TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

VÁC THẬP GIÁ

Thứ năm - 27/05/2021 00:03 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   746
VÁC THẬP GIÁ

VÁC THẬP GIÁ


 

Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ba lần tiên báo cuộc khổ hình thập giá mà Người phải chịu bởi tay các Kỳ lão, Thượng Tế và Luật sĩ ở Giêrusalem (x.Mt 16,21;17,22-23;20,17-19). Vậy có thể khẳng định rằng khổ nạn thập giá của Người không phải là dữ kiện ngẫu nhiên mà có thể xem là tất yếu như một giá phải trả để Người đạt mục tiêu hoàn thành sứ mạng của mình. Thử hỏi nếu Chúa Giêsu sống vào thời này thì Người có phải chịu tử nạn với án hình thập giá không và bởi tay của những ai? Câu hỏi quả là không dễ trả lời.

Nào chúng ta cùng xét xem án hình thập giá thời Chúa Giêsu là gì? Chủ thể áp đặt nó chính là Chính Quyền đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái lúc bấy giờ. Đế quốc Rôma áp đặt thứ án hình tàn bạo ấy lên đám dân bị trị để kìm hãm họ trong kiếp đời nô lệ. Quan Philatô đã dùng án hình ác độc này để trừng trị những người Do Thái nổi lên làm cách mạng giải phóng dân tộc và qua đó dập tắt những ý chí những ai muốn giành lại sự độc lập cho dân tộc. Như thế, những người bị án hình ấy chính là những người quả cảm không cam chịu cảnh kiếp nô lệ. Họ yêu nước, thương dân, can đảm chịu mọi gian nguy để cho dân tộc mình được hưởng sự độc lập tự do.

Với Chúa Giêsu thì sao đây? Chắc chắn khổ hình thập giá mà Người gánh chịu không phải là giá phải trả cho sự độc lập tự do của dân tộc giới hạn trong lãnh vực chính trị và đất nước Do Thái của Người. Dưới ánh sáng đức tin thì chúng ta tin nhận Chúa Giêsu gánh lấy khổ hình thập giá là để giải thoát nhân loại chúng ta khỏi vòng nô lệ của thần dữ hầu đưa nhân loại trở về cảnh đời tự do của người con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên việc Chúa Giêsu chỉ rõ danh phận những người áp đặt khổ hình thập giá trên Người đó là các Luật sĩ, Kỳ Lão, Thượng tế ở Giêrusalem lúc bấy giờ khiến chúng ta cần suy nghĩ đôi điều. Phải chăng một cách nào đó, một phần nào đó họ đã và đang là “công cụ” của thần dữ kìm giữ con người nói chung và cách riêng dân Chúa thời ấy trong cảnh kiếp nô lệ? Xin đừng quên họ là những người lãnh đạo cao cấp về tôn giáo lúc bấy giờ.

Trong phiên tòa xét tội Chúa Giêsu thì các vị lãnh đạo tôn giáo lúc ấy đã cho người làm chứng tố cáo Người đã từng muốn “phá hủy” Đền thờ Giêrusalem và sẽ xây lại trong ba ngày (x.Mt 26,61; Mc 14,58). Chính Chúa Giêsu đã nói điều đó và Người khẳng định là sẽ xây lại Đền thờ không phải do tay người phàm. Sự việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, Người bện dây thừng thành roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò ra khỏi Đền thờ và hất tung bàn ghế những người đổi tiền là một trong những nguyên cớ khiến các vị lãnh đạo Do Thái giáo lúc ấy quyết định giết Người.

Tin Mừng thứ tư tường thuật rằng sau khi chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy Chí Thánh, các môn đệ nhớ lại dữ kiện này và tin rằng Đền thờ đây chính là thân thể Thầy mình (x.Ga 2,22). Tuy nhiên hai từ Đền thờ nhắc nhớ chúng ta đến cơ chế và luật lệ của một Giáo hội. Phải chăng cái cơ chế của Do Thái giáo lúc bấy giờ đã xơ cứng và không ít luật lệ do những người lãnh đạo đề ra đã không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Ngoài ra còn phải kể đến lối sống giả hình và sự tham lam vô độ của nhiều lãnh đạo mà Chúa Giêsu đã thẳng thừng phê bình, khiển trách.

Trở lại với câu hỏi ở trên: nếu Chúa Giêsu sống vào thời này thì Người có phải chịu tử nạn với án hình thập giá không và bởi tay của những ai? Một câu hỏi khiến chúng ta cần xét suy và thực lòng sám hối nếu cái cơ chế Giáo Hội Công giáo chúng ta đang bị xơ cứng lãnh vực nào đó và một vài luật lệ của chúng ta chưa thực sự giúp đoàn tín hữu sống đời tự do của con cái Thiên Chúa, nếu không muốn nói là đang kìm hãm đoàn dân Chúa sống nội hàm của lời Kinh Lạy Cha.

Theo thiển ý thì những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc cải tổ cơ chế giáo triều, nhiều lời huấn dụ của Ngài nhấn mạnh đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, lối sống và cung cách xử thế thân tình và gần gũi của Ngài là một trong những việc thanh tẩy Đền thờ vậy. Ai muốn theo Chúa Kitô và làm môn đệ của Người thì phải vác lấy thập giá mà thôi. Bản thân tôi, tôi tin rằng Đức Phanxicô đang vác thập giá theo chân Thầy Giêsu.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây