Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 31/07/2021 06:12 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
4701
Vùng đất này có nhiều tên gọi. Cổ xưa nhất là Canaan (St 10,19; 12,16) rồi được gọi là Ítraen. Sau khi vua Salomon băng hà, miền bắc giữ lại tên Ítraen, niềm nam gọi là Giuđa. Thời Chúa Giêsu, người Rôma chia vùng này thành một tỉnh của Rôma: Giuđê (niềm nam), Samari (miền trung) và Galilê (miền bắc).
NƯỚC DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU
Vùng đất này có nhiều tên gọi. Cổ xưa nhất là Canaan (St 10,19; 12,16) rồi được gọi là Ítraen. Sau khi vua Salomon băng hà, miền bắc giữ lại tên Ítraen, niềm nam gọi là Giuđa. Thời Chúa Giêsu, người Rôma chia vùng này thành một tỉnh của Rôma: Giuđê (niềm nam), Samari (miền trung) và Galilê (miền bắc).
Vào thế kỷ thứ V sCN, vùng này được gọi là Palestin. Đây là tên của người Hy lạp cổ đại gọi phần đất của người Philitinh. Về sau, tên này được gọi cho cả phía tây và phía đông sông Giođan, làm thành vùng đất được gọi là Thánh Địa.
I. ĐỊA LÝ
1. Diện tích:
Đây là vùng đất nhỏ chưa đầy 22.000km2 (tương đương diện tích giáo phận Ban Mê Thuột: gồm tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Đak Nông và một phần của tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723 km2) có hình thang đứng, cao 240 km, đáy nhỏ phía bắc khoảng 40 km, đáy lớn phía nam khoảng 150 km.
2. Biên giới:
Phía bắc giáp Liban và Syria. Phía tây giáp Địa Trung Hải. Phái đông giáp sông Giođan, sông này bắt nguồn từ núi Liban chảy xuống biển hồ Galilê và đổ vào Biển Chết. Phía nam giáp Iđumê.
3. Hình thể
Thời Chúa Giêsu, vùng đất Palestin được chia làm 3 miền: Giuđê ở niềm nam, Samari ở miền trung và Galilê ở miền bắc.
a. Galilê
Rộng khoảng 4.000km2 (từ bắc xuống nam dài 83 km, từ đông sang tây rộng khoảng 50 km).
Từ bắc xuống nam có:
* Biển hồ Galilê: Cũng gọi là Hồ Ghênnêxarét, Biển Hồ Tiberia là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Ítraen. Hồ có chu vi khoảng 53 km, chiều dài khoảng 21 km, chiều rộng khoảng 13 km, với diện tích tổng cộng là 166 km². Hồ có chiều sâu tối đa là 43 m. Hồ nằm ở độ sâu 209 mét dưới mực nước biển, là hồ nước ngọt thấp nhất trên Trái Đất và hồ thấp thứ nhì trên Trái Đất (sau Biển Chết, 1 biển hồ nước mặn).
- Nơi đây Chúa Giêsu đã gọi 4 môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan (Mt 4,18-22; Lc 5,1-11); Trao quyền cho Phêrô (Ga 21,1...) ...
- Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ: Dẹp yên biển động (8,23-27ss); Đi trên mặt nước (Mt 14,23-33ss); Mẻ cá lạ lùng (Lc 5,1-7)...
* Chung quanh Biển Hồ có nhiều thành phố:
- Khoradin: Bị Chúa Giêsu quở mắng vì cứng tin (Mt 11,21ss).
- Bếtxaiđa: Quê của Phêrô, Anrê và Philípphê (Ga 1,44; 12,21).
- Caphácnaum: Nằm phía tây bắc hồ Galilê. Chúa kêu gọi Lêvi (Mc 2,14ss), làm nhiều phép lạ (Mc 1,24-45ss), giảng dạy về Bánh Hằng Sống (Ga 6,22-59)...
- Mácđala (Magađan): Quê của Maria Mácđala (Mt 27,56ss)
- Tibêriát: Ở phía tây hồ Galilê do vua Hêrôđê Antipa xây vào năm 16 sCN để tôn vinh hoàng đế Tiberius. Do tên thành này mà hồ Galilê còn gọi là hồ Tibêriát (Ga 6,1; 21,1).
* Phía tây nam có thành:
- Cana: Nằm trên cao nguyên Galilê, quê của Nathanaen (Ga 21,2). Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên: nước hóa thành rượu (Ga 2,1-11).
- Nadarét: Nazareth (Hebrew: נָצְרַת, Natzrat hoặc Natzeret).Nadarét nép mình trong một lòng chảo tự nhiên cao từ 320 m trên mực nước biển tới đỉnh các đồi cao khoảng 490 m. Nadarét cách Biển hồ Galilê 25 km (17 km theo đường chim bay) và cách núi Tabor khoảng 9 km về phía tây. Thành của thánh Giuse và Mẹ Maria (Lc 1,26). Chúa Giêsu lớn lên tại đây (Mt 2,23; Lc 2,39 ...).
- Nain: Con trai bà góa được Chúa Giêsu làm cho sống lại (Lc 7,11-17).
- Núi Tabor (Hebrew: הַר תָּבוֹר) là một núi ở vùng Galilê Hạ, nằm ở đầu phía đông của thung lũng Jezreel, cách Biển hồ Galilê 17 km về phía tây, cao 575m. Tại đây Chúa Giêsu đã hiển dung (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36).
b. Samari
Rộng khoảng 3.000 km2 (từ bắc xuống nam dài 67 km, từ đông sang tây rộng 58 km).
Thời 2 vương quốc Giuđa và Ítraen, Samari là thủ đô của vương quốc Ítraen (1V 16,29...).
- Thủ đô Samari (Do Thái : שומרון , Shomron) do vua Omri (khoảng 885-874 tCN) thiết lập và kéo dài cho đến khi thành Samari bị Sargon II chiếm vào năm 721 tCN và vương quốc Ítraen phía Bắc bị sụp đổ.
Đến thời đế quốc Hy Lạp, thành Samari bị Alexanđê đại đế đánh chiếm năm 331 tCN. Đến khoảng năm 108 tCN, thành Samari lại bị Gioan Hycanô tàn phá. Dưới thời đế quốc Rôma, Pompê xây dựng lại thành Samari khoảng năm 63 tCN. Đến năm 27 tCN, hoàng đế Augustô Xêda cho vua Hêrôđê Cả thành này. Vua Hêrôđê Cả đã mở rộng và xây dựng lại thành Samari rồi đặt lại tên thành là “Sebaste”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Augustô”, để tôn vinh hoàng đế. Vì thế, vị trí thành “Sebaste” chính là thành “Samari” cổ. (http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/ThayVaNghe/Bai47.htm)
Dân Samari gốc là Do thái, nhưng sau cuộc lưu đày 721 tCN, họ bị pha trộn với dân ngoại. Người Do thái coi họ lạc giáo nên khinh thường và xa tránh.
- Làng Xykha: Một thị trấn dưới chân núi Êvan (Ebal) nơi Chúa Giêsu đã gặp một phụ nữ bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-42).
- Núi Gơridim: Hebrew: הַר גְּרִזִים Har Gərīzīm (Gerizim) thuộc vùng đồi núi Samari, núi này cao khoảng 868 mét so với mực nước biển Địa Trung Hải và cao 244 mét tính từ chân núi. Núi Êvan (Ebal) bên cạnh, cao 938 mét so với mực nước biển Địa Trung Hải và cao 366 mét tính từ chân núi. Giữa hai núi Gơridim và Êvan là vùng đất thành Sikhem (ngày nay là thành Nablus). Xykha (Askar) ở chân núi Êvan và phía nam là giếng Giacóp theo hướng núi Gơridim.
c. Giuđê
Rộng khoảng 8.200 km2 (từ bắc xuống nam dài 92 km, từ đông sang tây rộng 90 km).
- Giêrikhô: Hebrew : יְרִיחוֹ Yeriḥo, nằm trong thung lũng sông Giođan. Nó là một thành phố lâu đời nhất thế giới. Cách sông Giođan 8 km về phía tây; cách Biển Chết 12 km về phía bắc. Thấp hơn mặt nước biển 258m, Giêrikhô trở thành thành phố thấp nhất thế giới. Đây là nơi dừng chân của người Do thái hành hương lên Giêrusalem. Tại đây, Chúa Giêsu gặp ông Dakêu (Lc 19,1-10); chữa anh mù Báctimê (Mc 10,46-52).
- Núi Cám Dỗ :Hebrew: קרנטל, là một ngọn đồi trong sa mạc Giuđêa nơi Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bởi ma quỷ (Mt 4,8). Vị trí chính xác không thể xác định. Nó thường được xác định là Núi Quarantania (Ả Rập: Jabal al-Quruntul), cao khoảng 366 mét, cao chót vót từ phía tây bắc thị trấn Giêrikhô. Quarantania là “một đỉnh núi đá vôi trên đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô”.
- Giêrusalem: Thủ đô chính trị và tôn giáo của người Do thái. Nằm trên 3 ngọn đồi cao 797 m so với mặt nước biển.
Giêrusalem bắt nguồn từ Urusalim: Thành phố Salim (Salem: Hòa bình), cũng được gọi là Sion.
Đền thờ Giêrusalem xây dựng lần thứ 1 bởi vua Salômon bị quân Babylon phá hủy năm 587 tCN. Ngôi đền thứ hai được Nơkhemia và Étra dây dựng từ năm 520-515 tCN sau khi dân lưu đày Babylon được trở về. Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng ngôi đền từ năm 20 tCN đến năm 64 sCN. Ngôi đền mới này bị quân Rôma phá hủy bình địa vào năm 70.
Sau khi sinh ra, Chúa Giêsu được tiến dâng cho Thiên Chúa tại đây (Lc 2,22). Năm 12 tuổi, Chúa Giêsu đã theo cha mẹ hành hương lên Đền thờ Giêrusalem (Lc 2,41-50). Chúa Giêsu vào thành, mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ, bị kết án và chịu đóng đinh trên Núi Sọ, bên ngoài thành Giêrusalem.
- Emmau: Hebrew: אֶמָּאוֹם, Emmaom, Emmaus, một làng cách Giêrusalem khoảng 11,5 km. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emmau (Lc 24,13-35).
- Bêlem: Bethlehem có nghĩa là Nhà Bánh, cách Giêrusalem khoảng 8 km về hướng tây nam. Bêlem nằm trên độ cao 775 mét trên mực nước biển, 30 mét cao hơn thành phố lân cận Giêrusalem. Bêlem là nơi Chúa Giêsu sinh ra (Lc 2,1-7; Mt 2,1-12).
- Núi Ôliu hay núi Cây Dầu: Hebrew: הר הזיתים, Har HaZeitim, là một núi ở phía đông thành phố Giêrusalem gồm 3 ngọn, trải dài từ bắc xuống nam. Ngọn cao nhất, at-Tur, cao 818 mét. Núi được gọi theo tên các lùm cây olive đã có thời phủ kín các sườn dốc của núi. Tại đây có ngôi mộ của tiên tri Dacaria và Absalom, con vua Đavít.
Núi Ôliu thường được nói tới trong Tân Ước (Mt 21,1; 26,30 vv...) như tuyến đường từ Giêrusalem tới Bêtania và là nơi Chúa Giêsu đứng khi khóc thương thành Giêrusalem (Mt 23,37-39, Lc 13,34-35). Ngài trở lại nghỉ ngơi ở núi này hàng đêm, sau khi giảng dạy trong Đền thờ Giêrusalem (Luc 21,37). Sau khi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ “thầy trò đi tới núi Ôliu” (Mt 26,30), và tại vườn Gếtsêmani dưới chân núi này, Chúa Giêsu bị Giuđa bội phản nộp cho người Do Thái (Mt 26,39).
Chúa Giêsu cũng lên trời từ núi Ôliu như được ghi trong sách Công vụ Tông đồ 1,9-12.
- Đồi Sọ: Hebrew גולגולת , gulgōleṯ “sọ”, một ngọn đồi nhỏ chỉ cách thành Giêruslem 100m có hình dạng giống sọ người, nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh vào thập giá (Ga 19,17; Mt 27,33, Mc 15,22). Đồi Sọ còn được gọi là Núi Sọ, Đồi Canvariô hay Gôngôtha.
- Biển Chết: Hebrew: ים המלח hay Tử Hải là một hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Ítraen và Giođan trong thung lũng Giođan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới.
Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m. Bề mặt Biển Chết nằm ở 417,5 m dưới mực nước biển (số liệu năm 2005).
Nói về đất nước Do thái thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng không thể nào quên sông Giođan chảy từ bắc xuống nam. Một con sông linh thiêng của người Do thái, người Kitô và người Hồi giáo.
- Sông Giođan: Hebrew: נהר הירדן, nehar hayarden, chảy từ chân núi Hermon vào Biển Chết. Sông Giođan dài 251 km. Sông Giođan chảy nhanh trong đoạn dài 75 km vào hồ Hula lầy lội, rồi dòng chảy hơi thấp hơn mực nước biển khoảng 25 km tới Biển hồ Galilê. Đoạn chót dòng chảy ít dốc hơn, và sông bắt đầu uốn khúc trước khi chảy vào Biển Chết, nơi thấp hơn mực nước biển 417,5 mét và không có lối thoát ra.
Đoạn ở phía bắc Biển hồ Galilê nằm trong biên giới của Ítraen, đồng thời tạo thành ranh giới phía tây của Cao nguyên Golan. Phía nam của Biển hồ Galilê, sông Giođan tạo thành biên giới giữa Giođan (ở phía đông) và Ítraen cùng Bờ Tây (ở phía tây). Hai chi lưu lớn chảy từ phía đông vào sông Giođan ở đoạn cuối là sông Yarmouk và sông Jabbok (Giápbốc).
Trong Kinh Thánh, sông Giođan được nói đến như nguồn cung cấp sự phì nhiêu cho vùng đồng bằng lớn, và được coi như “vườn của Chúa” (St 13,10). Tổ phụ Giacóp đã qua sông này tại chi lưu của nó - sông Giápbốc (nay là sông Al-Zarqa) - để tới Haran (St 32,11.,23-24)...
Trong lịch sử Kinh Thánh, sông Giođan là nơi diễn ra nhiều phép mầu. Người Ítraen dưới sự lãnh đạo của ông Giôsuê vượt qua sông Giođan, ở khúc gần thành Giêrikhô (Gs 3,15-17). Các nhà tiên tri Êlia và Êlisa cũng qua sông Giođan ở các chỗ khô cạn (2V 2,8; 2,14). Tiên tri Êlisa làm 2 phép lạ trên sông này: chữa lành viên tướng Naaman bằng cách bảo ông tắm 7 lần ở sông này; lần thứ hai tiên tri Êlisa quăng 1 khúc cây xuống sông khiến cho lưỡi rìu của 1 người thợ đốn cây bị rớt xuống sông nổi lên (2V 5,14; 6,6)...
Tân Ước cho biết ông Gioan Tẩy giả đã làm phép rửa khi rao giảng sự thống hối ở bên sông Giođan (Mt 3,5-6; Mc 1,5; Lc 3,3; Ga 1,28). Chúa Giêsu nhận phép rửa tại đây (Mt 3,13; Mc 1,9; Lc 3,21; 4,1). Cũng tại khúc sông Giođan này, ông Gioan đã chứng thực Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,29-36).
Tân Ước nhiều lần nói tới việc Chúa Giêsu vượt qua sông Giođan trong khi Ngài rao giảng (Mt 19,1; Mc 10,1), và những người tin theo đã vượt sông Giođan tới nghe Người giảng dạy và được chữa lành bệnh tật (Mt 4,25; Mc 3,7-8)...
II. CHÍNH TRỊ
Năm 63 tCN, lợi dụng cơ hội anh em nhà Macabê tranh dành quyền hành, tướng Pompê kéo quân đến chiếm Giêrusalem và đặt Paléttin dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma.
Năm 40 tCN, Hêrôđê Cả được Rôma phong vương. Đặt ông cai trị Paléttin đến năm 4 tCN. Vào quãng năm thứ 7 tCN, dưới triều Hêrôđê Cả, Chúa Giêsu giáng sinh.
Sau khi băng hà, vương quốc của vua Hêrôđê Cả được chia cho 3 người con:
- Antipa làm tiểu vương vùng Galilê và Pêrê (-4 đến +39 Galilê & Pêrêa).
- Philipphê làm tiểu vương vùng Đông Bắc Galilê (-4 đến +34)
- Archelau làm tiểu vương vùng Samaria, Giuđê, và Idumea (-4 đến +7). Năm 7 Archelau bị truất quyền. Phần đất của ông được cai trị trực tiếp bởi tổng trấn La mã.
Tổng trấn thời Chúa Giêsu là Philatô. Ông làm tổng trấn từ năm 26 đến 36. Năm 36 ông bị cách chức vì đã ra lệnh tàn sát người Samari.
Năm 41, chức tổng trấn bị hoàng đế Rôma bãi bỏ. Acríppa I (41-44), cháu vua Hêrôđê Cả được Rôma cho lên làm vua. Ông bách hại các Kitô hữu và giết chết tông đồ Giacôbê (Cv 12,2). Sau khi vua Acríppa I chết, Paléttin trở về chế độ tổng trấn.
Năm 66, người Do thái nổi dậy và bị Rôma đàn áp dữ dội. Lễ vượt qua năm 70, tướng Titô vây hãm Giêrusalem. Tháng tám thành bị chiếm và Đền thờ bị thiêu đốt. Từ đây, Giuđê trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma.
Tuy bị đô hộ, nhưng dân Do thái vẫn giữ được Thượng Hội Đồng (Hội Đồng Công Tọa hoặc Tòa Công Nghị). Đây là tòa án tôn giáo tối cao gồm 71 thành viên là các kỳ lão, thượng tế, tư tế và các ký lục nhưng họ không có quyền tử hình. Chúa Giêsu đã bị Tòa Công Nghị này kết án thời Caipha (18-36) làm thượng tế.
III. GIAI CẤP XÃ HỘI
1. Giới tư tế
Giới tư tế có từ thời Xuất Hành với việc Aharon và con cái được chọn làm tư tế (Xh 28-29; Lv 8; Ds 3,3) và chi tộc Lêvi được chọn để giúp các tư tế và phục vụ Nhà Tạm (Ds 3,5-9).
Sau khi lưu đày Babylon trở về (-538), vì không còn vua nên giới tư tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội Do thái.
- Thượng tế: Đứng đầu giới tư tế. Vị này đứng đầu Thượng Hội Đồng và được coi như thủ lãnh của dân. Chỉ mình thượng tế mới được quyền vào Nơi Cực Thánh mỗi năm một lần để dâng Lễ Xá Tội cho dân (Dt 8,7).
- Các tư tế: Khoảng 7.200 tư tế trong cả nước. Phận sự của họ là dâng của lễ trong đền thờ. Vì đông, họ được chia làm 24 nhóm thay phiên nhận phục vụ mỗi năm 2 lần. Chỉ vào dịp đại lễ (Lễ Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều) các nhóm mới làm việc cùng nhau.
- Các thầy Lêvi: Khoảng 10.000 người. Vì không phải là tư tế nên các thầy cũng không được cử hành phụng tự. Họ có nhiệm vụ ca hát, đánh đàn, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ Đền thờ. Đây là giới vô sản của Đền thờ. 2. Giới kỳ mục (Kỳ lão)
Gồm phú ông và bậc niên trưởng. Có thể đây là “giới quý tộc” vì họ giàu có và vai vế trong xã hội. Đa số thuộc nhóm Xađốc.
3. Giới Kinh Sư
Còn gọi là ký luật, luật sĩ hay các thầy thông luật. Họ là những nhà chuyên môn về Kinh Thánh. Một số nhỏ là tư tế nhưng phần đông là giáo dân thuộc nhóm Pharisêu.
Trong khi các tư tế chủ yếu lo về mặt phụng tự thì các kinh sư là những người hướng dẫn đời sống đức tin, giúp mọi người học hỏi và sống giới luật của Thiên Chúa, trung tín với Thiên Chúa. Có thể xem họ là những người kế tục các ngôn sứ.
Nhờ hiểu biết Kinh Thánh và thông thạo Lề Luật, các kinh sư chiếm một vị thế quan trọng trong Thượng Hội Đồng Do thái.
4. Dân chúng
Đa số là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương hay người làm thuê.
IV. CÁC NHÓM TÔN GIÁO
1. Nhóm Xađốc
Phần lớn các tư tế ở Giêrusalem và một số kỳ mục. Đây là nhóm bảo thủ về thần học, phụng tự và chính trị. Họ không tin có sự sống lại và thưởng phạt đời sau (Mt 22,23). Họ không coi trọng các luật truyền khẩu. Họ quý trọng Ngũ Thư hơn các Sách Thánh khác.
2. Nhóm Pharisêu
Còn gọi là Biệt phái. Phần đông là những giáo dân đạo đức, một ít tư tế vùng quê và ít thầy Lêvi. Vào thời Chúa Giêsu, họ rất được kính trọng. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh, tuân giữ Lề Luật một cách tỉ mỉ.
3. Nhóm Étxênô
Nhóm này được tổ chức chặt chẻ và có tôn tri trật tự. Họ sống nghèo khó, độc thân và vâng phục lãnh đạo. Ban ngày họ cầu nguyện, lao động và thanh tẩy theo nghi thức; ban đêm dành để học hỏi Kinh Thánh.
4. Nhóm Samari
Là người Do thái ở Samari. Họ bị pha trộn nhiều với dân ngoại kể cả về mặt tôn giáo. Người Samari không thờ phượng Thiên Chúa ở Giêrusalem, nhưng ở trên núi Gơridim. Họ chỉ nhìn nhận Ngũ Thư.
5. Nhóm Hêrôđê
Những người ủng hộ vua Hêrôđê, do đó, họ ủng hộ nhà cầm quyền Rôma.
V. CÁC NGÀY LỄ
Những ngày lễ của người Do thái nhằm kỷ niệm những lần Thiên Chúa ra tay can thiệp cứu giúp dân Ngài. Hằng năm, có 3 dịp lễ lớn mà mọi người Do thái từ 12 tuổi trở lên phải đi hành hương Giêrusalem. Đó là Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều.
1. Lễ Vượt Qua (Pesah): Lễ quan trọng nhất trong năm. Chiều 14 tháng Nissan (khoảng tháng 3, 4 dương lịch), người ta sát tế chiên tại đền thờ. Các tư tế lấy máu chiên đặt dưới chân bàn thờ tỏ ý dâng hiến cho Thiên Chúa. Đêm xuống, mỗi gia đình ăn tiệc vượt qua với bánh không men và rau diếp đắng để tưởng nhớ ngày họ được giải thoát khỏi Ai cập. (x. Lv 23,4-5)
Lễ Vượt Qua giúp dân Chúa sống lại kinh nghiệm của cha ông xưa được giải thoát khỏi Ai cập. Việc này giúp người ta hướng đến cuộc giải phóng tương lai do Đấng Mêsia thực hiện. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và lập chức tư tế trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ (Mt 26,17-19; Mc 14,12-25; Lc 22,1-20).
2. Lễ Ngũ Tuần (Shavout): Được cử hành 7 tuần sau lễ Vượt Qua (x. Đnl 16,9). Nguyên thủy là lễ mùa gặt. Đây là dịp vui mừng cảm tạ Chúa về mọi ơn lành và mùa gặt Ngài ban (x. Xh 23,16; Lv 23,15-21; Đnl 16,6-9). Về sau, Lễ Ngũ Tuần trở thành lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa ban Giao ước và Lề luật trên núi Xinai: Ítraen chính thức trở thành một dân tộc, dân riêng của Thiên Chúa. Chính ngày lễ này, Chúa Thánh Thần đã được ban xuống (Cv 2), chính thức khai mạc dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh.
3. Lễ Lều (Sukkot): Lễ này thường được cử hành vào mùa thu kéo dài 7 ngày. Người ta tưởng nhớ lại khoảng thời gian sống trong sa mạc (x. Lv 23,42-43). Ban ngày có nhiều cuộc rước cầu cho mưa thuận gió hòa, ban đêm có rước đèn và ca múa bên nhau.
Ngoài 3 lễ trên còn có những lễ khác như:
* Lễ Xá Tội (Yom Kippour): Lễ này được cử hành 10 ngày trước Lễ Lều. Suốt 24 giờ, người ta kiêng ăn và tụ hợp trong Đền Thờ. Vị thượng tế cử hành long trọng nghi thức đền tội của mình và toàn dân. Toàn dân thú hết tội lỗi và nài xin Thiên Chúa tha thứ. Đây là ngày vị thượng tế được vào nơi cực thánh để làm lễ xá tội. (Lv 23,26-32)
* Lễ Cung Hiến Đền Thờ (Hanukkah): Vào tháng 12. Lễ này kỷ niệm việc tẩy uế và tái thánh hiến đền thờ thứ hai do Macabê Giuđa vào năm 164 tCN. Lễ này cũng gọi là Lễ Thắp Sáng bởi mỗi buổi tối, đèn được thắp sáng trong mọi căn hộ. Trong Tin mừng Gioan 10,22 gọi là Lễ Thánh Hiến, nay gọi là Lễ Hanukkah (x. 1Mcb 4,52-59).
* Lễ Số Phận (Purim): Đây là ngày lễ được cử hành hết sức huyên náo, có nguồn gốc từ thời nữ hoàng Étte. Nữ hoàng Étte và người chú Moócđokhai cứu dân Ítraen khỏi bị thảm sát bởi tể tướng Haman thời vua Asuêrô của Ba Tư.
* Lễ Tân Niên (Tân Nguyệt Đặc Biệt: Tết Do Thái) (Rosh Hashanah): Được cử hành 10 ngày trước lễ Xá Tội (Yom Kippour). Lễ này mừng vào ngày 1 tháng Tishre, tháng thứ 7 theo lịch Do thái, mở đầu Mùa Do thái. Trong Kinh Thánh gọi là Lễ Kèn (Trumpets) hay là Ngày Tù Và: người ta thổi tù và vào mỗi đầu tháng (x. Lv 23,23-25) cũng như mỗi ngày lễ, để báo hiệu mùa lễ trọng sắp tới, kêu gọi dân chúng cầu nguyện, ăn năn sám hối. Tiếng tù và cũng để nhắc lại những biến cố lịch sử dân tộc được thành lập tại núi Xinai.
4. Ngày Sabát (Sabbath): Bắt đầu từ chiều thứ sáu đến chiều thứ bảy. Đây là ngày nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa, kỷ niệm việc hoàn tất công trình tạo dựng của Thiên Chúa (St 2,2-3). (x. Lv 23,1-3)
Người Do thái tính ngày từ lúc mặt trời lặn chiều hôm trước đến lúc mặt trời lặn chiều hôm sau.
Thời Chúa Giêsu, ngày chia làm 12 giờ (Mt 20,3-6; Ga 11,9).
Tuy chia ban ngày ra làm 12 giờ (giờ gọi bằng số đếm), nhưng khi thực hành, họ chia ngày ra làm bốn quãng, mỗi quãng ba giờ, gọi là giờ thứ 1, 3, 6, 9.
-Giờ thứ 1 lúc 6 giờ sáng khi mặt trời mọc. -Giờ thứ 3 lúc 9 giờ sáng. -Giờ thứ 6 lúc 12 giờ trưa. (Bấy giờ đã gần tới giờ thứ 6, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ 9 (Lc 23,44). -Giờ thứ 9 là 3 giờ chiều.
Ban đêm, người Do thái chia làm 4 canh:
- Canh 1 từ lúc mặt trời lặn đến 9 giờ. - Canh 2 từ 9 giờ đến nửa đêm. - Canh 3 từ nửa đêm đến 3 giờ (canh gà gáy). - Canh 4 từ 3 giờ đến 6g sáng (lúc mặt trời mọc).
5. Năm Sabát: Cũng như ngày Sabát người ta nghỉ ngơi thế nào, thì mỗi năm thứ bảy cũng là “năm toàn bộ đất đai phải nghỉ ngơi như thế, một năm hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa”. Dĩ nhiên không phải toàn thể đất đai nghỉ ngơi cùng một lúc. Có lẽ mỗi thửa ruộng phải ngưng canh tác vào năm thứ bảy kể từ ngày khởi canh lần đầu. Bất cứ hoa màu nào trong năm này người nghèo đều được tự do thu lượm. Sự sắp xếp này là dấu chỉ cho người Do thái thấy rằng đất đai không thuộc riêng họ. Nó “thánh thiêng” theo nghĩa thuộc về Thiên Chúa. Mỗi năm thứ bảy, mọi nô lệ người Do thái cũng được trả tự do và mọi khoản nợ đều được hủy bỏ. (Lv 25,1-7; Xh 23,10-11; 26,2-6; Đnl 15,1-6)
6. Năm Toàn Xá (Jubelee): Còn gọi là Năm Hồng Ân. Luật định rằng cứ mỗi 50 năm, tức năm sau 7 năm sa-bát, đất đai và tài sản phải được hoàn lại cho chủ nhân nguyên thủy, mọi nô lệ cho người Do thái phải được tự do, nợ nần được xóa bỏ, đất đai được để không. Luật Năm Toàn Xá tỏ ra khó thực hiện nên nó được mong chờ như ngày chỉ có Chúa mới có thể mang đến. Nó là “năm” ngôn sứ Isaia đã hứa, và Chúa Giêsu đã loan báo. (x. Lv 25,8-17.23-55; Is 61,1-2; Lc 4,16-21).
Khi đọc sách Lêvi, chúng ta thấy con số bảy có ý nghĩa quan trọng:
Mỗi bảy ngày là ngày sabát. Mỗi bảy năm là năm Sabát. Mỗi bảy lần bảy năm thì năm theo sau đó là Năm Toàn xá. Lễ Ngũ Tuần là lễ bảy tuần sau Lễ Vượt Qua. Trong tháng thứ bảy là các Lễ Reo Hò, Lễ Lều và Lễ Xá Tội. Lễ Ngũ Tuần kéo dài bảy ngày. Lễ Vượt qua kéo dài bảy ngày.
VI. CÁC THÁNG DO THÁI
Niên lịch Do thái dựa vào âm lịch gồm 12 tháng, nhưng với tên gọi riêng. Sau thời lưu đầy người ta gọi theo ngôn ngữ Babylon như sau:
1. Tháng Nixan (Nisan)
Tháng thứ 1 của năm, tương ứng với tháng 3, 4 dương lịch. Tháng này có lễ Vượt Qua (Pessah) là lễ trọng nhất, mọi người phải hành hương về Giêrusalem; lễ Bánh Không Men…
2. Tháng Lya (Lyar)
Tháng thứ 2 của năm, tương ứng với tháng 4,5 dương lịch.
3. Tháng Xivan (Sivan)
Tháng thứ 3 của năm, tương ứng với tháng 5, 6 dương lịch. Tháng này có Lễ Ngũ Tuần (Shavouoth), lễ trọng thứ 2 có hành hương về Giêrusalem.
4. Tháng Tammu (Tammouz)
Tháng thứ 4 của năm, tương ứng với tháng 6, 7 dương lịch.
5. Tháng Ab (Ab)
Tháng thứ 5 của năm, tương ứng với tháng 7, 8 dương lịch. Tháng này có ngày tưởng niệm Đền thờ Giêrusalem thứ nhất bị người Babylon phá hủy vào năm 587 tCN và Đền thờ Giêrusalem thứ hai bị người Rôma phá hủy vào năm 70 sCN.
6. Tháng Elun (Eloul)
Tháng thứ 6 của năm, tương ứng với tháng 8, 9 dương lịch. (x.Nkm 6,15)
7. Tháng Títri (Tishri)
Tháng thứ 7 của năm, tương ứng với tháng 9, 10 dương lịch. Tháng này có nhiều lễ: Lễ Đầu Năm (Rosh Hashanah, Ds 29,1); Lễ Xá Tội (Yom Kippour); Lễ Lều (Sukkot) lễ trọng thứ 3 có hành hương về Đền thờ Giêrusalem.
8. Tháng Marevan (Marheshevan)
Tháng thứ 8 của năm, tương ứng với tháng 10, 11 dương lịch.
9. Tháng Kítlêu (Kisleu)
Tháng thứ 9 của năm, tương ứng với tháng 11, 12 dương lịch. (x. Dcr 7,1; Nkm 1,1; 1Mcb 1,54; 4,52; 2Mcb 1,8.18; 10,5). Tháng này có Lễ Cung Hiến Đền Thờ (Hanukkah).
10. Tháng Têvết (Tebeth)
Tháng thứ 10 của năm, tương ứng với tháng chạp, tháng giêng dương lịch. (Et 2,16).
11. Tháng Xêvát (Shebet)
Tháng thứ 11 của năm, tương ứng với tháng giêng, 2 dương lịch.
12. Tháng Ađa (Adar)
Tháng thứ 12 của năm, tương ứng với tháng 2, 3 dương lịch. ( Et 3,7.13...; Er 6,15; 1Mcb 7,43.49; 2Mcb15,36). Trong tháng này có Lễ Purim.
VII. TIỀN TỆ & ĐO LƯỜNG
1. Tiền Tệ
Người Do thái thời Chúa Giêsu quen dùng tiền Hy lạp và La mã, họ lấy vàng làm bản vị (étalon or). Một đồng vàng đời Augúttô cân nặng 7,8gr. Tuy nhiên đồng bạc “denarium” (denier) lại thường dùng hơn. Một đồng bạc thời ấy chỉ cân nặng bằng nữa đồng vàng 3,9gr và giá trị kém vàng 25 lần. Một đồng bạc La mã ‘denarium’ có hình Xêda là đồng tiền nộp thuế mà mỗi người nam trưởng thành Do thái phải trả trong thời kỳ Rôma đô hộ, gọi là thuế đinh (Mt 21,19), và cũng là tiền công nhật của một người thợ làm 12 giờ (Mt 20,2-14).
1 xu (as, assarius) là 1/16 đồng bạc ‘denarium’. 1 xu đôi (dipondius) là 2 đồng as. 1 xu nhỏ (quadrans) là ¼ as. 1 đồng tiền (minutum, lepta) là 1/8 as.
Đồng bạc Hy lạp “drachma” cũng một giá như đồng bạc “denarium”.
1 đồng Didrachma là 2 drachma. 1 đồng Stater là 4 drachma. 1 lạng (mine) là 100 drachma. 1 nén (talentum) là 6.000 drachma.
Đồng “drachma” cũng một giá như đồng bạc “denarium” tương đương lương một ngày làm công của người bình thường. 1 nén bạc bằng 6.000 denarium, tương đương 6.000 ngày, gần 20 năm làm việc của một người lao động.
Đồng stater là 4 drachma được thánh Phêrô tìm thấy trong miệng cá để nộp thuế cho Chúa Giêsu và chính mình (Mt 17,24-27).
Tại Đền thờ Giêrusalem, người ta dùng tiền Do thái là đồng sekel (sicle). Một sekel bằng 4 drachma. Các tư tế đã trả cho Giuđa bằng tiền này (Mt 26,16). Để dâng cúng tại Đền thờ, những người Do thái ngoại kiều phải đổi ra đồng sekel. Nhân đó mới có những người đổi bạc tại Đền thờ và bị Chúa Giêsu xua đuổi. (Ga 2,15; Mt 21,12; Mc 11,15)
Có loại đồng tiền có giá trị thấp nhất được lưu hành vào thời Chúa Giêsu là đồng lepton bằng đồng. Một công nhân chỉ cần làm trong 15 phút là có thể kiếm được hai đồng lepton. Có thể số tiền mà bà góa đã bỏ vào hòm dâng cúng trong đền thờ là hai đồng lepton. (Mc 12,42, Lc 21,2).
2. Cách Đo
Người Do thái đo đạc thường quen dùng:
Thước tay (cubitus, coudée) là khoảng tính từ khủy tay đến đầu ngón giữa. Thước tay của người Do thái có 2 thứ: Thước tay thánh (hay là thước tay lớn) để đo Đền Thờ khoảng 0,525m; thước tay thường là 0,450m. Gang tay (palmus, empan) tức là nửa thước tay. Vổ tay (palmus, palme) là một phần 3 gang tay, tức là 4 ngón để kề nhau. Khi đi đường thì quen dùng:
Chặng (stadium, stade) là 185 mét. Dặm (mile) là 8 chặng, khoảng 1480 m. Lý (leuca, lieue) là 24 chặng, khoảng 4 cây số. Đàng ngày lễ nghỉ (iter sabatti) là quãng đường người Do thái được phép đi trong ngày lễ nghỉ, độ 6 chặng, (2000 thước tay), non một cây số. Bước (passus, brasse) là tính bước cả 2 chân khoảng 1,85 mét.
3. Cách Cân
Cân Rôma (Livre romaine) là 327 gr. Đồng cân (sekel, sicle) 14,2gr. Lạng (mna, mine) là 50 sekel, tức 710gr. Nén (talent, talentum) là 60 lạng, tức khoảng 42 klg.
Nguyễn Thái Hùng
Tài liệu tham khảo
PM Phạm Ngọc Chi, Phúc Âm Dẫn Giải, nxb Ra Khơi, 1959 HĐGMVN, Niên Giám 2016, nxb Tôn Giáo 2016 Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Ấn bản 2011, nxb Tôn Giáo 2011 J .Dheilly, Từ Điển Kinh Thánh, A-Z, nxb Desclee Ban Giáo Lý Gp Nha Trang, Sơ Lược Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Toàn Cầu, nxb Tôn Giáo 2015 Ban Giáo Lý Gp Nha Trang, Dẫn Vào Lời Chúa, 2011 .... và Internet