TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Thường Niên -Năm C

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,17.20-26)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 10/02/2025 13:38 |   34
Khi ấy, Chúa Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34-39)

21/02/2025
Thứ sáu tuần 6 thường niên
Thánh Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t6 TN

Mc 8,34-9,1


điều kiện làm môn đệ
Khi ấy, Chúa Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mc 8,34-39)

Suy niệm: Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi: “Thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không?” Chúa Giê-su không phải là một vị tướng ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đi bước trước đối đầu với nó. Nếu Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại hơn. Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giê-su, bạn phải luôn luôn trả lời “không” với chính bản thân và đáp “vâng” với Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở với con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 6 thường niên

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến lũy kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I)  St 11, 1-9

“Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn”.

Trích sách Sáng Thế.

Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”.

Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là “Babel”, vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình

Xướng: Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia.

Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Ngài xem thấy hết thảy con cái loài người.

Xướng: Từ cung lâu của Ngài, Ngài quan sát hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Ngài đã tạo thành tâm can bọn họ hết thảy; Ngài quan tâm đến mọi việc làm của họ.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 14-24. 26

“Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây đức tin không việc làm là đức tin chết”.

Trích sách của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu có ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ.

Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Anh tin Thiên Chúa là Ðấng duy nhất ư? Như thế là đúng. Ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ. Hỡi người khờ dại, anh có muốn biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết không? Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng nhờ việc làm mà được công chính hoá khi hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Anh có thấy rằng: đức tin hợp tác với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được hoàn hảo đó không? Như vậy đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Abraham đã tin vào Thiên Chúa và việc ấy được kể là điều công chính cho người, và người đã được gọi là bạn thiết nghĩa của Thiên Chúa”.

Do đó anh em có thấy rằng: người ta nhờ việc làm mà được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi không? Quả vậy, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc đức thay người ham mộ luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

Xướng: Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.

Xướng: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 8, 34-39

“Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.

Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MẤT ĐỂ ĐƯỢC (Mc 8, 34-39)
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dừng lại ở hai từ “Mất” và “Được”. Trước hết, chúng ta đến với từ “mất”. Động từ “mất” có thể mang những ý nghĩa sau: (1) phá huỷ, giết chết; (2) chịu đựng sự mất mát; (3) tiêu tan; (4) bị mất. Động từ này được sử dụng trong Tin Mừng hôm nay diễn tả sự mất mát, sự phá huỷ và tiêu tan cả về đời sống vật chất thế gian và đời sống thiêng liêng vĩnh cửu. Còn động từ “được” có nghĩa: cứu được; dành được; được lợi; đổi lại được. Động từ “được”  bao hàm cái “Được” của đời sống thể lý và đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây là: cái “Được” của đời sống vật chất thế gian lại là cái “Mất” của đời sống thiêng liêng. Và ngược lại, cái “Mất” của đời sống vật chất là cái “Được” của đời sống thiêng liêng. Đức Giê-su quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Đức Giê-su đưa ra tiêu chuẩn này không có ý đòi chúng ta phá huỷ chính mạng sống của mình, nhưng đòi chúng ta từ bỏ những gắn bó vật chất thế gian cái làm cho chúng ta vui thú cuộc sống chóng qua đời này mà quên mất sự sống vĩnh cửu đời sau. Tóm lại, Đức Giê-su muốn những người môn đệ của Chúa hành động một cách khôn ngoan, can đảm và dám đánh đổi những gì ngắn ngủi, chóng tàn phai để có được sự sống vĩnh cửu. Quả thật, như Vịnh gia đã nói:

Ngày vận hạn cớ chi phải sợ, lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?

Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.

Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?

Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? (Tv 49,6-10)

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA (Mc 8, 34 – 39)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

2. Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các ông biết: “Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giê-su mở ra  một giai đoạn mới, trong  giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giê-su đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng: Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

3. THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Ki-tô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào có thể làm cho họ lìa bỏ nhau:

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Trong lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai điều kiện ấy.

4. Từ bỏ chính mình.

Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật… và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi…

Đức Thánh Cha Phao-lô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói: Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ.

Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.

5. Vác thập giá mình.

Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất… trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.

Trong đời sống Ki-tô hữu, ai cũng phải vác thập giá vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta  và cũng là của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.

6. Truyện: Thánh giá vừa sức mình.

Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo:

– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.

Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:

– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.

Thiên thần yên ủi:

– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.

LIỀU MẠNG VÌ CHÚA
(THỨ SÁU TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 6 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin Chúa tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa.

Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết kính sợ Chúa và yêu thương nhau, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Châm Ngôn nói về: Sự minh mẫn của con người, và nghĩa huynh đệ. Đề tài được nhấn mạnh khá nhiều: đó là những mối tương giao giữa người với người. Ở đây nổi bật hai nét chính: khôn ngoan quảng đại. Anh em đừng quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Aicập; chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ, anh em phải phụng thờ. Lòng kính sợ Đức Chúa là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự.

Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết khao khát và tìm nương ẩn nơi Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Thiên Chúa là niềm khát vọng của tâm hồn… Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.

Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết khiêm nhường, quy phục, tín thác vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia cho thấy: Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp. Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn thuở trường tồn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Chúng ta là bạn hữu của Chúa, bởi vì, được Chúa cho biết điều mà một người đầy tớ không được phép biết. Nếu ta liều mất mạng sống mình, để đạt cho bằng được điều Chúa hứa, thì ta sẽ cứu được mạng sống ấy. Thiên Chúa đã hứa cho ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Chúa Thánh Thần, là Đấng dạy ta trong nội tâm: điều ta không thể nói ra,không thể nhìn thấy ở hiện nay, nên, bổn phận của ta là phải khao khát. Thật vậy, đối với người Kitô hữu đích thực: sống, không có nghĩa gì khác hơn, là khao khát Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Đấng ta khao khát, thì ta chưa thấy, nhưng, chính nhờ khao khát, mà ta trở nên xứng đáng: được mãn nguyện, khi Người ngự đến. Khi ta muốn đổ đầy một vật chứa nào đó, như cái bao, cái vò hay cái gì khác, và biết cái sẽ đổ vào, nhiều bao nhiêu, thì chúng ta phải nới rộng dung tích của vật chứa ấy. Cũng vậy, khi Thiên Chúa trì hoãn là Người đang nới rộng lòng khao khát của ta, để làm cho tâm hồn ta có khả năng đón nhận Người. Đời sống của chúng ta là để cho lòng khao khát thanh luyện mình. Chúng ta càng để cho lòng khao khát thánh thiện thanh luyện mình, thì càng đoạn tuyệt với các vương vấn trần gian. Muốn đổ đầy, thì phải dốc cạn đã. Chúng ta muốn được đầy điều tốt, thì phải dốc hết cái xấu đi. Thử nghĩ xem nếu Thiên Chúa muốn đổ đầy mật ngọt cho ta, mà lòng ta lại đầy giấm chua, thì ta đựng mật ngọt ở đâu? Phải dốc hết những gì đang đựng trong bình, phải rửa bình cho sạch; phải rửa cho sạch dù phải vất vả, phải kỳ cọ, để cho bình xứng hợp với đồ đựng bên trong. Ước gì ta biết can đảm, kiên nhẫn chịu đựng, và sẵn sàng liều cả mạng sống mình, vì Chúa. Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, ước gì chúng ta biết ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Ước gì được như thế!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây