Bảy sự Thương khó của Mẹ Maria.
Như người ta thường sánh ví về tình yêu của người mẹ là “biển trời mênh mông”. Trong cõi trời mênh mông của tình yêu ấy lại là những điều nhỏ nhặt nhất mà mẹ thường mang nặng cho con: “Con ho lòng mẹ tan tành, Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”. Việc suy gẫm bảy sự thương khó của Đức Maria cũng diễn tả tình mẫu tử rộng lớn ấy.
Sơ lược lịch sử:
Bảy sự bao gồm:
1. Nghe Simêon nói tiên tri (Lc 2,34-35).
2. Trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-21).
3. Lạc mất Chúa Giêsu ở Jesusalem trong ba ngày (Lc 2,41-50).
Bốn sự thương khó khác liên hệ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu:
4. Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu trên đường đến núi Sọ.
5. Chúa Giêsu bị đóng đinh.
6. Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thánh Giá trao vào tay Đức Mẹ.
7. Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.
“Có hai ngày lễ kính Bảy sự thương khó Đức Mẹ: trước hết là ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Thương Khó, đã được Giáo hoàng Biển Đức XIII mở rộng cho toàn thể Hội Thánh vào năm 1727. Ngày thứ hai là ngày 15 tháng 9, ban đầu vào năm 1668 chỉ dành cho Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ nhưng tới năm 1814, Giáo hoàng Piô VIII đã áp dụng cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo. Từ khi lịch Rôma được sửa đổi sau Công đồng Vatican II chỉ có ngày lễ 15 tháng 9 là được giữ lại nhưng được đổi tên thành lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi“. (Lm Đặng Xuân Thành, 2008, Từ Điển Công Giáo phổ thông).
Cuộc thương khó mang tên người mẹ:
Vẫn biết trong đời có nhiều người yêu thương, nhưng đâu có tình thương nào lớn lao và cảm nghiệm sâu xa hơn tình cha mẹ dành cho con. Được cưu mang trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, không chỉ được dưỡng nuôi bằng dòng máu mà còn được ấp ủ bằng ước mơ, hoài bão về người con cưu mang. Cha mẹ chắp cho con đôi cánh ước mơ, biết rằng những ước mơ ấy chính cha mẹ cần hy sinh nhiều, lao nhọc nhiều, nhưng đó không phải là điều bận tâm, chỉ mong con được an vui hạnh phúc. Cũng thấy vậy, khi Mẹ Maria nghe về tương lai của con là Chúa Giêsu, vừa mừng vừa lo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34 - 35). Điều này Mẹ Maria hằng suy đi nghĩ lại để dõi theo cuộc đời của con.
Lớn hơn một chút. Một sớm mai thức dậy, đã thấy mẹ thức dậy từ khi nào, bữa sáng ngon lành đã chuẩn bị, áo quần cho con đã tươm tất, mọi sự cho con đến trường đã sẵn sàng. Cảm động biết bao khi biết đó là công sức của cha, tình yêu của mẹ, mong cho con nên người khôn lớn, giỏi ngoan. Rồi không những cho con học hỏi kiến thức, còn chuẩn bị cho con đến nhà thờ gặp Chúa, học hỏi Giáo Lý, tham dự Thánh lễ, chờ đợi, đưa đón. Nhớ lại khi xưa, Mẹ Maria cũng tình mẫu tử lên đường đi Giêrusalem. Cha tưởng con đi về với mẹ, mẹ tưởng con về với cha. Cuối cùng hai người gặp nhau mới biết là lạc mất con. Đó là cái buồn của những ngày mất con, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu buồn lo. Hằng ngày đưa đón, hằng ngày chở con sau yên xe, bây giờ lạc mất, có nỗi đau nào như gươm thấu như thế. Cứ suy mới thấy lòng yêu thương, tình cha mẹ lớn biết bao dường nào.
Rồi những ngày thương đau ập đến. Những đứa con của mẹ, những đứa con được giáo dục với lòng nhân từ, bao dung, tính quảng đại, lớn lên trong bao điều ngay thẳng. Ra đời gặp những sự dữ vây quanh, biết bao lọc lừa, những điều dối trá. Những đứa con của mẹ bao lần bị xâu xé từ tận đáy lòng, “sống sự thiện không dễ”, đứa này chê, đứa khác khinh, chẳng biết gì, sống như người dở hơi. Đấy là sự thương khó của cha mẹ khi con về tâm sự. Cha mẹ sinh con, dưỡng nuôi con bằng sự tốt lành, để rồi chính con khi sống sự tốt lành ấy lại bị nhiều người ghen ghét. Sự kiện đó, người Mẹ xưa kia cũng nghiệm thấy đau thương hơn thế trong cuộc đời Chúa Giêsu. Biết Con mình vô tội, nói và làm những điều tốt đẹp, vậy mà bị khinh: “Mất trí”, “quỷ ám”, bị hàng tư tế, kinh sư, biệt phái tìm hãm hại. Không đi với sự ác, sự dữ thì luôn bị sự dữ tấn công. Cha mẹ biết thế, nên vẫn cương quyết chịu đau khổ cùng con để chia sẻ niềm tin: “sự thật sẽ giải thoát” (Ga 8, 32).
Mong con những sự tốt lành đến, nhưng cuộc đời không dành cho những sự tốt lành ấy lên cao, khi xã hội không thích điều chân thật, không thích sự công minh, không thích những người đi bằng chính khả năng của mình. Những người con của mẹ, thi hành những điều ngay chính luôn bị gạt xuống ở những vai trò thấp kém, sống những điều công bằng luôn phải làm những việc vất vả mới giữ được chỗ, muốn sống bằng khả năng chính mình nhưng lại bị gạt ra làm chỗ tạp vụ hoặc ra ngoài làm công. Cái giá phải trả nhiều khi đau đớn cho những người con sống chết cho điều ngay thật, đôi khi phải chịu tội, chịu đọa đày trong chốn ngục tù. Biết bao đau khổ với người con vẫn là nỗi đau khổ của người cha, người mẹ gấp bội. Như xưa Mẹ đứng dưới chân Thập giá đang treo chính người Con của mình. Đau đớn tột cùng bởi vì sự ác tột cùng của con người đã đàn áp, đóng đinh người con vô tội. Mẹ đứng đó, để nói cho những người cha mẹ đang thương đau trong trần thế này một sự chia sẻ đến tận cùng của lòng yêu mến sự thật, chân lý và tình yêu. Để chân lý lớn lên bằng sự tưới gội của tình yêu hiến tế.
Suy ngắm Mẹ Bảy Sự, không chỉ là chiêm ngắm những sự kiện xưa kia, mà ngay chính hôm nay, những người con của Mẹ, đang chịu sự dữ xử án khi sống ngay thẳng, công bằng và tình yêu. Xin Mẹ cũng cầu bầu cho các bậc cha mẹ và những người con đang đau khổ dưới nhiều hình thức, với nhiều phương thức.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn