TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tết ông bà - cha mẹ

Thứ năm - 06/05/2021 04:27 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   633
nammoi2[1]
nammoi2[1]

Tết ông bà - cha mẹ

Lòng yêu kính ông bà tổ tiên dường như nằm trong dòng máu Việt. Con người có được gì mà không là nhận lấy từ ông bà tổ tiên, nhờ có tổ tiên mới có ta, cho nên đạo hiếu nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn”.

Tết ông bà tổ tiên.
Mùa xuân là mùa khơi gợi lại nguồn sống ấy, đối với những người đã khuất thì thắp nén hương lòng dâng kính, đối với những đấng bậc còn sống, con cháu mừng thọ, cầu mong ông bà ở lâu với con cháu và có nơi tổ chức yến lão mừng thọ các ngài. Thông thường, vào ngày mùng một tết là mừng tuổi thọ ông bà, con cháu tề tựu về nơi ông bà đang sống, có khi vừa là ra mắt cháu dâu, cháu rể mới hoặc có khi là để ra mắt cháu và chắt mới vừa sinh trong năm. Các cháu được ông bà lì xì cầu chúc thêm tuổi, ông bà thì vui mừng nhìn thấy hậu duệ của mình thành nhân và thành thánh. Sau những lời chúc thọ, chúc tết, thường là bữa tiệc đại gia đình. Đó chính là hạnh phúc mà ai cũng có thể có trong ngày đầu năm mới.

Tết cha mẹ
Người Việt có nói về công cha nghĩa mẹ thì cũng sánh ví: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha biểu trưng cho lý trí, mẹ biểu trưng cho tình cảm; cha là nguyên tắc, mẹ là uyển chuyển; cha là núi, mẹ là dòng suối. Nói thế thôi, để phân biệt theo cách của người Phương Tây; chứ thực ra theo cách nói của người Đông Phương là: cha cũng là núi và cũng là suối, lời trong một bài hát “Ơn cha” quen thuộc cho thấy điều đó: “Ơn cha như thái sơn cao bao từng, ngoài thì cương quyết mà lòng thương mến”. Cha là lý trí và cũng là tình cảm, tình cảm của người cha khó diễn tả bằng hành động hơn người mẹ, nhưng thực sự lại là thâm sâu: “Mất cha như nhà mất nóc”.

Nói đến cha thì cũng nên nói đến mẹ, tác giả Vũ Hạnh trong bài viết “Bông Hồng cài áo” nói: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được.” Mẹ là người giáo dục tài ba, vừa bằng triết lý vừa bằng tình thương cho nên cũng vừa nhẹ nhàng và cũng vừa cương quyết. Mẹ là bầu trời cha là ánh sáng mặt trời, trăng, sao. “Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau.” Ví mẹ như chuối ba hương, đó là cách diễn đạt mộc mạc của nhà quê, từ kinh nghiệm đời thường của mình: cây chuối chỉ trổ buồng một lần, rồi héo hon đi theo tuổi đời của buồng chuối lớn lên. Mẹ không chỉ cho con sự sống nhưng còn cho con cả cuộc đời của chính mẹ. Tình thương của mẹ như một món xôi, được nấu lên từ chất liệu nếp hạng nhất, ăn một lần mà cứ nhớ mãi. Tình thương của người mẹ dành cho những đứa con là tình thương loại nhất, trở thành lương thực, trở nên nguồn nuôi sống những đứa con. Ngọt ngào như mía lau, một loại mía người nông dân trồng để làm chất liệu cho đường, ngọt và thanh như tình thương của người mẹ thấm và sâu.

Phải chăng tình yêu ông bà - cha mẹ dành cho ta là một tình yêu của Trời chúc phúc, nếu là vậy, con người báo hiếu là người con cầu mong ông bà - cha mẹ được sống lâu, bình an, mạnh khoẻ. Đêm giao thừa, trong phút linh thiêng hãy ngỏ lời cám ơn các ngài, để thấy được rằng, còn được gọi ông bà, gọi cha, gọi mẹ là một hạnh phúc lớn nhất của chuỗi ngày sống đạo con.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây