TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN -C

Thứ sáu - 21/01/2022 17:41 |   1533
“Thần khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4, 17-18)
23/01/2022
CHÚA NHẬT TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN – C
CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

 
cn t3tnC

Lc 1, 1-4.14-21

BÀI GIẢNG BIẾT ĐI

Họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4, 17-18)

Suy niệm: Năm 1952, dân chúng tụ tập ở ga xe lửa Chicago đón mừng bác sĩ Albert Schweitser, một nhà truyền giáo nổi tiếng ở Phi Châu, vừa được trao giải Nobel hoà bình. Đang được đám đông reo mừng, chợt thấy một người đàn bà có tuổi khó nhọc khuân xách hành lý, ông bèn đến giúp đỡ. Thấy vậy, một nhà báo đã nói: “Hôm nay tôi đã thấy một bài giảng biết đi.” Thực ra, trước đó đã có “một bài giảng biết đi” và là nguồn cảm hứng cho mọi “bài giảng biết đi” khác, đó là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là Lời của Thiên Chúa hoá thành nhục thể, là Lời yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với con người. Toàn bộ cuộc sống của Ngài, lời nói và việc làm, đều là Tin Mừng của Thiên Chúa. Nói cách khác, nhận ra Ngài là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho và sẽ được thúc đẩy tiếp tục loan báo như Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta đã có nhiều nỗ lực loan báo Tin Mừng, nhưng hiệu quả không mấy khả quan. Có thể chúng ta là nguyên nhân thất bại đó bạn, bởi những việc chúng ta làm không phù hợp với Lời Chúa chúng ta loan báo.

Sống Lời Chúa: Hằng đêm, trước khi ngủ, bạn nhớ xét lại những công việc của mình làm trong ngày, xem chúng có minh hoạ cho Lời Chúa mà bạn chia sẻ với người khác không.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết cách loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng đời sống chứng tá, với một trái tim không ngừng rộng mở.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê nhà ở Nagiareth. Vào ngày Sabat, theo thói quen Người vào hội đường và được viên trưởng hội đường trao cho vinh dự đọc Sách Thánh. Người mở sách và đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia nói về người Tôi Trung của Thiên Chúa, nghĩa là ám chỉ về chính Ngài.

Vào hội đường với một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Cha. Chúa Giêsu đã khai mở sứ vụ loan báo Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, trong hội đường Nagiareth, làng quê của Người, Chúa Giêsu đã vén lộ con người và vai trò của Người cho mọi người. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được chính Thiên Chúa sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó. Người khẳng định Đấng Mêsia là chính Người.

Tin vui đến với nhân loại, nhưng để có niềm vui thực sự chúng ta hãy thành tâm thông hối để xứng đáng tham dự Mầu Nhiệm Thánh.


Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.


Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…


Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. 

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. 

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con. 


Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.


Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.


Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta kho tàng quí báu là Lời Chúa. Chúng ta hãy khẩn khoản xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết, thực hành và đem Lời Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa ”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, giúp các ngài thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong niềm tin yêu hy vọng.

2. “Anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người”.- Xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa luôn chiếu soi, để giữa cuộc sống với bao vất vả, khổ nhục, họ vẫn được Đức Kitô nâng đỡ hồn xác vì thuộc về Người.

3. “Người giảng dạy trong các hội đường”.– Xin cho những tâm hồn mê muội chai lỳ trong tội biết thay đổi cảm quan để mở rộng lòng đón nhận sứ điệp cứu độ, hầu họ được giải thóat và bình an.

4. “Người đến Nagiareth, nơi Người sinh trưởng”,- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết rao truyền tin vui cứu độ ngay trong giáo xứ của mình, bằng việc tích cực xây dựng cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình, biết tận dụng mọi hoàn cảnh để rao giảng sứ điệp tình thương của Chúa, nhất là bằng chính đời sống khiêm tốn và bác ái, hy sinh, để danh Chúa được đời đời ca tụng, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.


Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…


Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.


Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…


Suy niệm

Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm
Sưu tầm

Hôm nay lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Nếu tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã thực thi mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là một bằng chứng xác quyết Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

Chẳng hạn về việc Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thì tiên tri Isaia đã loan báo:

– Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ ấy là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chẳng hạn về việc Ngài sinh ra ở Bêlem, thì tiên tri Mikêa đã nói:

– Và ngươi hỡi Bêlem xứ Giuđêa, ngươi không phải là một thành trì nhỏ bé, bởi vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị nhà Israel.

Chẳng hạn việc Thánh Gia trốn sang Ai Cập, tiên tri Ôsê đã loan báo:

– Ta sẽ gọi con Ta ra khỏi đất Ai Cập.

Nhất là những biến cố trong quãng đời công khai và cuộc tử nạn của Ngài, cũng đã được ứng nghiệm một cách hết sức đầy đủ, chẳng hạn về cuộc khải hoàn, tiến vào Giêrusalem một cách long trọng, thì tiên tri Giacaria đã mô tả:

– Hỡi Giêrusalem, này vua ngươi đang đến, Ngài cưỡi trên lừa con.

Về cái chết của Ngài, tiên tri Isaia đã công bố:

– Người ta đánh đập Ngài, nhưng Ngài đã bằng lòng chấp nhận, như con chiên yên lặng trước người thợ xén lông.

Và còn nhiều biến cố, còn nhiều sự việc khác nữa, Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời các tiên tri đã loan báo. Và như chúng ta đã xác quyết: Điều đó chứng tỏ Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.

Mỗi lời tiên tri là một lời nói trước, về một biến cố nào đó sẽ xảy ra, liên quan đến hành động tự do của Thiên Chúa. Những lời nói trước về Đức Kitô, được Thiên Chúa tỏ bày cho các tiên tri, để rồi chính các tiên tri đã công bố hàng trăm năm về trước cho dân Do Thái.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta phải tin nhận rằng Đức Kitô đã đến với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân mong đợi, như trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dẫn chứng lời tiên tri Isaia, để xác quyết rằng Ngài là Thiên Chúa đã đến trong trần gian để cứu chuộc những người nghèo đó, khổ đau và bất hạnh. Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng nói tiên tri về những chuyện sẽ xảy ra và tất cả đều đã được ứng nghiệm. Chẳng hạn Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của Giêrusalem: Rồi đây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

Và sự thực đã xảy ra như vậy. Vào năm 70, tướng Titus, người Rôma, đã mang quân vây hãm Giêrusalem. Sau khi đã lọt được vào trong thành, họ đã đốt phá và san bằng thành phố.

Còn chúng ta thì sao? Trong giờ phút quan trọng này, chúng ta cũng đang sống lại những biến cố đã được ứng nghiệm: Thánh lễ là sự giáng sinh, là cái chết và phục sinh của Đức Kitô được lặp lại trên bàn thờ này. Thế nhưng chúng ta có đón nhận lời Chúa cùng với Bí tích Thánh Thể một cách trang nghiêm và sốt sắng, hay chúng ta lại cứng lòng như dân làng Nadarét, để cuối cùng đã xua đuổi Chúa, và tìm cách xô Ngài xuống vực sâu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây