TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Viết cho người bạn đời, ngày Valentine

Thứ năm - 06/05/2021 04:31 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   684
tinhban[1]
tinhban[1]

Viết cho người bạn đời, ngày Valentine

Trong một thế giới đang ồn ào về nhiều chuyện: kinh tế, chính trị, thiên tai... Viết về người bạn đời trong ngày lễ Valentine, một câu chuyện rất riêng tư nhưng lại là câu chuyện cơ bản cho nhiều vấn đề trên thế giới. Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống gắn bó trong gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội. Nói đến gia đình là nói đến câu chuyện của người bạn đời và của những đứa con. Lược qua những câu chuyện, bài viết về người bạn đời, tôi cũng chia sẻ những điều tâm đắc.

Hôn nhân bền vững:

Nhận xét sau cuộc bạo loạn của các thanh thiếu niên Anh quốc, các nhà xã hội học nói, một phần từ nguyên do các gia đình đổ vỡ. Gia đình khi mới thiết lập, ai cũng nghĩ đơn giản sẽ sống chung thủy với nhau suốt đời, nhưng đâu dễ dàng, như chị Nguyễn Thị Ngọc, sau bốn mươi năm chung sống, trải qua bao thăng trầm mới học biết được thánh ý Chúa qua người bạn đời mình lựa chọn.

Những lúc thành công, dù sau bao năm chung sống, có những tình phụ như trường hợp chị Nguyễn Thị Nhàn, trong câu chuyện “bóng mát cuộc đời” của mình, chị đã hiểu câu Lời Chúa: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6, 45). Thiên Chúa dạy qua bài học thất bại từ công việc, đến sức khỏe, để rồi một ngày chị nói với anh ấy: “Đây là những món quà Chúa ban cho anh, để làm kỉ niệm và để anh nhớ rằng đã có những ngày anh làm Chúa buồn lòng, để từ giờ chúng mình quyết tâm cố gắng sống đẹp lòng Chúa vì mình đã tìm ra bóng mát cuộc đời”. Cách thực hiện của Thiên Chúa bao giờ cũng đòi hỏi con người tận lực, tận tâm và kiên nhẫn cầu nguyện; sau đó, Người mới thực hiện hơn cả lòng mơ ước. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 37, 5)

Hôn nhân bền vững, trong đó có thể nghe dịu ngọt của tiếng “mình ơi!”, tác giả Nguyễn Nghĩnh thấy ở đó:
“Tiếng yêu xưa thật bình tường
Mà sao sâu lắng keo sơn nghĩa tình
Nhà tôi – Mình ơi hỡi Mình
Tiếng Mình yêu đó kết tình lứa đôi”

Hoặc đâu đó nhìn lại thời gian chung sống đã ba mươi năm, tình yêu vẫn là hồng ân ngày nào dâng hiến:
“Chúa Giêsu yêu Hội Thánh của Người
Em yêu anh tình toàn vẹn, tinh khôi
Khúc nhạc ngày vui: Dâng lời cảm tạ,
Câu hát ngày buồn: Tri ân trên môi”
(Viết cho anh, Đỗ Thị Nga)

Đôi khi tình keo sơn lại thấy trong tiếng gọi thân thương: “bu mình” giản đơn:
“Tình hai ta được đong đầy ân phúc,
Thì yêu em là yêu cõi nhân sinh.
Bốn chục năm qua, anh gọi: “Bu mình”,
Bu mình nhé! Bu mình ơi! Tình cuối.” 
(Bu mình, Nguyễn Văn Vặng)

Hình ảnh Thiên Chúa nơi người bạn đời:

Dường như khúc diễm tình ca thưở nào vẫn hiện diện trong mái ấm khi họ nhận ra nhau: “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27). Hôn nhân được sống đúng nghĩa của ơn gọi nên thánh giữa đời, họ nhận ra nhau:
“Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu biết
Điều kỳ diệu từ nguồn sáng thiêng biến đổi
Bản tình ca dịu như làn gió thổi
Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh”
(Ánh sáng tình yêu, An Thiện Minh)

Tình yêu là một màu nhiệm được sống mới hiểu, là một diệu kỳ của con người như ngày đầu khám phá ra nhau: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2, 23). Tình yêu ngày càng mặn nồng là đây, sau bao nhiêu bão tố, ngày tháng, anh nhận ra em, em nhận ra anh: “Điều kỳ diệu từ nguồn sáng thiêng biến đổi”.

Trong tình yêu, họ nhận ra nhau đôi khi rất đơn giản của đời sống thường ngày:
“Vui bên nhau từng bữa cơm thanh đạm
Hòa cùng nhau trong nhịp sống rộn ràng
Có nhau cùng trong những lúc gian nan
Căn nhà ấm nồng nàn tiếng nô đùa con trẻ”.
(Tình chẳng thể phân chia, Trần Thị Kim Loan)

Có gì đâu, những điều đơn giản đang làm nên hạnh phúc khi con người nhận ra nhau giữa “Tình thơm nồng hương lúa”, có cần đâu những căn hộ sang trọng, những bữa tiệc cao lương, bởi tình yêu rất đơn giản, “như con nước hòa mình trong biển lớn” bên nhau trong tình yêu lặng lẽ.

Giàu nghèo, mạnh khỏe, yếu đau, tất cả đều sẽ trải qua và từ đó học biết tình yêu thương của Thiên Chúa, qua người mình yêu dấu:
“Đã thề trước Mẹ Đồng Trinh
Sướng vui, buồn khổ có mình, có em
Chập chờn, le lói ánh đèn
Bóng thầm hai đứa hát khen Chúa Trời”.
(Tình nghèo, Đỗ Văn Tích)

Buồn sầu làm chi, tình nghèo nhưng có nghèo đâu tình yêu khi đã trao nhau trọn lòng. Cái nghèo vật chất thường khi lại làm cho tâm hồn thanh cao không vướng bụi trần, để rồi thấy “trong đầm gì đẹp bằng sen”. 

Và trong nhiệm màu đó, tình yêu hôn nhân được tỏ lộ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16) để trở thành ơn gọi nên thánh giữa đời.

Kỷ niệm của tình yêu


Người yêu trong cuộc tình trăm năm, họ không chỉ sống với nhau bằng trách nhiệm, không chỉ là bổn phận, mà còn sống với nhau bằng những kỷ niệm.

Có những kỷ niệm trượt dài. Một kỷ niệm rơi bên “ngoài cửa sổ”, để rồi “yên lặng nép vào lòng anh”. Trong tình yêu có nhiều điều rất lạ, người ta ít khi sống bằng hiện tại mà hay sống bằng quá khứ. Đi bên người mình yêu rồi lòng cứ nhớ về người tình thưở trước, lãng mạn bay bổng một thời. Đã biết rằng một thời đã qua không là hiện tại mà vẫn níu kéo, con người vẫn là thế, nhưng vẫn nhủ lòng: “Những mảnh ký ức vụn vặt trong cô đã rơi mất hết theo cú trượt chân vừa rồi. Chúng mãi mãi ở lại bên ngoài cửa sổ” (Ngoài cửa sổ, Đinh Thị Thu Hằng). Bên ngoài cửa sổ thôi nhé, những tình yêu lãng mạn, để chỉ còn lại trong nhà khối tình chân thành yêu thương.

“Nhớ về một cái tát tai”, một kỷ niệm của một thời tình yêu tuổi trẻ, tình yêu là dâng hiến. Một thời của sự nóng bỏng, làm sao giữ được tình yêu, nếu không nhờ một cú tát tai nảy lửa. Nó đã trở thành một kỷ niệm: “Nhắc lại cái tát tai, để nhớ về bộ luật đơn giản chỉ có hai chương. Chúng ta chưa già lắm, dù tóc mình đều đã bạc, nhưng chưa lúc nào tôi thấy mầu trắng nơi tóc em lại lung linh đẹp đẽ như bây giờ, vì tôi biết rõ, mái tóc ấy ngày nào từng đã mướt xanh, nó phải bạc dần theo quy luật đất trời, và nó sẽ còn bạc thêm nhiều nữa, theo mỗi lo toan cho chồng con qua từng ngày sống” (Thư gửi vợ, Đinh Xuân Thái).

Có những kỷ niệm rất thường “bữa cơm gia đình”: “Dù chỉ là cơm rau đơn sơ, thiếu thốn như thế, nhưng đó là bữa cơm đầu tiên riêng tư, hạnh phúc nhất của hai vợ chồng mới cưới”, cho đến những ngày con cái xum xuê, những bữa cơm gia đình đông đúc. Cũng bữa cơm ấy, đứa ở gần, đứa ở xa, vậy mà có lúc chờ mong, ước ao các con về đông đủ, “Thậm chí, vào những ngày tết, lễ lộc, các con tôi cũng không về đủ bên mâm cơm” (Bữa cơm gia đình, Đặng Thiên Thanh).          
                           
Rồi kỷ niệm bài toán của hôn nhân ngày xưa anh đố em, một cộng với một là mấy? Bài toán hôm nay cũng vẫn câu trả lời ấy, bằng một. Tình yêu tuổi trẻ của ngày yêu nhau, đã biết gì đâu những thử thách giữa dòng đời trải qua để kết luận một cộng một bằng một. “Cũng chính nhờ bài toán kì lạ này mà em đã trải qua được những thử thách trong đời sống gia đình giữa chốn phố phường đầy bon chen và thách đố”. Kỷ niệm ngọt ngào đã nuôi sống tình yêu âm thầm mà mấy ai ngờ. Đành rằng người ta không sống bằng quá khứ, nhưng quá khứ đôi khi lại trở thành ký ức sống động của tình yêu không thể xóa nhòa. Bởi thế, “Có những lúc em đã bế tắc khi chúng ta không hiểu nhau, có những khi em hụt hẫng khi thấy anh lạ lùng và cao ngạo. Có những lần em muốn rời xa anh bởi anh nghi ngờ và cố chấp. Nhưng em đã cầu nguyện và suy nghĩ… Và em lại thấy đáp án là: 1+1=1.” (1 + 1, Khổng Kim Ngân).

Có kỷ niệm của nhau và cũng có kỷ niệm một thời yêu nhau của ông bà, để rồi con cháu ngắm nhìn, mơ ước về tình yêu của mình: “Sau này, khi biết yêu, tôi luôn thầm ước mình sẽ có một tình yêu đẹp như của ông bà vậy. Tới khi già người đó vẫn bên mình và yêu mình như thế, dù chỉ sống một ngày hạnh phúc như thế đã là quá đủ cho một đời người.” (Tình trăm năm, Nguyễn Khắc Thư).

Kỷ niệm đẹp bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp, không những chỉ cho mình và còn cho người khác, bởi tình yêu, tự nó là lan tỏa, tự nó là dấu yêu biểu lộ: “Do tuổi già sức yếu, bà yếu đi trông thấy. Bà ngã bệnh, phải nằm một chỗ. Những khi trở trời, cơn bệnh hoành hành, ông chăm sóc bà với cả tấm lòng yêu thương”. Chẳng thể hiểu hết được tình yêu, nếu đã không chiêm ngắm được cả một đời yêu nhau, người này ra đi trước người kia, và người ở lại cũng ra đi, từ ấy khám phá ra tuổi trẻ của mình: “Gừng càng già càng cay” có lẽ khi già tình yêu càng mặn mà nồng thắm, tình yêu đó có sự lãng mạn riêng mà tình yêu trẻ không có hay đúng hơn là thiếu!”.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ bài thơ được phổ nhạc “Bao Giờ Anh Đưa Em Đi Chùa Hương, của Trần Vấn Lệ:
“Ngày xưa Nhược Pháp hai mươi tuổi
Trẩy hội chùa Hương thơ để đời
Một chốn rừng xanh thành cổ tích
Ngàn năm thơ mộng vẫn còn tươi
Chu Mạnh Trinh thời sung sức nhất
Cũng lên Hương tích đứng đề thơ
Tại sao tuổi trẻ người xưa đẹp
Anh hẹn cùng em để ước chờ...” 

Nghĩa vợ chồng:

Có người hỏi tôi sau buổi thuyết trình: “Sao chẳng thấy những câu chuyện xung khắc với nhau nhỉ?”. Ngẫm nghĩ để đi tìm câu trả lời, vài lần đọc lại những bài dự thi, tôi đã hiểu phần nào, như người xưa nói: “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng, ai mà sống được thì càng sống lâu”. Chữ nhẫn ấy trong “người bạn đời của tôi”, Hoàng Thị Kim Gương đã trải qua: “Hằng tuần, tôi phải chịu hằng trăm cái nhẫn nhục: đối với gia đình, đối với bản thân, nó tàn nhẫn dồn dập, làm tôi mệt mỏi,..”. Nhẫn không phải để chịu nhục như người ta thường gán ghép “nhẫn nhục”. Nhẫn để thấy ngày con được lớn lên trong yêu thương, chồng giật mình khi trở thành “ông cố” và mọi sự được đổi thay trong hồng ân Thiên Chúa.

Nhẫn trong đau thương như chị Nguyễn Thị Nhàn, chỉ còn biết cầu nguyện, bám lấy Chúa, để mong anh trở về. Dĩ nhiên, không chỉ người phụ nữ mới nhẫn, người chồng cũng đã bao lần nhẫn mà chẳng nói ra.

Tại sao nhỉ, người ta không kể những lúc căng thẳng, xung khắc trong đời sống lứa đôi, mà thường kể về hạnh phúc? Như hai mặt đồng tiền, tôi tự hỏi, có hạnh phúc nào mà không có hy sinh? Và tôi hiểu, cay đắng, khổ sở, nghèo đói, uất nghẹn, chẳng có gì để kể khi đã tìm ra hạnh phúc. Chính vì thế, tôi cũng hiểu, người xưa hay nói: “lấy chín bỏ làm mười”, sống dễ dàng tha thứ cho nhau, thì cũng dễ vượt qua những chướng ngại, tìm đến hạnh phúc. Đau khổ thì nhất thời, tình yêu, hạnh phúc thì viên miễn. Và Lời Chúa trả lời thay cho tất cả: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16, 21).

Miên man mãi về những câu chuyện của những người bạn đời, tôi dự định chỉ viết đôi trang mà nay đã trang thứ tư. Tôi biết là không đủ, có lẽ cũng chẳng bao giờ đủ để nói về tình yêu, nói về người bạn đời. Tôi đã nhận ra bài học nên thánh trong ơn gọi gia đình, là mấu chốt nên thánh trong cả ơn gọi đời tu của tôi, là khởi điểm cho hòa bình thế giới. Ở đấy, tôi học: đón nhận, nhẫn nại, hy sinh, tha thứ, yêu thương, những bài học để yêu mến tất cả và tạ ơn tất cả.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây