TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 23/01/2022 17:46 |   1703
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

25/01/2022
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô trở lại
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

 

t3 t3TN

Mc 16, 15-18

THEO GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Suy niệm: Cha Cantalamessa diễn tả sự kiện Phaolô trở lại qua hình ảnh sau: Một người đi trong đêm tối cẩn thận giữ ánh sáng ngọn nến khỏi tắt; khi bình minh ló rạng, ánh nến trở nên nhợt nhạt, vô dụng trước ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Tim đèn leo lét là công trạng cá nhân trong việc tuân giữ lề luật của Phaolô. Một ngày kia Đức Kitô, mặt trời công chính, đã bừng lên trong lòng ông. Ông ngộ ra công trạng cá nhân chẳng là gì so với ơn cứu độ, sự sống mới của Đức Giêsu. Từ khoảnh khắc ấy, Phaolô “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Từ nay, cuộc đời Phaolô chỉ có một hướng: loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho mọi người.

Mời Bạn: “Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng” (Đức Phaolô VI). Tin Vui ấy không được giữ riêng để chỉ mình bạn, nhưng phải được loan truyền rộng rãi cho mọi người cùng mừng vui. Giáo phận, giáo xứ, hội dòng, đoàn thể, gia đình bạn chỉ hiện hữu có ý nghĩa khi quan tâm, nỗ lực cho công cuộc quan trọng này. Bạn và cộng đoàn của bạn đã coi đây là nhiệm vụ số một chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi và gia đình của mình sẽ coi loan báo Tin Mừng như trung tâm đời sống, chi phối mọi sinh hoạt khác của gia đình.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con noi theo mẫu gương nhiệt thành truyền giáo của thánh Phaolô, coi truyền giáo như lẽ sống của mình giữa thế giới. Chúng con xin Ghi nhớ lời Chúa dạy hôm nay: luôn nỗ lực cộng tác với nhau để đưa Tin Mừng Chúa đến cho đồng bào chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô trở lại

Ca nhập lễ

Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào, và tôi chắc chắn rằng: vị thẩm phán công minh là Đấng quyền năng, sẽ gìn giữ kho tàng của tôi cho đến ngày đó.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phaolô Tông Ðồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cv 9, 1-22

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con, như xưa Người vẫn soi sáng Thánh Phao-Lô Tông Ðồ, để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

 Lời tiền tụng tông đồ

Ca hiệp lễ

Tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa thánh Phao-lô tông đồ đã nhờ lửa yêu mến đó mà xả thân lo lắng cho tất cả các giáo đoàn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Loan báo Tin Mừng

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sai các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Lệnh truyền này thoáng nghe thấy vui vẻ, dễ dàng như đi làm hướng dẫn viên du lịch ngày nay. Nhưng làm sao để có được Tin Mừng mà đi loan báo đây? Vì không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Còn người nhận thì “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”. Ai tin thì được cứu độ, nhưng “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17) nên cũng chẳng dễ dàng. Lệnh truyền của Đức Giêsu còn kèm theo lời hứa: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của mỗi người. Nhưng để thi hành mệnh lệnh của Ngài, không thể dùng sức riêng của con người mà  phải “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

Phải dấn thân loan báo theo tinh thần của thánh Phaolô: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi (1Cr 9, 16-18). Nhưng để việc rao giảng mang lại hiệu quả, thì không phải chỉ trong ý thức, bằng lời mà còn bằng cả đời sống xả thân cho anh chị em. “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1Cr 9, 19-23). Ngài cố gắng thi hành hết sức mình để loan báo Tin Mừng. Theo gương ngài, mỗi người chúng ta phải “Tin Mừng hóa” bản thân, Tin Mừng hóa cộng đoàn, rồi sau đó mới đem Tin Mừng cho những người chung quanh. Chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng trong ý nghĩa sâu xa đó, được mời gọi hội nhập văn hóa thời đại, để trở nên con người của Tin Mừng, con người của khiêm nhu, bác ái, hiền hòa vì Tin Mừng của Chúa”.

Chúa ơi! loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Con đâu cần phải rong ruổi đó đây, trèo đèo lội suối mà đi khắp nơi. Con chỉ cần gõ vào máy tính, gửi email để truyền thông trên trang web hoặc fecebook, là nhiều người có thể nghe Tin Mừng. Điều con thiếu là chút nhiệt thành nóng bỏng của thánh Phaolô. Xin cho con say mê đến với Lời Chúa, để ở lại và sống với Chúa, trong Chúa, để thấm nhuần, hiểu biết và thực nghiệm sống Lời Chúa, rồi con mới dám loan Tin, giới thiệu Chúa cho thế giới hiện đại hôm nay.

 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 1-10

“Lạy Chúa, này tôi đến để làm theo thánh ý Chúa”

Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Anh em thân mến, lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật.
Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo.
Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người làm việc phượng tự nầy, đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình có tội nữa.
Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi.
Bởi chưng máu bò dê không thể xóa bỏ tội lỗi.
Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.
Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội.
Nên tôi nói: Lạy Chúa, nầy tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách.
Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”.
Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, nầy đây tôi đến để thi hành thánh ý Chúa”.
Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 39,2 và 4ab, 7-8a, 7-9, 10, 11

Ðáp: Lạy Chúa, nầy tôi xin đến, để thực thi ý Chúa. (8a và 9a)

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên tôi, và Ngài đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai tôi. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và đền tội, bấy giờ tôi đã thưa: “Nầy tôi xin đến”.

Xướng: Như trong cuốn sách đã chép về tôi: lạy Chúa, tôi sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận lòng tôi.

Xướng: Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Tôi chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng tôi: tôi đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa, tôi đã không giấu giếm gì với Ðại Hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 6, 12b-15, 17-19

“Ðavít và toàn dân Israel hân hoan đi rước hòm bia Thiên Chúa”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Ðavít hân hoan đi mang hòm bia Thiên Chúa từ nhà Obêđê về thành Ðavít. Vua dẫn theo bảy ca đoàn và đàn bò con làm của lễ. Khi những người mang hòm bia Thiên Chúa đi được sáu bước, thì Ðavít hiến tế một con bò và một con bê. Ngài tận lực nhảy múa trước Thiên Chúa. Ngài mang khăn vải điều ngang lưng. Ngài và toàn thể nhà Israel mang hòm bia Thiên Chúa hân hoan và trong tiếng kèn trống. Họ rước hòm bia Thiên Chúa vào đặt giữa nhà tạm mà Ðavít đã dựng sẵn. Rồi ngài hiến dâng của lễ toàn thiêu và của lễ bình an; ngài nhân danh Chúa các đạo binh mà chúc lành cho dân chúng, đoạn ngài phân phát cho toàn dân Israel, nam cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh mì, một miếng thịt và một chiếc bánh chiên dầu. Và toàn dân giải tán, ai về nhà nấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10

Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy? Chính Người là Thiên Chúa

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá!

Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá.

Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh.

Alleluia: Ga 15,15b

Alleluia, Alleluia. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 31-35

“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.

Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.

Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THI HÀNH LỜI CHÚA LÀ THÂN NHÂN CỦA NGÀI (Mc 3, 31-35)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Không có bà mẹ nào mà lại không thương con, nhất là những đứa con bị khiếm khuyết cách này hay cách khác!

Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về, vì có tin đồn đoán rằng Đức Giêsu bị điên!

Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, và, đứt dây đương nhiên đụng đến rừng, tức là nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa không khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn khả tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên!

Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.

Tuy nhiên, khi thấy Mẹ và anh em đến tìm mình, Đức Giêsu đã thốt lên và chỉ vào những người đang ngồi quanh Ngài mà nói rằng: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Thưa chính là những người thực hành ý muốn của Cha tôi, người đó là mẹ tôi và anh chị em tôi.

Một câu nói nhằm mặc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc thực thi Lời Chúa hơn là những chuyện bề ngoài. Khi đã thực thi thánh ý Chúa, chúng ta không quan trọng chuyện người ta nói này hay nói kia để bêu dếu, làm mất thanh danh tiếng tốt của ta. Ngược lại, chỉ có một điều đáng làm cho chúng ta sợ, đó là khước từ Lời Chúa và chạy đua những thứ mau qua, chóng hết ở đời, làm cho chúng ta xa dời hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, dù có phải chịu khốn khổ vì Lời Chúa thì vẫn một mực trung thành. Amen.

NGÃ ĐAU MÀ LẠI SÁNG CHO NGƯỜI TÔNG ĐỒ

(Lễ Thánh Phaolô trở lại 25-01) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chẳng biết đang phi nước kiệu hay phi nước đại, nhưng đã ngã ngựa thì không tróc vảy cũng trầy da. Chàng thanh niên Phaolô trên đường Đamát dường như khó quên cú ngã năm nào. Chính vì thế mà ngài, thánh Phaolô sau này thường xuyên nhắc lại biến cố ngã ngựa này. Cũng có thể có đau phần nào nhưng điều chính yếu là sau cú ngã ấy ngài đã sáng ra, đã ngộ ra nhiều chân lý khiến cho cuộc đời, lối đi của ngài đổi thay hoàn toàn. Phaolô đã ngộ ra những gì sau cú ngã ấy? Thật nhiều sự, nhưng xin liệt kê đôi điều:

1. Để thành công thì nguyên lòng nhiệt thành vẫn chưa đủ: Quả thật, để hoàn tất một dự định lớn, để đạt đích lý tưởng đặt ra thì ta không thể không có lòng nhiệt thành. Người có lòng nhiệt thành là người luôn can đảm đi đầu trong những việc khó và đó là những việc phải làm và nên làm. Không ngại gian nguy, không sợ vất vả… sẵn sàng đối diện với chông gai và cả thất bại đó là những đức tính của người nhiệt thành.

Dưới góc độ này thì ta có thể nói Phaolô có thừa sự nhiệt thành. Những nghĩ rằng nhóm người theo ông Kitô là thứ lạc đạo, là mầm mống nguy hại cho dân tộc, cho tôn giáo chính truyền, chàng thanh niên Phaolô tình nguyện xông pha tiền tuyến để tiêu diệt. Sau khi trở lại thì sự nhiệt thành của Phaolô càng rõ nét hơn nhiều. Dù gian nguy, dù khốn khó, không gì ngăn được bước chân người nhiệt thành Phaolô. Trong số các tông đồ hình như ít ai chịu thử thách khốn khó nhiều như Phaolô: “năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi” (2Cr 11,24-25).

Tuy nhiên, nhờ cú ngã tại Đamát, Phaolô ngộ ra rằng chỉ nguyên sự nhiệt thành thôi vẫn chưa đủ. Một câu nói theo dạng công thức toán học như đã phổ biến với người sống trong xã hội được gọi là “xã hội chủ nghĩa”: nhiệt thành cộng với ngu dốt bằng phá hoại (nhiệt thành + ngu dốt = phá hoại). Ngu dốt ở đây không phải chỉ là không biết mà gồm cả cái sự biết không đúng, biết không đủ, biết một chiều… Nhờ cú ngã, Phaolô đã sáng ra cái sự thật này: cuồng tín là một hình thức “ngu dốt”.

2. Có lòng nhiệt thành và sự hiểu biết (có tri thức) vẫn chưa đủ: Nói về sự học hay xét về mặt kiến thức thì khó có ai bì với Phaolô. Xuất thân từ một gia đình khá giả, lại được làm môn sinh của Gamalien, một vị tôn sư lỗi lạc, Phaolô đáng làm thầy của tất cả các tông đồ còn lại. Đọc k các bài giảng thuyết của ngài trong sách Công Vụ Tông Đồ hay thẩm định kiến thức và văn chương của ngài qua các bức thư lớn nhỏ, chúng ta dễ dàng chân nhận sự uyên bác của thánh nhân. Có thể nói là tài ăn nói của ngài bị hạn chế (ngài có tật nói lắp), nhưng kiến thức của ngài thật khó có ai sánh bì.

Thế nhưng Phaolô đã cảm nhận, đúng hơn là đã ngộ ra rằng nguyên chỉ sự nhiệt thành và kiến thức rộng vẫn chưa đủ cho người Tông đồ của Đức Kitô. Cần phải có sự cảm nghiệm rằng mình được yêu thương một cách nhưng không. Ngài đã xác nhận điều này nhiều lần, cách riêng với các môn đệ thân tín: “Sở dĩ tôi được xót thương là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1,16).

Chính khi cảm nghiệm mình được yêu thương một cách vô điều kiện, nghĩa là không vì sự gì tốt đẹp nơi mình, thì ta sẽ sẵn sàng quảng đại hiến dâng cho tha nhân, vì như thánh nhân xác nhận: Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

3. Trong đời hoạt động tông đồ, nỗ lực một mình là không đủ, cần có sự hợp tác của nhiều người trong tinh thần hiệp nhất và sự hiệp thông. Con Thiên Chúa làm người không đơn thương độc mã trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Người đã chọn gọi 12 tông đồ góp sức, đã chọn gọi 72 môn đệ chung phần. Chứng nhân tập thể luôn có thế giá ưu việt. Phaolô đã ngộ ra rằng để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này thì Chúa dùng mỗi người mỗi việc, mỗi cách thế khác nhau. Người thì làm ngôn sứ, kẻ thì làm thầy dạy, người thì chữa bệnh, kẻ thì phân biệt Thần khí… Ngài đã dùng hình ảnh các chi thể trong thân thể để minh họa sự cần thiết lẫn nhau trong việc xây dựng nước Chúa (x.1Cr 12). “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Trong công cuộc xây dựng Nước Chúa thì “Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).

Để gìn giữ sự hiệp nhất, cần thiết phải có sự hiệp thông giữa các thành phần. Đặc biệt trong đời tông đồ chứng nhân, sự hiệp thông như là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công. Người sống trong tình hiệp thông với tha nhân là người đang cùng chung một sức sống với người khác. Sống hiệp thông thì không chỉ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, mà thực sự như lời thánh Công đồng Vatican II “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con nguời mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Thánh Phaolô đã sống tình hiệp thông này cách cụ thể: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,22-23).

4. Mọi sự đều là hồng ân: Để ngộ ra chân lý này, Phaolô cảm nghiệm và thú nhận sự hèn yếu của mình. Ngài chỉ là đứa trẻ sinh non, là vị tông đồ rốt hết và không xứng làm tông đồ của Chúa Kitô. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn còn đó nhiều điều ngài muốn ngài lại không làm còn những điều ngài không muốn thì ngài lại làm (x.Rm 7,17-20). Hơn nữa, cái dằm trong xác thịt của ngài luôn làm ngài nhức nhối và khiến cho ma quỷ thường xuyên v mặt ngài (x.2Cor 7-8). Chính vì thế ngài đã không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng ngài không có gì để mà khoe khoang hay hãnh diện ngoài những yếu đuối của mình (x.2Cr 11,30; 12, 5).

Xuất phát từ thái độ khiêm nhu, chân thành nhìn nhận con người của mình, không chút che đậy hay lấp liếm thì ta sẽ dễ dàng nhận ra hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Từ chỗ nhìn nhận hồng ân của Chúa thì ta sẽ thấy quyền năng vô biên của Người. Phải, “điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi” (1Cr 1, 27).

5. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật (Rm 14,8). Trước ân tình vô biên và nhưng không của Thiên Chúa, thì chẳng có sự đáp trả nào của chúng ta được gọi là cân xứng. Tình yêu mới đáp lại tình yêu. Giả như tôi có nói được nhiều thứ tiếng, làm được nhiều phép lạ… mà không có bác ái thì thì chỉ phèng la não bạt (x.1Cr 13). “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,14).

Cú ngã của Thánh Phaolô không chỉ mở mắt thánh nhân mà con mở luôn con tim của ngài. Ngài nhân ra mọi sự rồi sẽ qua đi, kể cả đức tin lẫn đức cậy. Duy chỉ đức ái mới tồn tại vạn đại thiên thu (x.1Cr 13,13).

 

MỘT VÀI TÂM TÌNH TỰ KIỂM CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ:

Ngã đau hay bị xây xước là chuyện như cơm bữa của kiếp người, dĩ nhiên ngoại trừ Mẹ Maria, người được Thiên Chúa ưu ái gìn giữ cách đặc biệt. Thot sinh ra, tôi đã ở trong tội. Chập chững bước vào đời, nhiều lần té đau, ngã nặng. “Đa thọ đa nhục; đa phú đa ưu” vốn là kinh nghiệm của người xưa xác nhận với cháu con hậu thế. Cuộc đời tông đồ không thể tránh những vấp váp, thất bại mặt này hay mặt khác, trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động tông đồ. Thế nhưng, sau mỗi lần vấp ngã, ta có ngộ thêm được điều gì hữu ích?

1. Lòng nhiệt thành của ta có gia tăng hay bị giảm sút sau những cái ngã? Tôi có quên đi và bỏ lại đằng sau những thất bại, vấp ngã để lao mình về phía trước? Để có được điều này, xin ghi nhớ một trong những tính cách của Chúa là “hay quên tội lỗi của con người”. Tâm tình của tác giả Thánh Vịnh và hầu chắc đây là tâm tình của vua Đavít: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, thì nào ai chịu ni được ư?” (x.Tv 129). Tuy nhiên cũng cần xét lại cung cách sống được gọi là nhiệt thành. Không dám so sánh với các thánh Tông đồ ngày xưa, chỉ cần nhìn lại sự dấn thân của các nhà truyền giáo đã gieo rắc Tin Mừng trên quê hương đất Việt chúng ta thì cũng đủ thấy. Người tông đồ hôm nay có thực sự bị tiện nghi vật chất hay tâm lý hưởng thụ làm chùn chân bước?

2. Tôi có thấy ra một trong những nguyên nhân khiến tôi gặp thất bại hay bị vấp ngã đó là vì tôi không biết hay biết không đúng, biết chưa đủ? “Sự học như con thuyền đi nước ngược. Không tiến, ắt lùi”. Với người tông đồ thì việc không ngừng nâng cao kiến thức, không ngừng hoàn thiện tri thức là một đòi hỏi có tình tất yếu. “Mù dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Nếu ta mù thật thì có lẽ tác hại có phần hạn chế. Đằng này ta bị lệch lạc trong cái nhìn mà cứ tưởng mình thấy rõ, nhìn đúng thì thật tai hại khó lường. Một thánh Giám Mục đã từng nói: Một linh mục tội lỗi thì làm thiệt hại cho Hội Thánh ít hơn là một linh mục lầm lạc, vì thiếu học hỏi, vì ngài ở trong vị thế lãnh đạo. Đã là linh mục thì dường như có tâm lý là đã biết hết mọi sự? Không ai dám to gan vỗ ngực về điều này, thế nhưng việc ít trau dồi kiến thức, ít rèn luyện tri thức là một thiếu sót. Các giáo phận đã nỗ lực bù đắp thiếu sót này bằng một hai dịp “thường huấn” cho các linh mục. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ so với đà tiến bộ và phát triển của xã hội hôm nay, chưa kể thực chất hiệu quả những lần thường huấn như thế nào. Phải công nhận rằng các chuyên gia về các lãnh vực đạo, đời hiện nay không là hiếm. Tuy nhiên vẫn còn đó tâm lý đồng hóa các chuyên gia với người chức trọng, quyền cao hoặc với người lãnh đạo. Đang là chủng sinh, vốn liếng âm nhạc của tôi ở bậc thường. Bỗng sau khi lãnh nhận thiên chức, người ta phong tôi lên hàng nhạc sư. Căn bản thần học của tôi năm cuối ở Chủng Viện có thể chưa đủ điểm trung bình, thế nhưng sau khi thụ phong linh mục, tôi có thể đinh ninh rằng mình nói gì cũng đúng. Dù rằng cần phải tin vào ơn hiện sủng (ơn đấng bậc – grace d’ état), nhưng ân sủng của Chúa không loại bỏ tự nhiên.

3. Tinh thần hợp tác, hiệp nhất và sự hiệp thông giữa những người tông đồ như thế nào? Đã từng có nhận định: một người Việt Nam làm việc độc lập có thể bằng ba, bốn người Tây phương. Nhưng mười người Việt Nam làm việc chung thì chỉ bằng một phần ba của năm, sáu người Tây phương cộng tác. Không biết lời nhận định ở trên có phản ánh đúng thực trạng hoạt động tông đồ của Hội Thánh Việt Nam chăng? Dẫu sao, chúng ta cũng cần giật mình để tự kiểm về tinh thần hợp tác, hiệp nhất. Có lẽ điều cần tự kiểm trước tiên đó là sự hiệp thông giữa những người muốn theo sát Chúa Kitô trên con đường rao giảng Tin Mừng, phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân.

4. Thái độ khiêm nhu, tâm tình cảm tạ: Ngay sau ngày tuyên khấn hay lãnh nhận thiên chức Linh mục, Giám mục là những ngày “đại Lễ tạ ơn”. Các bài diễn văn cám ơn của tân khấn sinh hay của tân chức luôn đượm nét khiêm nhu và tâm tình cảm tạ. Dường như ngay sau khi đón nhận một hồng ân vô giá người ta dễ thấy sự “nhưng không” từ trời và sự bất xứng của bản thân. Thế rồi năm tháng dần trôi, cùng với nhiều thành công trong cuộc sống, trong đời hoạt động tông đồ, cùng với sự trân trọng và tôn kính có phần “thái quá” của giáo dân, thì sự khiêm nhu và tâm tình cảm tạ vơi dần. Sự hống hách, độc quyền, độc đoán… là những biểu hiện của thực trạng này.

5. Thiên Chúa là Tình yêu. Chính vì thế Đức ái phải là điểm tới của mọi hoạt động tông đồ. Là người tông đồ, có khi nào tôi tự kiểm về trái tim của mình đã lớn rộng thêm được bao nhiêu sau nhiều năm tháng hoạt động tông đồ? Khi đánh giá một chương trình hành động, một công trình thực hiện hay một quá trình xây dựng cộng đoàn, xây dựng giáo xứ, giáo phận, tôi có đặt tiêu chí đức ái lên hàng đầu không? Một giáo xứ lớn mạnh không phải là một giáo xứ đã có những công trình xây dựng đồ sộ… mà là đã có tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ không chỉ với bà con đồng đạo mà còn với anh chị em lương dân, bà con khác đạo, khác niềm tin, khác chính kiến. Có chăng sự kiện càng xây dựng thì càng thêm sự chia rẽ, bất đồng? Càng ở lâu một xứ nào đó thì càng chất gánh nặng lên bà con tín hữu?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây