Y phục Lễ Cưới.
Dĩ nhiên câu chuyện dụ ngôn “y phục lễ cưới” (Mt 22, 1 – 14) không nói đến nghĩa đen là bắt tội những người không được mời vào bàn tiệc cưới mà không mặc y phục lễ cưới. Câu chuyện này nói lên nhiều ý nghĩa cho cuộc sống thường ngày.
Y phục là đặc thù của con người, ý thức được bản thân, biểu lộ nét đặc trưng vẻ đẹp của tâm hồn. Con người có thể mặc cho loài vật chiếc áo, song chẳng bao giờ che đậy được bản năng thú tính của con vật hoặc cũng chẳng thể khoác vào nó một nhân tính. Bởi vậy, y phục không chỉ là thời trang mà không có ý nghĩa biểu lộ ưu phẩm của con người, cần biểu lộ một phẩm vị cao trọng trong cách ăn mặc.
Y phục mang biểu hiện của tinh thần, nhân cách của con người mang nó. Y phục biểu lộ cá tính, tao nhã, đứng đắn, tinh tế, tâm hồn của con người, nó làm cho con người ra con người. Ngược lại, y phục cũng có thế biến con người thành cái giá áo, trơ bộ khung xấu xí của nhân cách, bày lộ một cá tính xấu xa, xương xốc, biểu lộ dục vọng nhơ uế của con người mang nó, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, y phục không che nổi một nhân cách ty tiện, đê hèn.
Y phục, trong các lễ quy y, trao áo, đều mang một ý nghĩa quan trọng, sống làm sao xứng đáng với y phục mình được trao. Trong quân y, cũng biểu lộ một tư cách xứng đáng của một quân nhân; trong tu phục cũng đòi hỏi một đời sống thánh hiến hoàn toàn; y phục công sở cũng bày tỏ tính cao thượng của việc làm. Y phục không làm nên thầy tu, nhưng y phục đòi hỏi thầy tu phải xứng đáng với y phục mình mang.
Trong thị kiến của Daniel, y phục của người mang nó, biểu hiện sâu xa của một tâm hồn thánh thiện, thanh thoát, siêu việt: “Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng” (Dn 7, 9). Ước mong một sức sống mãnh liệt, biểu lộ khát khao cơ bản của y phục được mang: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi áo choàng cứu rỗi, mặc cho tôi y phục đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10).
Y phục mới và con người mới được bày tỏ trong sách Baruc: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi” (Br 5, 1). Con người cũ là con người tội lỗi, cởi bỏ tấm khăn choàng tội lỗi để mặc lấy vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4, 22 – 24).
Y phục lễ cưới. Nước Trời sánh ví như một tiệc cưới đãi thực khách hằng ngày hằng giờ. Mặc y phục lễ cưới là một cách nói trang sức cho mình bằng y phục của đời sống phẩm hạnh để tạ ơn không ngừng. Tạ ơn và nhận ra cuộc đời ngập tràn niềm vui hơn cả những sầu khổ. Cuộc đời được thết đãi hơn là do chính mình làm ra, nhận thức sâu xa được rằng, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào Chúa vẫn thương yêu. Thiên Chúa, Người thết đãi ta như một vị khách quan trọng và yêu mến trong ngôi nhà của Người: “Hẳn vì thế nguồn vui người gửi trong tôi tràn đầy. Hẳn vì thế người đã xuống cùng tôi nơi đây. Ôi, chúa cả muôn trời, tình người yêu thương sẽ ở nơi nao nếu tôi không sống để chịu tuổi đời?” (Lời dâng, 56, R. Tagore).
Bạn thân mến! Bạn hãy biết một điều rất quan trọng, bạn là một người khách yêu quý của Thiên Chúa, bạn được mời vào trong đại hội của trần thế, bạn có một vai trò rất đặc biệt trong tình thương của Người. Bạn hãy mặc những y phục xứng đáng với tình thương yêu của Người dành cho bạn.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn