Chỗ nhất, chỗ nhì
Thể thao không có chỗ nhì, chỗ nhất là quan trọng để vươn tới. Bởi thế trong thể thao là một môi trường học thành công và thất bại một cách khốc liệt nhất. Thể thao và Lời Chúa về chỗ nhất có tương quan gì?
Thể thao để chiến thắng lành mạnh. Học chiến thắng không là bài học dễ dàng, một vận động viên cần năng tập luyện chuyên môn và cả thể lực, tâm lý, thời gian mất bốn năm chuẩn bị so tài. Càng ra tầm cỡ thế giới càng khó khăn. Chúng ta thấy bóng đá Việt Nam ra khỏi ao làng khu vực Đông Nam Á đã khó, chưa qua nổi vòng loại Á Châu. Không dễ dàng gì để chiến thắng. Xét về cá nhân muốn vào được đội tuyển quốc gia cũng rất khó, không phải ai cũng có thể vào. Vừa chuyên môn, vừa thể lực, vừa giỏi thuyết phục được huấn luyện viên thu phục mình. Vào đội, còn tinh thần tập thể, hoà đồng, phối hợp, một tinh thần duy nhất, tinh thần đồng đội. Trong một hội đoàn, ca đoàn, giáo khu, giáo xứ… Cũng đòi hỏi một tập thể vững mạnh trong đức tin, cậy, mến, làm tăng trưởng cho giáo hội địa phương như vậy.
Cá nhân cần chiến thắng được cái tôi của mình trong đội. Dù là một ngôi sao vẫn cần khiêm tốn, giữ tinh thần đồng đội, cùng nhau làm nên thành công. Thánh Phaolô sánh ví lòng đạo sống với Chúa Kitô như vận động viên thể thao: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt.” (Pl 3, 12). Cá nhân không thể đạt tới đích nếu không có đồng đội và ban huấn luyện. Không có chủ nghĩa cá nhân trong thể thao. Chúa cứu độ không theo cá nhân mà trong Hội Thánh. Tôi tin và chúng tôi tin.
Thể thao luôn dạy một điều quan trọng hơn cả thành công, đó là học thất bại. “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13). Thất bại trong thể thao là một điều khó vượt qua nhất, bao nhiêu công sức khó nhọc, bao nhiêu thời gian luyện tập, bao nhiêu người kỳ vọng, sụp đổ trong chốc lát. Khó khăn để quên đi thất bại để tiếp tục lao mình về phía trước. Cần lau khô giọt nước mắt đau khổ để tiếp tục tập luyện và chờ đợi ngày thành công. Tội lỗi chỉ đánh gục được con người khi con người bỏ cuộc; còn chiến đấu, còn khả năng chiến thắng tội lỗi.
Trong đời sống đạo Thánh Phaolô sánh ví: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1Cor 9, 24 – 27).
Một vận động viên cỡ ngôi sao trong trận, nếu chơi xấu cũng chịu thẻ đỏ ra khỏi trận. Thẻ đỏ cũng có thể cho huấn luyện viện quá khích ra khỏi ghế điều hành đội. Vậy như Thánh Phaolô nói cũng xem chừng chính mình: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1Cor 9, 27). Không thể tự cao, tự đắc về mình, vận động viên cũng như huấn luyện viên đều như thế, chiến thắng trong trận chưa là tất cả, đích cuối cùng mà mọi người nhắm đến, đó là: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2Tm 4, 7 -8)
Chúa Giêsu dạy, chỗ nhất, chỗ nhì, không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm. Thể thao nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong đội hình, làm thế nào đạt được đích cuối cùng. Trách niệm cá nhân tới đâu? “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan