TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐỨC GIÊSU: Đấng uy quyền

Thứ hai - 10/05/2021 20:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1006
ĐỨC GIÊSU: Đấng uy quyền

ĐỨC GIÊSU: Đấng uy quyền

Sau nhiều năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth, lúc Đức Giêsu trạc ba mươi tuổi, Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Với Đức Giêsu, rao giảng Tin Mừng chính là ra đi và gặp gỡ. Thật vậy, ba năm trời cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu là ba năm của những cuộc hành trình ra đi, là ba năm của những cuộc tiếp xúc và gặp gỡ.

Điểm lại những cuộc hành trình và những cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu, khi thì lên núi cao, có khi ở trong hội đường, khi bên bờ hồ và có lúc ở tại sa mạc hoang vắng. Dù bất cứ nơi đâu, những cuộc hành trình và gặp gỡ của Ngài đều để lại những dấu ấn đầy ấn tượng. Ấn tượng không chỉ do bởi số lượng đông đảo người đến nghe, mà còn do bởi lời giảng dạy của Đức Giêsu cùng những phép lạ Ngài đã thực hiện.

Đã có nhiều bài giảng đem lại sự bình an cho mọi người. Đã có nhiều phép lạ củng cố thêm lòng tin vào Đức Giêsu. Nhưng có lẽ bài giảng đã làm cho ai nấy đều phải “sửng sốt” và phép lạ khiến mọi người phải “kinh ngạc” chính là bài giảng và phép lạ đã được Đức Giêsu thực hiện tại Capharnaum.

Thành Capharnaum, nơi sau này được mệnh danh là “trung tâm truyền giáo”, hôm đó xuất hiện một người khách lạ tên là Giêsu. Cùng đồng hành với Đức Giêsu là nhóm môn đệ của Ngài. Vì là ngày sabat nên Đức Giêsu cùng với các môn đệ vào một hội đường để thờ phượng theo truyền thống.

Nói tới hội đường, tưởng cũng nên biết sơ qua đôi chút về nó. Người ta cho rằng, hội đường bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon. Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Và truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Và kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Hôm đó, Đức Giêsu đã làm công việc danh dự này. Chuyện kể rằng: “Người vào hội đường giảng dạy”. Không như các kinh sư hay những Pharisêu, những kẻ bị cho là giảng dạy một đàng làm một nẻo.

Đức Giêsu, hôm đó, Người đã có một bài giảng khiến cho mọi người “phải sửng sốt về lời giảng dạy của Người”. Qua những lời giảng dạy, họ đã nhìn Đức Giêsu như là một “Đấng có thẩm quyền”. (Mc 1, 22)

Ôi Trời ạ! Ông khách Giêsu, ai cũng biết chính là “con ông Giuse và bà Maria”. Ông ta chỉ là một ‘bác thợ” làng nhàng ở Nazareth… thế mà hôm nay, qua lời giảng dạy, lại được coi như một “Đấng có thẩm quyền” là sao đây?

Thật ra, không phải hôm nay, nhưng là ngay từ khi mới mười hai tuổi, trong một dịp lên Đền Thờ mừng lễ Vượt Qua, cậu bé Giêsu đã gây một chấn động lớn khắp kinh thành Giêrusalem.

Chuyện kể rằng, hôm đó, xong kỳ lễ, cậu bé Giêsu ở lại Giêrusalem. Tại nơi đây, trong Đền Thờ, cậu bé Giêsu đã ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Chính sự kiện này đã khiến ai cũng phải “ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp” của Ngài. 

Hôm nay, Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền ư?

Xin thưa, đúng vậy. Thẩm quyền đó đã biểu lộ qua tính cách giảng dạy của Ngài. Đức Giêsu đã không bắt buộc người ta phải “nên người công chính”, nhưng Ngài đã dùng “lẽ thật” để giảng dạy. Đức Giêsu đã dạy rằng, thật là có “phúc” cho “những ai nên người công chính, cho những ai biết xót thương người”.

Vâng, “lẽ thật” bất cứ ở thời nào cũng chính là uy quyền. 

Hôm nay, uy quyền của lời giảng dạy đã biến thành quyền uy trong những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Hôm nay, quyền uy đó, một lần nữa được bày tỏ đã khiến cho cả hội đường phải “sững sờ và kinh ngạc”. Một người bị “quỷ thần ô uế nhập” đã được Đức Giêsu cứu chữa.

Chỉ cần một lời nói đầy quyền uy của Đức Giêsu, tên quỷ thần ô uế đó đã thét lên một tiếng và xuất ra khỏi người bị nó nhập vào. Toàn thể mọi người trong hội đường hôm đó đã phải kinh ngạc với nhau trước quyền uy của Đức Giêsu.

Vâng. Họ đã nói với nhau về Đức Giêsu rằng: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Một chút tâm tình

Hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa được trích trong Tin Mừng thánh Máccô. Phân đoạn Tin Mừng này mô tả việc Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường tại Capharnaum đồng thời tại nơi đây Ngài đã chữa lành một người bị quỷ ám. (Mc 1, 21-28).

Có lẽ chúng ta sẽ thật tiếc vì không được chứng kiến tại chỗ những phép lạ Chúa đã làm và không được nghe trực tiếp những điều Ngài đã giảng dạy.

Nhưng điều đó liệu có làm suy giảm niềm tin của chúng ta? Chắc hẳn là không. Bởi vì, qua Kinh Thánh, Chúa vẫn dạy dỗ chúng ta như một “người có đầy uy quyền”. Và qua các nhà thuyết giảng hay các linh mục, Chúa vẫn đứng đó giảng dạy chúng ta bằng những lời giảng đầy quyền uy.

Lịch sử cứu độ đã chứng thực điều đó. Có nhiều người sau khi đọc Kinh Thánh hoặc nghe giảng Kinh Thánh qua lời giảng của các nhà thuyết giáo hay linh mục, họ đã trở lại và trở thành những người môn đệ, những người tín hữu nhiệt thành của Chúa Giêsu. 

Trường hợp của thánh Phanxicô Assisi là một minh chứng điển hình. Vào khoảng năm 1209, qua một bài thuyết giáo với nội dung được trích trong Tin mừng thánh Matthêu, thuật lại lời Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ không cần đem theo tiền bạc khi đi rao giảng Tin Mừng, ơn Chúa đã soi dẫn chàng Phanxicô, người trước đây nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc, nay hoàn toàn cung hiến cuộc sống của mình cho cuộc sống tu trì nghèo khó.

Còn chúng ta hôm nay!? Mỗi tuần đến nhà thờ, nhìn thấy Chúa Giêsu qua Bí Thánh Thánh Thể. Nghe lời Chúa giảng dạy, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, và qua lời giảng dạy của vị linh mục chủ tế. Nhưng chúng ta có nhận ra Chúa Giêsu chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” và là “Đường, là Sự Thật và là sự sống” của chúng ta?

Nếu chúng ta chưa nhận ra? Có phần chắc chúng ta chưa có ơn Chúa soi sáng.
Nếu chúng ta chưa có ơn Chúa soi sáng? Vâng, hãy cùng thánh Phaolô mà nguyện xin với Chúa rằng: Lạy Chúa. Xin ban “Thần Khí của Chúa soi sáng” chúng con. (1Cor 8,40).

Một phút suy tư

Ngày hôm nay, chuyện có người bị quỷ ám, bị thần ố uế nhập, có lẽ rất ít khi xảy ra. Nếu có xảy ra chỉ là vài trường hợp lẻ tẻ. Tạ ơn Chúa. Ngài cũng đã cho một vài linh mục được ơn trừ quỷ.

Hôm nay, vấn đề chúng ta cần quan tâm, không phải là chuyện bị quỷ ám “thuộc thể” nhưng là việc bị quỷ ám “thuộc linh”.

Vâng, đời sống tâm linh của chúng ta vẫn luôn bị nhiều thứ quỷ “ám”.

Ngày Chúa Nhật bước chân đến nhà thờ, chúng ta nghe “lời Chúa”. Nhưng sáu ngày còn lại, có phần chắc chúng ta nghe quá nhiều lời của thế gian, một trong những con cái đắc lực nhất của ma quỷ, “ám” chúng ta.

Chúng ta nghe lời Chúa và tin rằng Chúa “sẽ tạo dựng một Trời Mới Đất Mới, những gì đã qua sẽ không còn được nhớ đến nữa, sẽ không còn ở trong tâm trí ai nữa!” (Isaia). Và thánh Gioan làm chứng rằng, “Bây giờ tôi thấy một Trời Mới và Đất Mới, vì trời cũ và đất cũ đã qua đi… Sẽ không còn sự chết nữa, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã qua đi” (Khải Huyền 21, 1-4).

Thế mà chúng ta lại để cho lời của thế gian “ám…ảnh” chúng ta, rằng thì là mà có một cái gọi là “thiên đàng trần gian” nơi được cho là sẽ có một cuộc sống hưởng thụ vật chất “mút chỉ cà tha” làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu!

Và còn rất nhiều thứ quỷ khác ám chúng ta. Quỷ mamôn – quỷ tiền bạc “ám” chúng ta bằng chức tước, bằng quyền lực của thế gian. Quỷ dâm dục “ám” chúng ta qua những trang sách báo khiêu dâm và những trang Web đen… đen như quạ đen…

Nếu chúng ta cứ chìm đắm mê muội trước những lời lừa phỉnh của thế gian, có khác nào chúng ta mặc cho thế gian “ám” chúng ta, có khác nào chúng ta vui vẻ “khiêu vũ với satan – khiêu vũ với tội lỗi”.

Hãy “trục” những thứ quỷ này ra khỏi tâm hồn chúng ta. Và chính chúng ta phải “trục” nó qua việc xưng tội và sám hối, như xưa kia dân thành Ninivê đã xưng tội và sám hối. Hãy như dân thành Ninivê xưa mà “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8).

Hãy nhớ rằng, bắt đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã gửi cho mọi người một thông điệp rằng: “Thời kỳ đã mãn. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Chúng ta có tin lời Chúa Giêsu đã phán? Nếu chúng ta tin. Vâng, đừng bước vào nhà thờ bằng một cái chân, còn chân kia lại dùng để “khiêu vũ với satan”.

Bởi nếu chúng ta cứ tiếp tục “khiêu vũ với satan… khiêu vũ với tội lỗi”. Vâng, đến ngày sau hết, ngày Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài sẽ phải một lần nữa quát lên rằng “Câm đi!”

Nhưng… không phải Chúa Giêsu quát satan. Ngài quát những kẻ không chịu tin lời Ngài mà “ăn năn và sám hối”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây