Trở về với Cha
Con người sẽ đi về đâu sau sự chết, có nhiều tìm hiểu và trả lời. Trở về, hồi quy hay hoàn nguyên, chỉ ở từ ngữ cũng đã thấy rõ quan niệm, cánh chung là cuộc trở về nguồn, nơi mình đã xuất phát, nơi đầu tiên của con người hình thành. Những thuật ngữ từ bụi tro trở về với tro bụi là toát yếu của cách quan niệm thông thường đó.
Theo Angelus Selesius: “Trong điểm có một vòng tròn và vòng tròn đó quy về một tâm điểm”. Con người trở về cũng là con người tìm lại thiên đường đã mất. Vườn địa đàng đánh mất ấy có một tên gọi là vườn Eden, là điểm nối trời và đất, ở nơi đó không có đau khổ không phải chết. Trong nỗi hoài nhớ về thiên đàng đã mất ấy, con người ở giữa thế trần cũng có một lệch lạc khi dùng thuật ngữ: “Tìm lại thiên đường” để chỉ trạng thái ngất ngây, chìm đắm cơn say của bạch phiến, ma túy. Theo ý nghĩa lệch lạc này, người ta quan niệm: Thiên đàng là nơi chốn không cần phải làm gì, không cần phải nỗ lực gì, mà vẫn sống ngất ngây, thoát vòng thực tại để nuối tiếc thiên đàng. Trạng thái ngất ngây nhờ thuốc kích thích, hay dùng Morphin để tạo cảm giác thiên đường trong thực tại trần thế, dẫn đến việc nghiện ngập và ký ức về thiên đường của nàng tiên nâu. Sự lệch lạc của con người nuối tiếc thiên đường là không còn ý chí, không còn đủ nghị lực để vượt thoát.
Trở về có hình thức thường xuyên được nghiệm thấy: Giữa ngày chuyển về đêm và đêm bị xua tan bởi ngày, đó là chu kỳ của thời gian. Chu kỳ của bốn mùa trong thiên nhiên: Xuân Hạ Thu Đông, sự trở về của Mùa Hạ làm tan biến Mùa Đông và sự trở lại của Mùa Đông làm mất đi Mùa Hạ. Đó cũng là sự qua lại giữa Âm và Dương, giữa quẻ Càn và Khôn.
Quay trở về được biểu hiện theo hình xoắn ốc, càng đi càng trở về tâm, cho nên mang từ ngữ là hồi quy. Trong Đạo Đức Kinh, chương 25, nói rằng: “Việc đi ra xa, việc lan rộng ra xa, trong đó có bao hàm sự trở về”, chương 16 ghi nhận: “Quay về cội nguồn, đó là được nghỉ ngơi”. Trong thuật ngữ dành cho cái chết, người ta thường nói: “an nghỉ ngàn thu” là thế. Hành trình đi về nguồn hay hồi quy này đã bắt đầu từ khi con người thụ thai trong lòng mẹ. Nếu lòng mẹ là nơi cưu mang để sanh vào cõi đời thì lòng đất mẹ cũng cưu mang sinh vào cõi trời. Sự vận hành hồi quy bắt đầu từ khi con người sống, sống là vận hành về cái chết.
Sự trở về ở trên có nghĩa là khi hoàn thành cuộc đời này. Khi sống trong thời gian, trong con người thế nhân, thì phương pháp trở về được tích lũy trong truyền thống Yoga. Phương pháp trở về qua việc thực tập Yoga là quá trình đảo ngược của hiện diện, tái sinh lại trong trục sự sống. Trở về với trống không (Vô), Jacques Maritain viết: “Khi nói trống rỗng, bãi bỏ, phủ định, trơ trụi, người ta muốn nói đến một thực tại đang tác động, cái thực tại vẫn còn đang sống mãnh liệt, tác động của nó không còn cho hư không có thể tồn tại. Đây là hành vi cố gắng, một hành vi nội tại quyết liệt từ bỏ mọi hành động”.
Tính năng động của triết học Tân Platon, sự hồi quy là từ Đơn Nhất trở về với Đơn Nhất. trở về có nghĩa là đi đến điểm kết thúc của chu kỳ.
Trong nghệ thuật, những hình chạm khắc hay vẽ, người ta biểu hiện con rắn ngậm đuôi mình và gọi là ouroboros. Ouroboros tượng trưng cho chu trình tiến hóa khép kín. Chu trình này vận động liên tục và mang tính hồi quy bất tận. Trong hình con rắn cuộn tròn có hai nội dung đối lập: con rắn tự cắn đuôi mình kết thành một vòng tròn biểu hiện sự thăng hóa lên cõi trời; hình ảnh con rắn cắn đuôi lại cũng biểu hiện sự giới hạn, bị giam hãm trong một chu kỳ luân hồi, như một hình phạt không bao giờ phát triển, bị trói chặt trong thân phận. Hình ảnh này cũng được phác họa bằng nét màu đối lập khác trên thân mình con rắn nửa đen, nửa trắng, nửa thiện, nửa ác.
Trở về với Cha.
Giữa bóng tối và ánh sáng nhìn về cánh chung con người luôn chịu sự vây bọc của thân phận và mang tính sợ hãi hoặc hoài nghi, Chúa Giêsu mở ra một con đường, con đường ấy là con đường về với Chúa Cha.
Câu trả lời cho tất cả con người ở trần thế này đã được viết trong câu chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, trừ phi Ðấng tự trời mà xuống, Con Người, Ðấng ở trên trời.” (Ga 3, 13).
Trở về cùng Chúa Cha là Đấng Tác Thành mọi sự qua con đường là chính Chúa Giêsu. Thần học gia người Đức tên là Romano Guardini đã nói: “Trong Thiên Chúa có một Con Người, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh, Người Con của Thiên Chúa”. Con người đã có một trục đường trở về, một đích điểm, một nơi đến xác định: “Về với Chúa Cha” (Ga 14, 28).
Sự trở về trong toàn vẹn là một ước mơ của cả nhân loại. Nơi Thiên Chúa, con người tìm thấy sự sống sung mãn, từ nay, khi con người làm mọi việc vì lòng yêu mến Thiên Chúa, con người sẽ thấy được giá trị vĩnh cửu của việc mình làm dưới thế. Con người hiểu biết hơn về điều Chúa Giêsu đã nói về những người tin và đón nhận Chúa: “sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (xem Ga 17, 14 – 15). Và cũng hiểu hơn về điều Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14, 12).
Trở về với Chúa Cha, để tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu từ nay có một đích đến rõ ràng. Không còn hoang mang, sợ hãi, không còn bế tắc và mù lối. “Chúa là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).
Lạy Chúa, trên con đường trở về của mỗi người chúng con, xin cho chúng con xác tín: Chúa là Đường” để dẫn lối chúng con đi trong niềm vui hạnh phúc, đời này và đời sau.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn