TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khát mong gặp Chúa Ki-tô

Thứ năm - 27/05/2021 00:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   710



Chúa Nhật III – MC – A


Hãy khát mong gặp Chúa Ki-tô

Niềm tin của một Ki-tô hữu phải là niềm tin vào Đức Giê-su. Và đời sống của một Ki-tô hữu phải là một đời sống tìm về bên Ngài.

Là một Ki-tô hữu mà sao chúng ta cảm thấy vẫn chưa tin (thật) vào Đức Giê-su… mà sao đời sống của chúng ta vẫn chưa ở bên Ngài, đó là bởi chúng ta chưa thật sự “gặp gỡ Đức Giê-su”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong một thánh lễ (cách nay bốn năm), tại Nguyện đường Thánh Marta, có lời dạy: “… Tôi phải tự hỏi mình làm sao tôi có thể tiến đến gặp Chúa Giêsu. Tôi phải có thái độ nào để gặp gỡ Chúa? Tôi có phải chuẩn bị lòng mình để gặp gỡ Chúa?... Sẽ có những bất ngờ cho chúng ta, bởi Thiên Chúa là Chúa của những sự bất ngờ. Thiên Chúa cũng không đứng yên. Tôi đang trên đường đến gặp Chúa, và Chúa đang trên đường đến gặp tôi, và khi gặp được Ngài, tôi vô cùng kinh ngạc khi biết Ngài là người tìm tôi, trước khi tôi đi tìm Ngài… Ân sủng, tình yêu và sự trìu mến dư tràn của Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm chúng ta”.

Mà, thật là vậy. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi đi tìm kiếm “những con chiên lạc nhà Israel”. Và, ngược lại, với những ai được gặp gỡ Ngài, những người ấy sẽ nhận được “nguồn vui suối an hòa”. Nói theo cách nói của Đức Giê-su: “nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Vâng, câu chuyện “Đức Giê-su tại Samari”, như một minh chứng điển hình cho những nhận định nêu trên.

**
Câu chuyện được kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Và để trở lại Ga-li-lê, Đức Giê-su “phải băng qua Samari”.

Tại sao phải băng qua Samari? Thưa, là bởi, vào thời Ðức Giê su, nước Do Thái chia ra làm ba xứ. Phía Bắc là Ga-li-lê, phía Nam là Giu-đa và chính giữa là Sa-ma-ri. Thế nên, muốn trở lại Ga-li-lê, không có lộ trình nào tốt hơn là lộ trình băng qua Samari.

Trở lại cuộc hành trình, câu chuyện kể tiếp rằng, hôm ấy, “Người đến một thành xứ Samari tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là Giu-se”.

Vì phải trải qua một cuộc hành trình khá xa, vì thế, không ngạc nhiên, khi đến “giếng của ông Gia-cop” Đức Giê-su cảm thấy “mỏi mệt”. Rất bình thường, Ngài “ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa” (x.Ga 4, 6).

Và rồi… rồi sao nhỉ! Thưa, “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”. Rồi gì nữa! Thưa, chỉ là những lời trò chuyện rất đời thường giữa Đức Giê-su và người phụ nữ.

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với người phụ nữ rằng: “Chị cho tôi xin chút nước uống”.

Ô hay! có ngạc nhiên không? Thưa có, người phụ nữ rất ngạc nhiên về điều này, nên đã nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”

Tại sao người phụ nữ Samari lại thốt lên lời nói như thế? Thưa, là bởi “người Do Thái không được giao tiếp với người Samari”. Nguyên nhân sâu xa là bởi, từ năm 727 TC, mười chi phái Do Thái phương Bắc bị Ðế quốc A-si-ri bắt làm phu tù. Vua A-si-ri đem những người Babylone đến định cư ở đó. Vì vậy có một số người Do Thái ở Samari bị pha lẫn giòng máu người ngoại bang. Chính vì thế, người Do Thái chính gốc tẩy chay người Samari.

Với Đức Giê-su, Ngài không quan tâm đến sự kỳ thị này. Và chính vì không quan tâm, hôm ấy, qua những cuộc trò chuyện tưởng như thường tình, nó đã làm đảo lộn người phụ nữ Samari đó.

Chị ta đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, và rồi bị chinh phục bởi những lời chuyện trò của Đức Giêsu.

Làm sao không ngỡ ngàng cho được! Là người Do Thái, thế mà Đức Giê-su đã không ngần ngại xin một người phụ nữ Samari “chút nước uống”. Đó là điều cấm kỵ.

Làm sao không bị chinh phục cho được! Chỉ là một kẻ xa lạ, và mới chỉ là cuộc gặp gỡ lần đầu, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái cuộc đời không mấy sáng sủa của chị ta. Chị ta không thể tin nổi khi Đức Giê-su biết rõ ràng rằng: “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4, 18).

Hôm ấy, kết thúc cuộc trò chuyện, người phụ nữ Samari chỉ còn biết thốt lên rằng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một đấng ngôn sứ”.

Và, không một chút chần chờ, chị ta để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Không dừng ở đó, chị ta còn nói tiếp rằng: “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?”

Vâng, có thể kết luận rằng, qua cuộc gặp gỡ này, người phụ nữ Samari đã thỏa lòng ước mong “tìm về bên Chúa nguồn vui suối an hòa”.

***
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su tại Samari”. Hôm đó, Ngài nói với người phụ nữ rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.

Phải chăng, chị Samari nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày? Có phải thế, nên chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”?

Vâng, chị ta đã lầm. Tuy nhiên, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu, chưa biết Đức Giêsu là ai, thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Nghĩ về hành động của chị Samari, thật phải đạo khi chúng ta tự hỏi: còn tôi, đức tin của tôi có đủ để tin vào những lời Đức Giê-su đã phán dạy rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”? (x.Ga 7, 37).

Đấy… đấy là ân sủng, và thánh Phao-lô khẳng định rằng: “…Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay” (x.Rm 5,2).

****
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi mỗi chúng ta “uống nước tôi cho”. Nước Ngài ban cho chúng ta, không phải là những chai nước mang những loại nhãn hiệu đại loại như: Sting, 7Up, Coca, Pepsi, v.v… đó chỉ là những loại nước, uống vào có nguy cơ béo phì, tiểu đường, và quan trọng hơn nữa, đó là: “sẽ lại khát”.

Nguồn nước Đức Giê-su ban cho chúng ta, đó chính là “nguồn suối Thánh Kinh”. Với nguồn nước này, chúng ta sẽ được thỏa lòng khao khát, chúng ta sẽ nhận được mạch nước của Thần Khí: mạch nước bác ái, mạch nước nhẫn nhục, mạch nước nhân hậu, mạch nước từ tâm, mạch nước trung tín, mạch nước hiền hoà và tiết độ.

Chính những mạch nước này sẽ thoả lấp những cơn khát của chúng ta, những cơn khát yêu thương: tình yêu thương gia đình, tình yêu thương vợ chồng, tình yêu thương tha nhân.

Hay, chúng ta lại mải mê bu quanh bờ-giếng-trần-thế, mong sao giải quyết được những cơn khát thuộc trần gian: cơn khát quyền lực, cơn khát danh vọng, cơn khát tiền bạc, cơn khát tình dục, v.v...?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta muốn thỏa lòng mong ước những cơn khát thuộc trần gian, hãy nghe Cohelet nói: “Phù vân, quả là phù vân... tất cả chỉ là phù vân. Thú vui trần gian ư?! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư?! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư?! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người... Tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 2,11).

Đừng bao giờ quên điều Kinh Thánh đã truyền dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì”.

*****
Cuối cùng, và cũng là điều rất quan trọng, đó là hãy tự hỏi: làm thế nào để chúng ta có thể nhận được “nước uống Chúa ban… thứ nước để (chúng ta) sẽ không bao giờ khát nữa… (và) đem lại sự sống đời đời?” (x.Ga 4, 13).

Thưa, rất giản dị, đó là: hãy tìm để được “Gặp Gỡ Đức Giê-su”. Tìm Ngài ở đâu? Thưa, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể và nơi Thánh Kinh.

Gặp gỡ Đức Giê-su nơi bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ mỗi ngày một nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Nói, theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x.Gl 2, 20).

Đức Ki-tô sống trong tôi, có phần chắc, tôi sẽ “được sống muôn đời (và) sống lại vào ngày sau hết” (x.Ga 6, 54).

Còn gặp gỡ Đức Giê-su nơi Thánh Kinh thì sao nhỉ! Thưa, chúng ta sẽ lĩnh hội được nhiều điều Ngài truyền dạy, những lời truyền dạy giúp chúng ta xua tan đi những cơn khát “chân lý và sự thật”, là những cơn khát, có vẻ như đại đa số con người của thời đại ngày nay, không bận tâm đến.

Khi đã thỏa lòng những cơn khát chân lý và sự thật, đó chính là lúc chúng ta “trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”, cho chính chúng ta.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô. Bởi vì, “Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Ki-tô đón nhận ơn tái sinh”.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô. Bởi vì… “Vì Chúa chính nguồn suối, nguồn yêu thương vô biên. Biển yêu thương nối liền các hoang đảo giữa đại dương” (Lm. Tiến Lộc).

Thánh Vịnh (42, 1) có chép rằng: “Như nai rừng khát mong nguồn suối, hồn con cũng khát mong Chúa”. Nếu… nếu được phép, nên chăng, chúng ta nói rằng: “Như nai rừng khát mong nguồn suối, là người Ki-tô hữu, con cũng khát mong gặp Chúa Ki-tô”.

Vâng, đừng khát mong gì cả, vì tất cả chỉ là phù vân, mà “hãy khát mong gặp Chúa Ki-tô”.

 

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây