TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đọc và suy gẫm Lời Chúa

Thứ năm - 27/05/2021 00:05 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   803



Chúa Nhật I – MC – A


Phải đọc và suy gẫm Lời Chúa

Đời sống của người Ki-tô hữu là một chuỗi dài của những cơn cám dỗ. Những cơn cám dỗ này nó như con đỉa đói đeo bám suốt cuộc đời của bất cứ Ki-tô hữu nào.

Thật vậy, nói đến sự cám dỗ, đó là nan đề không ai trong chúng ta lại không hơn một lần đối mặt. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo chúng ta. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Có những cơn cám dỗ nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, thế mà nó đã có thể làm cho chúng ta mất phương hướng, không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật. Cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong, lôi thẳng chúng ta xuống tận cùng địa ngục.

Mà, có phải bây giờ người Ki-tô hữu mới phải đương đầu với những cơn cám dỗ đâu! Ông Gióp, một nhân vật thời trước Đức Giê-su giáng sinh, đã nhận định rằng: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Đâu là phương thế để chế ngự cơn cám dỗ? Thưa, thánh Phaolô, với sự từng trải, ngài có lời đáp, rằng “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25).

Tác giả sách Do Thái cũng mạnh mẽ xác quyết: “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (x.Dt 2, 18)

Quả đúng vậy. Khi còn tại thế, Đức Giê-su đã trải qua những thử thách và cám dỗ rất nghiệt ngã. Thế nhưng, Ngài đã chế ngự và chiến thắng. Và, thánh Mát-thêu, một người môn đệ của Đức Giê-su, đã ghi lại chi tiết sự kiện này.

**
Câu chuyện được thánh Mát-thêu mở đầu như sau: “Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ”.

Vâng, chỉ vài lời tường thuật ngắn ngủi thôi, thế mà nó đã vẽ ra một cảnh tượng đầy kinh ngạc và âu lo.

Làm sao không kinh ngạc cho được! Đức Giê-su, như thánh Mát-thêu cho biết, Ngài là “Con yêu dấu” của Thiên Chúa, một Thiên Chúa Hằng Sống, thì làm sao “quỷ” lại có thể lộng hành quấy nhiễu Ngài! Còn âu lo ư! Vâng, rất âu lo vì liệu Đức Giê-su có thể vượt qua những ngón đòn lươn lẹo của Satan!

Trở lại câu chuyện, thánh Mát-thêu kể tiếp rằng: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói”.

Thấy đói, rồi sao nhỉ! Thưa, quỷ hay còn gọi là satan, nó xuất hiện. Đúng với biệt danh là “tên cám dỗ”, nó mon men đến gần và mở lời cám dỗ Người, rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”

Hóa bánh! Tại sao lại là hóa bánh? Thưa là bởi, satan rất sành tâm lý con người, đói thì ăn và khát phải uống. Và, Đức Giê-su lúc đó “thấy đói”…

Đức Giê-su phản ứng thế nào nhỉ! Thưa, Ngài đã lớn tiếng quát thẳng vào mặt satan, rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Và, quả thật, chính nhờ vào “mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, Đức Giê-su đã làm cho satan thất bại trong lần cám dỗ thứ hai.

Ở lần cám dỗ thứ hai, “quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ”. Rất xảo quyệt, y dùng ngay chính lời Kinh Thánh để lèo lái Đức Giê-su.

Hôm ấy, y đã nói với Đức Giê-su rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Ghê quá, phải không, thưa quý vị! Vâng, rất là ghê, nhưng là “ghê tởm”.

Tại sao gọi là ghê tởm? Thưa, vì đây là một chiêu trò bịp bợm của satan, một chiêu trò mà satan đã dùng nơi vườn Eden năm xưa, để lừa bịp nguyên tổ. Lừa bịp xoay quanh chuyện ăn hay không ăn “trái của cây cho biết điều thiện điều ác”.

Hồi ấy satan đã bịp Eva, rằng: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (x.St 3, 4-5).

Eva nghe thấy có lý và đã ăn, rồi đưa cho Adam cùng ăn, hậu quả đó là gì? Vâng, sách Sáng Thế cho biết: Eva “phải cực nhọc thật nhiều…” Còn Adam thì “phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”, thưa quý vị.

Trở về thành thánh, nơi quỷ đem Đức Giê-su đến và thách đố Ngài. Hôm ấy, Đức Giê-su có “gieo mình xuống” không? Nếu có, liệu thiên sứ có hiện đến “tay đỡ tay nâng” không? Tôi không biết!

Phần Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài đã không gieo mình xuống. Trái lại, Ngài dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”. Hôm ấy, Đức Giê-su dùng ngay “cây gậy” Kinh Thánh đập gãy lời thách thức đầy kiêu ngạo của satan, rằng: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
 
Bị hai cú “phản đòn” đau đớn, thế nhưng tên cám dỗ vẫn không nao núng. Nó tiếp tục cám dỗ Đức Giê-su. Lần này, Satan tung chiêu độc, y mang “quyền lực, danh vọng”, làm mồi nhử.

Hôm ấy, “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy”. Nó nhử Đức Giê-su, rằng: “Nếu ông sấp mình bái lạy tôi… tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó…”.

Đáp lại lời cám dỗ đầy quyến rũ, Đức Giê-su nói: “Satan kia, xéo đi. Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Ba lần cám dỗ đều được sa-tan ngụy trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần cám dỗ satan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh rất tinh vi: “vì đã có lời chép rằng” v.v… và v.v…

Tiếc thay, tất cả những mánh khóe đó đều không lòe bịp được Đức Giê-su. Không lòe bịp được, là bởi, Ngài có bửu bối: “Thánh Kinh – Lời Chúa”.

***
Thật ra, Đức Giêsu không non-tay-ấn. Ngài không dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” là bởi, nếu có làm ra, thì thứ bánh đó “ăn rồi cũng chết”.

Điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Thách thức Ngài đứng đây mà gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để biểu diễn ảo thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Sa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”.

Đức Giêsu không sập bẫy trước chiêu “khích tướng” của Satan “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Đúng, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”.

Vào hoang địa, Đức Giêsu mở trường “dạy Kinh Thánh”. Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã làm sáng tỏ đâu là chân lý, đâu “Là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Nói tắt một lời, chiến thắng những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng “Kinh Thánh - Lời Chúa” chính là vũ khí, là sức mạnh, là bửu bối, để con người “chế ngự cơn cám dỗ”.

****
Đúng như lời ông Gióp nói năm xưa, ngày nay chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ liên lỉ của Satan. Satan thời @ ngày nay cũng vẫn rất ngọt ngào và nhẹ nhàng.

Vâng, rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến độ Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phải cảnh báo, rằng: “Satan nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: ‘gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự’, nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục, nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó. Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.” (nguồn: internet)

Và, thực tế (đã) là vậy. Để không ảnh hưởng đến việc làm, đến quyền lợi, (gia đình chỉ có hai con), nhiều người Ki-tô hữu đã không ngần ngại “hút điều hòa kinh nguyệt”, và cho rằng đó không phải là “phá thai”!

Hôm nay, thứ tư ăn chay kiêng thịt, thì ăn tôm hùm, chứ nào có phải là ta “mê ăn uống”?

Vâng, toàn là những lời cám dỗ có cánh, rất… rất thuyết phục, phải không, thưa quý vị! Toàn là những lời khuyến dụ, đặt bẫy và quyến rũ…

Làm thế nào để nhận ra những lời cám dỗ, nhuốm giọng điệu lừa phỉnh này? Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên: “hãy cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.

Đúng vậy, nếu chúng ta nghe và tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, liệu chúng ta có “sa vào những chước cám dỗ” nêu trên!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, chúng ta đừng quên: Giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Sức mạnh của satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa.”

Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: đời sống tâm linh của tôi, ngoài việc được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, có còn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa (Thánh Kinh)?

Nói cách khác, tôi đã có một quyển Kinh Thánh cho mình? Tôi có đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Tôi có xem Kinh Thánh như là “ngọn đèn soi ta bước… là ánh sáng chỉ đường ta đi?”

Nếu có, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (x.Rm, 10, 8).

Bởi vì, khi “Lời Thiên Chúa” ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, bất cứ một tên cám dỗ nào bén mảng đến gần chúng ta, gươm-của-Thần-Khí sẽ giúp chúng ta “chế ngự cơn cám dỗ”.

Kinh nghiệm trong đời sống đức tin, Đức Phanxico có lời khẳng định: “Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi”.

Nói cách khác, để chiến thắng tội lội, để chiến thắng những cám dỗ của Satan, của thế gian, chúng ta phải đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Đã là một Ki-tô hữu: “phải đọc và suy gẫm Lời Chúa”.

 

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây