TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÊ-SU… NGÀI LÀ AI!

Thứ năm - 13/05/2021 22:50 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   680
GIÊ-SU… NGÀI LÀ AI!

Chúa Nhật XXI – TN – A

GIÊ-SU… NGÀI LÀ AI!

Theo lẽ thường, đặt niềm tin một người nào đó, ta phải biết người đó là ai. Theo một tôn giáo nào đó, ta phải biết tôn giáo đó dạy gì. Nếu không, niềm tin của ta, chỉ là một niềm tin dại khờ. Và, tôn giáo ta theo, chẳng khác gì theo mà như không theo.

Tin Chúa phải biết Chúa. Tin vào Đức Giê-su, phải biết Ngài là ai. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, chính Ngài cũng đã chất vấn các môn đệ mình về điều này: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Cuộc chất vấn này, đã được thánh sử Mát-thêu ghi lại như sau:

**

Theo thánh sử Mát-thêu kể, thì, hôm ấy khi Đức Giê-su và các môn đệ “đến vùng kế cận thành Xêdarê Philipphe”. Tại nơi đây, Ngài đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

“Con Người” là ai ư! Có lẽ, trong ba năm theo Thầy Giê-su, chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi nổi như lúc này.

Thật vậy, rất sôi nổi, bởi qua câu hỏi này, các ông có dịp để nói lên rất nhiều lời “đồn đãi”, những lời đồn đãi mà các ông đã nghe được từ bàn dân thiên hạ, về Thầy của mình.

Hôm ấy, các ông đã thưa với Thầy mình, rằng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (x.Mt 16, 14).

Khi những lời tường trình của các môn đệ chấm dứt, thay cho việc xác định hay phủ định, Đức Giê-su hướng mắt nhìn các ông, và Ngài dùng lại câu hỏi này, để hỏi các ông, hỏi như để thẩm định nhận thức của chính các ông, nhận thức về Ngài, sau những ngày tháng các ông đã tin và đi theo Ngài. Câu hỏi rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Vâng, khi câu hỏi được Đức Giê-su đặt ra, mười hai vị môn đệ đưa mắt nhìn nhau trong thinh lặng. Chỉ duy nhất một người môn đệ tên là Si-mon Phêrô, một Si-mon Phêrô, đã trả lời với Đức Giêsu rằng, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

**

Điều gì đã khiến cho Simon Phê-rô có được câu trả lời như thế! Thưa, với cái nhìn của phàm nhân, có lẽ, chúng ta nghĩ rằng, đó là câu trả lời “hên xui”. Thế nhưng, dưới đôi mắt của Đức Giê-su, Ngài đã nói cho Phê-rô biết rằng: “Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Vâng, đúng là nhờ mặc khải từ “Cha của Thầy”, Phê-rô mới có lời tuyên xưng mạnh mẽ, không chút hoài nghi.

Mà thật vậy, một lần nọ, tại Giê-ru-sa-lem, dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về “Con Người” của Đức Giêsu. Có người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói Ngài “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).

Tuy nhiên, giữa lời tuyên xưng của ông Si-mon Phê-rô và lời nhận định của một số người Do Thái tại Giê-su-sa-lem hoàn toàn khác.

Với người Do Thái tại Giê-su-sa-lem, họ tuyên bố trong sự “nghi ngờ”. Thật vậy, chính một số người trong nhóm của họ đã tuyên bố; “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?” (Ga 7, 41).

Còn với ông Phê-rô, đó là một lời tuyên xưng, một lời tuyên xưng với tất cả niềm tin, tin thật vào “Con Người thật” của Đức Giê-su, một “Con Người” mà ông và những người bạn của ông đã dám “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.

Chưa hết, vào một lần khác, chỉ vì cảm thấy “chướng tai quá!” mặc khải về bánh-hằng-sống, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu. Si-mon Phêrô, lại là Phêrô, ngài đã thay mặt nhóm mười hai, tuyên xưng niềm tin của mình trước Thầy Giêsu, rằng: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x.Ga 6, 69).

Hôm trước tuyên xưng “Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” và hôm nay tuyên xưng, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Vâng, hai lần xác tín, hai lần tuyên xưng, chính vì thế, sau lời tuyên xưng này, của hôm nay, hỏi sao, Đức Giêsu không ngần ngại gọi ông là Phê-rô, “là Tảng Đá”, một thứ “Tảng Đá” mà Ngài sẽ dùng để “xây Hội Thánh” của Ngài! Hỏi sao, Đức Giê-su không ngần ngại trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”…

***

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phải chăng, đây cũng là câu hỏi dành cho chúng ta, hôm nay? Thưa, đúng vậy.

Vì thế, mỗi chúng ta hãy dành một phút trong yên lặng và tự hỏi: tôi sẽ trả lời như thế nào? Phải chăng, mượn lại câu trả lời của Phê-rô, cho câu trả lời của chúng ta! Thưa, nếu là vậy, cũng là điều tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó, nó chưa chứng minh được chúng ta có một đức tin trưởng thành. Bởi, nếu câu trả lời của chúng ta chỉ là những câu lập lại nơi các thánh tông đồ, thì, như lời tông đồ Giacôbê nói: “cả ma quỷ cũng tin như thế…”

Thế nào là một đức tin trưởng thành? Vâng, trả lời cho câu hỏi này, Lm. Phao-lô Trịnh Minh Thái, qua một bài chia sẻ trong chương trình Phao-lô mới, có lời rằng: một đức tin trưởng thành đó là “những điều chúng ta tuyên xưng trong nhà thờ, những điều chúng ta tuyên xưng qua kinh nguyện, hằng ngày, phải được thể hiện qua việc làm, như lời tông đồ Giacôbê nói: “đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Vâng, cũng qua người tông đồ này, chúng ta có lời khuyên: “mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì”.

Làm sao để chúng ta có được một đức tin trưởng thành? Thưa, để có một đức tin trưởng thành, linh mục Jude Siciliano. OP có lời khuyên, khuyên rằng, đức tin đó phải được “nuôi dưỡng bởi các bí tích, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa”.

Đúng vậy, “Qua cầu nguyện và suy tư Lời Chúa” đời sống đức tin của chúng ta sẽ thấm nhuần tư tưởng của Đức Giê-su. Một khi thấm nhuần tư tưởng của Đức Giê-su, cung cách sống của ta sẽ phản ảnh đúng cung cách sống của Ngài.

Nói rõ hơn, thấm nhuần tư tưởng của Đức Giê-su, chúng ta sẽ thấm nhuần cung cách yêu thương, cung cách tha thứ, cung cách nhân từ, hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Và, đó mới được coi như là đã có một đức tin trưởng thành.

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện, trong một sớm một chiều. Thế nhưng, đó là việc chúng ta phải thực hiện. Bởi, chỉ khi chúng ta thực hiện những cung cách sống nêu trên, chỉ khi đó chúng ta mới có câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

Rất khó thực hiện, nhưng đừng sợ, hãy thực hiện lời khuyên của linh mục Jude Siciliano. OP, (nêu trên), đó là: cầu nguyện và suy tư Lời Chúa. Với sự cầu nguyện và suy tư Lời Chúa, hãy tin, chúng ta sẽ: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người (sẽ) ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4, 17)

Có Chúa đứng bên cạnh, với sức mạnh của Ngài, có phần chắc, đời sống Ki-tô hữu của mỗi chúng ta sẽ là câu trả lời chính xác nhất, sẽ là một bức chân dung tốt nhất về một Đức Giê-su, một Giê-su mà hôm nay còn rất nhiều người muốn biết: “NGÀI LÀ AI!”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây