểu lộ tâm tình hiệp thông đoàn kết với người phụ nữ Sa-ma-ri, bằng cách Ngài sẵn sàng ban tặng cho bà nguồn nước trường sinh, ai uống nước đó sẽ không bao giờ bị khát nữa: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Tại thập giá, Chúa Giê-su đang khát sẽ làm cho cơn khát ơn cứu độ của con người tìm thấy dòng nước trường sinh, dòng nước chảy ra từ tình yêu của Chúa, một tình yêu không bao giờ mất đi. Vì thế, Thánh Sử Gio-an còn đưa một hình ảnh rất đặc biệt: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Chúa đã đón nhận giấm chua, và rồi từ chính Ngài, ơn cứu độ đã chảy ra, đó chính là máu và nước từ cạnh sườn Ngài, nguồn suối tình yêu. Phải chăng giấm chua đã được thánh hoá và biến đổi thành nước và máu đem lại ơn cứu độ?

Trước tình yêu cao quý của Chúa sẵn sàng ban tặng cho mỗi người chúng ta dòng nước trường sinh – ơn cứu độ, chúng ta có sẵn sàng đón nhận không? Chúng ta có nói lời xin vâng với Chúa không? Đó là vấn nạn rất thật của cuộc sống đời người. Có biết bao nhiêu dòng nước khác của cuộc đời này đang chào hàng chúng ta, dòng nước của đam mê, của nhục dục, của quyền lực, của tiền bạc, của tham lam, của hưởng thụ, của sung túc. Nhưng tất cả những dòng nước đó, dù có thoả mãn những cơn khát cấp thời chúng ta, nhưng có làm cho cơn khát ơn cứu rỗi của chúng ta tìm thấy đích đến không? Có giúp chúng ta tìm thấy được sự trọn hảo của tình yêu không?

Đích đến của cơn khát ơn cứu độ ở nơi Chúa, ở nơi trái tim Ngài, ở chính thập giá mà Ngài đang bị đóng đinh ở trên. Nơi đó Chúa vẫn đang đang khát. Ngài đang khát chúng ta.

Chúa khát chúng ta.

Chúa Giê-su khát chúng ta. Thật vậy, “trong tất cả mọi sự, Chúa khao khát chúng ta”.[12] Chúa ao ước con người chúng ta tin vào Ngài, Đấng có thể mở đôi mắt của chúng ta để giúp chúng ta nhận ra được tình yêu cao quý của Chúa, tình yêu được hoàn tất trên thập giá. Chúa khát chúng ta, Chúa ao ước chúng ta mở lòng hướng về Chúa, đi tìm Chúa là nguồn nước đích thật, khi chúng ta khát. Nơi Chúa chúng ta sẽ tìm thấy được dòng nước ngọt ngào làm thoả cơn khát tình yêu của chúng ta.

Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Chúa không bao giờ chê bai chúng ta, dù chúng ta có tội lỗi và xấu xa đến mất. Vị chua chát đắng cay Chúa đón nhận khi bị đóng đinh trên thập giá là dấu hiệu Chúa sẵn sàng đón nhận những tội lỗi và lầm lỡ của chúng ta. Chính lúc Ngài đón nhận tất cả những thứ đó, Ngài sẽ thánh hoá và biến đổi tất cả, giải thoát con người chúng ta khỏi thuốc độc với hương vị chua chát và đắng cay có thể làm hại chúng ta. Qua chính thập giá, Chúa thánh hoá và biến đổi tất cả mọi giận dữ, mọi hận thù, mọi thất vọng, mọi sợ hãi, mọi bất nhân của chúng ta thành dòng nước ngọt ngào, dòng nước làm thoả mãn cơn khát của chúng ta.

Di ngôn thứ năm này thật là đẹp biết bao. Chính lúc Chúa đón nhận giấm chua với biết bao đau thương, bất nhân mà cuộc đời trao, Chúa muốn nói với chúng ta rằng, Chúa khát mỗi người chúng ta. Hãy đến trao cho Chúa con người chúng ta, với cuộc sống rất thật của chúng ta. Ngài sẽ biến đổi tất cả để chúng ta thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về chúng ta. Để được như thế, chúng ta cần khiêm tốn và ăn năn sám hối để trở về với Ngài.

Chúa khát lòng sám hối ăn năn.

“Chúa khát gì vậy?” Nhìn Chúa trên thập giá, lắng nghe di ngôn thứ năm Chúa nói, chúng ta có thể hỏi như thế. Nếu nhìn lại cuộc đời của Chúa, chúng ta thấy rõ ràng, Ngài đang khát những con người biết sám hối ăn năn, Ngài khát những tấm lòng biết ngồi xuống hồi tâm tự nhủ và trở về.

Lật lại những trang Phúc Âm, biết bao câu chuyện Chúa gặp gỡ và chia sẻ với những người tội lỗi. Ông D-kêu kìa, hôm nay Chúa đến nhà ông, vì hôm nay ơn cứu độ đến với nhà ông, con người có lòng sám hối và ăn năn. Người phụ nữ đàng điếm nổi tiếng tội lỗi trong thành, đã tìm đến với Chúa ở trong một nhà của một người Pha-ri-sêu. Thái độ của chị thế nào? Đứng đằng sau Chúa chứ không dám đứng đối diện, khóc lóc thảm thiết, những giọt nước mắt của lòng sám hối ăn năn đã tưới ướt chân Chúa, và mái tóc kia đã được dùng để lau đôi chân của Chúa ướt đẫm nước mắt của chính trị, của lòng sám hối. Nụ hôn được đặt lên đôi chân Chúa, nụ hôn của sự kính trọng, của niềm hy vọng về ơn tha thứ dành cho một tâm hồn tội lỗi biết sám hối ăn năn. Và cuối cùng dầu thơm chị dùng để xức lên bàn chân của Chúa. Thật tuyệt vời biết bao. Cuộc gặp gỡ của người phụ nữ tội lỗi với lòng sám hối ăn năn được ghi dấu rõ rệt nhất ở tại đôi chân của Chúa. Đôi chân Chúa rảo bước đi khắp mọi nơi để tìm những con chiên lạc đàn, đôi chân đó hôm nay vui mừng biết bao khi gặp gỡ một tâm hồn thành tâm sám hối. Đôi chân Chúa khát tâm hồn đó, và hôm nay đôi chân của Đức Ki-tô vui mừng biết bao khi được tâm hồn sám hối kia làm cho thoả cơn khát.

Chúa khát lòng sám hối ăn năn của chúng ta. Chúng ta bắt chước người phụ nữ, để bước vào một con đường của lòng khiêm tốn sám hối ăn năn. Con đường khiêm tốn này dẫn chúng ta tìm kiếm Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Cánh cửa của nhà Ngài đang mở ra cho chúng ta. Như người thu thuế tội lỗi, chúng ta bước vào, và thật khiêm tốn, đứng ở đàng xa, đầu cúi xuống, đấm ngực và chúng ta nói với Ngài: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).


Và hầu như tất cả những con người tội lỗi trở về, đều trở về với tình yêu Chúa và ở lại trong tình yêu Chúa. Đó chính là điều Chúa ao ước. Thật vậy, “Chúa Giê-su khao khát con người, Chúa Giê-su ước ao con người mở rộng cho tình yêu, và Ngài cũng mong muốn con người hãy ngừng lại đừng làm thoả mãn cơn khát của con người với những điều thuộc về trần thế, những thứ không bao giờ có thể làm thoả mãn cơn khát của con người”.[13]

Vì thế, hãy khát khao Chúa, vì Chúa khao khát mỗi người chúng ta và Chúa khao khát tình yêu của chúng ta.

Chúa khát tình yêu của bạn và của tôi.

Đức cha Fulton Sheen đã trình bày về lời nói này một cách hùng hồn: “Vào lúc mà Đấng Cứu Độ chúng ta tóm kết lại bài giảng của Ngài, thì không phải là một lời nguyền rủa trên những kẻ đóng đinh Ngài, không phải là một lời trách mắng các môn đệ nhát đảm đang đứng lẫn lộn với đám người vây quanh, cũng không một tiếng kêu khinh miệt với đám lính Rô-ma, không một lời mang lại niềm hy vọng cho Ma-đa-lê-na, không một lời yêu thương cho Gio-an, cũng chẳng có một lời giã từ với người mẹ rất thương mến của Ngài. Thậm chí cũng không một lời nói với Thiên Chúa trong giờ phút ấy! Vượt khỏi sự sâu thẳm của Trái Tim rất thánh, đã vọt ra qua đôi môi nứt nẻ của Ngài một lời đáng tôn kính: ‘Ta khát!’ Chúa Kitô, Đấng đã chết vì yêu thương trên Thập giá, đã rút cạn chính Ngài. Không còn điều gì hơn mà Ngài đã không làm vì yêu thương. Khi đã đổ hết nước tình yêu vô tận của mình, Chúa Giêsu đã la lên vì khát tình yêu của chúng ta!”

Ngoài ra, trước khi Chúa bước vào con đường thương khó, Chúa đã dùng bữa tiệc ly với các môn đệ. Tại bữa tiệc đó, Chúa đã diễn tả tình yêu của Ngài dành cho các ông cách đặc biệt. Thánh Gio-an đã diễn tả như sau: “Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Giờ của Chúa đến đã đến, nghĩa là giờ Ngài bước vào con đường đau khổ chông gai, để thực hiện trọn vẹn thánh ý của Cha. Tại mốc điểm thời gian đó, Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, tình yêu đó không bao giờ mất đi, dù cho Ngài phải rời xa các môn đệ. Hơn nữa, tình yêu này thật cao cả, vì đó là tình yêu đến cùng. Tình yêu trung tín, tình yêu hiện diện mãi mãi.

Sau những lời từ biệt của Chúa, Chúa tiếp tục giáo huấn các môn đệ của mình, và trong chương 15 của phúc âm thánh Gio-an, Chúa đã kêu gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4), và cụ thể hơn Chúa mời gọi: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Lời mời gọi của Chúa diễn tả một sự khát khao mãnh liệt của Chúa. Chúa khát tình yêu của các môn đệ, Chúa khát từng người Chúa yêu thương.


“Chúa khát tình yêu của chúng ta. Nhà thần bí Juliana von Norwich vào thế kỷ thứ 14 đã viết: ‘Cùng một ao ước và cùng một khát khao mà Ngài có trên Thánh Giá (điều mà trong đôi mắt của tôi đã có trong Ngài từ khởi đầu), ao ước và khát khao đó vẫn luôn ở đó. Và Chúa muốn nhận được những gì Ngài ao ước và khao khát, là các linh hồn cuối cùng cần được cứu rỗi và được Ngài đưa vào trong vinh quang của Ngài. Sự thật và lòng thương xót luôn thuộc về Thiên Chúa như thế nào, thì khao khát và ao ước cũng thuộc về Ngài như vậy…và ao ước cùng khát khao đó ở lại trong Ngài, cho tới khi chúng ta đạt được những hồng ân cần thiết, để nhờ đó Ngài có thể đưa chúng ta vào trong hạnh phúc của Ngài… Ao ước và khao khát của Đức Ki-tô vẫn ở đó và tiếp tục hiện diện ở đó cho tới ngày cùng tận’.”[14]

Qua nhưng lời của nhà thần bí, chúng ta hiểu sâu hơn Chúa khát khao tình yêu chúng ta như thế nào. Vì thế, lời mời gọi ở lại trong Chúa và trong tình yêu của Chúa thật quan trọng biết bao. Khi chúng ta ở lại trong Chúa và trong tình thương của Chúa, thì Chúa không còn khát nữa. Thật vậy, cơn khát làm sao có chỗ nữa, khi Chúa và chúng ta đang trở nên một, đang hiệp nhất thật sự với nhau trong tình yêu thương.

Theo Schnackenburg[15], từ ngữ ở lại trong mà Gio-an dùng trong chương 15 này, cũng liên hệ đến lời nói của Chúa về bí tích Thánh Thể. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đó là cách thức diễn tả điều căn bản nhất của bí tích Thánh Thể, nghĩa là ở lại trong, là nên một với Chúa, là chia sẻ với Chúa một mái nhà, là hiệp nhất thật sự với Chúa. Ở lại trong Chúa là điều Chúa mời gọi từng người trong chúng ta. Chúng ta đáp lại lời này như thế nào?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều nhanh chóng nói lời xin vâng với Chúa, đều muốn ở lại trong Chúa. Nhưng thế nào là ở lại trong Chúa? Chúng ta đừng hiểu lầm rằng, ở lại trong Chúa là chúng ta cần phải có những thị kiến cao siêu để được gặp Chúa, là chúng ta trở thành những con người ngoại hạng, và suốt ngày sống trong trạng thái lâng lâng của cảm giác là Chúa hiện ra với chúng ta và chúng ta muốn xa lánh mọi sự, quên đi tất cả mọi người xung quanh, bỏ cả công việc và trách nhiệm trong gia đình, trong hãng xưởng, để chỉ lo đọc kinh suốt ngày. Nếu được như vậy, thì đó là một ơn đặc biệt.

Nhưng “ở lại trong Chúa” mang một chiều kích rất thực tế. Thật cụ thể, Chúa nói với chúng ta:“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).[16] Giữ điều răn Chúa dạy, sống điều Chúa muốn. Đó chính là dấu hiệu chúng ta ở lại trong Chúa và trong tình yêu của Chúa.

Và điều răn của Chúa thì rất cụ thể: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12). Chúng ta thấy trong mạch văn của chương 15 này, thánh Gio-an đã diễn thật rõ ràng tinh thần ở lại trong Chúa là tinh thần sống yêu thương. Còn các thánh sử viết Phúc Âm Nhất lãm, thì không khác gì, mà còn bổ sung thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).

Trở về với tinh thần của bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng được Chúa mời gọi sống tình yêu thương như Chúa, nghĩa là khi đón nhận Chúa vào lòng, chúng ta được mời gọi hãy đem Chúa đến cho mọi người, hãy yêu mọi người như Chúa yêu, hãy hy sinh cho mọi người như Chúa hy sinh, tóm lại hãy làm như Chúa làm: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Đó là lời nhắn nhủ của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Cũng thế, trong biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ, Chúa cũng mời gọi các môn đệ: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15).

Thật vậy, nếu chúng ta thực hiện những điều Chúa dạy là chúng ta ở lại trong Chúa, và trong tình yêu của Chúa, và như thế chúng ta đang dâng cho Chúa những dòng nước yêu thương cho Chúa, Đấng đã nói và đang tiếp tục nói với từng người trong chúng ta: “Ta khát”. Nghe hai từ này, chúng ta đáp lời Chúa như thế nào? Trong cuộc sống thường ngày, là con người chúng ta khát khao nhiều thứ lắm. Chúng ta không bao giờ hài lòng với cuộc sống hiện tại, mà chúng ta luôn khao khát thêm một chút tiền trong tài khoản ngân hàng, khao khát thêm một chút thành công và danh vọng trong công việc, khao khát thêm một chút thân thương trong gia đình và trong nhóm bạn. Đó cũng là bình thường thôi. Nhưng thử hỏi, chúng ta có tự hỏi bản thân, chúng ta có khao khát thêm một chút gần Chúa hơn, khao khát thêm một chút giống Chúa hơn, khao khát thêm một chút sống tinh thần Tin Mừng của Chúa sát sao hơn? Mong sao, chúng ta luôn có lòng khao khát Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh nói:

 
“Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63,2).

Hơn nữa, trong cuộc sống thực tế hôm nay, Chúa vẫn khát, vì còn có biết bao người chưa yêu Chúa, Chúa vẫn khát, vì còn biết bao người chưa biết Chúa, Chúa vẫn khát, vì còn biết bao người nghèo hèn và bất hạnh đang cần đến tình yêu. Những anh chị em đó đang chờ Chúa, đang chờ chúng ta, những cánh tay nối dài đem tình yêu Chúa đến cho họ, để phần nào thoa dịu cơn khát của Chúa.

Ta khát – Như một lời sai đi.

Các Giáo Phụ đã để lại những gợi ý rất hay cho chúng ta. Cơn khát thực sự của Chúa Giê-su không hướng về nước hay là giấm, mà hướng về các linh hồn. Chúng ta có thể nói rằng, điều mà Chúa Giê-su khát là kéo mọi người nam người nữ đang cần đến sự nâng đỡ và ơn cứu độ đến với Chúa. Ở đây, chúng ta có thể liên hệ đến một đoạn của Tin Mừng Gio-an: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Tương hợp với tinh thần này, Giáo Hội và các Ki-tô hữu cần cố gắng hướng về một cách sống mang hai ý nghĩa: Một đàng chúng ta cần để cho Chúa Giê-su kéo chúng ta đến gần Ngài. Đàng khác, chúng ta – Giáo Hội và các Ki-tô hữu cần có một sức lôi kéo mạnh mẽ đối với người khác, để trong Giáo Hội và trong chúng ta họ tìm thấy một cánh cửa mà họ có thể gõ, tìm thấy một ngôi nhà để họ có thể trú ngụ, tìm thấy một nơi chốn để họ có thể nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức lực. Có thể đây là ý nghĩa sâu xa của tinh thần Ki-tô giáo: Không phải là để làm cho Chúa Ki-tô đang bị treo trên Thánh Giá đỡ khát với một ly nước hay một vài giọt giấm chua, mà trên hết là tình yêu và lòng thương xót.[17]

Ngoài ra, chính Chúa Giê-su trong dịp tuần lễ Lều của người Do-thái, Ngài đã nói: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38). Thật là quan trọng biết bao, khi Giáo Hội và các Ki-tô hữu ý thức chạy đến với Chúa Giê-su, Đấng là nguồn nước hằng sống, để uống thoả thuê những dòng nước tình yêu và tràn đầy lòng thương xót. Sau khi đón nhận dòng nước hằng sống này, thì chính Giáo Hội và các Ki-tô hữu trở nên nguồn nước hằng sống cho người khác.

Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta, cũng biết khát người khác như Đức Ki-tô, biết khao khát gặp anh chị em, để có thể làm thoả cơn khát của họ bằng nguồn nước của tình yêu, nguồn nước mà chính chúng ta đã đón nhận.

Trong Giáo Hội Công Giáo có một linh đạo đã chọn lời của Chúa Giê-su “Ta khát”, như là mục đích cần hướng tới. Đó là linh đạo của dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Mẹ Tê-rê-sa cả cuộc đời đã nỗ lực đón nhận hai từ “Ta khát”, như một lời sai đi để cứu các linh hồn, đặc biệt những người bất hạnh và khổ đau về cho Chúa Giê-su, Đấng đang khát. Như thế, theo linh đạo của Mẹ Tê-rê-sa, Mẹ luôn mơ ước các nữ tu của Mẹ làm thoả mãn tiếng kêu khát của Chúa Ki-tô “Ta khát”.


Thật vậy, khi Mẹ Tê-rê-sa đọc được những lời này trong Tin mừng Thánh Gioan, Mẹ hiểu rằng Chúa Giê-su đang khát đến nứt nẻ trong con người của những người nghèo. Mẹ cảm thấy nhu cầu làm thoả mãn cơn khát của Chúa Giê-su. Mẹ đã thừa nhận chắc chắn rằng lời nói này của Chúa Giê-su đã chỉ rõ sứ mạng của Mẹ. Mẹ thường dùng lời: “Ta khát” như là một tiếng la tranh đấu cho sự huấn luyện và sự tồn tại của Dòng Thừa Sai Bác Ái khi Mẹ nói: “Đối với tôi đã quá rõ ràng: mọi thứ trong Hội dòng Thừa Sai Bác Ái chỉ tồn tại để làm thoả mãn Chúa Giê-su”. Trong mọi nhà nguyện mà các Thừa Sai Bác Ái cầu nguyện và thờ lạy, một trong các bức tường của nhà nguyện được treo tấm bảng viết tiếng kêu của Thiên Chúa: “Ta khát”. “Ở Yemen, viết ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập; ở Gaza, ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái; ở Rôma, ‘Ta khát’ bằng tiếng Anh và tiếng Ý; Trong mọi nhà của các cộng đoàn chúng tôi, khi bạn đi vào nhà nguyện, bạn sẽ nhìn thấy chữ ‘Ta khát’. Đó là tiếng kêu của Chúa Giê-su. Chúng tôi hiện diện là để an ủi Chúa Giê-su, để làm vơi cơn khát tình yêu của Ngài. Đó chính là vai trò và mục đích của chúng tôi”[18].

Ngoài ra, lời nói trên Thánh Giá của Chúa “Ta khát” cũng đưa chúng ta trở lại với hình ảnh Phán Xét chung mà Chúa đã dạy trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25,31-46). Với Mẹ Tê-rê-sa, suy niệm lời nói của Chúa vào ngày phán xét chung mang thật nhiều ý nghĩa của việc sai đi để sống đúng tinh thần là người Ki-tô hữu và là môn đệ của Chúa.

“Ta đói” ở đây, không phải Chúa Giêsu đói cơm bánh nhưng là đói sự an bình đến từ tâm hồn trong sạch. “Ta khát” Chúa Giêsu không chỉ cần nước để làm giảm vơi cơn khát thể chất, nhưng Ngài khát sự bình an làm thoả mãn cơn khát tình yêu nồng cháy của Ngài. “Ta trần truồng” Chúa Giêsu không chỉ nói về nhu cầu quần áo mà còn nói về nhân phẩm cao quý của con người. “Ta không có nhà cửa” Chúa Giêsu không chỉ cậy nhờ đến những căn nhà xây dựng bằng gạch và đá nhưng là những tâm hồn biết quan tâm và chăm sóc người khác bằng những cử chỉ yêu thương. Mẹ Tê-rê-sa đã kết luận với sứ điệp hoà bình sau cùng, đó là chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương từng người chúng ta. Chúa Giêsu đã đến rao giảng cho chúng ta tin mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, rằng Ngài muốn chúng ta cũng hãy mến thương nhau.


Khi còn tại thế, Ngài đã đi khắp nơi chữa lành và nuôi ăn những kẻ bệnh hoạn, đau khổ và đói khát. Chúng ta cũng phải noi gương của Ngài để chăm sóc và giúp đỡ những người nghèo và những người kém may mắn ở ngay giữa chúng ta. Như thế thì thật tràn đầy hy vọng khi đến giờ chúng ta từ biệt thế gian và đi về nhà Chúa, thật là tuyệt khi được nghe Chúa nói với chúng ta: “Hãy đến và lãnh lấy Nước Thiên Đàng đã được chuẩn bị cho con, vì khi Ta đói, con đã cho Ta ăn; Ta trần truồng, con đã cho Ta áo mặc; Ta đau yếu thì con đã viếng thăm Ta. Bất cứ điều gì con đã làm cho một trong những kẻ bé mọn là anh em của Ta đây, là con đã làm cho chính Ta”.[19]

Lạy Chúa, xin hãy xua đuổi xa khỏi con sự lãnh đạm và vô tâm trước hoàn cảnh của người nghèo.
Khi con gặp Chúa đói, khát, xa lạ, thì xin Chúa hãy dạy con biết cho Chúa của ăn, dâng Chúa nước uống để đừng bị khát nữa và tiếp đón Chúa nơi nhà tâm hồn con.

Xin hãy dạy con phục vụ Chúa trong những kẻ bé mọn nhất trong anh chị em xung quanh. Amen.

Bài tập sống di ngôn thứ năm của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

Bạn dành thời gian để đứng ngắm nhìn Thánh Giá Chúa. Trước hết với tất cả lòng thành, bạn kính cẩn cúi đầu thờ lạy Ngài. Bạn hướng nhìn và chiêm ngắm Chúa đang chịu chết trên Thánh Giá vì yêu thương bạn. Đừng vội nói gì, đừng vội cầu xin gì. Hãy để cho hình ảnh của Chúa thấm vào tâm hồn bạn. Sau vài phút, trong khi bạn chiêm ngắm Chúa, bạn hãy nói lớn tiếng cho bạn nghe được hai từ “Ta khát”, Lời của Chúa Giê-su nói với riêng bạn lúc này. Bạn hãy nhẩm đi nhắc lại hai từ này một vài lần lớn tiếng để bạn có thể nghe được.

Tiếp đến bạn hãy nhắm mặt lại, nhẩm đi nhắc lại trong lòng hai từ đó, Lời của Chúa Giê-su nói với bạn. Sau đó, bạn hãy trở về với lòng mình, qua hai từ ngắn ngủi đó, Chúa đang muốn nói với bạn điều gì vậy? Chúa đang xin bạn điều gì vậy? Trong âm thầm bạn hãy tâm tình với Chúa.

Đứng trước Thánh Giá Chúa, bạn hãy chiêm ngắm Ngài đang chịu chết, vì yêu thương nhân loại, vì Ngài muốn cứu độ nhân loại. Giờ đây, bạn hãy nhẩm đi nhắc lại lời của Chúa “Ta khát”. Lời này của Chúa giờ đây được Ngài nói cho toàn thể nhân loại. Trong trải nghiệm của bạn, bạn hãy xét xem với bạn nơi nào hay ai đó mà lời của Chúa “Ta khát” đang được gởi đến với họ và vang lên cách rõ ràng nhất? Tại sao? Bạn hãy cầu nguyện cho nơi đó hay cho người đó.

Người ta đã dùng cây hương thảo, với miếng bọt biển nhúng đầy giấm và cho Chúa uống, khi Chúa kêu lên “Ta khát”, cũng như ngày xưa Chúa đã xin người phụ nữ Samari nước uống (x.Ga 4). Phần bạn hôm nay, bạn muốn cho Chúa uống gì, khi Chúa nói với bạn “Ta khát”?

Ngày xưa Chúa uống giấm chua, nghĩa là Chúa muốn chia sẻ với mọi người sự chua chát và đắng cay của cuộc đời. Nhìn lại lòng mình và cuộc đời mình cách sâu thẳm và chân thật, bạn coi xem vị chua chát và đắng cay trong đời bạn đang hiện diện ở đâu trong đời bạn (có thể trong quá khứ hay là lúc này đây). Sự chua chát và đắng cay đó đến từ đâu? Chúng ảnh hưởng trên bạn như thế nào? Bạn đã làm gì và cảm nhận thế nào khi phải uống những thứ chua chát và đắng cay đó? Bạn có thấy Chúa cũng đang cùng uống với bạn chén đắng cay và chua chát đó không? Hãy tâm tình với Chúa về chén đắng cay và chua chát của đời bạn, và xin Chúa biến đổi chén đắng cay và chua chát này thành chén của lòng thương xót đầy dịu ngọt và bình an.

“Ta khát” như là một lời Chúa gởi gắm cho riêng bạn, như là một sứ mạng mà Chúa mời gọi bạn chia sẻ. Ngài khát những linh hồn, Ngài khát những người bất hạnh và nghèo hèn. Giờ đây, Ngài đang mời bạn hãy cùng Ngài lên đường để đưa anh chị em mà Chúa đang chờ đợi, đang khát khao về với Chúa. Cụ thể bạn có thể làm gì? Ai và nơi nào mà bạn có thể đến để thăm viếng, để chia sẻ, và để đưa Chúa đến với họ, và đưa họ về với Chúa?


Nguồn: dongten.net (06.4.2023)
 
 

[1] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.241.
[2] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.51-52.
[3] GRUEN A., Vater, vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, Vier-Tuerme-Verlag, Muensterschwarzach 2014, s. 84.
[4] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, die sieben letzten Worte Jesu, Herder Verlag, Freiburg 2014, s.64.
[5] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 5: Das fuenfte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Wandlung.
[6] X. SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1975, t.330-331.
[7] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.65-66.
[8] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.242.
[9] GRUEN A., Vater, vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, s.86
[10] ELOWSKZ J.C., Ancient Christian commentary on scripture John 11-21, Inter Varsity Press s. 321.
[11] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, >Jesus von Nazareth II, t.242
[12] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, die sieben letzten Worte Jesu, s.64.
[13] GRUEN A., Vater, vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, s.86
[14] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, die sieben letzten Worte Jesu, s.65.
[15] X. SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III.Teil, t.112.
[16] X. BLANK J, Das Evangelium nach Johannes, 2.Teil, Patmos Verlag, Duesseldorf 1986, 2.Aufl., t.148.
[17] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.52-53.
[18] Tham khảo bài Linh Đạo của hội dòng Thừa Sai Bác Ái, chương 4, phần 4.8 “Mẹ Tê-rê-sa mơ ước thoả mãn tiếng kêu khát của Chúa Ki-tô: Ta Khát”. Nguồn < http://www.mcchrist.org>
[19] Tham khảo bài Linh Đạo của hội dòng Thừa Sai Bác Ái, chương 4, phần 4.6 “Kết quả của phục vụ là bình an”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây