TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 10/06/2021 17:54 |   1018
“Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,46-51)

12/06/2021
THỨ BẢY TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria



Lc 2,41-51

TRÁI TIM NGƯỜI MẸ

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,46-51)

Suy niệm: Dù rằng Đức Maria nhờ lời Thiên sứ truyền tin đã biết rằng người Con mình sinh ra đây là chính Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32), Mẹ cũng không khỏi “sửng sốt” khi thấy Con ngồi giữa vòng vây của các thầy thông thái trong đền thờ, đồng thời Mẹ cũng không ngăn được những tâm tình bức xúc, “cực lòng” trước việc Người Con yêu dấu của mình ở lại trong đền thờ mà không cho cha mẹ hay biết. Đức Maria đã bày tỏ những tâm tình rất “người” của một người mẹ đối với con mình. Mặt khác, Người Con đó vẫn luôn đặt ra cho Mẹ một dấu hỏi huyền nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Dù không hiểu lời Con vừa nói, nhưng Mẹ vẫn âm thầm đáp lại như ngày nao Mẹ đã thưa lời “xin vâng”: “Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19.51).

Mời Bạn: Nếu Đức Giê-su vừa là người vừa là Thiên Chúa thì Đức Maria cũng vừa là Mẹ vừa là môn đệ của Ngài: một người mẹ theo con từng bước để yêu thương ấp ủ, đồng thời một người môn đệ cũng theo sát gót Thầy để lắng nghe và thực hiện lời Thầy. Mời bạn cùng đi với Đức Maria để cũng dành cho Chúa những tâm tình giống như Mẹ.

Chia sẻ: Bạn quyết tâm bắt chước Mẹ Maria để nên giống Mẹ và giống Chúa hơn ở điểm nào?

Sống Lời Chúa: Siêng năng lần hạt Mân côi, nhất là lần hạt chung trong gia đình vì đó là phương thế cầu nguyện mà Mẹ ưa thích nhất.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Kính Mừng.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria

Ca nhập lễ

Lạy Đức Trinh Mữ Maria, phúc thay đã cưu mang Đấng tạo thành muôn vật, đã sinh ra Đấng tác tạo Mẹ, và Mẹ sẽ còn đồng trinh đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái Tim Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, vì lời Ðức Trinh Nữ chuyển cầu xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: Is 61, 9-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách tiên tri Isaia.

Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc; miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc. Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Đáp ca:  Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Đáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai 

Xướng: Hoàng hậu đứng bên hữu đức vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.

Xướng: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.  

Xướng: Để Đức Vua Người sủng ái dung nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người.  

Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Đức Vua.  

Alleluia:  x. Lc 2, 19

Alleluia, alleluia! – Đức Trinh Nữ Maria hiển vinh đã ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng. – Alleluia.

Phúc Âm:  Lc 2, 41-51

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng”

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây, đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.

Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thánh mẫu của Ðức Kitô, Con Chúa, chúng con dâng tiến Chúa lời cầu nguyện và lễ vật này. Xin Chúa thương chấp nhận, và đưa chúng con đến gần Chúa hơn nữa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là Thánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể, nhân ngày kính nhớ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn cầu cho chúng con được đầy tràn ân sủng và được thấm nhuần ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria
Phêrô Dương Hải Văn SDB

Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5).  Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.

Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.

Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.

Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày  thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2Cor 5, 14-21

“Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta”.

Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.

Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa.

Ai ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được đổi mới.

Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.

Chính Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.

Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy.

Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.

Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Ðức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2, 3-4, 9-10, 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng thương xót và nhân ái

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

Xướng: Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng. – Ðáp.

Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 19, 19-21

“Êlisê chỗi dậy đi theo Êlia”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia xuống núi tìm đến cùng Êlisê, con ông Saphat, đang cày với mười hai đôi bò; chính Êlisê là người dẫn đôi bò thứ mười hai. Êlia tiến đến gần ông và ném áo choàng mình trên ông. Êlisê bỏ đôi bò đó, chạy lại Êlia và thưa rằng: “Xin cho tôi về hôn cha mẹ tôi đã, rồi tôi sẽ theo Ngài”. Êlia nói với ông: “Cứ về rồi trở lại, vì ta đã làm gì ngươi đâu?” Êlisê rời Êlia, bắt đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi, nấu thịt bò và đem cho dân chúng ăn. Ðoạn Êlisê chỗi dậy đi theo làm đồ đệ Êlia.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con.

Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Lạy Thiên Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý, và thương ban cho con luật pháp Ngài. Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 5, 33-37

“Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: “Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .

Suy niệm

KHÔNG ĐƯỢC THỀ! (Mt 5, 33-37)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: “Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả […]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giêsu cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.

Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!

Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây