Câu chuyện mùa Chay: GỎI CÁ MÈ
Năm 1945 mình đi tu làm chú tiểu tại nhà xứ Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Thứ Tư lễ Tro năm 1946 mình thấy các thầy kẻ giảng tập trung về nhà xứ rất đông: Thầy Nhã, thầy Tài, thầy Viêm… Nhà xứ vui như lễ hội. Cha già cố phấn khởi như chưa từng thấy.
– Các cậu xuống ao kéo lưới bắt cá mè làm gỏi đãi các thầy một bữa…
– Vâng ạ. Xin cha già cho phép chúng con đi lấy quần đùi đã ạ.
– Cho chúng mày làm ông Adong, không cần che chúm gì hết… Bằng quả ớt chứ gì!
Chúng mình nhảy tùm xuống ao, gạt bèo, giăng lưới, đập nước. Vọc nước, quậy bùn là thú vui của tụi mình. Một thú vui được chấp thuận, được khích lệ: Sướng ơi là sướng!
Bữa cơm chay hôm ấy trở thành bữa cơm thịnh soạn nhất trong năm. Cha già cố và các thầy ăn uống phủ phê. Còn tụi mình thì không thích ăn và cũng không được phép ăn. Trẻ con không ăn gỏi cá bao giờ. Đùa giỡn thì sướng hơn!
Kể xong câu chuyện. Không thấy ai thắc mắc gì. Ai nấy đều cười vui vẻ. Ai cũng biết rằng luật chỉ cấm ăn thịt, chứ không cấm ăn cá. Không ai phát giác ra rằng ăn gỏi cá, một món ăn thịnh soạn nhất như thế là vi phạm tinh thần luật một cách trầm trọng, là nhân danh luật để vi phạm luật. Mình lấy sách lễ Roma đọc lại lời nguyện nhập lễ, để thấy mục đích của việc ăn chay, kiêng thịt.
“Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay, hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.”
Mình đọc thêm lời Tiền tụng Mùa Chay II:
“Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, để chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha.”
Như vậy rõ ràng mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt chỉ là:
- rèn luyện ý chí, nhờ việc khắc khổ trong vấn đề ăn uống và tiêu xài,
- để đương đầu và thắng các chước cám dỗ,
- đồng thời có thêm tiền bạc giúp đỡ người nghèo.
Như vậy là cha già cố của mình đã đánh mất toàn bộ tinh thần ăn chay kiêng thịt bằng bữa gỏi cá năm ấy. Nhưng nói cho cùng thì cha già cố của mình cũng vô tội. Vậy ai là người có lỗi trong vụ vi phạm luật pháp này? Phải qui trách nhiệm cho ông làm luật. Cái lối trình bày luật hình thức mà quên tinh thần luật ấy, mình đã hấp thụ ngay trong lớp thần học. Chính thầy mình đã dạy rằng: ăn vịt lộn ngày kiêng thịt là không vi phạm luật, vì vịt lộn khi còn ở trong trứng, thì chỉ là trứng, chứ không phải là vịt. Khi trình bày cái vỏ luật, thầy mình đã quên không tham chiếu tinh thần luật, nên đã lạc xa mục tiêu của luật.
Nghĩ lại chuyện xửa chuyện xưa, mình mắc cỡ quá chừng. Từ nay mình sẽ nói với anh chị em dự tòng, tân tòng và cả đạo dòng một cách giản dị rằng:
“Ngày kiêng thịt, thì ăn khem khổ. Ngày ăn chay, thì ăn ít thôi. Thắng cái thèm và cái đói để thắng cái yếu đuối. Trong những ngày ấy, chỉ nên ăn rau mà thôi. Ăn khem khổ như thế sẽ dành ra được chút tiền để san sẻ cho người nghèo”.
Tuyệt nhiên mình không nhắc gì đến chuyện ăn vịt lộn không phải là ăn thịt vịt; ăn lươn um, ếch chiên bơ… không lỗi luật kiêng thịt. Mình trả lại tất cả những thứ đó cho thầy mình. Những thứ đó không thể là hành trang của người truyền giáo. Rườm rà đến chịu không nổi! Kềnh càng đến đi không được! Phức tạp đến lầm đường lạc lối!
Nguồn: trích Nhật Ký Truyền Giáo, Cha Pio Ngô Phúc Hậu, xuất bản tại San Jose, USA 2009 trang 204-205)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn