MÙA CHAY, TẬP SỐNG TĨNH LẶNG VÀ CÔ TỊCH
“Bấy giờ Chúa Giêsu được dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay – dù là của Matthêu, Luca, Marcô – luôn luôn là trình thuật Chúa Giêsu được dẫn vào hoang địa. Như thế đã rõ, Mùa Chay là mùa “vào sa mạc”.
Sa mạc ở đây không phải là nơi của cát trắng và nóng cháy. Trong tiếng Hi Lạp, từ heremon có nghĩa là nơi thanh vắng và yên tĩnh. Đây chính là nơi Chúa Giêsu lui vào để sống suốt 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai. Đây chính là nơi Người tìm đến từ sáng sớm để cầu nguyện (Mc 1,35). Thánh Luca còn kể rằng khi Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ, Người cần có thời giờ suy nghĩ về sự chọn lựa này và Người đã lên núi (Lc 6,12). Núi là nơi thanh vắng và yên tĩnh.
Muốn bước theo Chúa Giêsu, trước hết cũng cần theo Chúa vào sa mạc. Không tự tạo cho mình một không gian sống tĩnh lặng và cô tịch, chúng ta khó lòng cảm nghiệm và sống tinh thần của Chúa Giêsu. Không gian tĩnh lặng ấy ra sao là tùy mỗi người tự tạo trong hoàn cảnh riêng của mình, nhưng cần có không gian và thời gian thích hợp cho những phút giây tĩnh lặng trong đời. Có được những giây phút ấy mỗi ngày là điều tuyệt vời, nhưng nếu không thể thì ít là một hay hai tuần một lần. Người môn đệ Chúa Giêsu thật sự cần những giây phút ấy.
Anthony Storr, một nhà tâm lý học hiện đại, viết cuốn sách có tựa đề Cô tịch (Solitude). Ông lập luận rằng con người ngày nay đi tìm hạnh phúc trong những tương giao và thành công xã hội, nhưng đó là điều sai lầm. Ông chứng minh rằng những thiên tài và những bậc hiền triết của nhân loại đều là những người từng sống lâu dài trong cô tịch. Người môn đệ Chúa Giêsu cũng thế, cần có thời gian sống một mình để khám phá bản thân và tìm kiếm Thiên Chúa.
Tương tự như thế, tĩnh lặng là đòi hỏi rất cần thiết trong cuộc sống ồn ào náo động ngày nay. Cần tách ra khỏi dòng chảy của ngôn từ, hình ảnh và âm thanh không ngừng dội bom trên tâm trí ta. Quan trọng hơn nữa, cần có sự tĩnh lặng nội tâm để thoát ra khỏi những suy nghĩ, hình ảnh và cảm xúc lúc nào cũng làm tâm trí ta bận rộn. Không có được sự tĩnh lặng này, khó lòng có thể sống linh đạo đúng nghĩa và sâu sắc của Chúa Giêsu.
Muốn được như thế, cần thoát ra khỏi sự bận rộn, tập tĩnh niệm, thư giãn, và sống giây phút hiện tại.
1. Bận rộn
Trở ngại trước hết cho đời sống tĩnh lặng và cô độc là sự bận rộn. Ai cũng bận rộn, ai cũng than là mình nhiều việc quá, không đủ thời giờ giải quyết vấn đề! Ai cũng tự nhủ, “Thời giờ là vàng bạc”, “Đừng phí phạm thời gian”. Đến cả những người đã nghỉ hưu cũng bảo rằng mình bận rộn lắm. Có người còn muốn tạo cho người khác cảm giác là mình bận rộn lắm, đang khi đâu có việc gì làm. Thế rồi khi không làm việc gì, lại có cảm giác như thể mình đang có lỗi!
Tại sao như thế? Tại sao chúng ta lại bị ám ảnh như thế? Phải chăng là vì chính tâm hồn ta trống rỗng nên phải tìm cách lấp đầy bằng sự bận rộn? Phải chăng chúng ta sợ mình không có việc gì làm? Phải chăng chúng ta sợ đối diện với chính mình? Phải chăng ta chỉ sống theo những gì người khác nghĩ và sống?
Thật ra, chính sự bận rộn đã làm cho chúng ta xao lãng những gì cốt thiết nhất. Bận rộn làm cho ta xao lãng việc nhận thức chính bản thân, nhận thức về cuộc sống chung quanh và cả về Thiên Chúa nữa. Người thường xuyên bận rộn cũng giống như người đi trong cơn mê ngủ. Muốn thật sự thức tỉnh, nhận diện rõ bản thân và cuộc sống chung quanh, tất cả đòi hỏi phải thoát ra khỏi sự bận rộn giả tạo đó để bước vào tĩnh lặng và cô độc.
2. Tĩnh niệm
Tĩnh niệm ở đây không phải là suy tư về Thiên Chúa hay Chúa Giêsu, nhưng là phương pháp thực hành để giúp cho tâm trí được tĩnh, đạt đến sự thinh lặng nội tâm.
Tâm trí con người nói chung lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ và cảm xúc: nào là những kỷ niệm đáng nhớ, nào là những kế hoạch đang lên, rồi âu lo và sợ hãi, ước mơ và khao khát, giận dữ và chán nản… Không lúc nào ngừng nghỉ cả. Xem ra chúng ta không làm chủ được những tư tưởng và cảm xúc ấy, ngược lại, chính những tư tưởng và cảm xúc ấy điều khiển chúng ta, dẫn đến tình trạng chúng ta làm những điều mình thật sự không muốn và nói những điều mình biết rõ là không nên nói.
Tĩnh niệm là phương pháp tái lập trật tự và bình an trong tâm hồn, bằng cách giúp chúng ta thoát khỏi những tư tưởng và cảm xúc đang ám ảnh. Các ẩn sĩ ngày xưa ở Ai Cập và Syria thường rút vào nơi thanh vắng để tìm kiếm Thiên Chúa. Theo các ngài, bước đầu tiên là hesychia, nghĩa là sự thinh lặng của con tim. Phương pháp áp dụng là lặp đi lặp lại lời cầu nguyện (Kinh Giêsu): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”. Đôi khi cùng với lời kinh này là việc điều hành hơi thở. Cho đến nay, phương pháp này vẫn được áp dụng trong Giáo Hội Chính Thống. Một số nhà thần bí ở phương Tây, ví dụ Cassianô ở thế kỷ IV, cũng áp dụng phương pháp này.
Trong nhiều tôn giáo phương Đông, người ta cũng thực hành tĩnh niệm bằng cách tập trung vào một công án (mantra) hoặc vào hơi thở. Cụ thể trong Phật giáo, cách riêng Thiền Tông, các tu sĩ tĩnh tọa (zazen) và tập trung vào hơi thở. Các nhà thần bí trong Hồi giáo, Sufi, cũng có những thực hành tương tự.
Điểm chung trong các phương pháp này là tập trung vào một điều gì đó: một lời, một âm thanh, hoặc hơi thở. Sự tập trung này làm cho tâm trí được “rỗng” và vươn đến cảnh giới mới. Theo cách diễn tả của William Johnston, “Trong việc tĩnh niệm của các tôn giáo lớn, người ta tiến bộ bằng cách vượt lên trên tư tưởng, ý niệm, hình ảnh, lý luận, nhờ đó bước vào trạng thái ý thức sâu hơn, với đặc trưng là niềm thinh lặng sâu thẳm”. Thomas Merton cũng nói tương tự như thế: “Chiêm niệm chủ yếu là lắng nghe trong thinh lặng”. Meister Eckhart còn kêu lên, “Chẳng có gì giống Chúa cho bằng sự tĩnh lặng”. Như tiên tri Êlia khám phá Thiên Chúa không ở trong cơn cuồng phong hoặc động đất nhưng trong tĩnh lặng của cơn gió hiu hiu (x. 1V 19,11-13).
Nhiều tác giả khuyên chúng ta nên thực hành tĩnh niệm mỗi ngày hai lần, mỗi lần 20 phút. Dĩ nhiên lời khuyên này rất tốt nhưng không nhất thiết phải như thế. Không nên biến việc tĩnh niệm thành một đòi hỏi bó buộc, đến nỗi khi không giữ được, lại cảm thấy mình có lỗi. Hãy làm những gì có thể trong tầm tay. Giữ được sự điều độ là điều tốt, nhưng đừng quá máy móc và cứng nhắc.
3. Thư giãn
Tĩnh niệm giúp cho tâm trí được giãn xả. Thế nhưng con người là tinh thần nhập thể trong một thân xác, vì thế cùng với tĩnh niệm, thể xác cần được thư giãn.
Cuộc sống ngày nay rất căng thẳng vì sự vội vã và cạnh tranh, hiểm nguy và đe dọa, âu lo và sợ hãi. Những căng thẳng trong tâm trí cũng tác động trên cơ bắp của chúng ta, cụ thể như khi phải suy nghĩ hoặc âu lo điều gì, các cơ trên khuôn mặt cứng lại. Vì thế cần sự thư giãn cho chính cơ thể.
Massage hoặc thể thao là những cách giúp thư giãn. Tuy nhiên ở đây, gắn với tĩnh niệm, chỉ cần ngổi thẳng, thả lỏng cơ bắp trên mặt và hai vai là những điểm then chốt. Tư thế đó giúp cho tâm trí dễ tĩnh niệm và giãn xả.
Trong thế giới thực dụng ngày nay, người ta luôn chú ý đến kết quả, hơn nữa, những kết quả thấy được và tức thời. Dựa vào tiêu chuẩn đó để đánh giá việc tĩnh niệm, xem ra thật vô ích, mất thời giờ. Chắc chắn tĩnh niệm đem lại kết quả, nhưng không phải thứ kết quả thấy được và tức thời. Nhiều người cũng tập yoga (tĩnh niệm) nhưng chỉ coi đó như một phương pháp giãn xả như massage, rồi lại vội vã quay về với công việc bận rộn của mình. Cần phải khám phá một điều gì đó sâu sắc hơn. Thời gian dành cho việc tĩnh niệm có thể giúp chúng ta hiểu được giá trị của việc “sống chậm lại”, không làm gì hết, kể cả suy nghĩ. Là những con người bận rộn, chúng ta cần học nghệ thuật “không làm gì hết”! Đó là nghệ thuật của hiện hữu. Bởi lẽ hiện hữu (being) quan trọng hơn hành động (doing).
4. Sống giây phút hiện tại
Khi dành thời gian cho việc tĩnh niệm, một trong những hiệu quả là giúp chúng ta sống giây phút hiện tại. Khi tâm trí được giải thoát khỏi những suy nghĩ và cảm xúc về quá khứ cũng như tương lai, điều còn lại là cõi tĩnh lặng của hiện tại.
Hầu hết chúng ta thường sống với quá khứ hoặc tương lai. Tâm trí nhớ về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc mới đây, hoặc đã lâu. Rồi tiếc nuối và nhớ nhung, ân hận và xót xa. Thế nhưng quá khứ ấy không còn nữa!
Ngược lại, có lúc chỉ sống trong tương lai, trong thế giới mình mơ tưởng, với những con người mình ao ước. Rồi cũng lo lắng và sợ hãi, tự hào và hãnh tiến. Thế nhưng mọi sự cũng chỉ là ảo!
Đúng là cần phải biết quá khứ vì quá khứ giúp ta hiểu được mình là ai trong hiện tại. Cũng cần phải nghĩ đến tương lai để biết phải làm gì trong hiện tại. Thế nhưng điều duy nhất hiện hữu thật là hiện tại, cũng là nơi duy nhất chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và cảm nhận tình yêu của Ngài. Chính vì thế các nhà linh đạo luôn nhấn mạnh đến giây phút hiện tại. Thượng tọa Thích Nhất Hạnh hoặc Đức hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đều nhắc nhở điều này.
Sống giây phút hiện tại không có nghĩa là rút mình vào khoảnh khắc hiện tại riêng tư và ích kỷ của bản thân. Thiên Chúa hiện diện ở đây và lúc này không chỉ trong đời sống riêng tư của bản thân tôi, nhưng còn trong đời sống của anh chị em tôi và cả thế giới. Trong tĩnh lặng và cô tịch, chúng ta nhận diện chính mình rõ hơn, nghe tiếng Chúa rõ hơn, hiểu anh chị em mình hơn; nhờ đó sống cuộc sống cách phong phú và sâu sắc hơn. Như Chúa Giêsu, sau những giây phút rút vào nơi thanh vắng và cầu nguyện là những hoạt động đong đầy tình yêu và lòng thương xót, để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho kẻ tù đầy, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Thiên Triệu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn