TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái

Thứ bảy - 19/03/2022 06:34 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   2009
“Các ông tưởng mấy người Galile này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galile khác sao?”
Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái

 Chúa Nhật III – MC – C

Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái

Sám hối là gì? Thưa, nghĩa là: “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình và mong được sửa chữa.” Khi nói tới sám hối, có thể nói, đó là một việc mà không một ai được miễn trừ. Tại sao? Thưa, “vì mọi người đều phạm tội.”

Có một nhà truyền giáo, trong một bài giảng về sám hối, ông ta có lời chia sẻ, rằng: “Không ai có thể nói rằng mình vô tội, không nhiều thì ít, mỗi chúng ta đều có những phút lầm lỡ, có khi cố ý, có khi vô ý, chúng ta đều đã có những lúc làm những điều không đáng làm, nói những lời không đáng nói, suy nghĩ những điều không đáng suy nghĩ. Đã có những lần chúng ta làm những việc mà mình phải tự thẹn với lương tâm. Do đó chúng ta không thể cho rằng mình là người vô tội mà đã có tội thì chúng ta phải ăn năn. Ăn năn vì vậy dành cho tất cả mọi người, không chừa một ai”. (nguồn: internet)

Thiên Chúa muốn mọi người ăn năn sám hối. Qua môi miệng ngôn sứ Edekien, Người phán truyền, rằng: “Ta chẳng vui gì kẻ gian ác chết, nhưng vui khi nó ăn năn sám hối để được sống.” (Ed 33, 11)

Với Đức Giê-su thì sao nhỉ! Thưa, cũng vậy. Sám hối chính là thông điệp được Ngài công bố, ngay khi bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su luôn là người khơi dậy lòng sám hối không chỉ nơi tội nhân mà còn ngay cả với những người tưởng như mình là người chân chính.

Vâng, những người tưởng-như-mình-là-người-chân-chính thường cho rằng, những người gặp tai ương hoạn nạn, thường là những kẻ tội lỗi, tội lỗi hơn kẻ khác. Họ cho rằng những con người đó bị “Thiên Chúa phạt”.

Đức Giê-su, với tấm lòng từ bi và nhân hậu, Ngài không khuyến khích lối suy nghĩ tiêu cực như thế. Và rồi, vào một ngày nọ, Ngài đã dạy cho những con người này (và cũng là cho chúng ta hôm nay), một bài học để họ mở to đôi mắt của mình mà nhìn thấy, rằng: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo lỗi của ta”. Bài học này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (13, 1-9).

**

Câu chuyện được ghi lại, rằng: Hôm đó, nhân cơ hội Đức Giê-su đang nói với một số người chuyện liên quan đến đời sống cộng đồng, trước một cộng đồng muốn đưa ra một nhận xét thì phải biết “xét xem cái gì là phải”, thì bỗng nhiên có mấy người đến gặp Ngài.

Nhóm người này đến gặp Đức Giê-su để làm gì? Thưa, họ kể lại cho Ngài nghe chuyện “những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13, 1).

Tại sao họ lại kể câu chuyện này cho Đức Giê-su nghe? Thánh Luca không cho biết lý do. Vâng, dù không nói lý do, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, những người này có “ý gì đó”, để chất vấn Đức Giê-su, sau khi Ngài nghe xong chuyện này.

Theo quan niệm của Do Thái giáo, người ta cho rằng, những người gặp hoạn nạn, tai nạn, v.v… thường là do tội lỗi của người ấy gây ra. 

Nhớ, hôm Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh, chính các môn đệ đã chất vấn Thầy mình, rằng: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” (x.Ga 9, 2).

Ai đã phạm tội! Thưa, tác giả sách Thánh Vịnh có lời dạy, rằng: “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (x.Tv 51, 7).

Ai cũng mang tội “khi mẹ mới hoài thai.” Vậy, cớ gì lại hỏi: Anh ta hay cha mẹ anh ta! Vâng, hôm ấy, để trả lời cho các môn đệ, Đức Giê-su nói “Không phải thế đâu…”

Còn hôm nay ư! Vâng, hôm ấy, sau khi nghe câu chuyện về những người Galile bị giết, không đợi những người kể chuyện chất vấn mình, Đức Giê-su chất vấn họ ngay lập tức. Ngài nói: “Các ông tưởng mấy người Galile này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galile khác sao?”

Tiếp đến, Đức Giê-su dạy cho mấy “ông tám” đó một bài học, một bài học có lẽ hôm nay chúng ta cũng cần học. Bài học rằng: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”

Nói xong, Ngài kể ra một trường hợp khác đầy thương tâm, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết.”

Mười tám người này, Đức Giê-su nói: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?”

Trước sự thinh lặng của mọi người, Đức Giê-su thẳng thắn nói lại điều Ngài đã nói: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

***

Tai ương, hoạn nạn xảy đến với con người ư! Vâng, Đức Giê-su nói: “…là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện”. Công-trình-của-Thiên-Chúa- được-tỏ-hiện, chứ không phải là vì người đó “tội lỗi”. Với cái nhìn đức tin, đó là một sự huyền nhiệm.

Thật vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện ông Gióp, một câu chuyện cho ta thấy, tai ương, hoạn nạn là một sự huyền nhiệm.

Vâng, Kinh Thánh ghi lại: “Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp”. Ông đang sống một cuộc sống “phúc lành”. Thế rồi, tai ương và hoạn nạn xảy ra. Chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bò lừa, lạc đà bị cướp hết, chiên dê bị lửa thiêu rụi.

Chưa dừng ở đó, bảy người con trai và ba người con gái, khi “đang ăn tiệc trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà, nhà sập xuống đè trên đám trẻ, họ chết hết”.

Còn nữa, ngay chính bản thân ông, ông bị “ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu.”

Vì ông “tội lỗi” nên Thiên Chúa trừng phạt ông sao! Thưa, không phải vậy. Cơ sự là do Satan thấy ông ta được Thiên Chúa “bao bọc, chở che”. Thế nên, Satan thách thức Thiên Chúa rằng: “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt.” (G 1, 11).

Nếu tai ương hoạn nạn của ông Gióp là tai ương hoạn nạn của chúng ta, chúng ta sẽ nguyền-rủa-Chúa! Ông Gióp không nguyền rủa. Ông ta vẫn không một lời than van. Trước lời nhạo báng, chế diễu, xúi giục của bà vợ, rằng “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi”. Ông lớn tiếng đáp rằng: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao!” (x.G 2, 10).

Tuy nói “nói cứng” như vậy, thế nhưng, môi miệng ông Gióp cũng không thể không thốt ra những lời thở than. Vâng, trước những đau khổ “quá lớn” như thế, ông than rằng: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ”.

Tuy nhiên, cái hay của ông Gióp, đó là, than thở nhưng không tuyệt vọng. Ông tìm đến Chúa với lời nỉ non: “Tôi sẽ thưa với Chúa: Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao…?”

Và rồi, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Ê-li-hu, nói với ông rằng: “Kiên nhẫn thêm chút nữa… Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ” (x.G 36, 1… 15).

Vâng, Thiên Chúa dùng-khổ-đau-mà-mở-mắt ông Gióp. Thiên Chúa dùng-khổ-đau-mà-mở-mắt nhân gian. Thiên Chúa dùng-khổ-đau-mà-mở-mắt chúng ta.

Còn ai là người tội lỗi ư! Hãy thưa với Chúa, như ông Gióp đã thưa: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6). Thiên Chúa muốn như vậy. Và, Đức Giê-su cũng đã có lời cảnh báo: “nếu (chúng ta) không sám hối... thì (chúng ta) cũng sẽ…”

****

Đừng nghĩ rằng, lời cảnh báo của Đức Giê-su, là “lời hù dọa”. Hãy xem lời cảnh báo của Đức Giê-su như là một lời tâm tình, một lời tâm tình của một Giê-su giàu lòng thương xót, như có lần Ngài đã nói với các môn đệ trước đám đông dân chúng đi theo mình, rằng: “Ta thương xót đoàn dân này” (Mc 8, 2).

Lòng thương xót dẫn đến sự nhẫn nại. Khi sự nhẫn nại của Thiên Chúa được thể hiện, thì đó là “cơ hội” để tội nhân có thời gian trở về với tâm hồn ăn năn sám hối.

Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su không quên nói đến sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với tội nhân bằng một dụ ngôn rất đời thường. Dụ ngôn mang tên “cây vả không ra trái” (Lc 13, 6-9).

Dụ ngôn được kể như sau: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy…”. (x.Lc 13, 6) Ba năm chưa ra trái! Vậy, là hỏng rồi!

Không biết cây vả bên Palestin thời Đức Giê-su còn tại thế, có giống cây vả hiện đang được trồng ở Việt Nam không! Theo Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết: “cây vả sau khi trồng thì đến năm thứ ba bắt đầu cho quả bói.”

Ba năm, “đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, một ‘trái bói’ cũng không thấy…” thế thì chặt quách cho rồi, phải không thưa quý vị!

Đúng, bác chủ vườn nho, khi thấy cây vả của mình tệ quá nên đã bảo người làm vườn: “Anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất.

Người làm vườn có chặt không? Thưa không. Nếu chặt, thì câu chuyện còn gì để nói tới. Nếu chặt, thì còn đâu để chúng ta nhìn thấy một Thiên Chúa nhẫn nại và bao dung.

Hôm đó, người làm vườn nho, ông ta đã hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng, nên đã không ngần ngại xin ông chủ “Cứ để nó lại năm nay nữa… Tôi sẽ vun xới… và bón phân. May ra sang năm nó có trái…” (x.Lc 13, 8).

Dụ ngôn kết thúc, kết thúc với việc không thấy ông chủ vườn nho phản đối lời cầu xin của người làm vườn nho. Vâng, điều này gợi cho chúng ta nhớ đến Thánh Vịnh 136: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời”.

*****

Như vậy là mọi sự đã rõ ràng. Rõ ràng rằng Thiên Chúa rất-vui-khi-chúng-ta-ăn-năn-sám-hối. Mà tại sao chúng ta không ăn ăn sám hối nhỉ!

Dưới gầm trời này, có ai là người không có tội! Kinh Thánh có lời chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (x.Rm 3, 23).

Chúng ta phạm tội không chỉ vì chúng ta làm những điều không nên làm, mà còn là vì không làm những điều chúng ta nên làm. Tông đồ Gia-cô-bê có nói: “Cho nên, kẻ nào biết làm điều lành mà không chịu làm, thì mắc tội” (x.Gc 4, 17).

Thiên Chúa cũng rất vui khi tiếp theo sự ăn năn sám hối, chúng ta sẽ là một cây vả, “cây-vả-Kitô-hữu” sum suê nhiều trái.

Làm thế nào để cây-vả-Ki-tô-hữu sum suê nhiều trái? Thưa, hãy đến nhà thờ, đó là nơi cây vả Ki-tô hữu của chúng ta sẽ được các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể và Thánh Kinh.

Được vun xới và bón phân bằng Thánh Thể và Thánh Kinh, cây vả Ki-tô hữu của chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái, hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

Thử nghĩ xem, nếu những hoa trái nêu trên, được trưng bày tràn ngập trong gia đình chúng ta, chẳng phải là chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng ý hợp tâm đầu!

Trở về với việc sám hối, Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, trong một bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay, có lời chia sẻ, rằng: “Mùa Chay không đơn thuần là sám hối, nhưng còn là canh tân cuộc sống của mình.”

Canh-tân-cuộc-sống-của-mình chẳng phải là cách làm cho cây vả Ki-tô hữu của mình “sẽ có trái”, sao!

Thế nên, bây giờ chúng ta hãy “thăm” cây vả Ki-tô hữu của mình. Và, hãy tự tính toán xem, nó đã trồng được bao nhiêu năm, trong ngôi vườn nho Giáo Hội!

Bao nhiêu năm! Hả, mới một năm, sao! Hay đã được hai mươi, ba mươi, năm mươi, sáu mươi năm! Nó đã sinh được nhiều hoa trái! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Thiên Chúa (bác chủ vườn nho), chỉ chấp nhận “để nó lại năm nay nữa”. Tất nhiên, Thiên Chúa để-nó-lại là để “sang năm nó có trái.”

Nói theo cách nói hôm nay, Thiên Chúa muốn hết-mùa-chay-này chúng ta “có trái”. Vâng, Chúa muốn cây vả Ki-tô hữu của chúng ta “có trái”. Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái.

Petrus.tran 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây