TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

VHTK Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria Ngày 8.9

Thứ sáu - 30/04/2021 10:22 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1585
“ Này đây,  “Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
VHTK Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria Ngày 8.9
VUI HỌC THÁNH KINH
SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Tin Mừng thánh Mátthêu 1,1-16.18-23
Ngày 8 tháng 9

 
Tin Mừng

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Truyền tin cho ông Giu-se (Lc 2:1-7)

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."
 
1 The book of the genealogy of Jesus Christ, the son of David, the son of Abraham.
2 Abraham became the father of Isaac, Isaac the father of Jacob, Jacob the father of Judah and his brothers.
3 Judah became the father of Perez and Zerah, whose mother was Tamar. Perez became the father of Hezron, Hezron the father of Ram,4 Ram the father of Amminadab. Amminadab became the father of Nahshon, Nahshon the father of Salmon,5 Salmon the father of Boaz, whose mother was Rahab. Boaz became the father of Obed, whose mother was Ruth. Obed became the father of Jesse,6 Jesse the father of David the king. David became the father of Solomon, whose mother had been the wife of Uriah.
7 Solomon became the father of Rehoboam, Rehoboam the father of Abijah, Abijah the father of Asaph.
8 Asaph became the father of Jehoshaphat, Jehoshaphat the father of Joram, Joram the father of Uzziah.
9 Uzziah became the father of Jotham, Jotham the father of Ahaz, Ahaz the father of Hezekiah.
10 Hezekiah became the father of Manasseh, Manasseh the father of Amos, Amos the father of Josiah.
11 Josiah became the father of Jechoniah and his brothers at the time of the Babylonian exile.
12 After the Babylonian exile, Jechoniah became the father of Shealtiel, Shealtiel the father of Zerubbabel,13 Zerubbabel the father of Abiud. Abiud became the father of Eliakim, Eliakim the father of Azor,14 Azor the father of Zadok. Zadok became the father of Achim, Achim the father of Eliud,15 Eliud the father of Eleazar. Eleazar became the father of Matthan, Matthan the father of Jacob,16 Jacob the father of Joseph, the husband of Mary. Of her was born Jesus who is called the Messiah.
18  Now this is how the birth of Jesus Christ came about. When his mother Mary was betrothed to Joseph, but before they lived together, she was found with child through the holy Spirit.
19 Joseph her husband, since he was a righteous man, yet unwilling to expose her to shame, decided to divorce her quietly.
20 Such was his intention when, behold, the angel of the Lord  appeared to him in a dream and said, "Joseph, son of David, do not be afraid to take Mary your wife into your home. For it is through the holy Spirit that this child has been conceived in her.
21 She will bear a son and you are to name him Jesus, because he will save his people from their sins."
22 All this took place to fulfill what the Lord had said through the prophet:23  "Behold, the virgin shall be with child and bear a son, and they shall name him Emmanuel," which means "God is with us."
 
I. HÌNH TÔ MÀU
0053
 
* Chủ đề của hình này là gì?
………………………………………………
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Mátthêu 1,16b
………………………………………………
………………………………………………
………………………………………………
………………………………………………


II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. Vị hôn phu của Đức Maria tên là gì? (Mt 1,16)
a. Giuse.
b. Giacóp.
c. Giôsuê.
d. Giêsê.


a2. Mẹ của Đức Giêsu tên là gì? (Mt 1,16)
a. Maria macdala.
b. Maria.
c. Êlisabét.
d. Gioanna.


a3. Đức Giêsu cũng gọi là gì? (Mt 1,16)
a. Vua Ítraen.
b. Đấng giải phóng.
c. Đấng Kitô.
d. Thầy dạy.


a4. Đức Maria thụ thai do quyền năng của ai? (Mt 1,18)
a. Ngôi Hai Thiên Chúa.
b. Chúa Thánh Thần.
c. Các ngôn sứ.
d. Cả a, b và c đúng.


a5. Ông Giuse phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì sao? (Mt 1,20)
a. Phải nên trọn lời Kinh Thánh.
b. Chính Người sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi của họ.
c. Chính Người là vua dân Do thái.
d. Chính Người là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo.


B.
b1. Song thân của Đức Maria là những ai?
a. Ông Dacaria và bà Anna.
a. Ông Giuse và bà Maria.
a. Ông Gioakim và bà Anna.
a. Ông Dacaria và bà Xara.


b2. Đức Maria thuộc dòng dõi vua nào?
a. Vua Hêrôđê.
b. Vua Saun.
c. Vua Đavít.
d. Vua Pharaô.


b3. Lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ được bắt nguồn bên Đông phương ở thế kỷ thứ VI và được Đức Giáo Hoàng nào đưa vào cử hành tại Rôma?
a. Đức Giáo Hoàng Serge I.
b. Đức Giáo Hoàng Linô.
c. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.
d. Đức Giáo Hoàng Piô IX.


b4. Giáo Hội luôn kỷ niệm về sự qua đời của một người, đó là, sự trở về cõi vĩnh hằng của người đó. Bên cạnh sự khai sinh của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ kỷ niệm hai ngày sinh nhật khác : đó là của Thánh Gioan Tẩy giả và của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Đó không phải là sự cao trọng cá nhân của các vị thánh này mà Giáo hội kỷ niệm, mà là gì?
a. Vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi,
b. Vai trò đã liên kết trực tiếp tới việc nhập thế của bản thân Đấng Cứu Chuộc.
c. Vì họ đã được các ngôn sứ loan báo.
d. Chỉ có a và b đúng.


b5. Khi mừng lễ Sinh nhật Đức Maria nhắc nhớ chúng ta điều gì?
a.  Sinh nhật Đức Mẹ là rạng đông cứu rỗi.
b. Hãy sống khiêm nhường và âm thầm như Đức Mẹ.
c. Biết phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.
d. Cả a, b và c đúng.


III. Ô CHỮ

 
OC SINHNHAT MARIA
 
Những gợi ý

01. Vị hôn phu của Đức Maria tên là gì? (Mt 1,16)

02. Ông Giuse phải đặt tên con  trẻ là gì? (Mt 1,21)

03. Đức Giêsu cũng gọi là gì? (Mt 1,16)

04. Ông Giuse là người thế nào? (Mt 1,19)

05. Ai đã báo mộng cho ông Giuse? (Mt 1,20)

06. Đức Maria thụ thai do quyền năng của ai? (Mt 1,18)

07. Mẹ của Đức Giêsu tên là gì? (Mt 1,16)

08. Ông Giuse thuộc hàng con cháu của vua nào?  (Mt 1,20)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“ Này đây,  “Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, 
người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
Tin Mừng thánh Mátthêu 1,23
 
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Tin Mừng thánh Mátthêu 1,1-16.18-23
Ngày 8 tháng 9

I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề 
Đức Maria

* Tin Mừng thánh Mátthêu 1,16b
“Maria, là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”

II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. a. Giuse (Mt 1,16)
a2. b. Maria (Mt 1,16)
a3. c. Đấng Kitô (Mt 1,16)
a4. b. Chúa Thánh Thần (Mt 1,18)
a5. b. Chính Người sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,20)

B.
b1. a. Ông Gioakim và bà Anna.
b2. c. Vua Đavít.
b3. a. Đức Giáo Hoàng Serge I.
b4. d. Chỉ có a và b đúng.
b5. d. Cả a, b và c đúng.

 
III. Ô CHỮ
01. Giuse (Mt 1,16)
02. Giêsu (Mt 1,21)
03. Đấng Kitô (Mt 1,16)
04. Công chính (Mt 1,19)
05. Sứ thần Chúa (Mt 1,20)
06. Chúa Thánh Thần (Mt 1,18)
07. Maria (Mt 1,16)
08. Đavít (Mt 1,20)


Hàng dọc : Sinh Nhật

NGUYỄN THÁI HÙNG




 
Sinh Nhật Đức Maria 8-9
MỪNG SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Antôn Lương Văn Liêm
 
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, dẫn dắt và tác động, Giáo hội Đông phương đã mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ từ những năm 560, đến năm 715, Giáo hội Tây phương do Đức Thánh Giáo hoàng Sergiô I thiết lập lễ sinh nhật Đức Mẹ. Thế kỷ XI, Thánh Giám mục Fulbertô có công truyền bá lễ này khi làm giám mục thành Chartres, ngài đã mừng lễ này trọng thể, sau đó lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá khắp nơi. Đức Innocentê IV khởi xướng làm tuần 8 ngày trước lễ. Đức Grêgôriô XI đặt lễ vọng và ngày chay trước lễ. Đức Thánh Piô X bỏ lễ vọng và tuần tám. Lễ Sinh nhật Đức Mẹ ngày 8-9, đúng 9 tháng sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8-12.

Cùng với toàn thể Giáo Hội trong ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương sắp đặt cho toàn thể nhân loai có một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Chúng ta hãy lên Mẹ Maria những lời ngợi khen vì Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt với muôn vàn ân phúc, nhất là đặc ân vô nhiễm thai và trở thành Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của Mẹ Maria, để trong từng ngày sống, chúng ta tập tành những nhân đức của Mẹ.


Mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria qua lăng kính Mẹ là thụ tạo của Thiên Chúa, một thụ tạo với ngày khởi đầu của một con người trong cộng đồng nhân loại, một con người có ngày sinh tháng đẻ như bao người khác: 9 tháng 10 ngày trong dạ mẹ, lớn dần theo năm tháng, nhận được sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ và người thân, mang nơi mình những ước mơ, hoài bão, những nỗi đau, yếu đuối của phận người.

Cùng với toàn thể Giáo Hội trong ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, ngoài việc cùng với mọi người chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương sắp đặt cho toàn thể nhân loại có một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria, cùng hiệp lòng dâng lên Mẹ Maria những lời ngợi khen vì Mẹ chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ muôn vàn ân phúc, phúc lớn nhất là Mẹ được đặc ân vô nhiễm thai và trở thành Mẹ Thiên Chúa, kế đến cũng mời gọi mỗi người tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của Mẹ Maria. Để rồi trong từng ngày sống ta tập tành những nhân đức của Mẹ.  
Mẹ Maria không đi ngoài quỹ đạo đó, Mẹ là một thụ tạo được sinh dựng khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa qua tình yêu và lòng đạo đức, lòng tin mạnh mẽ nơi song thân của Mẹ là Ông Thánh Gioakim và Bà Thánh Anna, Mẹ cũng lớn lên trong vòng tay yêu thương và dạy dỗ của song thân. Như bao thiếu nữ khác cùng trang lứa, Mẹ cũng có những ước mơ, những hoài bão, dự định cho hiện tại cũng như tương lai. Nhưng! Do đâu mà Mẹ được Thiên Chúa yêu thương? Do đâu mà Mẹ được Thiên Chúa chọn và mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại? Do đâu mà Mẹ được Thiên Chúa ban ân sủng về trời hồn xác? Do đâu mà Mẹ được Thiên Chúa ban tặng triều thiên Thiên Quốc? Đây chính là những gì mà mỗi người con của Mẹ cần đào sâu, học hỏi nơi đời sống của Mẹ Maria.

Nhiều người cho rằng, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ thưở đời đời, chính vì thế mà Thiên Chúa giúp Mẹ, ban ân sủng cho Mẹ. Nhờ đó mà Mẹ được những đặc ân lớn lao, điều này đúng chứ không sai, nhưng nếu ta hướng về Mẹ Maria qua lăng kính Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, trong khi ta chỉ là một con người bình thường, tầm thường, đang phải vật lộn với những tật xấu, những đam mê, khó khăn và khổ đau, thì khó và rất khó học được đời sống Xin Vâng, đời sống Tin, Cậy, Mến nơi Mẹ.

Tuy Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, nhưng Ngài không áp đặt, Ngài luôn tôn trọng quyền tự do tuyệt đối mà Ngài đã ban tặng cho Mẹ nói riêng và cho nhân loại nói chung. Mẹ được đặc ân vô nhiễm thai, nhưng để ân sủng được bền vững và lớn lên cần phải có sự nỗ lực, cộng tác chặt chẽ giữa con người với Thiên Chúa qua cầu nguyện, bằng tư tưởng và hành động. Như Thánh Âutinh đã cảm nghiệm “Thiên Chúa sinh dựng nên ta, Ngài không cần ý kiến của ta, nhưng muốn cứu độ ta, Ngài cần sự cộng tác của ta”.

Đời thơ ấu của Đức Maria

Mẹ Maria được sinh ra trong một gia đình mà trước đây song thân Mẹ đã từng phải nghe những lời đàm tiếu, những ánh mắt khinh khi của mọi người vì không con nối dõi (Sách Nguỵ thư của Thánh Giacôbê có ghi: “Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà”), Mẹ không được cắp sách tới trường, bởi phong tục tập quán của người Do Thái thời bấy giờ, người phụ nữ không được coi trọng (x. Lc 14,21), nói đúng hơn, người phụ nữ bị lệ thuộc vào người nam, lệ thuộc vào những luật lệ khắt khe (x. Cr 11,2-15; x. Tm 2,9-15).

Năm Mẹ được 3 tuổi, song thân dẫn Mẹ lên đền thờ tại Giêrusalem như một món quà dâng lên Chúa, một cô bé chỉ mới 3 tuổi, nên song thân phải dìu từng bước lên 15 bậc thang lớn dẫn vào sân đền thờ và tiến đến bàn thờ hiến tế nơi Thiên Chúa hiện diện. Điều song thân của Mẹ mong ước là con gái của họ được gần Thiên Chúa. Qua sự việc đó, Mẹ ao ước dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa (Trích khải thị của Thánh Giacôbê).

Trong Tin Mừng không tường thuật chi tiết cuộc đời của Mẹ, nhưng qua lời chào của Sứ Thần trong ngày truyền tin, “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), cho ta biết Mẹ Maria chắc chắn là một người con hiếu thảo trong gia đình, một thiếu nữ nết na, nhu mì, Mẹ học hỏi và bắt chước thân phụ tìm và học hỏi lời Chúa qua Thánh Kinh, Mẹ được hấp thụ đời sống đức tin, đạo đức, chuyên tâm cầu nguyện từ song thân, tinh thần hiền lành khiêm nhường, chịu đựng nơi thân mẫu, dẫu rằng trong Kinh Thánh không ghi chép, tường thuật cuộc đời của song thân Đức Maria. Nhưng, “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20), “nhìn vào con cái, người ta sẽ biết song thân” (Hc 11,28).

Đời sống xin vâng và tận hiến cho Thiên Chúa nơi Đức Maria

Như bao thiếu nữ khác và theo tập tục của người Do Thái, song thân Mẹ cũng tìm cho Mẹ một ý trung nhân: “Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse” (Mt 1,18).

Ngày Mẹ được song thân dẫn lên đền thờ dâng cho Thiên Chúa, Mẹ đã nguyện ước dâng mình cho Thiên Chúa điều đó đã đi theo Mẹ xuyên suốt cuộc sống. Đức vâng lời quan trọng hơn hết, Mẹ đã vâng lời song thân đính hôn cùng Thánh Giuse, ngày thành hôn đã gần kề niềm vui cùng với lắng lo, hạnh phúc cũng như nuối tiếc khi phải gác lại những ước mơ của riêng bản thân. Bỗng dưng, vào một ngày đẹp trời, đang khi thực hiện công việc và bổn phận của một người con, một người thiếu nữ trong gia đình, Sứ Thần Chúa hiện đến với lời chào làm Mẹ sững sờ, bối rối: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Với đức tính khiêm nhường, Mẹ bối rối và tự hỏi “lời chào đó có ý nghĩa gì?” (Lc 1,29), tiếp đến, Mẹ lại đón nhận một lời mời gọi, tưởng chừng như trời đất tối sầm, đôi tai Mẹ như bị lùng bùng, vì điều mời gọi của Sứ thần vượt quá sức tưởng tượng của Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31), việc quá lớn lao và ngoài dự tính của Mẹ, Mẹ đã thận trọng và thưa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34), sau khi được Sứ thần giải thích và biết đây là Thánh Ý của Thiên Chúa, tuy Mẹ chưa biết gì về quyền năng, hình ảnh của Chúa Thánh Thần, nhưng với niềm tin, phó thác Mẹ đã mạnh mẽ cất lên tiếng xin vâng trong khiêm hạ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói” (Lc 1,38).

Với luật lệ khắt khe của người Do Thái thời bấy giờ, tình huống mang thai của Mẹ lúc đó hẳn sẽ bị kết án tử hình với hình thức ném đá. Cất lời xin vâng, là Mẹ chấp nhận  bản án tử hình cho cuộc đời Mẹ, sau lời xin vâng Mẹ tập sống đời sống Đức Tin, nhận ra ý Chúa trong hạnh phúc, khổ đau, luôn suy đi nghĩ lại ý Chúa qua từng biến cố của cuộc sống khi chưa có lời giải đáp (x. Lc 2,19.51), cất lời xin vâng là Mẹ đón nhận Thập Giá và Thập Giá luôn đồng với Mẹ.

Thập Giá đời Mẹ, Mẹ phải từ bỏ ước mơ, ý riêng để thuận theo ý Chúa, gánh chịu sự buồn phiền, nghi vấn của người bạn đã đính hôn: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

Thập Giá đời Mẹ: ngày Mẹ sinh con, đây là Con Thiên Chúa như lời Sứ Thần tiên báo, Mẹ lại sinh con nơi hang bò lừa trong khó khăn, thiếu thốn trăm bề sau khi bị từ chối sự giúp đỡ của những người đồng hương, những con người có điều kiện nơi vùng đất đô hội thời bấy giờ (x. Lc 2,1-7).

Thập Giá đời Mẹ: ngày dâng Hài Nhi Giêsu lên đền thờ, Mẹ gánh chịu lời tiên báo những điềm xấu cho cả con lẫn mẹ (x. Lc 2,33-35).

Thập Giá đời Mẹ: niềm vui và hạnh phúc đang dâng trào, Mẹ đón nhận tin chẳng lành, vội vã cùng người bạn đời lên đường lúc đêm khuya giá lạnh đưa con đi lánh nạn nơi đất khách quê người, trong sự thiếu thốn, khó nghèo vì Hêrôđê tìm giết con yêu (x. Mt 2,13-15).

Thập Giá đời Mẹ; Cả gia đình hân hoan trẩy hội đền thờ, nhưng niềm hân hoan chợt tắt khi trở về Mẹ lạc mất con, Mẹ đã lặn lội trong đau khổ buồn phiền, đói khát, sau 3 ngày Mẹ mới tìm thấy con yêu (x. Lc 2,41-48).

Thập Giá đời Mẹ: âm thầm lặng lẽ theo con từng bước khi con lên đường thi hành sứ vụ, hạnh phúc khi thấy con yêu thương, dạy dỗ điều tốt cho mọi người, vui vì con đem lại hạnh phúc cho những người khổ đau, Mẹ đang thả hồn theo lời cảm tạ và nguyện cầu cùng Thiên Chúa chúc phúc cho những công việc tốt đẹp của con. Bỗng dưng, trời đất như sụp đổ, đôi chân đã già yếu theo tuổi đời, mệt mỏi sau những ngày theo con rong ruổi khắp nơi, giờ đây như muốn ngã quỵ khi nghe tin vua quan trần gian kết án tử cho con mình (x. Ga 19,12-18).

Thập Giá đời Mẹ: còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau, khi Mẹ gặp con mình trên đường Thập Giá, chứng kiến cảnh con yêu bị hành hình một cách nhục nhã, nhục hình Thập Giá chỉ dành cho những thành phần người trộm cướp, giết người.

Thập Giá đời Mẹ: ngày mà đôi tay Mẹ ẵm Hài Nhi Giêsu, tuy khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm hạnh phúc, đây là niềm vui lớn nhất của người phụ nữ khi đón nhận Thiên Chức làm mẹ, giờ đây cũng đôi tay giở đã gầy guộc vì tuổi già ẵm lấy xác con yêu người không ra hình người vì sự tra tấn dã man của nhân loại, hơi thở, giọng nói giờ cũng không còn, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi Mẹ phải xa lìa con (x. Lc 23,28-34). “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống thật đau đớn lòng”.


Thập Giá đời Mẹ: ngày con được sinh ra tuy là trong hang bò lừa của những chú mục đồng nhưng ánh mắt, nụ cười, của con yêu đem lại cho Mẹ niềm vui và hạnh phúc, giờ đây cũng chính thân xác con yêu sau khi đã nhận sự trả ơn của nhân loại một cách tàn nhẫn, giờ được tang trong mồ, ngôi mồ mượn tạm của người. Mẹ đau đớn biết là dường nào (x. Lc 23,50-55).

Lược sơ qua cuộc đời của Mẹ Maria, một người phụ nữ như bao người phụ nữ khác, chân yếu tay mềm, gánh chịu tất cả những gì mà người phụ nữ bình thường phải gánh, cũng mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con bằng chính dòng sữa của mình, chu toàn bổn phận của một người vợ, mẹ trong gia đình. Nhưng Mẹ không than thân trách phận, Mẹ phó dâng cuộc đời cho Thiên Chúa định liệu, Mẹ khiêm nhường nhận Mẹ là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ chuyên tâm cầu nguyện, tìm, lắng nghe và tuân theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vui cũng như buồn, Mẹ sống chan hoà tình yêu thương với mọi người, Mẹ đã từng sống trong đêm tối của đức tin. Chính niềm tin sắc bén, niềm phó thác cậy trông vững bền vào Thiên Chúa và đặc biệt Mẹ yêu mến Thiên Chúa bằng lời nói hành động, bằng cả trái tim và con người của Mẹ. Nhờ đó Mà Mẹ được Chúa yêu thương chúc phúc và ban tặng cho Mẹ những đặc ân cao trọng.


Mừng sinh Nhật Mẹ Maria và hướng về Mẹ qua lănh kính bình thường và bình dị. Để từ đó ta cố gắng hơn trong đời sống hoàn thiện, chuyên tâm hơn trong đời sống cầu nguyện, kiện toàn hơn trong đời sống đức tin, Xin Mẹ Maria đồng hành và giúp ta sống xứng với danh xưng là con Thiên Chúa, xứng với hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người ta.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria! Mẹ cũng là thụ tạo do Chúa sinh dựng lên, nhưng là thụ tạo toàn bích trước mắt Thiên Chúa qua đời sống của Mẹ.

Trong niềm hân hoan mừng ngày sinh nhật của Mẹ, chúng con xin được hiệp cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân. Vì Chúa đã ban cho chúng con là những thụ tạo yếu đuối có một tấm gương và một người Mẹ, là Đức Trinh Nữ Maria.

Chúng con cảm tạ Mẹ đã sống nêu gương cho chúng con bằng những nhân đức xin vâng, khiêm nhường và chịu đựng, đã đồng hành và che chở, cầu nguyện cho chúng con trước ngai toà Thiên Chúa.


Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con, để nhờ ơn Chúa giúp, trong từng ngày sống chúng con biết noi gương Mẹ, Xin Mẹ đồng hành, dạy dỗ chúng con như xưa Mẹ đã dạy Thánh Tử Giêsu thời thơ ấu, xin Mẹ cầu nguyện cùng với chúng con như xưa Mẹ đã từng cầu nguyện cùng với Chúa Giêsu, xin Mẹ giúp chúng con vững bước trên đường thập giá. Nhờ đó mà chúng con trở thành những người con ngoan của Chúa và của Mẹ, trở thành những tấm gương, lời mời gọi mọi người tin, yêu và đón nhận Chúa trong cuộc sống. Amen.

Sài Gòn, ngày 3-9-2010


http://tinmung.net/trang%20cua%20me%20maria/Cac-Le-Ve-Me/Sinh-Nhat-Me/Su...

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây