TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sao lại hoảng hốt?

Thứ ba - 11/05/2021 00:08 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   917
Sao lại hoảng hốt?

Sao lại hoảng hốt?

Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự toàn vẹn của chương trình cứu chuộc hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng lại là những thách đố đối với các môn đệ, là những người đã tin và đi theo Ngài.

Thật vậy, câu chuyện về những lần Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các môn đệ đã cho thấy sự thách đố đó. Và hôm nay, chúng ta hãy trở về Giêrusalem, cách đây hơn hai ngàn năm, nơi Đức Giêsu đã tử nạn và đã Phục Sinh, để thấy các môn đệ của Người đã vượt qua sự thách đố như thế nào.
………

Kể từ khi Thầy Giêsu bị bắt và bị chết treo trên thập giá tại đồi Golgotha, nhóm mười một môn đệ sau những giờ phút “tan hàng”, giờ đây, trong căn nhà nhỏ, họ quây quần bên nhau với tâm trạng “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”.

Làm sao không buồn chán cho được. Ba năm theo Thầy Giêsu, với hy vọng một ngày kia, chính Thầy mình sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho mọi người, niềm vui mừng thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Chính Thầy Giêsu đã sai họ ra đi rao giảng cho mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9). Nằm trong nhóm môn đệ thân cận của Thầy, họ đã nhìn thấy quyền năng của Thầy Giêsu. Một thứ quyền năng mà chỉ cần “nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục”. (Lc 10,17).

Mới vài hôm trước, cùng Thầy Giêsu vào Giêrusalem với những lời tung hô rợp trời, với những tiêng hò hét vang khắp thành đô “Hosana. Hosana. Chúc tụng vua Israel “…

Than ôi! sự việc lại không như mong muốn. Triều Đại đâu không thấy, chỉ thấy sự thất vọng não nề… Thê thảm quá! Thật không thể hiểu nổi, một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát! Thầy Giêsu đã chết. Bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết! Thế là “mộng vàng tan mây”!

Ngoài kia, bình minh của ngày thứ nhất vừa ló dạng, những tin đồn về Thầy Giêsu mỗi lúc một lan rộng khắp kinh thành Giêrusalem.

Có những tin đồn bất lợi cho các môn đệ. Nhóm thượng tế và kỳ mục đã có một hành động hết sức “ma giáo”. Họ xuất một một số tiền lớn cho bọn lính canh mộ và bảo nhóm lính đó hãy tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13).

Bên cạnh những tin thất thiệt đó, còn có những nguồn tin khác về Thầy Giêsu. Bà Maria Macdala, người đã theo chân Thầy Giêsu suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha, thuật lại cho các môn đệ rằng “Tôi đã thấy Chúa”.

Một nguồn tin thân cận khác do hai người môn đệ trong lúc “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về làng Emmau cho biết, trên đường đi, họ đã gặp Thầy Giêsu và họ “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Và một trong hai người môn đệ tham dự cuộc hành trình đó xác quyết “Chúa trỗi dậy thật rồi”.

Thật vậy sao? Có đáng tin không? Từ thuở khai thiên lập địa cho đến hôm nay đã có ai chết rồi lại được sống lại!!!

Trong khi các ông còn đang bình luận về những nguồn tin trên thì “Đức Giêsu đứng giữa các ông…” Với một động tác quen thuộc, Ngài đưa tay về phía các ông và nói: “BÌNH AN CHO ANH EM”.

Âm vang của tiếng nói khiến cho Phêrô cũng như toàn thể mọi người sửng sờ đến nỗi “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 37).

Ôi! Tệ thật. Mới chỉ có chưa đầy ba ngày mà các ông đã quên hẳn hình ảnh Đức Giêsu. Tệ hơn nữa, những lời Đức Giêsu đã dạy bảo rằng “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại…” có vẻ như các ông cũng chẳng tin!!!

Đúng. Thầy đã trỗi dậy từ cõi chết – Đức Giêsu tiến về phía các ông và nói: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “

Và như người mục tử xót xa nhìn đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, Đức Giêsu, một lần nữa “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” và Người nói tiếp rằng “Tất cả những gì sách luật Môse, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Người ta có nói “Kẻ thù của niềm tin là sự sợ hãi chứ không phải sự nghi ngờ”. Và thông thường sự sợ hãi luôn dẫn đến sự hoảng hốt.

Vâng, Đức Giêsu quả đúng là một bậc thầy về tâm lý. Ngài đã không trách cứ các môn đệ về sự “ngờ vực” của họ. Với một lời hết sức giản dị, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Sao lại hoảng hốt? “…

Một chút tâm tình

Hãy trở lại với câu chuyện Đức Giêsu Phục Sinh. Vâng, không phải một sớm một chiều mà các môn đệ tin rằng Đức Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, niềm tin của các ông là một niềm tin tiệm tiến.

Tất cả những dấu chỉ như “ngôi mộ trống” hay “khăn liệm không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” cũng chỉ làm cho các ông “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24,…12).

Còn lời chứng của nhóm các bà Maria Macdala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacobe thì “các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24, 11).

Chỉ khi các môn đệ “nhìn” thấy Đức Giêsu, rồi được “nghe” Người giải thích Kinh Thánh, lúc đó các môn đệ mới tin và không còn hoảng hốt trước bất cứ áp lực nào trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh sau này.

Thật vậy, bằng chứng rõ nét nhất, đó là, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, dù các Tông Đồ bị đánh đòn và cấm rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng những hình phạt đó vẫn không làm cho các ông “hoảng hốt”. Ông Phêrô và và các Tông Đồ khác vẫn hiên ngang làm chứng rằng “Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ… đã giết… nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết, về điều này chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, …13-14).

Một điều cũng nên biết, trừ tông đồ Gioan, còn tất cả các tông đồ khác đều đã “tử đạo” để làm chứng cho niềm tin cứu độ, niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Vâng, máu tử đạo của các tông đồ chính là chất tẩy rửa cho lời than phiền của Đức Giêsu xưa kia đối với các ông rằng “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực”.

Một phút suy tư

“Sao lại hoảng hốt?”.

Vâng, trong một lần hiện ra với nhóm chị em phụ nữ, Đức Giêsu đã có một lời nói mạnh mẽ hơn: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, …10).

“Sao lại hoảng hốt? – Chị em đừng sợ !” Phải chăng đó cũng là lời Đức Giêsu muốn nhắn nhủ mỗi người Công Giáo chúng ta hôm nay?

Thế giới hôm nay còn quá nhiều bất ổn. Ai dám chắc rằng vụ khủng bố “09.11.2001” sẽ không còn tái diễn? Sau sự kiện của ngày 9 tháng 11, nhiều người đã bị đông lạnh bởi sự sợ hãi. Họ hầu như luôn hoảng hốt trước những lời cảnh báo của bất cứ tổ chức khủng bố lớn nhỏ nào trên thế giới.

Kinh nghiệm của sự khủng hoảng cá nhân nói lên điều đó.

Chiến tranh… khủng bố… hay động đất ư? Vấn đề sức khỏe ư! Hay là một vài lần thất bại trong kinh doanh, thiếu may mắn trong tình trường, đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân gia đình!!! Hay một ai đó trong người thân của chúng ta “về bên kia thế giới”? Vâng, nếu phải đối diện trước những nghịch cảnh này, chúng ta có “hoảng hốt?

Sao lại hoảng hốt? Phải chăng chúng ta hoảng hốt là vì không có sự bình an của Chúa?

Đức Giêsu, trong bữa tiệc ly đã nói rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).

Bình An Chúa ban “không theo kiểu thế gian”. Nói cách khác, đó chính là bình an trong nghịch cảnh. Sự bình an trong nghịch cảnh chấp nhận thương đau, chấp nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ…

Và một khi chấp nhận thương đau, chấp nhận từ bỏ, chấp nhận hy sinh thì còn gì có “hận thù”. Không có hận thù lấy gì tạo ra “chiến tranh và khủng bố”…

Thánh Phaolô xác tín rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống... không có gì tách được chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 37-39).

Bộ mặt thế giới luôn thay đổi, nhưng niềm tin Chúa Giêsu Phục Sinh thì không. Chúng ta mừng Chúa Giêsu Phục Sinh năm nay thì cũng giống như hàng năm, giống như chính “ngày thứ nhất” năm xưa Chúa Giêsu đã sống lại và đã nói “Bình An cho anh em”.

Chúng ta không được phép “độc quyền” sự Bình-An-của-Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta còn phải “chia sẻ” sự bình an đó bằng công việc mục vụ của chúng ta qua sự rao truyền về quyền năng thay-đổi-cuộc-đời của Chúa Giêsu Phục Sinh đến với mọi người.

Và chúng ta đừng quên dựa vào lời hứa của Ngài về sự trở lại... trở lại trong cuộc đời của chúng ta và trong cuộc đời của những người mà chúng ta muốn đặt niềm tin của họ vào Ngài.

Bởi đó chính là lời Đức Giêsu Phục Sinh truyền dạy: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. (Lc 24, 47-48)

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây