TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chớ kiêu ngạo

Thứ tư - 26/05/2021 22:44 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   657

Chúa Nhật XXX – TN – C

Chớ kiêu ngạo

Sống đức tin, có thể nói là một cuộc sống phải đối diện với lắm nan đề. Một trong những nan đề mà không một người Ki-tô hữu nào lại không phải đối mặt nó, đó chính là tính kiêu căng, ngạo mạn. Nó như thể một cơn gió thoảng chợt đến chợt đi. Và, thật nguy hiểm vì nó chính là căn gốc của mọi điều xấu xa khác.

Chuyện kể rằng, vào thời Tam Quốc, có một danh tướng rất nổi tiếng tên là Quan Vân Trường. Ông ta là người đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng và đã góp phần quan trọng trong việc giúp Lưu Bị gầy dựng nhà Thục Hán.

Dưới đôi mắt dân gian, hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm thanh long đao là biểu tượng của một con người hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, dưới con mắt của các sử gia, họ đã nhìn ông ta như là một con người kiêu căng, ngạo mạn.

“…Theo Thục Chí, năm 214, nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.

Biết tính Quan Vũ kiêu ngạo, Khổng Minh phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài”. Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ. Ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người.

Khi đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp lại đánh Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái của Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.

Tiếc rằng, lúc đó, Quan Vân Trường quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền. Ông ta đã nói: “nòi hổ không thể gả cho giống chó”. Lời nói này cho thấy ông là kẻ quá kiêu căng, ngạo mạn”. (nguồn: internet)

Sự kiêu ngạo của ông đã làm Kinh Châu thất thủ và “quả đắng” mà ông đã nhận được, đó là cái chết. Thật đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Sự kiêu căng đi trước, sự bại hoại theo sau”.

Trong bảy mối tội đầu, chúng ta đã được dạy rằng “Thứ nhất: chớ kiêu ngạo”. Còn trong Kinh Thánh, chúng ta được biết, có sáu điều khiến Đức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm, và điều thứ nhất, đó là: “con mắt kiêu ngạo” (x.Cn 6, 16-19).

Tại sao kiêu ngạo lại bị coi là gớm ghét và ghê tởm? Thưa, nó chính là tác nhân dẫn con người đến biết bao thói xấu xa, như: khoe khoang, ích kỷ, khinh chê người khác v.v… Với Đức Giê-su, khi nói về sự kiêu ngạo, Ngài đã có lời truyền dạy, rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Thiên Chúa ưa chuộng sự khiêm tốn. Và, sự khiêm tốn làm cho con người “được nên công chính”. Đây… đây chính là bài học đã được Đức Giê-su truyền dạy, truyền dạy qua một dụ ngôn mang tên “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”.

**

Dụ ngôn được kể rằng: “Có hai người… một người thuộc nhóm Phariseu, còn người kia làm nghề thu thuế ”. Họ đã làm chuyện gì nhỉ! Thưa, họ cùng lên đền thờ và cùng thực hiện một hành vi đạo đức, đó là “cầu nguyện”.

Tưởng, chúng ta cũng nên biết, Pharisêu là người có địa vị cao và được tôn trọng trong cộng đồng tôn giáo do danh tiếng của họ về lòng nhiệt thành, tuân giữ lề luật cách nghiêm ngặt.

Còn người thu thuế thì sao! Thưa! Dưới cái nhìn của người Do Thái thời đó, họ chỉ là những người cộng tác với Đế Quốc Roma, những kẻ lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu dân chúng, họ thường bị xem là “phường tội lỗi”.

Hôm đó, nơi đền thờ, để chứng tỏ danh tiếng của mình, ông Pha-ri-sêu “đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không bao như kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12).

Vâng, một lời cầu nguyện thật đáng nể, phải không, thưa quý vị! Có lẽ, không ai trong chúng ta lại không ngưỡng mộ “người thuộc nhóm Pha-ri-sêu”, một con người đầy tinh thần bất khuất, dám “ăn chay mỗi tuần hai lần”. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay, vào thời đó, mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”.

Và, từ phía xa xa, người thu thuế, thật khiêm tốn, anh ta “chẳng dám ngước mắt lên trời… vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13). Với lời “tự thú trước bình minh” của ông ta, chúng ta có thể kết luận, ông ta không thuộc nhóm người công chính.

Vâng, đó là với cái nhìn của chúng ta. Nhưng, với Đức Giê-su, thì khác hẳn. Với Ngài, thật không thể tin nổi, nó như một vụ nổ bom hạt nhân, hôm đó, Đức Giêsu nói rằng: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”. (Lc 18,14).

“Người này”… Người này là ai ? Thưa, “tên thu thuế”, người đã khiêm tốn biết “tự hạ mình” xuống, nhận ra con người thật của mình. Còn “người kia”… Thưa, không nói ra, ai cũng có thể hiểu rằng chính là quý ông Phariseu, người đã tự “tôn mình lên”, ưỡn ngực ngạo nghễ nơi đền thờ.

***

Có gì nghịch lý về lời tuyên phán (nêu trên) của Đức Giê-su? Thưa không. Hãy nhớ, Đức Giê-su đã chẳng từng nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”, đó sao!

Người thu thuế đúng là kẻ tội lỗi, như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình, anh ta còn có lòng sám hối ăn năn “xin thương xót con”, một lòng sám hối ăn năn khiến cho “cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (Lc 15,7).

Còn ông Pha-ri-sêu ư! Thật ra ông ta cũng sẽ nhận được “vòng hoa dành cho người công chính”, bởi, như lời tông đồ Phaolô nói, “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó” (2Tm 4,8).

Thế nhưng thật đáng tiếc! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu chẳng khác gì những lời tỉ tê của một kẻ hối lộ, những lời của kẻ ác, một “Kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình…” (x.Tv 10, 3).

Hãy nhìn xem, ông ta đã đem đến trước mặt Thiên Chúa với những lời tỉ tê như thế nào? Tỉ tê “Công đức (ăn chay) lẫn tiền bạc (tiền dâng một phần mười)” ư? Nó có khác gì một món quà “hối lộ” để mong Đức Chúa ban cho ông tấm bằng khen “Người tốt việc tốt” như thói đời, người ta thường làm.

Nằm mơ chăng! Với Thiên Chúa – “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. (Hc 35, 11).

Và đây, trong lời cầu nguyện của ông ta, có hơi hám của một kẻ ác, một kẻ kiêu ngạo khinh chê người khác, “con không như… tên thu thuế kia”.

Hôm đó, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su truyền dạy: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (x.Lc 18, …14).

****

Cũng như những dụ ngôn khác, qua dụ ngôn này, chúng ta hãy tự hỏi, “tôi là ai”, trong hai nhân vật của dụ ngôn nêu trên?

Là ông Pha-ri-sêu ư! Chúng ta không bao giờ “trộm cắp, bất chính, ngoại tình ư?”. Tốt, vì đó là điều đáng tự hào! Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể tự hào về điều này, một khi chúng ta cũng như ngài Phao-lô “Tự hào trong Chúa” (x.2Cor 10, …17). Vâng, “tự hào trong Chúa” chứ đừng “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”.

Đừng bao giờ quên rằng, Satan bị ném ra khỏi thiên đàng bởi vì sự kiêu ngạo của nó. Và, nguyên tổ Adam và Eva của chúng ta nữa. Họ làm sao nhỉ? Thưa, cũng bị vất ra khỏi vườn Eden bởi sự kiêu ngạo.

Còn, nếu là bản sao của anh chàng thu thuế? Vâng, ai trong chúng ta mà không phạm tội “thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”! Thế nên, hãy hạ mình xuống, đấm ngực, mà “Thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em”, rằng: “Tôi đã phạm tội… trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót”.

Qua lời thú nhận này, một lời thú nhận thật lòng, hãy tin, Đức Giê-su, cũng sẽ nói với chúng ta, như đã nói với anh thu thuế, rằng: “Người này, khi trở xuống về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.

Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì chúng ta đạt được trong thế giới này, đều sẽ không thể thành hiện thực, nếu không bởi sự cho phép và duy trì của Chúa trên chúng ta.

“Điều mà anh chị em có không phải do anh chị em đã nhận lãnh sao? Nếu anh chị em đã nhận lãnh tại sao anh chị em lại khoe khoang như chưa bao giờ phải nhận lãnh?” (1Cor 4, 77). Đó là lý do vì sao chúng ta dâng sự vinh quang cho Chúa. Đó là lý do để chúng ta cất tiếng nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con… là kẻ tội lỗi”.

Ý thức được mình chỉ là một kẻ tội lỗi, có phần chắc, chẳng ai trong chúng ta dám “tôn mình lên”. Thế nên, sẽ là một sự khác biệt lớn giữa chúng ta và người Pha-ri-sêu (trong dụ ngôn), nếu chúng ta biết “hạ mình xuống”, hạ mình sống một cuộc sống nhu mì, hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng.

Sự khác biệt đó là, chúng ta sẽ được “Đất Hứa làm gia nghiệp”, theo như lời Đức Giê-su đã phán hứa: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (x.Mt 5, 4).

Sự khác biệt đó là, chúng ta sẽ được Thiên Chúa “nâng cao”, theo như lời Đức Maria đã khẳng định: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng… Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (x.Lc 1, 51-52).

Là một Ki-tô hữu, có lý nào chúng ta không muốn “Đất Hứa làm gia nghiệp”? Là một Ki-tô hữu, có lý nào chúng ta không muốn được “Người nâng cao”?

Nếu chúng ta muốn, chỉ cần… chỉ cần chúng ta đến với Thiên Chúa bằng một lời cầu nguyện khiêm tốn, thật khiêm tốn rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Luận bàn về lời nguyện khiêm tốn (nêu trên), Lm. Charles E. Miller chia sẻ, rằng: Nó “biểu dương quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời giải bày nhu cầu của chúng ta”.

Ngài Charles E. Miller tin tưởng rằng: “lời cầu xin khiêm tốn của chúng ta sẽ vọng tới các tầng mây… vượt ngàn mây thẳm”.

Vâng, thưa quý bạn, quý bạn muốn lời cầu nguyện của chúng ta “vượt ngàn mây thẳm” đến tận trời cao, nơi Thiên Chúa ngự trị? Nếu muốn, chỉ cần chúng ta ghi khắc trong con tim mình, ghi khắc một điều rằng: “Chớ kiêu ngạo”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây