Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 29/10/2021 08:52 |
1418
Melchisedek là ai, nguồn gốc xuất xứ của ngài từ đâu, và là hình ảnh hiện thân nói chỉ về ai?
Hình ảnh Đến muôn đời con là Thượng Tế theo phẩm hàm Melchisedek.
L.m. Daminh Nguyễn Ngọc Long
Sách Kinh thánh cả Cựu và Tân ước nói đến Thượng Tế Melchisedek. (Sáng Thế 14,18-20. Thánh Vịnh 110,4. Thư gửi Do Thái 5,1-14).
Melchisedek là ai, nguồn gốc xuất xứ của ngài từ đâu, và là hình ảnh hiện thân nói chỉ về ai?
Trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế ký (St 14,18-20) bỗng nhiên thuật lại Thầy cả thượng phẩm Melchisedek xuất hiện, có tên của vị “vua sự công chính”, là vua thành Salem (thành Jerusalem). Ông xuất hiện rồi lại biến đi cách huyền bí mầu nhiệm.
Thầy cả thượng phẩm Melchisedek xuất hiện đến gặp gỡ, chúc phúc cho Tổ phụ Abraham sau khi ông thắng trận đánh bại vua Codolameo, cùng mang bánh rượu, như dấu chỉ hình ảnh tình hữu nghị thân ái.
Melchisedek chúc lành cho Abraham nhân danh Thiên Chúa:
“Xin Thiên Chúa tối cao, Đấng dựng nên trời đất chúc phúc cho Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa tối cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông.” (St 14, 19-20).
Để tỏ lòng kính trọng cùng biết ơn, Tổ phụ Abraham đã biếu tặng Thầy cả thượng phẩm Melchised một phần mười tất cả chiến lợi phẩm đã thu về. Qua cử chỉ này Abraham muốn tôn vinh công nhận Melchisedek là Thầy cả thượng phẩm thuộc phẩm hàm tôn giáo cao cả.
Thánh Vịnh (110,4), nói về Đấng Messia và chức vị Thượng Tế, cùng trong Phúc âm Thánh Mattheo (22,43-4), đã trình bày nói về Melchisedek là một mẫu hình Chúa Kitô Giesu.
“Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm hàm Melchisedek.”
Chủ đề này được thư gửi tín hữu Do Thái trong Tân ước viết đề cập rộng rãi: Melchisedek và Chúa Kitô Giêsu với danh hiệu là những vị Vua sự công chính và hòa bình.
Qua việc nêu tên Melchisedek và phẩm hàm Tư Tế của Ông nói lên mẫu hình ảnh, chức vị phẩm hàm Tư Tế mới của Chúa Kitô Giêsu vượt lên trên lề luật cũ thời các Thầy cả Levi, cùng cả chức tư tế của Aaron.(Do Thái 7,1-14).
Trong dòng thời gian thỉnh thoảng có suy tư cho rằng có thể Melchisedek là hình ảnh của một tiền nhập thể của (trước) Chúa Kitô Giêsu. Suy tư lý thuyết này dựa trên tường thuật Ông Abraham đã được Thiên Chúa trước đó thăm viếng, mà Ông đã nhìn thấy và nói chuyện với Thiên Chúa (El Shadda) qua hình dạng một người đàn ông.
Thư gửi tín hữu Do Thái ( 6,20) cũng viết : “ Đức Kitô Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thầy cả thượng phẩm theo phẩm trật Melchisedek.”.
Như thế có thể suy hiểu ra rằng Melchisedek và Chúa Kitô Giesu là cùng một nhân vật.
Cũng trong thư Do Thái (7,3) trình bày Thượng Tế Melchisedek ” không có cha mẹ, không có gốc gác gia phả, cuộc đời không có khởi đầu và không có kết thúc. Như thế ông phải là Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế đến muôn đời.”
Theo nguyên ngữ chữ đen, hình ảnh này khó hiểu khó cắt nghĩa. Vì không có vua trần thế nào “ là tư tế đến muôn đời”, không có con người nào “ không có cha, không có mẹ”.
Sách Sáng Thế ký (14, 17-19) thuật lại một cảnh xuất hiện thần thánh, Con Thiên Chúa là vị Vua sự công chính, vua hòa bình, là trung gian giữa Thiên Chúa và con người (Thư 1 Timotheo 1,5), đã chúc phúc lành cho Abraham.
Như thế, trình thuật diễn tả theo hình ảnh nhấn mạnh đề cao đến sự huyền nhiệm bí ẩn của một con người không có gia phả khởi đầu và cùng tận, một vị có chức tư tế vĩnh viễn muôn đời, mà đã đến gặp gỡ tổ phụ Abraham. Trong trường hợp này những đến chi tiết về đời sống của Melchisedek không được nói đến là nhằm mục đích so sánh giữa Melchisedek với Chúa Kitô Giêsu.
Như vậy phải chăng Melchisedek và Chúa Kitô Giêsu là một nhân vật? Điều này có thể suy diễn theo nhiều khía cạnh, cùng tâm tư lòng mộ mến.
Nhưng thiết nghĩ sau cùng Melchisedek là một mẫu hình như Chúa Kitô Giêsu, tiên báo sứ mạng truyền giáo cho Thiên Chúa.
Và cũng có thể Tổ phụ Abraham, sau trận chiến mệt mỏi trở về, đã gặp gỡ chính Chúa Kitô Giêsu. Và đã tôn vinh trao tặng Người danh hiệu là Thầy cả thượng phẩm, cùng dâng những lễ vật cho Ngài để tạ ơn chăng?