THỰC RA LÀ DẤU CHỈ
(Thứ Ba sau CN III Mùa Chay – Mt 18,21-35)
Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với câu chuyện “dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” (x.Mt 18,22-35). Tin Mừng ghi rõ lý do mà Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn này đó là vì ngài Phêrô hỏi Người rằng “nếu anh con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Và hẳn Phêrô phải chưng hững vì Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần mà là đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi.
Khi đọc đến câu kết của bài Tin Mừng: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35) thì chúng ta dễ thoạt nghĩ rằng việc tha thứ của chúng ta cho nhau là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Nếu xét chuyện anh đầy tớ tha nợ cho người bạn như là điều kiện để anh ta nhận được sự tha nợ của đức vua cho anh thì xem ra không mấy ổn. Đã là điều kiện thì bình thường luôn có sự cân xứng cách nào đó về khả năng hay mức độ với hiệu quả xảy ra. Sự chênh lệch quá rất xa giữa “mười ngàn yến vàng” và “một trăm quan tiền” khiến chúng ta xác định rằng việc xí xóa món nợ tí tẹo cho nhau thực ra chẳng phải là điều kiện để mình được hưởng nhận sự xí xóa món nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Và chúng ta có thể nói tình yêu chính là một nét căn bản trong bản thể của Thiên Chúa. Lòng thương xót, sự thứ tha là những cách thế Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người. Sự tha thứ của Thiên Chúa là nhưng không, nghĩa là vô điều kiện. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định chân lý này khi nói rằng “Chúa Kitô đã chịu chết vì chúng ta ngay khi chúng ta đang còn là những người tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Đức Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa không hề biết mệt mỏi để tha thứ”.
Thiên Chúa mãi yêu thương và ban ơn tha thứ cho chúng ta cách vô điều kiện. Tuy nhiên chúng ta có thực sự nhận được tình yêu và sự tha thứ của Người hay không mới là vấn đề. Dấu chỉ nào cho thấy là chúng ta đã nhận được ơn tha thứ? Qua câu chuyện dụ ngôn ở trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một dấu chỉ đó là sự quảng đại tha thứ của chúng ta dành cho tha nhân. Việc chúng ta quảng đại tha thứ cho nhau là hệ quả tất yếu kéo theo khi chúng ta thực sự đón nhận ân tình tha thứ của Thiên Chúa. Chuyện thường tình kiếp người đó là khi một người may mắn trúng số độc đắc hàng chục tỉ đồng thì sau đó người ấy rộng rãi hơn với anh em, với bà con và cả với nhiều người nghèo cách nào đó.
Thuở còn bé, vào sáng thứ Bảy đầu tháng khi thấy mẹ “đi nhà thờ” (đi xưng tội) về, lũ nhóc chúng tôi bỗng thấy mẹ vui. Chúng tôi thường ngửa tay xin tiền và thế nào cũng được mẹ hào phóng hơn mỗi khi. Lớn dần lên trong đức tin, chúng tôi mới hiểu một quy luật tất yếu đó là khi một nơi đón nhận được nguồn nước dồi dào từ trên thì từ nơi ấy nước ắt sẽ chảy xuống chỗ khác cách tự nhiên. Sự quảng đại tha thứ của chúng ta dành cho tha nhân thực ra không phải là điều kiện mà chính là một dấu chỉ chúng ta đã và đang hưởng nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn