Vũ Khí Nào Chống Lại Xatan?
Hoang địa nơi Thiên Chúa nói với con người. Hoang địa cũng là nơi đầy cám dỗ. Trần gian nơi con người lắng nghe và thực thi Lời Chúa cũng là nơi cám dỗ bủa vây. Danh lợi thú. Tham sân si. Hỉ nộ ái ố…
Khởi đầu Mùa chay, Giáo Hội mời gọi người tín hữu bước vào hoang địa với cầu nguyện, chay tịnh và bố thí (Tin mừng Thứ Tư Lễ Tro) và Chúa Nhật 1 Mùa Chay, mời gọi mọi người tín hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ như thế nào.
Xatan là tạo vật thần linh của Thiên Chúa, đã chống lại Thiên Chúa và muốn lôi kéo con người về phe mình chống lại Thiên Chúa.
Xatan, còn được gọi là Kẻ Quỷ Quyệt, Con Rắn, Con Rồng… là kẻ thù lớn nhất của Thiên Chúa và chắc chắn sẽ không phải là bạn của con người. Thánh Mátthêu gọi nó là “tên cám dỗ” (Mt 4,1-11), thánh Máccô gọi là “Xatan” (Mc 1,13 ), thánh Luca gọi là “ma quỷ” (Lc 4,2), còn thánh Gioan gọi là “kẻ nói dối, cha sự gian dối” (Ga 8,44). Xatan trong tiếng Hy-lạp là “Kẻ vu khống”.
Trong hoang địa suốt 40 ngày, Chúa Giêsu với thân phận con người hoàn toàn thuộc về thế gian, chiến đấu với ma quỷ. Đây là một trận chiến khốc liệt của Chúa Giêsu và ma quỷ. Ma quỷ đã chiến thắng con người trong vườn địa đàng sau khi dụ dỗ được ông Adam và bà Evà nghe theo lời của mình mà bỏ qua lời của Thiên Chúa.
“1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?2 Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.” (St 3,1-7).
Một lần nữa ma quỷ muốn lập lại thành công của mình nơi hoang địa với Chúa Giêsu.
1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! “4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,1-4).
Với cơn cám dỗ này làm chúng ta nhớ bà Eva trong vườn địa đàng. Trước những lời xảo quyệt, gieo vào lòng người nghe nỗi nghi ngờ những lời của Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Bà Evà đã tin lời con rắn, tên cám dỗ, đã hái và đã ăn.
Cái đói của Chúa Giêsu chịu đựng trong hoang địa 40 ngày đêm cũng gợi lại hành trình trong hoang địa của dân Ítraen, nơi họ có kinh nhiệm được Thiên Chúa dẫn dắt và thử thách. Khi “đói”, họ đã càm ràm Thiên Chúa, Đấng yêu thương che chở họ. Khi chịu thử thách như dân Ítraen trong hoang địa, Chúa Giêsu dùng chính những lời của Thiên Chúa mà chiến thắng ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Đnl 8,2-3).
5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4,5-7).
Nóc “Đền Thờ”, biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người. Lần nữa tên cám dỗ tấn công vào sự cô quạnh của Chúa Giêsu trong sa mạc hoang vắng. Trong cơn cám dỗ này, tên cám dỗ gieo rắc nghi ngờ về địa vị làm con Thiên Chúa cũng như sự quan phòng che chở của Ngài. Qua đó, thúc đẩy Chúa Giêsu tỏ hiện quyền năng của mình. Một lần nữa Chúa Giêsu lại dùng lời của Thiên Chúa để chiến thắng tên cám dỗ: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Đnl 6,16).
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4,8-10).
Cơn cám dỗ bất trung, thờ ngẫu tượng đã có ngay trong những ngày đầu cuộc hành trình sa mạc của dân Ítraen. Sau khi được cứu thoát khỏi đất nước Ai-cập và chứng kiến việc Thiên Chúa nhận chìm binh đoàn của vua Pharao xuống đáy biển, họ đã phản bội Thiên Chúa. Họ đã đúc con bê bằng vàng và tôn thờ nó như là chúa của mình (Đnl 32,1-5). Thiên Chúa đã cảnh bảo dân Ítraen không được có vị thần nào khác: Đó là điều răn thứ nhất “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Đnl 20,3). Dân chúng đã không nghe. Hậu quả thật là tai hại. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhắc cho tên cám dỗ, một thụ tạo thần linh, rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (x.Đnl 6,10-13).
Trong vườn địa đàng, con người đã sa ngã vì đã không nghe lời Thiên Chúa. Không tuân giữ những điều Ngài đã dạy. Còn trong hoang địa, Chúa Giêsu đã chiến thắng tên cám dỗ vì chính Ngài đã dùng lời Thiên Chúa để chiến thắng nó. Đó là mẫu gương cho chúng ta, những con người yếu đuối và bất toàn có thể chiến thắng các cám dỗ bủa vây bằng sức mạnh của Lời Chúa.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật thứ I Mùa Chay năm B ngày 22.02.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các tín hữu hãy siêng năng đọc Tin Mừng và suy niệm để chiến thắng cám dỗ: “Con đường này của Chúa Giêsu là đi qua sa mạc. Sa mạc là nơi có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ. Trong sự ồn ào, hỗn loạn, điều này không thể thực hiện được; chỉ có thể nghe thấy những giọng nói hời hợt. Thay vào đó, chúng ta có thể đi sâu hơn vào sa mạc, nơi định mệnh của chúng ta thực sự được định đoạt, sự sống hay cái chết. Và làm sao chúng ta nghe được tiếng Chúa? Chúng ta nghe điều đó trong Lời của Ngài. Vì lý do này, điều quan trọng là phải biết Kinh Thánh, vì nếu không chúng ta sẽ không biết phản ứng thế nào trước cạm bẫy của Ma Quỷ. Và ở đây tôi muốn quay lại lời khuyên của tôi là đọc Tin Mừng mỗi ngày. Đọc Tin Mừng mỗi ngày! Hãy suy niệm về Tin Mừng một lúc, trong khoảng 10 phút. Và cũng có thể mang theo Tin Mừng trong túi hoặc ví của bạn... Nhưng hãy luôn có Tin Mừng trong tay.”
Trong thư chung của HĐGM VN năm 2005 với chủ đề Sống Lời Chúa cũng có những lời kêu gọi như thế:
“Thánh Giêrônimô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.” (MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là:
- Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước.
- Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn.
- Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức.
- Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.”
Bởi vì:
“Lời Chúa là đèn soi cho con bước,
Là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105).
Nguyễn Thái Hùng
2.2024
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn