TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Thứ ba - 27/04/2021 19:13 |   987
“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)

29/04/2021
THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Thánh Catarina thành Siêna – Trinh nữ, tiến sĩ hội thánh


Ga 13,16-20

THÂN THIẾT THẦY-TRÒ

Thật Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)

Suy niệm: Trong bầu khí yêu thương thân tình giữa Thầy và trò sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, chúng ta cảm nhận được sự bồi hồi xao xuyến của Ngài trước lúc chia tay. Đây là lúc mà không còn lúc nào khác để Chúa nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất: Ngài cho biết mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ trở nên khăng khít vì được liên kết với mối tương quan khăng khít không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha: Ai đón tiếp các môn đệ là đón tiếp Chúa Giê-su và đón tiếp Ngài như vậy cũng tương đương như là đón tiếp chính Chúa Cha.

Mời Bạn: Hiểu thấu được tâm tình của Đức Giê-su bạn có cảm thấy được đánh động sâu xa cả con người của bạn không? Biết mình trở nên quan trọng với Chúa như thế, được liên kết chặt chẽ với Ngài như thế, bạn quyết tâm là người môn đệ trung thành của Thầy, thực hành tới từng chấm từng phẩy lời Thầy dạy chứ? Bạn được Thầy tuyển chọn và sai đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, bạn sẽ sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi đời sống của bạn chứ?

Chia sẻ: Bạn nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn có nhận ra sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho bạn, và sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn khi Ngài trao cho bạn sứ mạng làm ngôn sứ, chứng nhân cho Ngài không? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm đó.

Sống Lời Chúa: Để tình thân thiết Thầy-trò giữa Chúa và bạn ngày càng sâu đậm bạn đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa đứng đầu dân tộc tiến ra, Chúa lên đường với họ, và ở trong họ, thì đất rung động và trời vỡ lở – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tỏ lòng từ bi nhân hậu mà cứu chuộc con người và nâng lên địa vị cao sang hơn tình trạng nguyên thủy; xin nhớ lại công trình kỳ diệu này và giúp chúng con trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25

“Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.

Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.

“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”, trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. .

Xướng: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con”.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 16-20

“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIỚI THIỆU CHÚA CÁCH TRUNG THỰC (Ga 13, 16 – 20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong nghề thuốc hay võ thuật, những thần y hay tổ sư thường lưu nghề bí truyền cho một ai đó, để đến khi họ có khuất núi thì vẫn còn có người lưu danh hậu thế nhờ lưu truyền lại gia bảo của cha ông.

Với Đức Giêsu cũng vậy! Sau hành trình loan báo Tin Mừng, trước khi về trời, Ngài cũng truyền cho các môn sinh của mình: “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”. Đây chính là lệnh truyền, gia bảo cho Giáo Hội tới muôn đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “A i đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn…

Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Đức Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.

Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Đức Giêsu đã nói: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với Chúa và sứ điệp của Chúa. Xin cho chúng con biết loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của chính mình, để cuộc đời và sứ vụ của chúng con chính là hiện thân cách sống động như chính Chúa đang trực tiếp hành động. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ:
Thánh Catarina thành Siêna – Trinh nữ, tiến sĩ hội thánh (1347-1380)

Ca nhập lễ

Đây là trinh nữ thông minh, và là một trong số những người khôn ngoan, đã cầm đèn cháy sáng đi đón rước Chúa Kitô – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Ðức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Ðức Kitô để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài đọc
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhận lễ tế cứu độ chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Ca-ta-ri-na, và cho chúng con được thấm nhuần giáo huấn của người để thêm lòng sốt sắng cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Nếu chúng ta đi trong sự sáng, như Thiên Chúa ở trong sự sáng, thì chúng ta được hợp nhất cùng nhau, và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Chúa Kitô nuôi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc. Lương thực này, xưa đã đem lại cho thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na sự sống của thân xác, nay xin cũng làm cho chúng con được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…
 

Thánh Catarina thành Siêna – Trinh nữ, tiến sĩ hội thánh

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày lễ nhớ Catherine de Sienne cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ qua đời tại Rô-ma 29.04.1380, ngay lúc bắt đầu cuộc đại ly khai tại Tây Phương (1378–1417). Bà được phong thánh năm 1461 và được tôn làm Đấng Bảo Trợ nước Ý năm 1939, cuối cùng được phong tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Catherine Benincasa là người con thứ hai mươi lăm và là con út của một gia đình thợ thủ công. Người sinh tại Sienne vùng Toscane, có lẽ vào ngày 25.03.1347. Thân phụ là thợ nhuộm và thân mẫu là con của một thi sĩ. Bà có một tâm hồn thấm nhuần tinh thần thần bí sâu sắc và là “thần đồng kỳ diệu”, được Chúa ban cho những cảm nghiệm siêu nhiên từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thánh nữ nói đã “nhìn thấy” Đức Kitô và Mẹ Maria và tự hiến cho Thiên Chúa khi cử hành cuộc “hôn nhân thần bí” với Đức Giê-su lúc tám tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Catherine say mê đời sống cô tịch, khổ chế cùng kinh nguyện và được thâu nhận vào Dòng Ba Đa-minh ở Sienne, thường được dân chúng gọi là “Mantellate”. Như thế, chị thực hiện được giấc mộng xưa của mình: “Tôi muốn trở thành Nữ tu Đa-minh để rao giảng đạo Chúa và hoán cải những người lạc giáo”.

– Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Catherine qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và quận Venaissin. Họ đọc Kinh thánh, cùng nhau suy niệm, nghiên cứu các nhà thần bí và thần học của Tôma Aquinô cùng ngâm thơ trong tác phẩm “Hài kịch thần linh” của Dante … Ba môn đệ làm “thư ký” cho người – trong đó có Raymond de Capoue. Họ tuyển tập, sắp xếp và biên soạn tập nhật ký linh đạo của Catherine vì Bà không biết viết.

– Giai đoạn lịch sử trong đời Catherine được đánh dấu bởi việc các Giáo Hoàng sống lưu vong tại Avignon (1309 – 1376). Người ta gọi giai đoạn đáng buồn này là “Cuộc lưu đày Babylon lần thứ hai”. Thế nhưng, chính nhờ những lời nài nỉ của thánh Catherine de Sienne mà Đức Giáo Hoàng Grégoire XI chấm dứt cuộc “lưu đày” này. Bà đã viết cho Đức Giáo Hoàng vào năm 1371 như sau:

“Vậy xin Đức Thánh Cha hãy lắng nghe lời Đức Giêsu Kitô nói với ngài: Triều đại ngươi ở trần thế làm hại đến Thiên triều của Ta … Vì thế ngươi hãy trở lại Rôma, trở lại Giáo Tòa của ngươi càng sớm càng tốt”. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1376, thánh nữ đến Avignon với sự hộ tống của các tu sĩ thuộc “Gia đình” Dòng tu của mình. Ba tháng sau, khoảng cuối năm, Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.

– Vào ngày Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1378) qua đời và dịp bầu cử Đức Urbain VI, cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417) bùng vỡ. Đối lập với Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI ở tại Rôma, người ta đặt một Phản Giáo Hoàng khác, Đức Clément VII (1378 – 1394). Vị này tổ chức giáo triều của mình tại Avignon và được nước Pháp cùng vài nước đồng minh ủng hộ. Catherine de Sienne công nhận Đức Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI, và tự hiến làm lễ hy sinh để đem lại an bình. Song các hoạt động của Bà đã không chấm dứt được các mối phân rẽ đang xâu xé Hội thánh và các dân tộc ở Châu Âu.

– Catherine de Sienne qua đời tại Rô-ma, lúc ba mươi ba tuổi, trong khi phục vụ vị Giáo Hoàng mà Bà gọi là “Đức Ki-tô hiền lành tại thế”. Với tư cách là người tư vấn cho các Giáo Hoàng, là “dolcissima mamma” (mẹ rất hiền) cho “Gia đình” Tu sĩ lẫn giáo dân hằng tận tụy với Bà để phục vụ Tin Mừng, Bà được đặc ân lãnh nhận 5 dấu thánh, thánh nữ đã dâng hiến đời mình để chấm dứt cuộc đại ly giáo ấy.

– Ngoài vai trò chính trị và tôn giáo, Catherine de Sienne còn ảnh hưởng rất lớn đến nền Linh đạo thần bí, đặc biệt nhờ các tác phẩm của Bà: các Thư từ và cuốn Đối thoại được kể như là các tác phẩm cổ điển trong nền văn học Ý.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhắc đến tình yêu nồng nàn của thánh Catherine khiến Bà tha thiết chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu khổ nạn và hăng say phục vụ Hội thánh.

Catherine cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và dịu dàng, Chúa đang ở nơi nào, trong khi hồn con đang phải chịu đựng muôn vàn đau đớn như thế này ? – Đức Giêsu trả lời: Ta ở sâu thẳm trong lòng con. Quả thật, Ta không bao giờ rời xa tâm hồn của các bạn bè Ta … Ta ngự trong tâm hồn con cũng như Ta ở trên thập giá, trong một trạng thái đau đớn và hạnh phúc”. Trong cuộc đối thoại liên tục với “Đấng yêu dấu” đã có lần nói với thánh nữ: “Hãy nhớ đến Ta và Ta sẽ nhớ đến con”, thánh nữ chỉ biết lặp lại mỗi câu này: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Ngài ! Con chỉ yêu một mình Ngài”. Những lời sau cùng của Catherine cho thấy cả cuộc đời mình “tràn ngập tình yêu Thiên Chúa” nồng nàn: “Lạy Đấng con yêu mến, Ngài đã gọi con, giờ đây con xin đến ! Con đến mà không mang theo công trạng gì trong tay, nhưng chỉ trông chờ lòng nhân lành và quyền năng do Máu Thánh Chúa đổ ra”.

Tình yêu nhiệt nồng của Catherine là nguồn của mọi hoạt động khi Bà tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các Hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng ... “Tôi là Catherine, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của bà, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người...”

Một giáo thuyết chắc chắn và thâm sâu xuất phát từ tâm hồn Catherine và được diễn tả bằng các hình ảnh và biểu tượng như sau: “Đức Giêsu phán: Làm sao các tôi tớ của Ta ở đời này có được các vật bảo chứng cho cuộc sống đời đời ? Quả thật, Ta nói với con: họ có được khi nhận ra trong tâm hồn họ lòng nhân lành và chân lý của Ta. Sự nhận biết ấy là do Ta soi sáng trí tuệ và do đức tin là đôi mắt của tâm hồn chiếu soi… Ánh sáng đức tin khiến họ phân biệt, hiểu biết cùng noi theo con đường và giáo thuyết về chân lý là Ngôi Lời nhập thể” (Đối thoại chương 45).

b. Qua một lá thư, Catherine cổ vũ Hồng y Lune như sau: “Chính trong Máu châu báu của Đấng Cứu Thế mà chúng ta biết được chân lý dưới ánh sáng của đức tin rất thánh thiện … Thưa Cha kính mến, xin Cha hãy say mê chân lý. Như thế, Cha sẽ trở nên rường cột trong nhiệm thể Hội thánh”. Catherine mong ước Hội thánh trở thành một vườn hoa xinh tươi, trong đó chỉ có “Các bông hoa thơm ngát; vì các mục tử và các giám chức phải là những tôi tớ chân chính của Đức Giêsu Kitô, hằng chuyên cần hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các tâm hồn”. Vì thế, Catherine ý thức rằng mình “đến trần thế để xóa mờ gương xấu to lớn gây nên bởi cuộc ly giáo” nên thánh nữ đã cổ vũ Đức Giáo Hoàng Grégoire XI nhổ đi “Các bông hoa thối rữa, đó là các mục tử và bề trên đang làm hoen ố Hội thánh”.

c. Vậy Catherine đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu ? “Đức Giêsu nói với Bà: Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Bà vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm … Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài … Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc – Kinh sách).

– Bí quyết của sự khôn ngoan và nên thánh của Catherine de Sienne, tiến sĩ Hội thánh, được bày tỏ trong lời kinh khi chấm dứt cuộc Đối thoại của Bà với Cha muôn thuở: “Lạy Chúa là chân lý vĩnh cửu, xin cho con được mặc lấy Ngài, để con được đi qua cuộc đời hay chết này bằng niềm vâng phục đích thực đối với Chúa và dưới ánh sáng đức tin rất thánh thiện chiếu soi. Đó là nguồn ánh sáng khiến lòng con say sưa chiêm ngắm Chúa. Tạ ơn Chúa. A-men”

Enzo Lodi

 Tags: Lời Chúa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây