Đừng xao xuyến
Một điệp khúc nghe khá quen trong đời sống hằng ngày nhưng lại khó thực hiện nhất trong thường ngày. Một câu nói an ủi, khích lệ hay là một câu nói xác định từ nơi Chúa Giêsu ngỏ lời: “Lòng các con đừng xao xuyến, Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chắc chắn đây không phải là câu nói an ủi khích lệ nữa vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”, là căn cứ đích xác vào Thiên Chúa đang hiện hữu trước mắt các Tông Đồ trong Chúa Giêsu, câu trả lời ở hẳn một chương 14 về sự xác quyết này. Vậy câu hỏi dành cho các Tông Đồ và cho chúng ta tại sao còn xao xuyến?
Xao xuyến lay động vì con người còn đặt một tương lai hy vọng ngoài Thiên Chúa: Thảm trạng của con người từ nguyên thủy đã là một tìm kiếm những gì không thuộc về Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng, cây trái cấm Thiên Chúa đã cảnh giác “ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi sẽ chết” (St 2, 17). Con người đã ăn trái cây cấm ấy, sự chết đã đi vào trong thế gian. Con người chúng ta thật kỳ lạ, ưa thích mạo hiểm một cách như người ta thường nói: “chết vì thiếu hiểu biết”, đổi một tương lai chắc chắn để nắm giữ một tương lai ảo vọng. Cái gì đã khiến con người mê muội như vậy? Bởi một điều đơn giản, con người không muốn “tùy thuộc vào Thiên Chúa”, cho dù đó là Đấng tạo dựng nên mình. Con người, thật là một hữu thể tự do không cùng, tự do khước từ hay đón nhận Thiên Chúa. Trong suốt chiều dài lịch sử niềm tin của dân Do Thái, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa nói qua tổ phụ và các tiên tri những sứ điệp chân thật và yêu thương của Ngài để chỉ mong nơi dân của Ngài đạt được một hạnh phúc không bao giờ mất bằng những lời lẽ như “phải chi, ước gì”: “phải chi các ngươi nghe Ta, đừng mang thần lạ về nhà”, “ước gì khi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa”. Bao nhiêu lần Thiên Chúa phải chi, ước gì qua cách này hay cách khác mà dân Chúa vẫn thích bỏ qua ngoài tai như không nghe, không thấy.
Xao xuyến lay động vì con người còn đầy ắp lòng dục xấu xa đê tiện: Bình an tự tại là một bình an sẵn có trong tâm hồn con người, không cần phải thiết lập mà cũng chẳng cần phải tìm kiếm mà điều cần là khơi trong lòng dục. Tại sao không nói theo ngôn ngữ Phật: “diệt dục” để “diệt khổ”. “Dục” bao hàm lòng tham và ước muốn. Lý tưởng và dục vọng là hai điều trái nghịch nhau nhưng dục vọng lại trở thành động năng mạnh nhất để đạt tới mức độ lý tưởng cao nhất, chính vì vậy diệt dục đến trọn bộ thì cũng là diệt mất lý tưởng cao nhất. Vậy dục vọng là gì mà có thể trở thành động lực mạnh nhất để thúc đẩy lý tưởng hoàn thành cao nhất? Dục vọng nơi con người là mãnh liệt nhất bởi vì ước vọng được sống dồi dào và phong phú nhất. Ước vọng sống và phát triển hữu thể sống nơi mình là nguyên nhân dẫn đến dục vọng. Jean Lacroix nói: “ở đâu bản năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn”. Con người nhiều dục vọng nhất nên con người cũng đầy nhân cách nhất, nhân cách con người được thăng tiến khi con người khơi trong được lòng dục, nhờ con người có lý trí… Ước muốn sống là ước muốn chính đáng được Thiên Chúa thánh hiến nó, Chúa Giêsu nói “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết”, nhiều đoạn Thánh Kinh cho thấy dòng chảy của ước muốn này: “như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong” (Tv 42, 2), “như mắt nữ tỳ hướng về tay bà chủ” (Tv 123, 2). Khát vọng hướng về Chúa là khát vọng được sống bởi chính Chúa là cội nguồn sự sống.
Lòng dục là một ước muốn liên tục và dai dẳng nhất trong cuộc đời con người nên cũng khó có thể tránh được những nguy hiểm và sự tàn phá của ước muốn bất chính.
Ước muốn từ nguyên thủy quy hướng về cái đẹp: “cây cấm, ngon lành và đẹp mắt”. Ước muốn từ nguyên thủy xuất phát từ đôi mắt, và Chúa nói: Nếu mắt anh em làm cớ cho anh em phạm tội thì hãy móc con mắt đó đi, thà mất con mắt mà vào nước thiên đàng còn hơn đủ hai mắt mà sa vào hỏa ngục. Chính vì vậy mà người ta nói: “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”.
Đôi mắt thèm muốn, dục vọng: Ước muốn này thường thấy thể hiện ở nơi nhiều người nuôi mộng giàu sang, phú quý, thích trang trí cho ngôi nhà, căn phòng, bản thân những món đồ thời trang, dầu thơm, nước hoa, đắt tiền nhất. Khát vọng về cái đẹp không phải là tội nhưng ẩn trong cách chiếm hữu được cái đẹp ấy mới làm nên tội, chính vì vậy từ khát vọng có thể dẫn đến một lòng tham không cùng. Tham mọi cách để giàu, cướp đất của người khác để giàu, nhận lót tay của người khác để giàu, gian dối để giàu, mua quyền bán chức để giàu, mua chính sách ưu đãi đạt được đặc quyền đặc lợi để giàu, trăm ngàn cách xấu xa bỉ ổi để giàu. Giàu do nhờ lao động chân chính ngay thẳng là cách làm giàu được chúc phúc, bởi vì chính họ đang làm cho đời sống của nhiều người được ấm no hơn, hạnh phúc hơn, mang nhiều vẻ đẹp hơn cho cuộc sống. Thế nhưng, cách làm giàu chân chính ấy luôn bị xô đẩy, bị lợi dụng, chèn ép để đi về cùng một phía bất chính. Trong một xã hội thiếu công bằng và minh bạch, người công chính khó có thể làm gì hơn được, mặc dầu vẫn phải nỗ lực và kiên trì. Chúng ta yêu mến những con người chân chính đó, nhờ họ, xã hội cũng còn có những tia hy vọng, những con người ân nhân của đất nước.
Con người là một hữu hạn thế nhưng ước mơ lại không cùng, cái ước mơ không cùng ấy nếu đặt vào nơi Thiên Chúa thì không có gì mà phải nói, nhưng cái ước mơ không cùng lại cứ muốn ở ngoài Thiên Chúa, đó mới là điều tệ hại, hết tệ hại này đến tệ hại khác mà vẫn chưa thấy đường nuối tiếc ăn năn, sám hối. Con người có một trí khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban tặng, nhưng lại ít người sử dụng ơn khôn ngoan ấy mà tránh xa con đường bất hạnh để đi theo con đường ơn phước. Không thể có hạnh phúc và bình an ở ngoài Thiên Chúa.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn