20/02/2025
Thứ năm tuần 6 thường niên
Thánh Phanxicô Máctô và Giaxinta Máctô
Mc 8,27-33
xác thực trong lời loan báo
“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Chúa Giê-su lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27-33)
Suy niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giê-su cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giê-su đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gio-an Tẩy Giả, là ngôn sứ Ê-li-a, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giê-su. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. ĐTC Gio-an Phao-lô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giê-su, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giê-su bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe và văn hóa châu Á của họ. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Rất đông các tín hữu cho rằng chỉ cần học giáo lý để lãnh nhận các bí tích (Thêm Sức, Hôn Nhân…) là đủ. Tệ hơn nữa nhiều vị phụ huynh coi trọng việc cho con cái đi học thêm về văn hoá mà bỏ bê việc học giáo lý. Bạn làm gì để khắc phục tình trạng này?
Sống Lời Chúa: Ghi danh học lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách trình bày giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 6 thường niên
Ca nhập lễ
Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) St 9, 1-13
“Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: “Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất”.
Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.
Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế
Xướng: Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion. Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn, Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.
Xướng: Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.
Xướng: Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 1-9
“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được thừa hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó. Không phải những người giàu có dùng quyền hành áp bức anh em, và lôi anh em ra toà án đó sao? Không phải chính họ thoá mạ thánh danh tốt đẹp đã được kêu cầu trên anh em sao?
Ðã hẳn, nếu anh em giữ trọn vương đạo như Thánh Kinh dạy, là “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình”, thì anh em làm phải. Nhưng nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 8, 27-33
“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐỨC KI-TÔ, NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ (Mc 8, 27-33)
Lm. Gioan Trần Văn Viện
Thánh Phê-rô trong bài Tin mừng hôm nay đã đại diện cho các môn đệ để tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su: “Thầy là Đấng Ki-tô”. “Ki-tô” là thuật ngữ tiếng Hy-lạp, nghĩa là “được xức dầu”, tiếng do thái từ này được dịch thành “Messia”. Chúa Giê-su là Đấng được thánh hiến và xức dầu Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha giao phó. Người là Đấng Messia mà dân Israel mong chờ.
Chúa Giê-su đồng ý với lời tuyên xưng của Thánh Phê-rô. Tuy nhiên, Người còn mặc khải thêm về một Đấng Messia phải chịu đau khổ và bị giết chết bởi những nhà cầm quyền nhưng sẽ sống lại sau ba ngày. Đây là hình ảnh của Đấng cứu thế khác xa với những gì mà nhiều người dân Do-thái thời bấy giờ đang đợi trông. Họ khát khao chờ đón một Đấng Messia oai hùng đến trong vinh quang để cứu họ khỏi ách nô lệ và phục hồi lại một đế quốc Israel vĩ đại. Thánh Phê-rô cũng mang trong mình những tư tưởng đó. Vì thế, ngài đã trách Chúa Giê-su khi nghe những lời loan báo về cuộc khổ nạn của Người.
Sứ mạng của Đức Ki-tô là như thế: chịu khổ hình để mang lấy tội lỗi của nhân loại và chết cho tội lỗi để với sự phục sinh vinh quang, Người đem niềm vui, bình an và sự sống mới cho con người. Mỗi người chúng ta cũng đang là những Ki-tô hữu và mặc lấy danh “Ki-tô” nơi mình vì chúng ta cũng đã được xức dầu nhờ Bí tích Rửa tội. Giờ đây, lẽ nào chúng ta lại có thể trốn tránh những gì mà Đức Ki-tô đã trải qua. Cuộc sống hôm nay còn đó những đau khổ, thử thách và chúng ta được mời gọi đón nhận tất cả với tinh thần của một Ki-tô hữu. Thánh giá mà Chúa Giê-su Ki-tô đã vác, giờ đến lượt chúng ta. Tuy nhiên sự phục sinh cũng được Chúa loan báo và đây là niềm vui cho chính chúng ta.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và thêm sức cho mỗi chúng ta trước những gian truân, nghịch cảnh trong hành trình dương thế. Amen.
ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI VẬY? (Mc 8,27-33)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Khi đi đến làng Xê-sa-rê Phi-líp-phê, Đức Giê-su hỏi các tông đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng: người ta cho Ngài là Gio-an Tẩy Giả, là Ê-li-a hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các ông cho Ngài là ai, thì Phê-rô đã nhanh nhảu tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô”. Ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đức Ki-tô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giê-su theo nghĩa chính trị: giải phóng đất nước, dành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phê-rô tuyên tín, Ngài liền báo cho họ con đường Thương Khó và Phục sinh của Ngài.
2. Đức Giê-su là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giê-su còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giê-su, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giê-su Ki-tô, ông là ai? Trên bàn viết của Lê-nin, thủy tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giê-su.
3. Theo dư luận quần chúng.
Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai” ? Các ông đáp liền: “Họ bảo Thầy là Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).
Ngày xưa, nhiều người Do-thái cho rằng Giê-su cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Ê-li-a, như Gio-an hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Ê-li-a, họ đã bỏ tù Giê-rê-mi-a, họ đã chém đầu Gio-an Tẩy Giả… Đức Giê-su đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.
4. Theo ý kiến các môn đệ.
Đức Giê-su lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai”? Ông Phê-rô đã nhanh nhảu trả lời ngay: “Thầy là Đức Ki-tô” (Mc 8,29).
Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hê-brơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Ít-ra-en: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.
Tuy tuyên xưng Đức Giê-su là Ki-tô, có lẽ Phê-rô vẫn quan niệm như người Do-thái về một Đức Ki-tô vinh quang. Người Do-thái chỉ muốn Đức Ki-tô làm vua như Mai-sen, như Đa-vít. Như Mai-sen, Đức Ki-tô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Sa-lô-môn.
5. Theo tiết lộ của Đức Giê-su.
Sau khi nghe Phê-rô nói lên sự thật: “Thầy là Đức Ki-tô”, thì Đức Giê-su xác định rõ hơn thế nào là Ki-tô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giê-su không ngần ngại minh định tư cách Ki-tô của mình, đó là một Đấng Ki-tô theo hình ảnh của người tôi tớ Gia-vê như được nhắc đến trong sách tiên tri I-sai-a. Ngài sẽ không là Đấng Ki-tô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Gia-vê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.
Phê-rô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phê-rô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giê-su, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Ki-tô (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện: Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux.
Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.
Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras:
– Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giê-su dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông?
Ông Barras trả lời:
– Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày chủ nhật, đồng chí cố sống lại đi.
NÓI LỜI CỦA THIÊN CHÚA
(THỨ NĂM TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 6 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin Chúa tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa.
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói điều khôn ngoan chính trực, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Châm Ngôn cho thấy: Tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm. Đừng mất công phân tích các phương châm tinh tế sau đây. Mỗi câu tự nó đều đủ nghĩa, và có thể được xem như một lời nhận xét tế nhị về phong tục đương thời, hay như một lời khuyên, giúp đạt tới hạnh phúc, tránh những rủi ro của số phận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những mảnh vụn của bữa tiệc linh đình Đức Khôn Ngoan hứa sẽ khoản đãi. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực. Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng. Thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân. Họ không lo phải nghe tin dữ.
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói lời Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Hãy mở miệng ra để nói lời Thiên Chúa… Đức Kitô Giêsu trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói lời kết ước tình yêu, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Thiên Chúa phán: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 101, vịnh gia cho thấy: Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần. Chư dân sẽ sợ uy danh Chúa, mọi đế vương hoàn cầu úy kính Ngài vinh hiển. Vì Chúa sẽ xây dựng lại Xion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ. Người đoái nghe dân bị bóc lột kêu cầu, chẳng khinh thường lời họ nguyện xin.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô. Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Đức Giêsu là Đấng Kitô, Người đã trải qua nhiều đau khổ, mới đạt đến vinh quang, Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa: Lời thần khí, lời sự sống đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Chớ gì lòng trí chúng ta luôn suy gẫm sự khôn ngoan của thập giá, và nói về Đức Kitô, vì chính Người là sự khôn ngoan, là Lời của Thiên Chúa. Ông Phêrô đã dùng Lời của Thiên Chúa, mà tuyên xưng Đức Kitô, nhưng, ngay sau đó, ông lại dùng lời của thế gian mà ngăn cản Đức Giêsu. Chớ gì khi mở miệng ra, là chúng ta nói Lời của Thiên Chúa. Chính Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta cất tiếng ngợi khen Người và suy gẫm Lời của Người. Chớ gì chúng ta luôn luôn nói về Người: nói về đức khôn ngoan là nói về chính Người, nói về nhân đức là nói về chính Người, nói về sự bình an là nói về chính Người, nói về chân lý, về sự sống, và ơn cứu độ là nói về chính Người. Chớ gì chúng ta luôn nói những gì thuộc về Đức Kitô và thập giá của Người, khi ngồi trong nhà, ngôi nhà nội tâm của chúng ta, cũng như lúc đi đường, con đường Giêsu; khi đi ngủ, khi đã thỏa lòng chợp mắt khép mi, vì đã tìm được một nơi cho Chúa ngự, cũng như khi thức dậy, khi có tiếng người tôi yêu gõ cửa… Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, ước gì chúng ta biết ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn