TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa Nhật tuần lễ 12 thường niên -B

Thứ tư - 19/06/2024 22:37 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   339
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”.

Chúa Nhật tuần lễ thứ 12 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN12TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 4, 35-40)

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XII Thường Niên -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Mỗi sáng thức dậy, con người hít thở thật mạnh, thật sâu để đón nhận nguồn năng lượng mới cho một ngày sống, bên cạnh nguồn năng lượng tích cực, ẩn hiện những công việc cùng với những âu lo trong công việc và mọi sinh hoạt, trong những nỗi niềm đó có cả những nỗi sợ làm cho sức sống ngày mới như bị chững lại, bị xao động. Trong hành trình đức tin của người tín hữu cũng có những biến động, những âu lo như cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Âu lo vì sự tục hóa của Giáo hội, âu lo vì những biến động trong xứ đạo, âu lo vì những con người dù phục vụ cho Chúa nhưng luôn mang tư tưởng của thế gian. Những âu lo đó phần nào tác động đến niềm tin của mỗi tín hữu, Thiên Chúa còn hiện diện trong Giáo hội nữa không, Thánh Thần Ngôi Ba còn hoạt động giữa các xứ đạo, giữa các cộng đoàn nữa không, thế thì tại sao Ngài lại để xảy ra những câu chuyện, những biến cố đầy u ám thế. Đó là những tâm tình Mẹ Giáo hội gợi nhắc để mỗi tín hữu suy nghĩ trong tuần lễ thứ 12 thường niên này.

Đọc lại câu chuyện của ông Giop trong Cựu ước, nhiều người cứ băn khoăn tự hỏi tại sao ông ta là một người sống đẹp lòng Thiên Chúa, thế mà cứ long đong lận đận thế, nhưng dừng lại đôi phút bên lề cuộc sống, người đọc sẽ nhận ra bóng hình Thiên Chúa luôn ở giữa gia đình ông ấy: “Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”. Trên đây là lời Thiên Chúa chất vấn những người bạn của ông Giop, niềm tin của họ còn mong manh nên chưa thể nhận ra bóng hình Thiên Chúa trong biến cố của gia đình người bạn, hơn nữa, họ còn trách móch Thiên Chúa thiếu sự quảng đại, thiếu tình thương. Chương trình yêu thương của Thiên Chúa không nhỏ bé hẹp hòi như của con người đâu, vì thế, hãy tin và phó thác, con người sẽ ngụp lặn trong sự bình an.

Trước cái chết của Đức Giêsu, thánh Phaolô vẫn trăn trở, tại sao Ngài lại hành động thế, mãi cho đến lúc thánh nhân bước vào quỹ đạo tình yêu của Đức Giêsu phục sinh, ngài mới cảm nhận được chiều sâu của tình yêu thế nào, vì thế, trong lá thư gởi con cái thành Corintho, ngài đã nhắc lại cho họ, Con Thiên Chúa chấp nhận cái chết vì yêu con người, do đó, con người cần đáp lại tình yêu đó bằng niềm tin trong sự phó thác: “Anh em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ”. Sống cho Đức Kitô là tin vào sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời và con người của mình, hãy để cho Ngài hướng dẫn đời mình, hãy để cho Ngài lớn lên trong mọi công việc, mọi sinh hoạt của mình. Đó là những lời chứng sống động về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sự mong manh của con người luôn là một yếu điểm, vì thế, họ luôn tìm cách che giấu sự yếu đuối đó để trở nên mạnh mẽ, nhưng cũng có những khoảng lặng, sự họ phải chấp nhận sự thật, dù nó phũ phàng. Đứng trước những biến động của cuộc sống, người tín hữu cũng có những phút giây hoảng sợ, âu lo, ngày mai tôi còn sống nữa không, niềm tin của tôi đang lớn dần hay đang bị mai một, Thiên Chúa còn hiện diện giữa gia đình Giáo hội, trong cộng đoàn và trong tâm hồn tôi nữa không? Bao vấn nạn, âu lo cứ xô đẩy họ giữa dòng chảy cuộc đời: “khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Sóng gió, bão táp được ghi lại trong Kinh thánh, là hình ảnh những khó khăn, những biến động và cả những nỗi sợ đang xâm nhập tâm hồn con người. Gió thổi mạnh, nước tràn vào, khó khăn ập đến, cô đơn giữa dòng đời, lúc đó, ai sẽ giúp tôi, ai sẽ bảo vệ tôi và ai sẽ là điểm tựa tinh thần cho tôi, những cảm xúc, những trăn trở đó luôn ẩn hiện trong suy nghĩ, trong hành trình đức tin của người tín hữu. Thế thì Thiên Chúa là ai trong đời bạn, Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của bạn, Ngài có hiện diện trong cuộc đời của bạn nữa không?

Đứng trước những biến động trong mọi sinh hoạt của Giáo hội, đặc biệt là các phẩm trật, không thiếu những người con đã thốt lên, Thiên Chúa đã bỏ rơi Giáo hội, Thiên Chúa có thực sự hiện diện trong Giáo hội nữa không? Chính lúc con người đưa ra những vấn nạn đó, là lúc họ cho thấy niềm tin của họ đang có vấn đề, có phải chưa bám rễ sâu trong tâm hồn, có phải vì văn hóa đám đông nên họ để cho niềm tin của mình bị lệch lạc, có phải vì chưa cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình, nên họ đã suy nghĩ như các Tông đồ xưa trên chiếc thuyền nhỏ. Thiên Chúa vẫn mãi ở bên cạnh con người, Ngài không bao giờ lừa dối con người khi Ngài nói: Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Vậy thì con người cần phải suy nghĩ lại về niềm tin của mình, yêu chưa đủ, tin chưa tới, sống chưa chân thành và khiêm tốn đủ, nên các ông cứ đợi chờ những dấu lạ, đợi chờ sự vinh quang kiểu thế gian mà Thầy sẽ đem tới, vì thế, khi đối diện với một chút khó khăn, các ông đã sợ hãi, hét toáng lên vì nghĩ rằng Thầy bỏ rơi mình. Và đó cũng là tâm trạng của con cái Giáo hội hiện nay, quan trọng là chúng ta có đôi mắt đức tin thế nào để đọc những dấu chỉ, những lời nhắc và những giáo huấn của Thiên Chúa đang nhờ con người gởi đến cho con cái Ngài.

Sự băng hoại đạo đức gia đình, sự đổ vỡ trong hôn nhân Công giáo đang đến hồi báo động, người ta bảo là do xã hội thực dụng quá, ở với nhau không được thì chia tay, sống với nhau khó khăn thì giải thoát cho nhau, hành hạ nhau làm gì, đó là những suy nghĩ thực dụng của con người thời nay, trong đó có cả các Kitô hữu. Vậy hôn nhân Công giáo là một bí tích do Thiên Chúa thiết lập, hay chỉ là một bản hợp đồng hôn nhân, do con người tự nguyện ký kết với nhau theo sau những điều khoản ràng buộc? Rảo quanh một vòng thăm các gia đình trẻ Công giáo, sẽ bắt gặp không ít trong các bàn ăn gia đình, không có chiếc ghế nào dành cho Thiên Chúa giữa tổ ấm đó. Nếu từ bàn ăn không có sự ưu ái cho Thiên Chúa, thì trong mọi xung đột, mọi bất hòa, Thiên Chúa đâu được mời tới để giải hòa, để góp lời khuyên và để tha thứ cho nhau. Khi Thiên Chúa không còn là vị thầy cùng là người bạn cho các gia đình, bao nỗi sợ hãi sẽ ngập tràn trong gia đình, từ tương quan vợ chồng, còn sự tha thứ, cảm thông và chia sẻ cần thiết nữa không, đến việc giáo dục con cái, họ mượn đồng tiền để giao khoán con cái cho xã hội, cho nhà thờ và người hữu trách, Thiên Chúa đâu còn là điểm tựa tinh thần, đâu còn là người thầy hướng dẫn họ chăm sóc và giáo dục con cái nữa. Sợ hãi gia đình tan vỡ, sợ hãi con cái bỏ nhà đi hoang, sợ hãi mọi thứ ập vào gia đình, và bao nỗi sợ khác, tất cả chỉ vì niềm tin chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành và chưa có chiều sâu.

Lạy Chúa, sống giữa thế gian với bao nhiêu sóng to gió lớn, cuộc đời chúng con đầy thăng trầm, có thể niềm tin của chúng con đang thiếu một chút quảng đại, một chút khiêm tốn và một chút xác tín, xin Chúa ban cho chúng con đủ ơn của Ngài, để trước mọi biến cố, mọi trách nhiệm, chúng con chu toàn trong niềm tin và lòng mến. Trong đời phục vụ của chúng con cũng không thiếu sóng gió với những lời dèm pha, những lời chói tai, vì sự ích kỷ và nhỏ nhen của phận người, xin Chúa giúp con biết trông cậy vào sức mạnh của tình yêu, để con vượt qua những sóng gió biển đời trong niềm tin yêu và phó thác. Xin Chúa gia tăng niềm tin cho chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây