TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cành huệ trắng.

Thứ sáu - 18/03/2022 03:56 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   879
Cành huệ trắng biểu trưng cho tâm hồn thanh sạch được tôn phong cho Ngài với những ý nghĩa mà chúng ta có thể chia sẻ trong bài viết này
Cành huệ trắng.

Cành huệ trắng.

Nhìn ngắm Thánh Cả Giuse, ai trong chúng ta cũng nhận ra cành huệ trắng trên tay Ngài cầm. Cành huệ trắng biểu trưng cho tâm hồn thanh sạch được tôn phong cho Ngài với những ý nghĩa mà chúng ta có thể chia sẻ trong bài viết này.

Biểu tượng tâm hồn thanh sạch:

Một cõi lòng trong sạch, một tâm hồn thanh khiết, nói đến một con người toàn vẹn, vì “mọi sự xấu đều từ trong lòng mà ra” (Mc 7, 15). Thanh sạch là điều kiện tiên quyết của một con người đụng chạm đến việc thánh thiêng. Các nền văn hoá xưa gắn liền việc thanh sạch với tế tự, điều này đòi hỏi không chỉ dựa trên đời sống luân lý mà còn xuất phát từ chính yếu của đòi hỏi tế tự. Thánh Giuse được trao ban một đặc ân vượt trội, chính Ngài được tuyển chọn trở thành người tư tế dâng chính cuộc đời của mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Đời sống dâng hiến xuất phát từ tâm hồn thanh sạch của Ngài để bảo đảm cho gia đình Nazareth toàn vẹn, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chúa Giêsu Đấng rất Thánh Con Thiên Chúa. Hằng ngày, luôn gần với sự thánh thiêng, cuộc đời của Thánh Giuse cũng luôn đòi hỏi thanh sạch, như là một điều kiện và trong điều kiện này chúng ta có thể bắt gặp một trong những nỗ lực thánh hiến của Ngài để học sống theo Ngài. Trước tiên cần kể đến, Thánh Giuse là một con người ở giữa chúng ta, là một con người nghĩa là cũng có nhiều cám dỗ vây quanh như chúng ta. Thánh Giuse sống thánh thiện không duy chỉ do ý chí của Ngài mà còn nhờ vào việc kết hợp với ý muốn của Thiên Chúa. 

Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Giuse nhưng trong sự kiện lắng nghe tiếng Chúa để đón Maria về làm vợ thì đã toát yếu lên cả cuộc đời của Ngài chọn lựa theo Ý Thiên Chúa. Để tâm hồn trong trắng là lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa và thi hành điều Thiên Chúa muốn. Không hề có sự vẩn đục nào có thể vào trong ý muốn lành thánh của Thiên Chúa được, bởi vậy tư tưởng loài người khác hẳn với tư tưởng của Thiên Chúa. Điều thứ hai có thể học nơi Thánh Giuse để giữ tấm lòng thanh sạch là xa lánh các điều dơ bẩn, đó là nỗ lực của chính bản thân. Bà Sara giữ mình thanh khiết khi nhiều người lao vào trong tội (Tb 3, 14), giữ mình là một cộng tác của con người với ân sủng của Thiên Chúa, Thánh Giuse cũng thế Ngài giữ mình khỏi những điều xấu xa. 

Phục vụ gia đình Thánh cần có con người Thánh, con người Thánh ấy chính là bậc cha mẹ, người có trách niệm cai quản cộng đoàn. Thánh Thiện không đến từ con người mà đến từ Thiên Chúa, con người Thánh là con người kết hợp thâm sâu với Chúa bằng tất cả nội lực của mình để thể hiện: “Yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn”. Người thanh sạch cần thiết cho một gia đình thánh biết bao vì chính chúng ta được mời gọi phục vụ gia đình thánh trong Bí tích Hôn Nhân.

Thanh Sạch biểu lộ vẻ đẹp siêu phàm:

Diễm tình ca ca ngợi một vẻ đẹp của hoa huệ giữa bụi gai và sánh ví vẻ đẹp trên hết mọi vẻ đẹp: “Em là đoá thủy tiên của Sa-rôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng. – Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ có khác gì cánh huệ giữa bụi gai”. (Dc 2,1). Tâm hồn trong sạch không những chỉ cần thiết cho mình mà còn cần thiết cho người khác, để còn là hương tinh khiết giữa hôi tanh bụi trần, để còn là huệ trắng giữa bụi gai, và còn là màu trắng giữa những màu nhem nhúa. Ca ngợi vẻ đẹp của tấm lòng thanh giữa cõi lòng tục, người Việt Nam sánh ví vẻ đẹp và hương hoa ấy qua hình ảnh: “Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng, nhị vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nét đẹp không những chỉ nổi lên giữa đầm lầy mà còn là che khuất mùi tanh của bùn lầy. 

Trong sạch là một mối quan tâm đặc biệt để còn lại cho đời những hương thơm, chính vì vậy mà người Việt luôn khuyên nhủ con cháu: “giấy rách phải giữ lấy lề”, xa cách những lối sống làm bẩn đi tâm hồn thanh khiết: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và thường nhắn nhủ theo gương cách sống của tiền nhân “lui quan tìm về chỗ thanh”. Thanh sạch nghĩa là giũ bỏ những gì có thể làm nhơ uế tâm hồn, nghĩa là chấp nhận vai trò hy sinh để sống thanh khiết. Bao nhiêu cái có ở đời chẳng bằng chữ thanh. Thánh Giuse gương mẫu cho chúng ta về lòng thanh sạch, bởi Ngài đã từng ở tuổi thanh niên như chúng ta, từng ở cạnh người đẹp như chúng ta, Ngài bảo vệ thanh danh cho người phụ nữ, tôn trọng phẩm giá của người nữ và bảo vệ cho phẩm giá đó bằng nguyện một đời giữ tấm lòng trong. 

Có lẽ cần lại nói một lần nữa về lời dạy của Chúa Giêsu: “Cái xấu từ trong lòng người mà ra”, để nhấn mạnh lại rằng tấm lòng thanh sẽ nhìn thấy tất cả lả ân huệ Chúa ban, thấy tất cả mọi người đều là hình ảnh đáng quý trọng của Thiên Chúa và cũng là một động cơ thúc đẩy nỗ lực thăng tiến phẩm giá con người. Cái siêu phàm được thực hiện trong cõi thường phàm, nên không thể nói, không thực hiện được mà cần nên nói, thực hiện được để siêu nhiên được thực hiện trên tự nhiên. Thanh sạch ngày hôm nay giữa chúng ta xem như một điều xa xỉ, nhưng thực tế nếu không còn thanh sạch cõi trần này sẽ ngập tràn rác rưởi, hôi tanh. Chúng ta cứ thử xem thế giới đang cần gì: một môi trường xanh, một sinh thái tự nhiên, một bầu khí trong lành không ô nhiễm và cũng cần đến những cõi lòng thanh để xây dựng một thế gới hoà bình thật sự.

Thanh sạch biểu lộ tâm tình phó thác:

“Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28). Bàn về chữ “nhàn” trong văn hoá, người ta gặp thấy lối chiết tự của người Trung Hoa là ý nghĩa: “Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ nhàn. Chợ ở cửa trước thì “náo”, còn trăng vào cửa sau thì “nhàn”!  qua cách viết chữ tượng hình của Trung Hoa: giữa chữ môn mà có chữ thị thì thành náo, còn giữa chữ môn mà có chữ  nguyệt thì thành nhàn!”. Nhàn ở đây là tâm trạng có được khi tịnh tâm sau khi hoàn thành công việc. Chúa Giêsu thường hay tìm nơi thanh vắng cầu nguyện khi Ngài hoàn tất công việc một ngày. Bí quyết của sống nhàn là bí quyết của đời sống phó dâng: “Lo gì ngày mai mai sẽ lo”. Sống nhàn là để thở hít bấu khí của tâm hồn làm cho thanh thoát. Nhàn không có nghĩa là rỗi, nhàn mang tính hoàn toàn phó thác hết sau khi đã tận lực: “Làm việc như thể mọi sự tuỳ thuộc vào mình và trông cậy như thể mọi sự tuỳ thuộc vào Thiên Chúa”. Phó thác không phải là ỷ lại nhưng là biết mình có giới hạn, nhận ra mình trong con người khiêm hạ, biết rằng mình có được đều là hồng ân Thiên chúa. Nhàn không có nghĩa ở không mà nhàn có nghĩa là dành thời gian nuôi sống tâm linh. Hãy nhìn ngắm xem bông huệ, đó là một lời mời gọi cuộc sống giản đơn không cồng kềnh phức tạp, Trần Nhân Tông trong bài ca (Đắc thủ lâm tuyền Thánh Đạo Ca) ghi rằng:

“Công danh chẳng chuộng,
Phú quý chẳng màng,
Tần Hán xưa nay,
Xem đà nhàn hạ…
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim”

Chữ nhàn ở đây chỉ về cuộc đời của người trút bỏ hết mọi sang giàu, của cải vật chất để sống cuộc đời tâm linh chỉ mong siêu thoát: Trong tâm tình Kitô giáo chúng ta gặp “Sống giữa trần mà chẳng thuộc về trần”, trong lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu trước khi rời bỏ trần thế: ”Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17, 14 – 17). Phúc âm không trình bày việc ra đi của Thánh Giuse, đó phải chăng cũng là một ngụ ý “Sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” là con người bất tử trong sự sống của mình khi đạt đến mức độ đời sống thanh cao.

Là con người giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, như cách sánh ví huệ trắng giữa bụi gai, sen giữa bùn lầy… Thánh Giuse, Ngài đi trọn con đường của Chúa Giêsu “con tự hiến thánh con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19), con đường nên thánh cho mọi người, chính vì vậy nhờ công nghiệp của Ngài chúng ta cũng nguyện Thánh Giuse giúp chúng ta đi trên con đường của Chúa: Biết sống vui, sống thánh, sống phó thác, sống khiêm hạ.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây