Viết về cha
Có lẽ ai cũng ước mong có người cha thật sự tốt lành, gương mẫu cho các con, là rường cột cho gia đình, hay là nóc nhà che mưa, che nắng. Nhiều ước mơ đơn giản, lý tưởng, cuối cùng mới thấy cái “lý” mình “tưởng”...
Người cha hiền hòa, nhân hậu, đó là món quà cho những đứa con. Để sống nhân hậu, hiền hòa đó, người cha đã nỗ lực hết sức để sống tốt bên ngoài xã hội. Cuộc sống đòi cha nhẫn nhịn để giữ hiền hòa, đòi cha sống bác ái để nhân hậu, đòi cha hy sinh riêng tư để mưu cầu lợi ích chung.
Trở về nhà, các con thấy cha tốt với người ngoài mà lại khắt khe với các con, đã nhiều lần bị con kêu trách và thậm chí lên án, mỉa mai “lòng tốt bị lợi dụng”. Đã nhiều lần con chẳng chịu hiểu cha, nhẫn nhịn với lời xét đoán của các con khó hơn với người ngoài gấp nhiều lần. Vì một điều rất đơn giản: “những người mình yêu thương nhất thường làm mình đau khổ nhất”.
Có lẽ như tâm sự của một người cha: “cha thì vụng về diễn tả lòng yêu thương”. Có nhiều khi là như thế, mỗi lần đưa đón con đi học, cha cứ như người xe “ôm”, chẳng hỏi lấy một câu, con học như thế nào? Bạn bè ra sao? Lúc nào cũng canh con như cảnh sát, vẻ mặt khó chịu. Cha làm lụng vất vả, công việc khổ cực, con có hiểu, chính những công việc nặng nhọc ấy, biến cha thành nhà tu khổ hạnh, khô khốc, đôi khi cục cằn.
Cha hút thuốc, cha uống rượu, cha sống bê bết, đánh mẹ, chửi con, bất công... Những tật xấu của cha, nhiều khi phiền lòng đến các con và làm cho gia đình giống như ngục tù. Có những người con không thể tha thứ cho cha, không thể tự hào về cha mình mà luôn thấy cha là người cản lối nhiều hạnh phúc của con. Nếu những người con hiểu rằng, cha không được như những người cha khác, cha yếu đuối về tinh thần về thể xác, người cha đó cần đến biết bao đời sống cầu nguyện, hy sinh của nhiều người trong gia đình để cha được hoán cải. Kinh nghiệm này cũng thấy nhiều trong những bài viết về cha. Con người lãnh trách nhiệm với nhau phải không con? Tình cảm cha con không chỉ là chiều dọc, còn là chiều ngang. Cha cũng là người cần được nâng đỡ để được thay đổi bằng tình yêu của gia đình.
Cha không thành công, nên cha sống khép kín, bạn bè của cha cũng chỉ là những người làng nhàng, không danh tiếng. Cha không là người để con khoe với bạn bè, cha không là người con thường nhắc đến. Cha mình chạy xe “ôm”, làm than, bán rong..., đôi khi tình cờ gặp giữa phố, nó quay mặt làm ngơ và lòng đầy tức giận. Làm sao để chấp nhận: “nghề nghiệp nào cũng cao quý” và có những nghề nghiệp: “cao mà không quý”. Bao giờ các con mới hiểu: “đồng tiền chân chính làm ra từ mổ hôi nước mắt mới là đồng tiền đáng trân trọng”.
Giữa một thế giới “thực dụng”, làm sao những đứa con mới hiểu điều đó, khi chúng còn quan niệm: “có thực mới vực được đạo” và lúc nào cũng chấp nhận: “lương tâm không bằng lương tháng” hoặc “lương không bằng lậu”.
Tình cảm cha con đôi khi khác hẳn nhau về quan niệm cuộc sống. Xưa kia, đời sống cha mẹ đề cao nhẫn nại, hy sinh. Ngày nay, những đứa con không chấp nhận, xem đó như phung phá tấm lòng, như món hàng xa xỉ. Được thì dùng, không được thì bỏ, tính loại trừ luôn luôn có trong tâm trạng của người trẻ. Người cha cảm thấy không thể dạy con, những người con không thể thay đổi tính cổ hủ của cha. Cha con không thường nói chuyện với nhau, hễ nói là gây, thành ra là hai cỗ máy chỉ sống với nhau bằng trách nhiệm. Tình cha con nhạt dần đi đến ngày cha mất vẫn dửng dưng, không giọt nước mắt, chỉ thấy xong một kiếp người.
Có lẽ “viết về cha” như là một gợi nhắc xem lại “tình cha con”, tìm ra một cách dung hòa cũ mới, nhận thức, thông cảm, chia sẻ và yêu thương. Cầu nguyện cho cha và cầu nguyện cho con.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan