TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A

Thứ năm - 06/04/2023 19:42 |   725
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20, 1)

09/04/2023
CHÚA NHẬT PHỤC SINH – A

Mừng Chúa Sống Lại

Ga 20, 1-9


TÔI ĐÃ THẤY CHÚA PHỤC SINH
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20, 1)

Suy niệm: Nhiều người thắc mắc: Tại sao Chúa Ki-tô không thể hiện việc phục sinh một cách tỏ tường, rầm rộ để mọi người dù muốn dù không đều khẩu phục tâm phục, xoá tan mọi thuyết âm mưu? Trái lại, mọi sự diễn ra thật êm ả, hiện trường của sự kiện sống lại chỉ là một ngôi mộ trống: tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên, bên trong mộ tấm khăn liệm với những băng vải được xếp lại gọn gàng. Thế nhưng sự hoang mang ban đầu đã sớm trở thành niềm xác tín. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la mới đầu còn hoảng hốt báo tin xác Chúa đã biến mất, nhưng rồi bà đã trở lại, mừng rỡ khẳng định: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 18). Còn “người môn đệ được Chúa thương mến” chứng kiến ngôi mộ trống đã điềm đạm cho biết: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Mời Bạn: Niềm tin Đức Ki-tô phục sinh, ngay từ đầu đã dựa trên những chứng từ vững chắc. 1/ Bao lâu chưa chứng minh được ai đã “lấy trộm xác Chúa” và động cơ hành động là gì thì sự kiện “mộ trống” vẫn là chứng cứ đầu tiên rằng Chúa đã sống lại. 2/ Chứng từ quan trọng và mạnh mẽ nhất đến từ những người môn đệ vốn “nhát sợ, cứng lòng tin” (x. Mt 8, 26), đã từng trốn chạy, chối Thầy, nay lại mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi đã thấy Chúa, chúng tôi làm chứng” (x. Cv 2, 32). Bạn có suy gẫm về những chứng từ này để rồi chính bạn cũng sẽ làm chứng không?

Sống Lời Chúa: Bạn nghiền ngẫm về lời chứng của các tông đồ và quyết tâm làm chứng cho Chúa bằng cả đời sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, con xin thưa với Chúa như Tô-ma đã thưa: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Phục Sinh - Năm A
Mừng Chúa Sống Lại

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Ngày trọng đại, vui mừng và mang nhiều ý nghĩa nhất của Kitô giáo đó là ngày đại lễ Phục Sinh hôm nay. Chính ngày hôm nay, làm cho tất cả các ngày lễ khác có ý nghĩa, kể cả lễ Giáng Sinh. Nếu Chúa không sống lại từ cõi chết thì như Thánh Phaolô Tông Đồ nói : tất cả nền tảng đức tin của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, vô ý nghĩa và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trở thành một tin buồn chứ không phải Tin Vui. Sự Phục Sinh của Chúa cho chúng ta thấy rõ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Chúa Kitô sống lại, Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu Phục Sinh này đến cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương. Vì thế, tiếng nói cuối cùng không phải là của sự dữ và tội ác, mà là lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã đổi mới tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài, làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm tin và hy vọng. Vậy giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ này trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen quyền năng vô biên của Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại khải hoàn.

Ca nhập lễ

Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu – Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng:  Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Trong Ngày cực thánh này, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa dâng lời cầu nguyện, để niềm vui Phục Sinh của Con Chúa lan tỏa khắp trần gian.

1. Xin cho niềm vui Phục Sinh làm cho Hội Thánh được đổi mới và hăng hái dấn thân như bà Maria Ma-đa-lê-na, Thánh Phêrô và Thánh Gioan trong việc làm chứng và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.

2. Xin cho cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô trở nên nguồn an ủi và hy vọng cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bị bỏ rơi hay chịu bất công xã hội.

3. Xin cho sự Phục Sinh của Chúa Kitô trở nên nguồn hòa giải và phúc bình an cho những ai đang sống trong hận thù, bạo lực và chiến tranh.

4. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh biến đổi tâm hồn chúng ta, đặc biệt là các anh chị em tân tòng vừa được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng Phục Sinh và từ khước bóng tối tội lỗi.

Chủ tế: Lạy Cha chí thánh, trong sự Phục Sinh của Con Cha, Cha đã xóa tan mọi sợ hãi và làm hiện thực hóa những gì chúng con không dám hy vọng. Xin nghe lời chúng con cầu nguyện để chúng con luôn sống trong niềm vui của đoàn dân đã được Con Cha cứu chuộc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I: “nhất là trong ngày cực thánh này”

Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh “Cùng hiệp thông…” và kinh “Vậy, lạy Cha…”

Ca hiệp lễ

Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:

X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia

Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.

Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.

Suy niệm

ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT VÀ CÁC CUỘC ĐỔI ĐỜI
SUY NIỆM LỄ PHỤC SINH

(Cv 10, 34.37- 43; Cl 3, 1- 4; Ga 20, 1- 9)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Câu nói nổi tiếng của thánh Phaolô đã thể hiện niềm tin tuyệt đối và niềm hy vọng chắc chắn của ngài vào Đức Kitô Phục Sinh, ngài nói: “… nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14); “Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Ðức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19). Đúng thế, nếu cả cuộc đời của mỗi chúng ta, sự hy sinh dài lâu cho một con người mà chính người đó lại kết thúc cuộc đời của họ qua cái chết thì quả là một điều vô lý, hão huyền, thua thiệt và dại dột. Tuy nhiên, Đức Giêsu, Đấng mà các môn đệ tin; nhiều người Dothái tin; Giáo Hội tin; và chúng ta tin, Ngài đã chết thật, nhưng Ngài cũng đã sống lại thật.

Như vậy, niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu quả là khôn ngoan và có cơ sở vững vàng. Vậy tại sao biết được Đức Giêsu chết thật, và luận cứ gì làm bảo chứng cho niềm tin Ngài đã sống lại? Việc Ngài chết và đã phục sinh có để lại dấu ấn gì nơi những người tin hay không?

1. Đức Giêsu đã chết?

Đức Giêsu đã chết thật. Đây là lời khẳng định rõ ràng qua các chứng cứ sau:

Cái chết của Ngài là hệ quả của những phiên tòa do những tác động gây sức ép từ phía dân chúng, khiến những nhà lãnh đạo tôn giáo Dothái thời bấy giờ kết án tử Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã bị xử tử theo trình tự như: bị đánh đòn; vác thập giá; bị đóng đinh với hai tên gian phi trên đỉnh đồi Canvê.

Khi họ đóng đinh xong, Đức Giêsu đã chết thật, nên quân lính không đánh dập ống chân Ngài nữa, tuy nhiên để cho chắc ăn, một người lính đã lấy lưỡi đòng đâm cạnh nương long Đức Giêsu, tức thì máu và nước đã vọt ra cho thấy nhát đâm của người lính này đã đâm trúng tim của Đức Giêsu.

Sau đó, có các môn đệ thầm lặng của Ngài như Giuse Arimathia đến xin lĩnh xác Đức Giêsu để táng xác. Philatô đã đồng ý, nhưng ông vẫn phải hỏi lại viên sĩ quan phụ trách thi hành án xem Đức Giêsu đã chết thật chưa? Khi được trả lời là đã chết thật, Philatô mới cho phép tháo xác Đức Giêsu xuống để an táng. Và, họ đã an táng Đức Giêsu trong một ngôi mộ mới.

Như vậy, Đức Giêsu đã chết thật. Không thể không tin vào chuyện này được. Tuy nhiên, nếu cái chết là điểm đến, là kết cục, thì nó là chuyện vô lý, không có gì để chúng ta bàn nữa. Nhưng cái chết đã không còn quyền chi đối với Đức Giêsu khi Ngài đã phục sinh.

2. Ngôi mộ bị bỏ trống

Tin Mừng cho thấy: vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ đi ra mồ, khi tới nơi, họ không còn thấy xác Đức Giêsu trong đó nữa. Các bà thì ngỡ ngàng và không hiểu tại sao lại như vậy? Phải chăng Ngài đã phục sinh như lời Ngài đã phán trước? Và thật thế, Thiên Thần đã trấn an các bà, để các bà khỏi hoảng hốt, khiếp đảm và bỡ ngỡ, Thiên Thần nói: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5-6).

Còn đối với những kẻ chủ mưu giết Đức Giêsu thì có sẵn những âm mưu từ trước nên đã gán cho sự việc này giả thiết như sau: có thể các môn đệ của ông ấy đến ăn cắp xác Đức Giêsu và phao tin Ngài đã sống lại? Và những Thượng Tế, Kỳ Lão đã cho tiền quân lính để chúng đồng thuận với họ về ý tưởng này.

Tuy nhiên, giả thiết này đưa ra thật không có bằng chứng và đáng ngờ vì những lý do:

– Thứ nhất, khi những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ nghe biết Đức Giêsu nói là sẽ sống lại, nên họ đã đề phòng cẩn thận, bởi vì nếu không lường trước sự việc, thì không khéo điều đó diễn ra thật thì chẳng khác gì như một cú tát, bát nước lạnh tạt vào mặt những kẻ kết án Đức Giêsu. Còn với chính họ, chẳng khác gì tự mình ngửa mặt lên và nhổ nước miếng…? Vì thế, họ đã đặt một đội lính canh tinh nhuệ để trông chừng, phòng chống những rủi ro sẽ sảy ra!

– Thứ hai, nếu gán rằng có kẻ thù ăn cắp xác Đức Giêsu thì lại càng không ổn, vì nếu làm như vậy thì vô hình chung lại là điều kiện tốt cho việc phao tin Đức Giêsu sống lại. Và tỷ lệ thuận là điều có thể xảy ra đối với những người đã từng cảm phục Đức Giêsu lúc Ngài còn sống.

– Thứ ba, điều này rất khó xảy ra vì các Tông đồ phần đông là dân chài lưới, ít học, lại kém tin nữa. Bằng chứng là khi cuộc thương khó của Đức Giêsu đến, các ông đã bỏ trốn, có kẻ còn trút lại cả quần áo để miễn sao thoát thân, rồi Phêrô là Tông đồ trưởng nhưng đã vì lo sợ mà trối cả Thầy mình, rồi sau khi Đức Giêsu chết, họ tụ họp với nhau nhưng cửa đóng then cài vì sợ người Dothái…, tiếp theo là sự thất vọng được lộ rõ trên khuôn mặt của hai môn đệ trên đường Emmau. Như vậy, không có lý do gì mà các môn đệ của Đức Giêsu làm được chuyện này trước một đội lính tinh nhuệ và có bề dày kinh nghiệm…!

Như vậy, Đức Giêsu đã sống lại thật và sự kiện ngôi mồ trống là bằng chứng. Đây là dấu chỉ thứ nhất. Dấu chỉ thứ 2 là những lần hiện ra với nhiều người, nhiều nơi và cùng lúc, cũng như những người đó lần lượt nhận ra Ngài với kỷ niệm và những dấu hiệu mà họ đã biết trước đó.

3. Những cuộc hiện ra

Điều đáng nói và cũng là quan trọng nhất, đó là tất cả những diễn biến qua cuộc khổ nạn, chết và sống lại của Đức Giêsu đều được Kinh Thánh báo trước. Khi thì qua hình ảnh, dấu chỉ, tiên báo, hay do chính Ngài loan báo với các môn đệ: Thầy “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Và hôm nay, Ngài đã sống lại, đã hiện ra cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emmau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (x. Ga 21); phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).

Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:

Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27); nghe thấy những gì Ngài nói (x. Ga 20,16); những hành động Ngài làm (x. Lc 24, 35); hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45)…

Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ (x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và, ở lại với họ (x. Lc 20,14;21,4).

Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố chấp và trai lì trong ích kỷ, tội lỗi…thì mới không tin mà thôi.

4. Những cuộc đổi đời

Cuối cùng, như trong phần mở đầu đã đề cập đến lời tuyên xưng của thánh Phaolô khi nói: “… nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Cũng vậy, nếu Đức Giêsu đã không sống lại thì làm sao có những cuộc đổi đời ngay tức khắc như vậy?

Các Tông đồ, là những người nhát đảm sợ sệt, ấy vậy mà sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, các ông đã trở nên mạnh dạn khác thường.

Nếu trước kia họ chỉ là người đi theo Thầy của mình, thì từ ngày Thầy mình phục sinh, các ông đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng bị đóng đinh và đã sống lại để rao giảng chân lý Tin Mừng.

Nếu trước kia, các ông là những người ít học, khô khan, kém hiểu biết, thì sau khi Đức Giêsu phục sinh, các ông đã hiên ngang, hùng hồn, uyên thâm khi rao giảng về Đấng đã bị chính dân mình giết chết.

Nếu việc Đức Giêsu sống lại chỉ là chuyện bịa đặt thì làm gì các ông lại dại dột mà đi phỉnh lừa người khác, trong khi mình còn biết bao chuyện phải lo… và các ông cũng đều biết rằng việc các ông rao giảng về Đức Giêsu, thì đồng nghĩa với việc lãnh nhận sự liên lụy và sẽ có nguy bị giết chết.

Nhưng không! Các ông đã không sợ, bởi vì giờ đây, các ông mới hiểu rõ rằng Đức Giêsu là Chúa; là đường, là sự thật và là sự sống. Nên không có gì tách các ông ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, cho dù là gian truân, thử thách, gươm đao và ngay cả cái chết, bởi vì mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, nên vì Ngài, các ông đành mất hết để được tất cả, và đỉnh cao của cái được đó là đồng hiển trị với Ngài trong Vương Quốc của Ngài.

Rồi trải qua biết bao thế hệ, trên khắp thế giới, có biết bao nhiêu con người đã bất chấp hiểm nguy, rừng thiêng núi độc, hiểm trở trăm bề, nhưng vẫn quyết chí lên đường để đi và đến nhằm loan báo Tin Mừng về một Đức Giêsu đã chết, đã phục sinh hầu cứu chuộc nhân loại…, và nếu cần thiết, các ngài sẵn sàng lấy mạng mình để minh chứng điều mình tin là thật. Các thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta là một điển hình.

Như vậy, không ai và cũng không thể nào kéo dài cả hơn 2000 năn nay với một câu chuyện, một niềm tin vô lý được! Và nếu tồn tại đi chăng nữa thì chúng ta là những kẻ ngu dốt nhất trong thiên hạ vì đã tin vào cái xác chết. Nhưng không! Chúng ta tin vào Đấng đã chết và đã phục sinh; Đấng ấy có đủ quyền năng để dẫn đưa những ai cùng chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh, vì Ngài đi trước dọn chỗ cho chúng ta.

Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thêm đức tin và vững lòng trông cậy theo Chúa đến cùng để được Ngài cho phục sinh vinh hiển. Amen.

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN PHỤC SINH ABC

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
LM ĐAN VINH – HHTM

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20, 1-9

(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

2.Ý CHÍNH:

Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.

3.CHÚ THÍCH:

– C 1: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối: Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau: Ở đây Gio-an viết: “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết: “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28, 1); So với Mác-cô: “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16, 2) ; Riêng Lu-ca lại viết: “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24, 1). + Ma-ri-a Mác-đa-la: Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8, 2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28, 1; Lc 24, 10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).

– C 2: + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô: Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ Đức Giê-su thương mến: Cách nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết: Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28, 1).

-C 3-4: + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ: Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước: Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.

– C 5-6: + Băng vải còn ở đó: Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào: Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ: Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mộ.

– C 7-9: + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi: Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11, 43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả! + Ông đã thấy và đã tin: Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết: Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước ba lần (x. Mt 16, 21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại (x.Tv 16, 10; Tv 2, 7; Hs 6, 2).

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật? 2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào? 3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la? 4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai? Tại sao? 5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không? 6) Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào? 7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô? 8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay? 9) Khi thấy hiện tượng mộ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20, 8).

2. CÂU CHUYỆN:

1) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH:

Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra?” Người đáp: “Đúng vậy!” Thiên thần hỏi tiếp: “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không?” Chúa trả lời: “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói: “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó?” Chúa đáp: “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.

2) ĐƯỢC PHỤC SINH NHỜ SỐNG THEO LỜI CHÚA DẠY:

Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” diễn tả câu chuyện phục sinh tại một trại tù như sau:

Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên những con người độc ác. Họ cư xử với nhau bằng luật rừng «Mạnh được yếu thua», trộm cắp, nghi ngờ và làm tay sai chỉ điểm nhau cho bọn lính cai tù.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình thành một nhóm học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Ki-tô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vả, đã từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, đã từng bị môn đệ phản bội và đã từng bị bọn lính Rô-ma đánh đòn... Từ đó, tất cả những lời Đức Giê-su nói và những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với các tù nhân. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng đối xử với nhau bằng tình thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.

Từ đó, trong trại tù thỉnh thoảng có những tiếng hát vui tươi thay cho sự thinh lặng căng thẳng, giống như sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Nói cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù chính là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trộm cắp. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì tìm cách chỉ điểm làm hại lẫn nhau.

3) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT:

Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giê-ru-sa-lem.

Ngọn đồi Gôn-gô-tha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gio-an, xác của Chúa Giê-su được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: “Tôi đã tìm được xác ông Giê-su”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.

Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời: “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giê-su:

Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.

Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.

Chuông các thánh đường im tiếng.

Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.

Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.

Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.

Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.

Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giê-su và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.

Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giê-ru-sa-lem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giê-su đã Phục Sinh: Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.

3. SUY NIỆM:

Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau:

1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA:

Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mộ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19, 25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27, 61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16, 2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20, 2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20, 13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).

2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH:

Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,  21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17, 1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13, 23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19, 27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21, 7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn và đạt đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20, 8).

3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN:

Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,  18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19, 27-29; Lc 18, 28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10, 2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17, 1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8, 51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26, 37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1, 29). Có lần Phê-rô đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16, 17-19). Ông còn được trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22, 31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16, 22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,  31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13, 6-8). Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình (x Mt 26, 33-35). Nhất là ông đã tỏ ra hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26, 69-75).

Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,  18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không? (x Mt 17, 24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18, 21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6, 68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18, 10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an theo dõi diễn tiến tòa án xét xử Thầy (x Ga 18, 15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không bị kẻ trộm lấy xác (x Ga 20, 8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,  34; 1 Cr 15, 5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21, 7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là Hội Thánh (x Ga 21, 15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21, 18-19).

4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY:

Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa của những sự kiện dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lòng mến cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã sớm hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm đặt làm Đá Tảng đức tin, có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22, 32), và còn được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.

Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô sẽ được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người truyền trước khi lên trời (x Mt 28, 19).

4. THẢO LUẬN:

Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh: chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. - AMEN.

Chúa Nhật Phục Sinh -Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1-9).

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Suy niệm

Kìa Chúa đã sống lại rồi, niềm vui tin mừng phục sinh được loan đi khắp mọi nơi. Bầu khí ảm đạm của những ngày tuần thánh đã được thay thế bằng tin mừng cứu độ được gởi đến cho mọi người, mọi nhà. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là những lời chứng của những người đi theo Chúa, của các học trò thân tín nhất của Đức Giêsu, tất cả như đang hối hả, như đang vội vàng lên đường, để tin mừng phục sinh được vang lên cùng trái đất, để ơn cứu độ được trao ban cho những ai thành tâm thiện chí, đón nhận một Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã cúi xuống trở nên người, đã hy sinh cả sự sống, để cho con người được sống và sống dồi dào hơn.

Khi được gặp Thầy sống lại, các Tông đồ đã thay đổi khuôn mặt và hình ảnh của Thầy mình trong suy nghĩ, trong nhận thức và thái độ sống của các ngài. Mạnh dạn, tự tin và đầy nội lực của Thánh Thần, các Tông đồ đã làm chứng cho niềm tin của mình, đó là một niềm tin đích thực, không ảo tưởng, không hoang đường, Đấng mà các ông tin không phải là ma quỷ, nhưng là một Đấng do Chúa Cha sai đến, đầy Thánh Thần, Ngài đã đến để làm thay đổi bộ mặt của thế giới và con người: “Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá”. Từ niềm tin, đến suy nghĩ về cuộc sống, từ tương quan tình người đến mối hiệp thông tình Trời, con người như đóng khung lại trong vỏ bọc của hạ giới, sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ đã làm thay đổi tất cả. Nhưng để nhận ra điều đó, cần có niềm tin khiêm tốn đủ, cần có nỗ lực tích cực, mới có thể gặp một Đấng gọi là Chúa Phục sinh.

Dù chưa một lần được ở bên cạnh Đức Giêsu, Đấng Phục sinh, nhưng thánh Tông đồ Phaolô luôn tự hào về Đấng ấy, bởi Đấng ấy đã chọn gọi ngài trở thành Tông đồ, cảm nghiệm được chiều sâu của tình yêu đó, thánh nhân luôn nhắc nhở các học trò của mình, các cộng đoàn của mình qua các lá thư, hãy luôn cố gắng làm mới niềm tin của mình, chỉ có niềm tin vào một Đức Giêsu Kitô mới có thể cho con người tự do, bình an và hạnh phúc đích thực: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”. Đức Giêsu Kitô đã biến đổi tâm hồn, nhận thức và trái tim của anh em, thì anh em phải cố gắng để trở nên một con người mới, một con người có suy nghĩ và trái tim của Thiên Chúa, một con người luôn sống theo lề luật của thượng giới, chứ họ không còn là người hạ giới.

Các Tông đồ hay những người phụ nữ đi theo Chúa, họ có điểm chung là đã được Đức Giêsu cảm hóa, tha thứ và sửa dạy, để mỗi ngày họ là những người thuộc thượng giới, chứ không còn là những người của thế gian nữa: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước”. Chỉ có những ai đã được nghe và chứng kiến câu chuyện bi ai của Thầy, mới có thể cảm nghiệm được Thầy yêu họ đến chừng nào. Ánh mắt tha thứ của Thầy mênh mang vô cùng, vòng tay yêu thương của Thầy, ấm áp biết bao, trái tim của Thầy rộng lớn chừng nào, dám cho tôi một chỗ trong đó. Chắc chắn đó là cảm nghiệm của Phêrô, của Maria Madalena, của Gioan và những người đi theo Chúa tới đỉnh đồi Can vê. Để rồi khi nghe tin mồ trống, các ông bán tín bán nghi, chạy đến để coi lời Thầy tiên báo xưa có đúng vậy không, quả là như thế. Còn niềm vui nào ngập tràn hạnh phúc cho bằng niềm vui của những người được yêu và được tha thứ.

Đi theo Thầy bao nhiêu năm, nhưng trong suy nghĩ của các Tông đồ nói chung và Phê rô nói riêng, hình ảnh và con người của Thầy chỉ dừng lại là một anh hùng, một vị lãnh đạo, nếu có hơn thì chỉ là một tiên tri. Vì thế, nghe tin Thầy không còn trong mồ nữa, các ông rơi vào trạng thái hỗn loạn trong tâm trí, không biết ngày mai sẽ ra sao. Được gặp Thầy, các ông mừng rỡ, bóng dáng Thầy đã làm sống lại niềm tin của mỗi người, đã làm sống lại hình ảnh về Thầy trước đây, dù còn mờ nhạt, nay đậm nét của một Thiên Chúa làm người. Thầy sống lại và đã cho các ông sống lại trong niềm tin, cho các ông một niềm hy vọng vào một Thiên Chúa tình yêu.

Con người Phêrô có những phản ứng rất người, rất chân thành. Dù mang tiếng là chối Thầy, nhưng lời chối bỏ đó không đến từ trong tâm trí hay có tính toán trước, chỉ dừng lại nơi cảm giác sợ hãi, Đức Giêsu biết điều đó, vì thế, Ngài quay lại tìm ông, bởi lúc đó ông quá sợ hãi và mất định hướng, gặp ánh mắt của Thầy, Phêrô giật mình, hối hận và tiếp tục hành trình theo Thầy. Nghe tin Thầy đã sống lại, ông chạy ngay ra mồ, bởi đó là nơi ông chứng kiến xác Thầy được đặt vào. Ông chỉ thấy mồ trống, thấy các đồ vật, nhưng không thấy xác Thầy. Lúc đó, những lời Thầy tiên báo xưa trở lại trong suy nghĩ của ông, tất cả như vụt sáng lên, ông đã tin. Hình ảnh của Thầy lúc này trong tâm trí của Phêrô rất mới, rất lạ, đúng là hình ảnh của Đấng Chúa Cha sai đến. Đức Giêsu phục sinh đã làm sống lại hình ảnh của Thiên Chúa trong tâm trí và trái tim của Phêrô trước khi Phêrô được gặp Thầy tại Galilêa.

Người phụ nữ nổi tiếng trong Tân ước là Maria Madalena, người được Đức Giêsu xua trừ ma quỷ ra khỏi cuộc đời. Từ đó, bà đi theo Ngài, giúp đỡ Ngài cùng với các người phụ nữ khác. Trong suy nghĩ của bà, Đức Giêsu là một tiên tri, một đấng có uy quyền cả trên ma quỷ, bệnh tật và sóng gió nữa. Quả là một con người phi thường, có thể hiểu được phần nào niềm vui của bà khi được tự do, không còn lệ thuộc vào bệnh tật và đau khổ nữa, nhưng hạnh phúc hơn là khi bà được gặp lại Thầy mình, sau khi Thầy đã bị kết án tử, đã chôn cất trong mồ đá. Bà được Thầy gọi tên, được Thầy nhờ báo tin cho các anh em của Thầy. Còn lời nào tả cho hết niềm vui của một người phụ nữ được gọi là tội lỗi, nay trở thành sứ giả của tin mừng phục sinh. Đức Giêsu phục sinh đã khơi dậy niềm vui và hy vọng trong suy nghĩ, trong tâm trí và trong tâm hồn của bà. Bà đã được Ngài cho phục sinh qua biến cố được gặp gỡ, trò chuyện với Ngài.

Đức Giêsu phục sinh, một biến cố lịch sử, một biến cố đã làm thay đổi niềm tin của bao nhiêu người, từ những người học trò theo Ngài hàng ngày, cho đến những người tội lỗi, được Ngài tha thứ và đón nhận, tất cả đầy hân hoan, bởi sự phục sinh của Thầy mình đã làm sống lại niềm tin mong manh của mỗi người, đã làm thay đổi diện mạo và con người của Thầy trong trái tim của bản thân. Có thể nói mầu nhiệm phục sinh là một sự biến đổi về hình ảnh Thiên Chúa, tình yêu và sự hiện diện của Ngài giữa thế giới, tất cả như mang một chiếc áo mới của niềm vui và hy vọng. Đó là sẽ là động lực, giúp cho các học trò, các môn đệ của Ngài tự tin hơn, mạnh dạn hơn, bước vào một thế giới đầy tính thế tục, đầy tính thực dụng và ảo tưởng, để làm chứng cho một Thiên Chúa luôn hiện diện, luôn đợi chờ và sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai chỗi dậy, trở về với tâm tình sám hối.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã làm thay đổi những con người đã chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời của Chúa, họ đã trở nên những con người mới, tâm trí của họ có hình ảnh của một Thiên Chúa quyền năng, đầy tình thương, xin Chúa giúp chúng con hoán đổi hình ảnh Thiên Chúa trong niềm tin của mỗi người, để chúng con được phục sinh của Chúa mỗi ngày. Từ một vị Thiên Chúa làm người, biến cố phục sinh đã giúp con người nhận ra đó không chỉ là một con người thực sự, nhưng là một Thiên Chúa làm người, một Thiên Chúa luôn hiện diện và gần gũi với con người mỗi ngày, xin giúp chúng con xác tín niềm tin của mình cách rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn trước mọi biến cố cuộc đời. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây