28/10/2021
THỨ NĂM TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Thánh Simon và Thánh Giuđa (Thađêô), Tông đồ
Lc 6, 12-16
CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6, 12)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay cho thấy đối với Chúa Giêsu việc cầu nguyện thật quan trọng vì nó gắn liền với căn tính là Con Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giêsu “đi ra núi cầu nguyện”, ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài trong sự thân mật riêng tư. Ngài “thức suốt đêm cầu nguyện”: khi Chúa Giêsu tâm sự với Cha của mình, thời gian như trở thành hư vô, Ngài như bước vào cõi vĩnh cửu để kết hiệp với Cha. Đêm hôm ấy Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm bởi vì Ngài sắp làm một việc vô cùng hệ trọng: ngày hôm sau Ngài sẽ chọn gọi Nhóm Mười Hai để giao phó cho họ sứ mạng qui tụ và coi sóc Hội Thánh cho đến ngày Ngài quang lâm; Ngài cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha, để rồi Ngài sẽ thực hiện những gì Chúa Cha muốn, theo cách Chúa Cha định. Chả trách gì các môn đệ bị cuốn hút theo Ngài: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1).
Mời Bạn: Mọi ki-tô hữu đều được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Và chắc bạn cũng đã nhiều lần cầu nguyện rồi. Thế bạn cảm nghiệm được sự kết hiệp thân tình trong những giây phút ở bên Chúa chưa, hay xác thân ngồi đó mà lòng trí lại ‘đi du lịch vòng quanh thế giới’? Thầy Giê-su xem việc cầu nguyện là việc thiết yếu như “lương thực nuôi sống” (x. Ga 4, 34). Phần bạn, bạn đã thấy cầu nguyện là việc cần thiết cho cuộc sống mình chưa?
Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến đâu cũng dành thời gian cầu nguyện riêng với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, để con cũng thấy và thi hành ý muốn của Chúa. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Simon và Thánh Giuđa (Thađêô), Tông đồ
Ca nhập lễ
Đây là những vị Thánh, mà Chúa đã tuyển chọn trong tình yêu chân thành, và đã ban cho ngài vinh quang muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các thánh tông đồ rao giảng để cho chúng con được nhận biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa cầu nguyện mà cho Hội Thánh được phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế . Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22
“Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Ðức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất
Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.
Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là Chúa tể; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 12-19
“Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Ðó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa được Chúa ban thưởng vinh quang thiên quốc, xin Chúa nhận của lễ và lời cầu của chúng con mà làm cho chúng con thêm vững vàng tin tưởng hầu xứng đáng tham dự thánh lễ này. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong ngày lễ kỷ niệm hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa chịu khổ hình, chúng con đã đón nhận bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, và đang được Chúa Thánh Thần tác động. Xin cho bí tích này luôn gìn giữ chúng con trong tình yêu Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Thánh Simon và Thánh Giuđa (Thađêô), Tông đồ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Theo chỉ dẫn của sách Breviarium Apostolorum – mở đầu Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô –, lễ hai thánh tông đồ Simon và Giuđa mừng vào ngày 28 tháng 10; người ta đã thấy lễ này được ghi trong các sách bí tích của người Franc vào thế kỷ VIII, và ở Rôma vào thế kỷ X. Một nhà nguyện được dâng kính các ngài trong vương cung thánh đường cổ Thánh Phêrô ở Vatican. Các Giáo Hội phương Đông mừng riêng lễ thánh Simon ngày 10 tháng 5, và thánh Giuđa ngày 19 tháng 6.
Trong danh sách 12 Tông đồ, thánh Simon và Giuđa luôn đi chung với nhau, thánh Simon ở vị trí thứ mười và thánh Giuđa ở vị trí mười một (Mt 10, 3-4; Mc 3, 18; Lc 6, 14-16; Cv 1, 13).
Thánh Simon, “thuộc nhóm quá khích” trong Mc và Lc; “người Canaan (=người thuộc nhóm quá khích)” trong Mt, có lẽ là một cựu thành viên của phong trào quá khích chống đối quyết liệt sự cai trị của Rôma. Theo truyền thống phương tây, có thể ngài đã đi rao giảng ở Ai Cập và Lưỡng Hà Địa, nhưng người ta không biết gì đích xác về cuộc đời ngài. Người ta nói ngài chịu tử đạo, và đôi khi người ta vẽ hình ngài bị các đao phủ cưa dọc thân thể làm đôi.
Thánh Giuđa, tông đồ thứ mười một trong danh sách nhóm Mười hai, được kể tên trước Giuđa Iscariot. Trong tiếng Hi Lạp, tên ngài viết giống hệt Giuđa Iscariot, nhưng để phân biệt, người ta xác định thêm là con hay anh của Giacôbê–(Lc 6, 16) hay không phải Giuđa Iscariot (Ga 14, 22). Ngài cũng được gọi là Lebbée trong một số thủ bản của Mt, và Thaddéô trong Mt và Mc, và đôi khi còn gọi là Giuđa, người thuộc nhóm Quá khích (Zélote). Không nên lẫn tông đồ Giuđa với người cùng tên có họ với Chúa Giêsu và với tác giả của Thư thánh Giuđa.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ lời giảng của các tông đồ dẫn ta tới sự hiểu biết Chúa Giêsu, và Giờ Kinh Sách trích dẫn một đoạn chú giải của thánh Cyrille thành Alexandria về Tin Mừng Gioan, minh hoạ sứ mạng của các tông đồ: “. . . Các ngài có nhiệm vụ kêu gọi người tội lỗi hối cải, chăm sóc người bệnh tật thể xác hay tâm hồn; trong nhiệm vụ là những người quản lý, các ngài không được tìm cách làm theo ý riêng, nhưng theo ý của Đấng sai các ngài; sau cùng, cứu rỗi thế giới bằng cách giúp thế giới đón nhận lời dạy của Chúa.”
Ca hiệp lễ lấy lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho thánh Giuđa khi ngài hỏi Chúa: “Lạy Thầy, tại sao thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không cho thế gian?” Câu trả lời của Chúa Giêsu không trực tiếp, nhưng chứa đựng mạc khải về một trong những mầu nhiệm cao siêu nhất của đức tin chúng ta: “Nếu ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời thầy; Cha thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Chúng ta không gặp Thiên Chúa như gặp một nhân vật có chức vị, nhưng bằng việc gắn bó với Lời Người trong tình yêu. Chính đây là sự thể hiện niềm khát vọng của các tín hữu trong Cựu Ước: “. . . Này Ta đây, ta đến cư ngụ ở giữa ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa (Da 2, 14). Ta sẽ đặt thánh điện Ta ở giữa chúng đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là Dân của Ta” (Ed 37, 26-27).
Enzo Lodi
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 31b-39
“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con Mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa cũng đang biện hộ cho chúng ta?
Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? (Như có lời chép rằng: “Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị coi như con chiên đem đi giết”). Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 108, 21-22. 26-27. 30-31
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 26b).
Xướng: Nhưng phần Ngài, lạy Chúa, xin cùng con hành động vì danh Ngài, xin cứu sống con, bởi lòng Ngài từ bi nhân hậu! Bởi vì tấm thân con đau khổ và cơ hàn, và trong người con tâm can quằn quại! – Ðáp.
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin giúp đỡ con, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa! để thiên hạ biết rằng đó là bàn tay của Chúa, và lạy Chúa, họ biết rằng Chúa đã làm những chuyện này. – Ðáp.
Xướng: Con sẽ hết lời ca tụng Chúa, và con sẽ ngợi khen Ngài ở giữa chúng nhân. Vì Ngài đứng bên hữu kẻ cơ hàn, để cứu sống họ khỏi bọn người lên án.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 6, 10-20
“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).
Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến.
Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con, Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ ca mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.
Alleluia: x. Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! – Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 31-35
“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “Ðây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem”.
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.
Hoặc đọc:
Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…
Suy niệm
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (Lc 13, 31-35)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi được hỏi: Thiên Chúa là Đấng nào? Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý nghĩa cho bằng lời khẳng định của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Thật vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua sự chăm sóc, quan phòng của Người dành cho ta.
Có những lúc, Thiên Chúa được ví như người cha răn dạy con cái; như người mẹ yêu thương, an ủi, vỗ về; như người chồng yêu thương vợ; như người bạn luôn đồng hành…
Hôm nay, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu làm toát lên hình ảnh của một Vị Thiên Chúa yêu thương con người như: “Gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”. Quả thật, Thiên Chúa luôn bao bọc chở che chúng ta dưới bóng cánh của Người lúc mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị kẻ thù tấn công. Người yêu thương ta bằng một tình yêu trọn vẹn. Người đã cho đi tất cả, kể cả người Con Một duy nhất chính là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thi hành sứ vụ của Chúa Cha trong tình yêu. Ngài đã yêu thương họ đến cùng và đã chết vì yêu.
Tuy nhiên, vì hiềm khích, tham lam và kiêu ngạo, con người vẫn đắm chìm trong tội, nên không thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Họ đã bị một lớp mây mù dày đặc của tội lỗi làm cho mắt họ không còn phân biệt được tốt – xấu. Hay đôi khi nhận ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì danh dự, vì chức quyền, họ đã nhắm mắt trước tình yêu của Ngài, và đã đi ngược lại với tiếng Lương Tâm.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình của những người con đã được Thiên Chúa yêu thương. Nhận ra tình yêu của Người và chia sẻ tình yêu đó cho người khác. Khi đã lựa chọn Chúa là mục đích, lẽ sống, thì cũng đón nhận những lời giáo huấn dạy dỗ của Ngài như khuôn vàng thước ngọc, thi hành luật Chúa trong lòng mến. Tránh tình trạng như Hêrôđê luôn tìm cách loại trừ Đức Giêsu chỉ vì những điều tốt đẹp Ngài đã làm, hay như những người Pharisêu, vì sợ phiền hà, liên lụy, hay vì không chấp nhận chân lý của tình thương mà đã lợi gió bẻ măng, tiếp tay cho sự gian ác để đồng lõa loại bỏ Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con. Đồng thời luôn sống trong tình yêu đó bằng việc đón nhận Chúa như lẽ sống của cuộc đời và chia sẻ tình yêu đó cho người khác. Amen.
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU
(Lễ kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô – 28/10) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Đọc danh sách tên Nhóm Mười Hai mà Chúa Giêsu chọn trong số những người đi theo Người để đặt làm Tông đồ hẳn chúng ta kinh ngạc và khó tìm ra tiêu chí chọn tập thể cộng tác viên thân cận của Người. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không chọn gọi cách ngẫu nhiên hay tùy hứng nhưng cách ý thức trong sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Tin Mừng tường thuật: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).
Dưới cái nhìn nhân loại, mười hai vị trong danh sách được liệt kê, hình như chẳng có một ai đáp ứng được nhiều tiêu chí để chọn vào hàng tu sĩ hay giáo sĩ của Giáo Hội Công giáo ngày nay. Về mặt học vấn thì xem ra chỉ một hai vị biết đọc, biết viết. Về mặt đạo đức thì có lẽ cả tập thể mười hai đều dưới trung bình: không biết ăn chay và cũng chẳng biết cách cầu nguyện. Tham lam chức quyền thì không sót một ai. Ba năm theo Thầy thường tranh giành với nhau về cái chức làm đầu trong tập thể (x.Lc 9,46). Bên cạnh đó có nhiều vị lại có cá tính không mấy hay cách rõ nét.
Hai anh em nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã từng được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là “thiên lôi con” (Mc 3,17). Và hôm nay, ngày 28/10 Giáo Hội kính nhớ hai vị là Simon và Giuđa Tađêô mà một trong hai có biệt danh là “quá khích”. Người ta suy đoán là cả hai đều thuộc nhóm Zêlốt thời bấy giờ. Nhóm Zêlốt được hình thành vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Tôn chỉ của nhóm này là đánh đuổi đế quốc Rôma để giành lại độc lập tự do cho dân tộc Do Thái đang bị đô hộ. Họ dùng phương pháp “bạo lực cách mạng”. Biện pháp phổ biến là ám sát các yếu nhân của Chính quyền Rôma đang cai trị và những ai cộng tác với Chính quyền đế quốc bằng thanh trủy thủ là chiếc gươm ngắn giấu trong mình. Người ta đã từng xem nhóm này là “ông tổ” của chủ nghĩa khủng bố. Hai thanh gươm mà Phêrô nói trong đêm Tiệc Ly hầu chắc là của hai ngài Simon và Giuđa xuất thân từ nhóm quá khích (x.Lc 22,38).
Đối với loài người thì có rất nhiều sự trong nhiều trường hợp thì như là không thể thành hiện thực, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều là có thể (x.Mt 19,26). Không chỉ bằng quyền năng trong lời nói và hành động, nhưng Chúa Giêsu còn đặc biệt dùng tình yêu của mình mà giáo hóa các tông đồ. Sức mạnh của tình yêu thật diệu kỳ. Chính tình yêu của Thầy chí thánh đã làm cho các tông đồ đổi thay. Hai vị “thiên lôi con” đã dần trở nên khiêm tốn và quảng đại. Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong tập thể Tông Đồ (Cv12,1-3). Sau khi Chúa Giêsu về trời thì khi tháp tùng Phêrô đi rao giảng Tin Mừng, ngài Gioan, thiên lôi con lại rất khiêm nhu hiện diện như là người trợ lý đồng hành âm thầm (x.Cv 3-4). Các chàng ngư phủ xứ Galilê từ những người đánh cá kiếm tiền dần chuyển thành người chinh phục tha nhân cách vô vị lợi.
Hai vị tông đồ “quá khích” cũng có đổi thay nhiều mặt. Hai thanh gươm luôn kè kè bên mình, nhưng không còn thấy sử dụng phục vụ sự khủng bố hay điều gì sai trái. Có lẽ trong vườn cây dầu chính Phêrô đã nhất thời mượn tạm một thanh để bảo vệ Thầy nhưng đã bị Thầy dạy xỏ ngay gươm vào vỏ (x.Mt 26,52). Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa khi gặp được sự khiêm nhu biết phục thiện của con người thì sẽ trổ sinh nhiều hoa trái ngọt ngào.
Với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Tuy nhiên sức mạnh của tình yêu dường như lại thúc thủ (bó tay) trước sự gian dối cố tình. Không chỉ gian tham, ăn bớt tiền của quỹ chung mà Giuđa Iscariốt còn giả vờ tin vào Thầy để ở lại với tập thể. Khi có nhiều người thấy chối tai trước lời mạc khải mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống và họ đã bỏ đi, kể cả nhiều môn đệ thì Chúa Giêsu đã hỏi nhóm Mười Hai: “Còn các con, các con có bỏ Thầy mà đi không?”. Phêrô đã tuyên xưng rằng “bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai vì Thầy có lời ban sự sống”. Dù không tin nhưng ông Giuđa vẫn giả vờ tin rồi tiếp tục ở lại để tìm dịp thực hiện mộng vương bá, kể cả việc phản bội, bán rẻ Thầy mình (Ga 6, 67-71).
Mừng kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô, xin cho Kitô hữu chúng ta luôn vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Dẫu cho còn đó nhiều vị trong tập thể nhóm tông đồ “chuyên biệt” còn nhiều sai lỗi và cả khuyết tật, nhưng với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa thì sự tốt đẹp sẽ lại đến cho Giáo hội và nhân trần. Chỉ mong sao xin đừng để một ai quá gian tham cách hữu ý và diên trì. Xin cho tất cả chúng ta trong mọi bậc sống, mọi nhiệm vụ đảm đương và mọi hoàn cảnh biết luôn khiêm nhu phục thiện để tình yêu và ân sủng của Chúa canh tân chúng ta mỗi ngày, biến chúng ta thành khí cụ loan báo Tin Mừng cứu độ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn