TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 24/10/2023 14:16 |   659
“Ai trong các ông có con trai hay con bò sa xuống giếng, mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” (Lc 14,1-6)

03/11/2023
THỨ SÁU TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Thánh Martinô Porres, tu sĩ

t6 t30 TN

Lc 14, 1-6


nhân phẩm cao quý
“Ai trong các ông có con trai hay con bò sa xuống giếng, mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” (Lc 14,1-6)

Suy niệm: Dùng hình ảnh đứa con trai hoặc con bò của ai đó rớt xuống giếng trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh tới tính cách khẩn cấp cuộc việc cứu nạn. Vì sự thân thiết với đứa con ruột rà, vì giá trị vô song của mạng người hay vì tầm quan trọng của một món tài sản lớn mà người ta được phép làm công việc cứu hộ dù là trong ngày sa-bát. Thế mà những người Pha-ri-sêu lại ném cái nhìn hằn học cho Chúa Giê-su như thể Ngài là “kẻ phá bĩnh” lề luật vì đã chữa lành cho người phù thũng trong ngày sa-bát. Thật chua xót! Phẩm giá con người bị hạ thấp đến độ không còn được kính trọng, thậm chí không giá trị bằng một con vật! Và càng chua xót hơn, khi người ta nại đến lề luật, nại đến Thiên Chúa để biện minh cho thái độ đó.

Mời Bạn: Đối với Thiên Chúa, con người luôn luôn có giá trị tuyệt đối. Con người không chỉ cao quý hơn muôn vật vì được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, mà con người còn được cứu độ và được nhận làm nghĩa tử của Ngài. Quả thế, dù Thiên Chúa đã hoàn thành công việc sáng tạo và “ngày thứ Bảy, Ngài nghỉ ngơi” (x. St 2,2), nhưng “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta” (Kinh Tin Kính), Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, chịu chết để phục hồi cho con người phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Vậy bạn là ai mà dám coi thường giá trị một con người? Bạn nghĩ gì về những hình thức mà phẩm giá con người ngày nay đang bị chà đạp?

Sống Lời Chúa: Yêu thương kính trọng với người khác qua cách cư xử thân ái và lời nói có lễ có tình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

Ngày 3 tháng 11: Lạy Chúa! Khi dâng các việc hy sinh hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng con tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Chúa. Chúng con cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng con. Chúng con cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời không chỉ là tháng của những người chết, mà còn là tháng của những người sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 9, 1-5

“Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần, là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luầt, việc phượng tự và lời hứa; các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa!

Xướng: Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi; Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Ðáp.

Xướng: Người giữ cho mọi bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. – Ðáp.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 1, 1-11

“Ðấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Ðức Kitô”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Phaolô và Timôthêu, tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô, kính gửi tất cả các thánh trong Ðức Giêsu Kitô ở thành Philípphê, cùng với các chủ tịch giáo đoàn và các phụ tá. Nguyện chúc ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, ở cùng anh em!

Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi khi nhớ tới anh em, trong mọi kinh nguyện mà tôi hân hoan cầu xin cho anh em, vì anh em đã góp phần rao giảng Tin Mừng ngay từ ngày đầu tiên cho tới bây giờ.

Tôi tin tưởng điều này là Ðấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành đó, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô. Mà tôi tưởng nghĩ về mọi người anh em như thế thì chính đáng: vì tôi tích để anh em trong lòng tôi, dù khi tôi mang xiềng xích, dù lúc tôi biện hộ hay củng cố Tin Mừng, mọi người anh em đều thông phần vào sự vui mừng của tôi. Thực, có Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: Tôi trìu mến tất cả anh em trong lòng Ðức Giêsu Kitô là dường nào. Ðiều tôi khẩn nguyện là lòng yêu mến của anh em mỗi ngày một thêm chan chứa hơn, trong sự thông biết và mọi sự suy hiểu, để anh em biết xác định những điều tốt lành hơn, hầu giữ mình trong sạch và không gì đáng trách trong ngày của Ðức Kitô, dư đầy hoa quả công chính, nhờ Ðức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! 

Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi.

Xướng: Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Ngài, cho tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Ngài thấy công cuộc quyền năng của Ngài, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. 

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1-6

“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

LUẬT PHẢI ĐƯỢC CHI PHỐI BỞI TÌNH YÊU (Lc 14, 1-6)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại… bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối! Còn cô gái thì sợ hãi tột cùng. Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai… cô gái đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và thán phục, tôn trọng với chàng trai tốt bụng đã giúp đỡ mình thoát nạn. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng lên xe của chính cô và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng… Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính là một tên lừa siêu hạng!

Hôm nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào ngày Sabát, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.

Khởi đi từ câu hỏi: “Trong ngày Sabát, có được phép chữa bệnh không?”, tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabát, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh  nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.

Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt mà thôi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý… như những người Luật Sĩ khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình thương…

Lạy Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con mà thôi. Amen.

NỖI ĐAU THÁNH
Lm. Minh Anh, Gp. Huế

“Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”.

Về hưu, cựu Tổng thống Thomas Jefferson lập Đại học Virginia; ông tin rằng, sinh viên sẽ học hành nghiêm túc. Nào ngờ, một cuộc bạo động dẫn đến đổ máu xảy ra; các giáo sư bị tấn công! Hôm sau, một cuộc họp được tổ chức, Jefferson có mặt; có cả các sinh viên nổi loạn. Jefferson nói, “Đây là một sự kiện đau đớn nhất trong đời tôi!”, và ông bật khóc! Giám thị yêu cầu những kẻ bạo động tiến lên; tất cả nhận lỗi. Sau đó, một trong các sinh viên ấy nói, “Không phải do lời của Jefferson, nhưng là nước mắt của ông ta!”. 

Kính thưa Anh Chị em,

Jefferson đau đớn! Lời Chúa hôm nay cho thấy một nỗi đau còn lớn hơn. Đó là nỗi đau của Phaolô, một ‘nỗi đau thánh!’. Trước sự cứng lòng của những người anh em Do Thái giáo đương thời, những người nhất mực từ chối sứ điệp Phaolô mang đến, Phaolô thở than, “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”.

Một lý do khiến Phaolô vô cùng đau đớn, là việc những người anh em này từ chối Chúa Giêsu; ở một số nơi, họ mạnh mẽ chống lại các Kitô hữu, những người mà họ gọi là ‘phản bội’ hoặc ‘dị giáo’. Phaolô nhấn mạnh, đây không phải là một lời than phiền bình thường, nhưng là một nỗi đau thực sự đến nỗi ngài sẵn sàng tách khỏi Chúa Kitô theo nghĩa đen, nếu điều này có lợi cho đồng bào mình. Phaolô tự nguyện là tù nhân, bị nguyền rủa, loại trừ để anh em ngài nhận biết Chúa Kitô. Đây quả là một ‘nỗi đau thánh!’.

Tin Mừng hôm nay cho thấy một trải nghiệm tương tự nơi Chúa Giêsu. Một thủ lãnh biệt phái mời Ngài dùng bữa, họ dò xét Ngài. Một người phù thũng xuất hiện; đây có thể là một sắp đặt! Và dẫu đó là sự thật, Chúa Giêsu vẫn quyết đoán làm những gì phải làm để tỏ bày lòng thương xót của Ngài, không chỉ với người bệnh nhưng với cả những ai đang rắp tâm hại Ngài. Ngài hỏi, “Có được phép chữa bệnh ngày Sabbat không?”. “Họ làm thinh!”. Chính sự làm thinh tố cáo ác tâm của họ. Và Ngài “đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Họ tiếp tục làm thinh, để lại cho Ngài một ‘nỗi đau thánh!’.

Trong một thế giới từ chối Thiên Chúa, tâm hồn các môn đệ Chúa Giêsu phải là nơi chịu giày vò bởi những nỗi đau. Thế giới với lý do này, lý do khác, từ chối Ngài và sứ điệp của Ngài; Giáo Hội cũng đang đối mặt với bao thách đố. Vấn đề chuyển giới, trợ tử, phá thai, đồng tính, di dân và nạn buôn người… tất cả đang thực sự nhức nhối. Thế nhưng, lập trường của Giáo Hội thật dứt khoát, phẩm giá và sự sống con người có giá trị vô song; và việc nâng con người lên, chữa lành nó, phải là ưu tiên hàng đầu!

Kính thưa Anh Chị em,

“Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”. Trước những sự kiện đau lòng của thế giới và của Giáo Hội, liệu bạn và tôi có một cảm thức xót xa nào không? Cụ thể, trước sự cứng cỏi của những con người chúng ta yêu thương, khi họ từ chối niềm tin hay đang đắm chìm trong một nghiện ngập, một tội lỗi nào đó; thiết thực hơn, những người bỏ nhà thờ, bỏ đạo, chúng ta có nhức nhối không? Và quan trọng hơn, bạn và tôi đã làm gì? Chúng ta có cầu nguyện, hy sinh, thăm viếng, khuyên nhủ và cụ thể, có ra sức nêu gương sáng để làm những gì có thể hầu đưa những anh chị em đó trở về?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước những ‘thương tật’ của anh chị em con, giúp con cảm nhận một sự giày vò bên trong, hầu một ngày kia, con không phát hiện mình bị ‘thiểu năng!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây