TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin Người đặt tay lên con

Thứ sáu - 14/05/2021 04:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   617
Xin Người đặt tay lên con

Chúa Nhật XXIII – TN – B

Xin Người đặt tay lên con

Không gì khó chịu cho bằng khi phải xỏ chân vào một đôi giày chật, bởi nó là nguyên nhân làm cho ta khó có thể có những bước đi dễ dàng.
Không gì bực bội cho bằng phải mặc một cái áo không đúng kích cỡ, bởi nó là nguyên nhân làm cho ta khó khăn trong việc xoay trở.

Và, không gì đau khổ cho bằng khi vừa mới chào đời đã phải gánh chịu một căn bệnh mà y học thường gọi là “bệnh bẩm sinh” (như câm điếc, ngọng, đui mù v.v…), bởi nó là nguyên nhân làm cho ta khó trở nên một con người bình thường, như bao con người khác.

Với những người bất hạnh này (bị bệnh bẩm sinh), tiếc thay, dưới cái nhìn thiển cận của một số người, họ bị cho là do bởi kiếp trước ăn ở ác đức, nên kiếp này (theo thuyết luân hồi), phải lãnh hậu quả xấu là lẽ đương nhiên.

Người Do Thái xưa kia, khi nhìn những người bất hạnh (nêu trên), họ cũng có một cái nhìn khá lệch lạc. Điển hình là các môn đệ của Đức Giê-su, một lần nọ, khi thấy một người mù từ thuở mới sinh, các ông liền hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta”.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã trả lời rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta… Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Bịnh hoạn tật nguyền ư! Hãy đem đến cho Ngài. Kinh phong bại liệt ư! Ngài đã từng chữa trị. Mà, thật vậy, Kinh Thánh đã ghi lại rất nhiều người được Ngài chữa trị. Chữa trị không một lời lên án, kết án như thói đời vẫn thường kết án.

Câu chuyện Ngài chữa trị một người “vừa điếc vừa ngọng”, như một điển hình.

**

Thật vậy, chuyện được thánh sử Mác-cô ghi lại rằng: Hôm đó “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”.

Sự hiện diện của Ngài lập tức được loan truyền và người ta thấy một dòng người đông đảo tuôn đến. Trong dòng người ấy, có một người “vừa điếc vừa ngọng”. Người này được mang đến trước Đức Giê-su.

Tại sao họ lại mang đến với Ngài? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô cho biết, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ họ nghe đồn Đức Giê-su có thể chữa khỏi, như đã chữa khỏi một cô gái bị quỷ ám con của một người đàn bà ở Tia, hôm trước.

Hôm ấy, đứng trước Đức Giê-su, họ “xin Người đặt tay trên anh”. Ôi trời ạ, họ đã đến đúng địa chỉ rồi. Vâng, đúng địa chỉ. Vì, như Đức Giê-su có nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Thế nên, hôm ấy, đáp lại nguyện vọng của họ, “con chiên vừa điếc vừa ngọng” đã được Thầy Giê-su “kéo riêng ra khỏi đám đông”. Sau đó, Ngài “đặt tay vào lỗ tai… và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi” của con chiên vừa điếc vừa ngọng đó. Tiếp đến, Đức Giê-su “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là hãy mở ra.”

Chỉ có thế… chỉ có thế thôi… công trình của Thiên Chúa đã được tỏ hiện. Sự tỏ hiện đó đã khiến nhiều người kinh ngạc. Vâng, kinh ngạc thay! “...Tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.

Anh ta nói gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô tường thuật rõ. Nhưng… nhưng chúng ta có thể tin rằng, anh ta và những người chứng kiến phép lạ hôm đó đã cùng nhau đồng thanh cất tiếng hô vang: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (x.Mc 7, 37).

***

Vừa điếc vừa ngọng, quả đúng là bất hạnh. Mà, sao không bất hạnh cho được nhỉ! Nghe thì không nghe được. Nói thì cứ ú ớ ngọng nghịu chẳng ra câu cú gì. Nay, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết buộc lại, ôi! quả đúng là một hồng phúc.

Vâng, là một hồng phúc, một hồng phúc đã được ngôn sứ Isaia loan báo vào thế kỷ VII trước Công Nguyên. Hồi ấy, ngài ngôn sứ đã loan báo rằng: “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi kẻ câm sẽ reo hò” (x.Is 35, …4-6).

Có phần chắc, anh chàng vừa điếc vừa ngọng năm xưa đã “nhảy nhót như nai và reo hò” vang khắp Giê-ru-sa-lem.

Tình yêu của Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, là một tình yêu không “kỳ thị”. Tình yêu của Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, là một tình yêu không có cái nhìn của “những thẩm phán”.

Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta đừng ngạc nhiên vì sao Đức Giê-su lại giàu lòng trắc ẩn như thế.

Còn nếu ngạc nhiên ư! Vâng, hãy ngạc nhiên là vì chúng ta rất có thể đang bị vừa điếc vừa ngọng. Vừa điếc vừa ngọng không phải về mặt thể lý nhưng về khía cạnh thiêng liêng. Rất có thể đấy chứ!

Nói tới điếc ngọng về khía cạnh thiêng liêng, nguyên tổ Adam và Eva như một bài học cảnh tỉnh chúng ta. 

Về mặt thể xác, khi được Thiên Chúa dựng nên, hai ông bà đâu có “điếc và ngọng”. Nhưng chỉ vì một phút “rong chơi cuối trời quên lãng”, quên lãng những lời truyền dạy của Thiên Chúa, xao lòng trước những lời dụ dỗ của Satan, đôi tai của ông bà hóa điếc, “điếc thiêng liêng”, vì thế, thính giác của ông bà chỉ còn nghe được những tiếng ậm ừ của dục vọng. 

Để rồi, phản ứng phụ của căn bệnh điếc, đó là, đang nói năng lưu loát, ông bà trở nên ngọng nghịu. Hãy nhớ lại xem, khi Thiên Chúa tìm đến gọi và hỏi “Ngươi ở đâu”. Ôi thôi! ông bà đã ngọng nghịu thốt lên “Con nghe tiếng Ngài… con sợ hãi… vì con trần…”. Tệ thật! “con… trần… truồng…” (x.St 3,10).

Điều này có thể xảy ra cho chúng ta? Thưa, rất có thể, nhất là trong một thế giới đầy dẫy những tiếng mời gọi của nhục dục, của sắc dục, của thanh dục, của hương dục, của vị dục, của xúc dục.

Với ngũ dục này, nó làm cho ngũ giác quan của ta đi vào mê hồn trận, một mê hồn trận làm cho thị giác ta sáng ngời trước những mỹ nữ: mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng, tóc đen óng ả, sóng mũi dọc dừa, hoặc tối mặt tối mũi trước những ngọc ngà, vàng bạc, châu báu v.v… Nó làm cho thính giác ta chỉ thích nghe những lời giả dối điêu ngoa, những lời tung hô chúc tụng v.v…

Nói tắt một lời, nó làm cho ta vừa-điếc-vừa-ngọng-thiêng-liêng. Nó làm cho vị giác và khứu giác của ta mất khả năng “nếm và biết Thiên Chúa ngọt dịu dường bao”. Nó làm cho xúc giác của ta không còn cảm xúc về một “Thiên Chúa là tình yêu”.

Có ai dám khẳng định, tôi chưa bao giờ rơi vào mê hồn trận của ngũ dục nêu trên?

****

Có thể nói, chưa bao giờ mê hồn trận của ngũ dục đang hoành hành rất mãnh liệt quanh đời sống của chúng ta, hôm nay.

Mê hồn trận của ngũ dục hôm nay, không còn được quyến rũ bởi những tiếng “rủ rỉ rù rì” nghe êm dịu như tiếng của con rắn trong vườn Eden năm xưa, nhưng là những tiếng gào thét man rợ sát máu.

Người ta gào thét đòi hôn nhân đồng tính. Người ta gào thét đòi tự do phá thai. Chuyện được ghi lại rằng: “Tại Argentina, vào tháng 11/2013. Trước nhà thờ chính tòa San Juan Bautistan, hàng trăm phụ nữ ủng hộ phá thai, ngực để trần, phấn khích và khoái trá dùng bình sơn xịt và nhiều hình thức khác để lăng mạ và tấn công các tín hữu đang nắm tay nhau, sốt sắng đọc kinh Mai Khôi để bảo vệ sự sống”.

Những người phụ nữ này, buồn thay, “điếc thiêng liêng – điếc Lời Chúa”. Cũng có thể họ không điếc, nhưng “giả điếc”, giả điếc trước lời truyền dạy của Đức Chúa Trời: “Chớ giết người”…

Vui thay! Có không ít người vẫn còn vâng lời Chúa truyền dạy. Hôm ấy, hôm những người phụ nữ “đóng phim nghèo” nêu trên, chuyện ghi lại rằng: “Phần lớn trong số những người bảo vệ sự sống này lại là đàn ông, họ nhẫn nại chịu đựng sự lăng mạ, khiêu khích từ đối phương. Thật đáng kinh ngạc”.

Vâng, những người đàn ông này “thật đáng khích lệ”. Đáng khích lệ vì họ đã không “xòe tay ra lấy trái cấm” của quý bà Eva thời @, hôm nay.

Làm sao để có thể phớt lờ những tiếng mời gọi ăn trái cấm của xã hội thời @, hôm nay? Thưa, hãy lắng nghe Lời Chúa và siêng năng lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể?

Thật vậy, không ai có thể phủ nhận điều này. Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê-su đã “thánh hóa” môi miệng chúng ta.

Thánh hóa môi miệng chúng ta, tất nhiên chúng ta sẽ chỉ “… mở môi con ca ngợi tình thương của Ngài”. Tất nhiên chúng ta sẽ chẳng bao giờ mở môi miệng để thóa mạ, (như có một số người đang thóa mạ Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô), Giáo hội Mẹ chúng ta.

Còn về việc chuyên cần nghe “Lời Chúa” ư! Vâng, chính việc nghe Lời Chúa (Thánh Kinh), chúng ta sẽ tiếp nhận được “chân lý và lẽ thật”.

Nghe và tiếp nhận chân lý và lẽ thật từ Thiên Chúa, thì những lời gào thét, những lời phỉnh gạt, những lời dối trá của satan và bè lũ của chúng, có giá trị gì đối với chúng ta? Chắc chắn là không rồi.

Vâng, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có ngũ giác. Rất tuyệt vời, rất kỳ diệu, phải không thưa quý vị!

Đúng, rất tuyệt vời. Và, sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta sử dụng nó (ngũ giác) đúng mục đích, những mục đích quy hướng về Thiên Chúa.

Bởi vì, chỉ có như thế… chỉ có như thế… hồ sơ “sức khỏe thiêng liêng” của chúng ta mới được ghi nhận, rằng: “Tai tôi mở, lưỡi hết bị buộc và miệng nói được rõ ràng”. 

Thưa bạn… bạn muốn có được một bản hồ sơ “sức khỏe thiêng liêng” như thế không? Nếu muốn, chúng ta hãy đến trước Thánh Giá Đức Ki-tô, và thưa với Ngài, rằng: “Xin Người đặt tay lên con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây