TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kiện toàn hóa lề luật

Thứ tư - 26/05/2021 23:54 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   742



Chúa Nhật VI – TN – A


Phải kiện toàn hóa lề luật

Sống pháp luật, hay nói cách khác, pháp luật cho cuộc sống là điều không thể thiếu trong xã hội con người. Mỗi một quốc gia, đều phải có pháp luật của quốc gia đó. Trong lãnh vực thế giới, cũng phải có pháp luật của thế giới, đó là luật quốc tế.

Pháp luật đặt ra để làm gì? Thưa, chúng ta tạm hiểu một cách vắn tắt rằng: “Pháp luật được sinh ra với mục đích bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng. Nếu không có pháp luật bảo vệ hoặc pháp luật không đủ sức mạnh để bảo vệ, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn”. (nguồn: internet)

Vâng, rất hay và rất tốt đẹp cho một quốc gia có một nền pháp luật đủ mạnh để bảo vệ các giá trị đạo đức nói chung và một cuộc sống an lành nói riêng, cho người dân.

Đáng tiếc thay, ngày nay nền pháp luật của một số quốc gia (không tiện nêu tên ở đây) lại trở thành “cái gông” tròng vào cổ người dân.

Israel, thời Đức Giê-su còn tại thế, cũng đã rơi vào tình trạng này. Nền pháp luật của đất nước này là cả một rừng luật, với 613 luật được ghi trong sách Torah. Những điều luật này được chia thành 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Có điều luật chỉ cấm nam giới nhưng không cấm nữ giới. Có điều luật chỉ dành cho thầy tế lễ, thầy tư tế, thầy Lê-vi, v.v…

Rắc rối và phức tạp, như thế đấy. Thế nên, nói luật Do Thái thời đó như một cái gông tròng vào cổ cả một dân tộc, cũng không là quá đáng. Chính vì những rắc rối và phức tạp này, nó đã khiến cho những thầy kinh sư lúng túng khi thực thi lề luật.

Chính vì thế, một ngày nọ, có một ông kinh sư đến gặp Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.

**

Khi nói về luật pháp, quan điểm của Đức Giê-su về “luật” rất nhân bản, một sự nhân bản từ cổ tới kim, chưa ai thấy vậy bao giờ.

Thì đây, chúng ta hãy nghe Ngài tuyên bố: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”.

Chưa hết, hôm ấy Ngài còn đưa ra lời truyền dạy khiến ai nghe qua cũng phải “lạnh lùng sương rơi heo may, buồn ngơ ngác bóng chim bay”. Vâng, làm sao không “ngơ ngác” cho được khi Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết; ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (x.Mt 5, 28).

***

Chớ… chớ nghĩ rằng, Đức Giê-su quá khắt khe khi đưa ra những lời truyền dạy nêu trên.

Thật vậy, đưa ra những lời truyền dạy nêu trên, Đức Giê-su đã “tặng” cho các môn đệ xưa, (và nay là chúng ta) một chiếc “áo giáp”, một chiếc áo giáp để ngăn cản những viên đạn “điêu ngoa, xảo trá, tà dâm, lẳng lơ”, là những viên đạn có thể bắn thủng trung tâm não bộ yếu đuối của bất cứ ai.

Đôi mắt, như chúng ta thường nói: là cửa sổ tâm hồn. Nó chính là “tiền đồn” để ngăn cản hoặc tiếp đón những gì là tốt đẹp cũng như những gì là xấu xa. Còn cái miệng, đừng quên, người xưa có nói: “cái miệng hại cái thân”.

Với đôi mắt, đừng quên bài học đau thương của nguyên tổ Eva. Thuở ấy, chỉ vì đôi mắt của bà “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”… “Thấy và trông” để rồi “bà hái trái cây mà ăn...”. Và kết quả là: Ôi! Lạy Chúa! “Con rắn... con rắn đã lừa con”...

Cũng với đôi mắt, Vua David đã “nhìn trộm” một người đàn bà đang tắm… Rồi chuyện gì đã xảy ra! Thưa, David “thèm muốn”… thèm muốn rồi “Vua David sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm-với-nàng...”. Rồi sao nữa? Thưa, theo thời gian, kết quả “siêu âm” cho biết: có một thai nhi sống trong lòng tử cung. Vâng, đó là cách nói của ngày hôm nay. Còn thời David thì sao! Rất giản dị, rằng nàng-có-thai.

Nàng có thai rồi sao nữa nhỉ? Thưa, ngài David tìm đủ mọi cách để “bán cái”, bán cái cho ông chồng của nàng . Bán cái không xong, ngài David đã dùng độc kế giết chồng của người đàn bà đó… (Vâng, nếu thời đó, có những vị lang y biết phá thai, có lẽ ngài David sẽ mời họ đến… đến để trục thai nhi khỏi tử cung, đơn giản hơn là dùng độc kế giết người chồng, phải không thưa quý vị!).

Trở lại với mưu độc của David. Hồi ấy, sau khi giết người chồng xong, David “ẵm nàng về dinh”, ẵm về một cách danh chính ngôn thuận, ẵm về như thể là mình đã ban cho nàng một ơn phước.

Đôi mắt, chỉ từ đôi mắt nhỏ bé thôi, thế mà vì không biết kiểm soát nó, nó đã khiến xảy ra một án mạng.

Chính vì thế, đừng ngạc nhiên khi Chúa Giê-su đưa ra lời phán truyền mạnh mẽ, rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5, 29).

Còn “cái miệng” phải làm sao đây! Thưa, Kinh Thánh dạy rằng: “Phúc thay kẻ không ăn nói lỡ lầm”. Không ăn nói lỡ lầm thì sẽ “không vấp ngã về lời nói”, không vấp ngã về lời nói, “ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân” (x.Gc 3,2).

Khi làm chủ được toàn thân thì sao nhỉ! Thưa, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “chửi người này, mắng người kia, rủa người nọ”, đúng không!

“Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145,8). Thế nên, đừng ngạc nhiên khi Đức Giê-su có thêm lời truyền dạy, rằng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

“Liệu ta có phải hiểu theo từng lời từng chữ những gì Đức Giê-su dạy không? Liệu ta có phải bỏ dở thánh lễ, đi tìm người mình đã xúc phạm, hầu có thể tiến hành ngay việc làm hòa?”. Đó… đó là những câu hỏi đã được Lm. Charles. E. Miller đưa ra và đồng thời ngài có lời khuyên, rằng: “Bước đầu tiên chúng ta phải làm là cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”.

Tại sao phải “Cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”? Thưa, là bởi, khi chúng ta “hòa giải và tha thứ”, điều đó nói lên rằng, chúng ta đang tiếp tục thực hiện sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng kiện toàn lề luật, luật “mến Chúa yêu người”, mà Ngài đã truyền dạy.

Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến luật hôn nhân gia đình. Vâng, nói tới điều luật này, chúng ta phải nhìn nhận rằng: rất nhân bản, nhân bản ở chỗ “không được ly dị”.

Hôm ấy, không vòng vo tam quốc, Đức Giê-su tuyên bố: “luật (xưa) dạy rằng: ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

****

Đã có không ít người cho rằng, làm thế nào để kiện toàn những lề luật này? Làm sao để chúng ta thực thi những lề luật xem ra quá khó thực hiện, mà Đức Giê-su đã truyền dạy?

Xin thưa, trước hết là hãy có “tâm tình yêu thương”, bởi vì như lời Kinh Thánh dạy: “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại…” (Rm 13, 10).

Đúng vậy, một khi đã có tình yêu thương “yêu người như chính mình vậy” có phần chắc, chẳng ai lại “giận anh em mình... mắng anh em mình... chửi anh em mình” (Mt 5, 22). Một khi chúng ta yêu-người-như-chính-mình-vậy, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “làm hại” anh em mình.

Cũng nằm trong sự yêu thương. Một khi mọi người đã thật sự “yêu người lân cận như chính mình” thì có ai dám qua hàng xóm láng giềng cướp của giết người!? Một khi người chồng hay người vợ thật sự yêu-thương-nhau-như-chính-mình thì làm gì có chuyện “rẫy vợ”!

Vâng, Đức Giê-su đã nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môse hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Và, hôm nay, chúng ta chính là những người tiếp nối sứ mạng của Ngài. Tại sao lại là chính chúng ta? Thưa, là bởi, chúng ta đang sống trong một thế giới có cả một “rừng luật” nhưng lại toàn là thứ “luật rừng”, những thứ luật chỉ đem đến sự bất công, đem đến sự chết chóc (luật phá thai), đem đến sự khẩp khiểng trong gia đình (luật hôn nhân đồng tính), đem đến những đứa trẻ không còn cha hoặc không còn mẹ (luật ly dị), v.v… là một Ki-tô hữu, chính chúng ta phải là những người “kiện toàn hóa” những lề luật (nêu trên) đã được Đức Giê-su truyền dạy.

Không cần ở đâu xa, mà hãy kiện toàn hóa ở ngay chính trong gia đình mỗi chúng ta.

Kiện toàn hóa lề luật Đức Giê-su truyền dạy, chúng ta được gì? Thưa, có phần chắc, gia đình chúng ta: “anh em hoà thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu” và cuối cùng là “láng giềng thân thiết”.

Kiện toàn hóa lề luật Đức Giê-su truyền dạy, chúng ta được gì? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ thay đổi được bộ mặt “lem luốc” của xã hội, lem luốc bởi sự dâm bôn, bởi thói phóng đãng, say sưa chè chén, bởi sự hận thù, bởi tính nóng giận, chia rẽ, bè phái, v.v… nơi chúng ta đang sống.

Chúng ta phải kiện toàn hóa lề luật Đức Giê-su đã truyền dạy, bởi làm như thế chúng ta mới được xem là đã “nên hoàn thiện, như Cha (chúng ta) trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Cuối cùng, thưa quý vị, quý vị có muốn “được vào Nước Trời?” Nếu muốn… nếu muốn chúng ta hãy “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-seu” .

Thế nào là “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-seu”. Thưa, đó là, hãy chú tâm vào những lời truyền dạy của Đức Giê-su, đặc biệt là lời truyền dạy, rằng: “Thầy đến… là để kiện toàn”. Nói rõ hơn, chúng ta phải kiện toàn hóa lề luật Đức Giê-su truyền dạy.

Vâng, chính chúng ta, phải kiện toàn hóa lề luật.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây