TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một cuộc đối thoại chân tình

Thứ ba - 11/05/2021 06:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   725
Một cuộc đối thoại chân tình

Chuỗi Mân Côi: một cuộc đối thoại chân tình

Mỗi khi mùa bóng đá bắt đầu khởi tranh hoặc mùa World Cup hay Euro đến, những ông bầu câu lạc bộ cũng như các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia lại một phen tất bật cho việc tuyển chọn cầu thủ.

Việc tuyển chọn cầu thủ là điều không thể thực hiện một sớm một chiều. Có khi kéo dài hàng tháng, có khi mất hàng năm, những ông bầu cũng như các huấn luyện viên mới có thể tìm được một người có thể đảm trách được vị trí trong đội hình mà đội bóng mong muốn.

*
Lịch sử cứu độ cũng là một chuỗi dài, không phải hàng tháng, hàng năm mà là trải qua nhiều thế kỷ cho việc tuyển chọn.

Thật vậy, sau khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất tuân, chương trình sáng tạo của Thiên Chúa dành cho con người bước vào khúc quanh mới. Con người bị trục xuất khỏi vườn Eden với án phạt nặng nề, đó là sự chết.

Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Trước mặt satan, kẻ chủ mưu trong việc cám dỗ con người, Thiên Chúa đã phán rằng: “Mi đã làm điều đó… Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 14-15)

Kể từ đó, chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu và lịch sử cứu độ được khởi động bằng một chuỗi dài những cuộc tuyển chọn của Thiên Chúa.

Khởi đầu là việc Thiên Chúa tuyển chọn ông Apram và sau này được gọi là Apraham. Ông Apraham có được một người con tên là Isaac. Từ ông Isaac, Esau và Giacop được sinh ra. Và từ Giacop, mười hai chi tộc Israel ra đời. 

Khi mười hai chi tộc Israel, sau nhiều thế hệ thăng trầm và tột cùng là kiếp nô lệ ở Ai Cập, Thiên Chúa lại tuyển chọn một người tên là Môse để người này như là vị cứu tinh của dân tộc và đem dân tộc về miền đất Thiên Chúa đã hứa ban.

Không dừng ở việc tuyển chọn Môsê, qua nhiều thế kỷ, Thiên Chúa tiếp tục tuyển chọn một số người, họ là những ngôn sứ của Thiên Chúa, là những người có trách nhiệm loan báo một Đấng Cứu Thế sẽ ra đời bởi một người trinh nữ.

Không như Apraham, Môse hay các ngôn sứ đã được Thiên Chúa trực tiếp tuyển chọn, với người trinh nữ này, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gaprien chuyển đến lời tuyển chọn của Người.

**
Câu chuyện được thuật lại rằng, hơn hai mươi thế kỷ trước, tại “một thành miền Galilê, gọi là Nazareth… Thiên Chúa sai sứ thần Gaprien đến gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27)

Không có tiếng sấm chớp ầm ĩ hay hiện tượng bụi cây cháy bừng, nhưng cây không bị thiêu rụi như lần tuyển chọn Môsê, lần tuyển chọn Maria, sứ thần của Thiên Chúa hiện đến trong sự tĩnh lặng với những lời đối thoại đầy chân tình.

Thật vậy, có chân tình không kia chứ! Lời phán của Thiên Chúa qua sứ thần không gầm thét như là một mệnh lệnh, nhưng chỉ là lời chào hỏi dịu êm “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Và có lời chào hỏi nào ngọt ngào hơn khi sứ thần Gaprien nói tiếp “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Bà-đẹp-lòng-Thiên-Chúa, chính vì thế, Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã gởi đến Maria lời mời gọi chân tình “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”

Chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Nazareth. Một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, thế mà lại được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ “Con Đấng Tối Cao”…

Vâng, mừng thì mừng thật nhưng làm sao không lo sợ cho được!

Đúng vậy! Nghe những lời loan báo đó, cô Maria sợ hãi và cất tiếng thở than… “việc ấy sẽ xảy ra cách nào…”. Bởi lẽ, Maria nói với sứ thần rằng “tôi… tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn. Xưa kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6).

Còn hôm nay, cũng không là ngoại lệ, bởi vì, như lời sứ thần Chúa đã nói “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (Lc 1,37).

Có thể nói, lời đáp của sứ thần đã hun đúc niềm tin cho Maria. Và lời trấn an kèm theo lời hứa ban “Xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” đã tạo một luồng gió ân sủng giúp cô Maria mạnh dạn thốt lên lời “xin vâng”.

Vâng, câu chuyện chép lại rằng, bà Maria đã nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Một chút tâm tình và suy tư

Câu chuyện trên được chép trong Tin Mừng thánh Luca (1, 26-38) và được đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa cho thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. (07.10.2012)

Nói tới Đức Mẹ Mân Côi mà không nói tới chuỗi Mân Côi là một điều thiếu sót.

“Chuỗi Mân Côi” là gì? Phải chăng là một trăm năm mươi kinh, đọc tới đọc lui cho vui cửa vui nhà? Xin thưa, nếu chúng ta đọc như vậy, chẳng khác nào chúng ta “tụng kinh”… chỉ thiếu “cái mõ”!

Chuỗi Mân Côi, trước hết, đó chính là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người.

Khi chúng ta cất tiếng đọc“Kính Mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Vâng, có khác nào chúng ta đang nghe lại lời đối thoại chân tình của Thiên Chúa, qua thiên sứ Gaprien, xưa kia.

Khi chúng ta cất tiếng đọc “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Ôi! Phải chăng là chúng ta, không chỉ được chiêm ngắm hình ảnh bà Êlisabeth tràn đầy “Thánh Thần Chúa”, mà còn được chính “Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi”! (Lc 1, 43)

“Chuỗi Mân Côi còn là gì?”. Xin thưa, còn là cuộc đối thoại giữa con người với Thiên Chúa.

Thật vậy, “năm sự vui” chính là năm lời thì thầm xin Thiên Chúa gia tăng “đức ái” để chúng ta biết “yêu người và ăn ở khiêm nhường v.v…”

“Năm sự thương” là năm lời tâm tình cùng Thiên Chúa, những lời tâm tình xin cho được “ăn năn tội nên” hầu có thể “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”.

“Năm sự mừng” – Ôi! Vui thay, đó chính là năm lời tán dương chúc tụng tình yêu của Thiên Chúa đã ban cho con người “được sống lại thật về phần linh hồn....”

Chuỗi Mân Côi còn là gì? Xin thưa, chuỗi Mân Côi còn là cuộc đối thoại tạo ra mối dây liên kết giữa con người với con người.

Thật vậy, khi chúng ta “xin cho được ăn ở khiêm nhường”, biết “vâng lời chịu lụy” và có “lòng yêu người”… Vâng, có vợ chồng nào lại không tâm đầu ý hợp! Có gia đình nào lại không anh em hòa thuận! Có người láng giềng nào lại không thân thiết với chúng ta!

Nếu chúng ta lần chuỗi Mân Côi trong tâm tình như thế! Hãy tin, lời cầu xin “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử” chắc chắn Thiên Chúa sẽ chẳng thể làm ngơ, đúng như lời thánh Phaolô nói “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Apba, Cha ơi!”

Được gọi Thiên Chúa là “Apba, Cha ơi”… Vâng, có điều gì ngăn cản chúng ta cất tiếng lên thưa với Người “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây