Hang Đá Không Có Chúa
Cứ mỗi độ chớm đông, cái lạnh bắt đầu ùa về trên mọi nẻo phố đường quê, con người lại được nghe những bản nhạc giáng sinh, được chiêm ngưỡng những ánh đèn nhấp nháy đây đó khắp mọi nơi nhất là trong những siêu thị, nhà hàng, những tiệm cà phê, trà sữa… Trong không khí tưng bừng lễ hội, không như lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh của những người tin Chúa, nhiều người sống bầu khi lễ hội ồn ào như một dịp vui chơi, mua sắm, hưởng thụ... mà thôi.
Một lần tôi ghé ăn sáng trong một khách sạn trên đường PCT, tôi nhìn thấy một hang đá được làm ngay lối ra vào, nhưng hang đá trống rỗng. Cửa hang được giăng vài sợi dây kim tuyến. Hang đá không có Chúa.
Hình ảnh hang đá không có Chúa làm tôi giật mình.
Chúa đã giáng trần cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đã “cắm rễ” (x. Ga 1,14) trên trái đất này, giữa nhân loại này. Ngài đã đến với chúng ta, sống giữa chúng ta, sống với chúng ta trong thân phận con người mỏng giòn yếu đuối như chúng ta. Ngài đến để chỉ đường cho chúng ta biết cách thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương anh chị em như chính mình. Ngài đã đến nhưng Ngài có ở lại trong tâm hồn ta không?
Hình ảnh hang đá với những sợi dây kim tuyến gợi cho tôi nhớ lại cuộc trốn chạy của thánh gia sang Ai-cập.
Chuyện kể rằng: Trên đường di tản qua Ai Cập để tránh cuộc tàn sát con trẻ tại Bêlem, Thánh Giuse, Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu phải trải qua những đêm lạnh buốt, băng giá đóng khắp nơi trắng xóa. Họ phải vào trú ẩn trong một hang đá, nhưng cũng không tránh khỏi cái lạnh thấu xương.
Có một con nhện nhỏ nhìn thấy em bé Giêsu bị lạnh, nó ước ao có thể làm một việc gì đó để giúp em bé Giêsu bớt lạnh. Điều duy nhất nó có thể làm là dệt một tấm mạng nhện phía ngoài cửa, che phủ lối vào hang đá, hy vọng che chắn bớt gió lạnh. Đến nửa đêm thì tấm mạng nhện ấy đã bị băng sương đóng trắng xóa như một tấm màn có chăng đầy dây kim tuyến.
Khi lính của vua Hêrôđê trên đường tầm nã Hài Nhi Giêsu đến hang đá ấy. Họ định vào lục soát, nhưng tên đội trưởng thấy có mạng nhện đóng ngoài hang đá chắn lối vào, hắn ta bảo: “Chắc chắn không có ai trong hang đá này, vì nếu có ai đã vào thì mạng nhện đã bị thủng...”
Nhờ vậy mà Thánh Gia đã thoát nạn. Đó cũng là lý do tại sao ngày nay người ta thường chăng nhiều dây kim tuyến trên những cây Noel. Dây kim tuyến chiếu lấp lánh tượng trưng cho tấm mạng nhện đã chăng trên lối vào hang đá năm xưa. (https://www.ngonluanho.net/2011/12/)
Những sợi dây kim tuyến chiếu lấp lánh tượng trưng cho tấm mạng nhện đã giăng trước cửa hang là gì?
Tôi nhớ lại lời của Chúa Giêsu khi Ngài nói với dân chúng dụ ngôn Người Gieo Giống: “Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,7-8). Chúa còn giải thích: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” (Mt 13,22).
Những sợi kim tuyến che lấp cửa hang làm cho người khác không nhìn rõ những gì có trong hang và những gì thực sự có trong hang. Những sợi kim tuyến là gì? Có phải là lòng đố kỵ, ghen ghét, thờ ơ... với tha nhân?
Chúng ta, những người tin Chúa, những người đã được rửa tội, là hàng tư tế vương giả của Chúa (1Pr 2,9) đang sửa soạn để đón Chúa đến với chúng ta. Chúng ta sửa soạn tâm hồn thế nào để người khác nhìn vào ta thấy có Chúa trong ta, có Chúa trong cách sống của ta, có Chúa trong hành động của ta; chứ đừng sửa soạn bên ngoài lấp lánh mà thôi nhưng trong tâm hồn không có gì như một hang đá trống rỗng. Hang đá không có Chúa ngự.
Một tâm hồn trống rỗng thì sẽ thế nào?
Tôi đã chuẩn bị thế nào? Còn bạn thì sao?
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi?” (Lc 18,13).
Nguyễn Thái Hùng
12.2023