TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thường huấn linh mục -2016

Thứ năm - 06/05/2021 21:59 |   1111
Thường huấn linh mục -2016

GP. BMT: Thường huấn linh mục 2016 (1)

Theo thông tin từ TGM – BMT, tuần Thường huấn Linh mục bắt đầu từ chiều thứ hai, ngày 29/02 đến sáng thứ sáu, ngày 04/3//2016.

158 linh mục Triều và Dòng đang làm mục vụ tại giáo phân Ban Mê Thuột, đã tập trung về Tòa Giám Mục để dự khóa thường huấn hằng năm.

Trong hai ngày đầu 01 và 02 tháng 03, các linh mục được nghe linh mục Phê-rô Trần Ngọc Anh, giáo sư Tín Lý Đại chủng viện Sao biển Nha Trang, thuyết trình về Tập I của tác phẩm có tựa đề : NHÂN HỌC KI-TÔ GIÁO. Tập I gồm 05 phần, do ngài soạn.

Đây là môn học mới chỉ được giảng dạy tại các Đại chủng viện Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây. Năm 2012, Đại chủng viện Sao Biển Nha trang trở thành một phân khoa của Đại học Urbania, Rôma; vì thế, để giúp các chủng sinh có một thủ bản hữu ích và thích hợp cho việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp, giáo trình này được bắt đầu soạn tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang từ niên khóa 2006- 2007, để phục vụ việc giảng dạy tại Đại chủng viện.

Quy chiếu nền tảng của NHÂN HỌC KI-TÔ GIÁO là Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Đây là viễn cảnh súc tích nhất so với các văn kiện nói về con người toàn diện.

Sáng ngày 01. 03. 2016, linh mục Phê-rô Trần Ngọc Anh thuyết trình Chương mở đầu: Nhân học (anthropological) – từ ngữ này xuất hiện trong bối cảnh chủ nghĩa thực chứng đang lên ngôi. A. Compte đã lần đầu tiên đề xuất việc xây dựng “ một khoa học thực chứng về con người”, với tham vọng đề ra một bản tính người, hầu thống nhất mọi giống người, để từ đó xây dựng một thế giới, một tôn giáo mới… Cho đến nay, tham vọng đó có thể coi là đã bị dập tắt. Bởi lẽ con người ngày nay không dám chắc là họ đã thực sự hiểu biết chính mình, thì làm sao dám nghĩ đến chuyện xây dựng một thế giới mới !

Chương Một  : Giáo lý tạo dựng - Con người, đỉnh cao của công trình tạo dựng : Thế giới, được hiểu là vũ trụ, đã được Thiên Chúa dựng nên từ hư vô, trong tự do và yêu thương ( St 1, 1; Ga 1, 3; Col 1, 15-20). Biến cố này khai mở thời gian lịch sử của một vũ trụ tự bản chất tốt lành và hài hòa, và vũ trụ này được trao phó cho con người ( St 1, 26; Kn2, 23).
Nhân học Ki-tô giáo muốn nêu bật phẩm giá và ơn gọi cao cả của con người, dưới ánh sáng của giáo lý tạo dựngNơi loài thụ tạo, tạo thành chỉ là một tương quan với Đấng Tạo Hóa, như đối với nguyên khởi làm cho nó hiện hữu” (STh, la, q. 45. 3)
- Giáo lý tạo dựng đặt nền tảng trên sách Sáng Thế, và được biên soạn từ năm 900 - 600 BC và hoàn tất khoảng năm 400 BC, được phát lưu sang Babilon, để củng cố niềm tin vào Giavê Thiên Chúa, đang lúc dân trong cảnh lưu đầy bị khủng hoảng nặng nề : Gia-vê Thiên Chúa của họ là Đấng đầy quyền năng. Người dựng nên muôn loài muôn vật cách khác hẳn với các vị thần trong huyền thoại vùng Lưỡng Hà địa.

- Khác biệt : - với Phật giáo và một số tôn giáo cổ truyền  cho rằng đời là bể khổ. Thời gian như một vòng tròn, không khởi đầu, không kết thúc – khác với các triết thuyết Nhất nguyên và Nhị nguyên.

* Các thư của Thánh Phao-lô đã xen vai trò của Đức Ki-tô vào công cuộc tạo dựng ( Cl 1, 15-17)  “Thánh Tử  là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình… tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người”.

* Tin Mừng Gioan : trình bày vai trò của Đức Ki-tô trong công cuộc tạo dựng, với đề tài “ LỜI”, “NGÔI LỜI”

* Sách Khải Huyền trình bày Đức Ki-tô là Alpha và Omêga của công cuộc tạo dựng và của dòng lịch sử… 

Lm . An tôn Vũ Thanh Lịch ghi nhanh

Ngày thứ hai khóa thường huấn các linh mục giáo phận Ban Mê Thuột, được linh mục Phê-rô Trần Ngọc Anh, tiếp tục:

Chương II : Con người trong tương quan thế giới

Để xác tín hơn về phẩm giá cao cả của con người, linh mục thuyết giảng đã giúp tìm hiểu chỗ đứng của con người, trong tương quan với thế giới, với vạn vật.
Các thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên gồm hai loài : vô hình và hữu hình.
Linh mục giảng thuyết đề cập đến việc Tìm hiểu nền tảng Kinh Thánh cũng như niềm tin của Giáo Hội về loài vô hình là thiên thần và ma quỷ.

1. Loài Vô hình

a. Các Thiên thần : Dường như niềm tin về các thiên thần đang dần dần bị đặt ra khỏi đời sống của con người. Quả là một thảm họa… nếu như con người ta sống mà không có sự trợ giúp đầy bí nhiệm và quyền uy của các thiên thần ?!. Nhưng các thiên thần không làm nên yếu tố trung tâm của đức tin. Dù vậy sự hiện hữu của các thiên thần vẫn là một chân lý đức tin.
Theo nền tảng Kinh Thánh:
* Cựu ước chấp nhận sự hiện hữu của các thần, các thiên thần như các nền văn minh cổ xưa, nhưng xếp tất cả vào hàng thụ tạo.
* Trong Tân ước và trong sách Tông đồ Công vụ rất nhiều lần nhắc đến các thiên thần…
* Các giáo phụ vẫn duy trì và phát triển niềm tin vào các thiên thần, cho dù phải đương đầu với khuynh hướng “chiết trung”, tức khuynh hướng gộp các thần thánh trong vũ trụ vào với niềm tin các thiên thần và Đức Ki-tô.
* Niềm tin của Giáo Hội không chỉ đặt nền tảng trên các bản văn Kinh Thánh mà còn trong đời sống phụng vụ : kinh Gloria như vọng lại tiếng hát của thiên thần đêm Giáng Sinh. Giáo Hội trần gian cùng với thiên quốc ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi vinh hiển… Kinh santus tung hô Thiên Chúa ba lần thánh như các thiên thần Sérafim trong thị kiến của Isaia chúc tụng Thiên Chúa “các đạo binh” với kế hoạch cứu độ kỳ diệu của Người… Kinh Truyền tin nhắc đến mầu nhiệm nhập thể, trọng tâm của đời sống Ki-tô giáo…  …

b. Satan hay ma quỷ: Nhiều người ngày nay cũng phủ nhận sự hiện hữu của satan. Thánh Kinh và Thánh truyền của Hội Thánh coi hữu thể này là một thiên thần sa ngã, gọi là satan hay ma quỷ. Cũng giống như thiên thần, ma quỷ luận trong Kinh Thánh tiếp nhận sự đóng góp của các nền văn minh  đi trước nhưng chỉnh sửa 3 điểm : - đưa ma quỷ về vị trí thụ tạo – quy gán cho tự do là nguyên cớ khiến ma quỷ lầm lạc – hoạt động của ma quỷ phụ thuộc vào sự cho phép của Thiên Chúa. Cựu ước và Tân ước đều khẳng định là có ma quỷ. Nhưng trong Tân ước, satan được nhân cách hóa một cách rõ ràng. Huấn giáo của các giáo phụ khẳng định : Thiên Chúa đã tạo ra các thiên thần chứ không tạo ra ma quỷ. Ma quỷ là những thiên thần sa ngã, nhằm chống lại Ngộ đạo thuyết và thuyết Nhị nguyên….

2. Loài hữu hình : Con người
Khi đề cập đến loài hữu hình, linh mục giảng thuyết trình bày về con người trong ba tương quan:
- Con người trong tương quan với thế giới, theo cách trình bày của tuyền thống Giáo Hội.
- Con người trong tương quan với thế giới, trong lịch sử tư tưởng phương Tây : một số thần học gia đương đại
- Con người trong tương quan với thế giới theo Hiến chế Gaudium et spes

Chương III : Con người là một, với xác và hồn

Nhìn lại bản thân, con người thấy họ cũng có xác thể như các loài động vật khác, nhưng họ lại khác với chúng ở chỗ là bên trong họ, còn có đời sống tinh thần (tạm gọi là hồn). Linh mục thuyết giảng trình bày:
- Trước tiên, ngài giúp tìm hiểu Kinh Thánh nói thế nào về sự tương quan xác hồn, khi bàn về con người, để thấy được sự khác biệt giữa nó với quan niệm của triết học Hy Lạp và của Ngộ đạo thuyết.

- Tiếp đến,  ngài giúp theo dõi diễn tiến những suy tư về tương quan hồn xác, thời các Giáo phụ, thời thần học Kinh viện, trong truyền thống tín lý của Giáo Hội và trong suy tư của triết học và thần học thời đương đại.

- Sau cùng, ngài giúp nhìn ngắm “Đức Giê-su, con người toàn vẹn”, dưới cái nhìn của nhà thần học Tin Lành K. Barth, và “con người hoàn hảo”, dưới nhãn quan của Hiến chế Gaudium et Spes.

Với định nghĩa “ con người là một, với xác và hồn”, Hiến chế Gaudium et Spes muốn nhấn mạnh đến tính duy nhất của con người, đồng thời công bố niềm xác tín đầy hy vọng của Ki-tô giáo : toàn thể con người được mời gọi thông phần vào sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.
Linh mục giảng thuyết còn giúp đào sâu khẳng định “ Copore et amina unus” (một hữu thể có xác, có hồn ), qua quan điểm của nhà thần học L. Ladaria... Sự duy nhất của con người sẽ ra sao, sau khi chết ?.., và, “Linh hồn”, một khái niệm hoàn toàn Ki-tô giáo của ĐHY Ratzinger.

Hai ngày thuyết trình, cha giảng thuyết đặt trọng tâm về phần tín lý, nên được nhiều linh mục đặt câu hỏi và được cha giảng thuyết trả lời thỏa đáng.

Lm An-tôn Vũ Thanh Lịch (tóm lược)

Xem thêm hình
 

Ngày thứ ba của tuần Thường huấn, do linh mục Micae-Paulo Trần Minh Huy, thuộc Tu hội Xuân Bích, giáo sư Đại chủng viện Xuân Bích – Huế, phụ trách. Ngài trình bày về chủ đề "Linh mục sống và thực thi Năm Thánh Lòng Thương Xót".

Lm. Micae- Paulo Trần Minh Huy đã trình bày dưới chiều kích mục vụ, để thấy rõ Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót là một bước đột phá của “tác động ngoại thường của Ân Sủng và năng lực canh tân thiêng liêng”, mở toang hết mọi cánh cửa Ơn Cứu Độ, nhờ việc chuẩn bị lãnh nhận ơn Toàn xá Lòng Thương Xót, đặc biệt bí tích Hòa giải, bí tích của Lòng thương xót, và bí tích Thánh Thể, mà trước hết là cho các linh mục. Vì chính linh mục phải được canh tân thiêng liêng thực sự trước, mới trở thành tác nhân hòa giải và thương xót cho đoàn chiên mà Chúa trao cho linh mục. Nghĩa là, linh mục vừa là đối tượng vừa là thừa tác viên của Lòng Thương Xót…như người ta nói về linh mục : “Một linh mục tự vươn lên, sẽ nâng mọi người lên theo”. Cách chăm sóc mục vụ ấy phải thấm đẫm lòng thương xót “ Ở đâu có lòng nhân từ, ở đó có tinh thần của Chúa; còn ở đâu có sự khắt khe, ở đó chỉ có thừa tác viên của Chúa thôi. Thừa tác viên mà không có Chúa thì trở thành khắc nghiệt, và đây là một nguy hiểm cho dân Thiên Chúa. Linh mục không phải là những công chức! càng không phải là kẻ chăn thuê…"

“…Việc đào tạo nhân bản cũng như đào tạo tri thức và thiêng liêng một cách tự nhiên phải được hòa nhập vào đào tạo linh mục…, cùng với sự nhiệt tâm cho sứ mạng đích thực suốt cả cuộc sống thì linh mục mới có thể chu toàn sứ mạng mà Đức Ki-tô ủy thác”. Chủ đề được trình bày qua bốn bài thuyết trình sau :

1. Tổng quát về Năm Thánh Lòng Thương Xót

- Tiến trình hình thành và cử hành Năm thánh.
- Nội dung Tông Sắc Dung mạo Lòng Thương Xót
Thế giới cần khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha và vẫn có con đường của Lòng Thương Xót, tàn ác và kết án không phải là con đường, vì chính Giáo Hội có lúc đã có đường hướng cứng rắn, sa vào cơn cám dỗ muốn theo đường hướng cứng rắn, và chỉ nhấn mạnh đến luật lệ chân lý mà thôi, và vì thế nhiều người bị loại ra ngoài…”
- Tính đột phá của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
- Hiệu quả Năm Thánh nhắm đến.

2. Bí tích giải tội, phương thế tối ưu để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót.
- Điều linh mục phải tự nhắc nhở chính mình.
- Tầm quan trọng và cấp bách của bí tích Hòa giải.
- Thừa tác viên và việc cử hành bí tích Hòa giải.
- Là một cha giải tội tội theo ĐTC Phanxicô.
- Niềm vui và bình an cho cha giải tội : “Giáo Hội lên án tội, vì Giáo Hội phải nói lên sự thật: đây là một tội. Nhưng cùng một lúc, Giáo Hội ôm người có tội vào lòng dù họ như thế nào, Giáo Hội gần với họ, Giáo Hội nói với họ trong lòng thương xót vô biên của Chúa.” Vai trò làm cha giải tội là niềm vui bất tận của linh mục.
- Giá trị của việc xưng tội cá nhân : ĐTC Bênêdictô 16 nhắn nhủ các linh mục : “ Không chỉ là niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa giải tội”.  ĐTC Phanxicô nhắc nhở : “ Đừng bao giờ để tòa giải tội thành phòng tra tấn, đừng tò mò quá…”.
- Không được xưng tội qua điện thoại.
- Giá trị sư phạm của bí tích Giải tội.
- Tân Phúc Âm hóa bắt đầu nơi tòa giải tội.
- Mẫu gương cha giải tội : Nhiệm vụ của linh mục là luôn ở bên cạnh hối nhân, cũng như nhiệm vụ của bác sĩ là ở bên cạnh bệnh nhân. "Giáo Hội đã khôn ngoan dạy các linh mục phải ngồi lại chờ hối nhân nơi tòa giải tội vào lúc thuận tiện cho hối nhân, kiên nhẫn chờ đợi như Thiên Chúa đã kiên trì…

3. Linh mục trở nên giống Chúa Ki-tô, chính lòng thương xót nhập thể:
- Đời sống nội tâm khi cầu nguyện.
- Lòng nhân ái với tất cả mọi người
- Nhạy bén với các thay đổi xã hội.
- Tinh thần phục vụ.
- Sứ mệnh là thày dạy.

4. Linh mục thực thi lòng thương xót cho đoàn chiên được trao phó... Đặc biệt mục vụ các gia đình, giới trẻ di dân hôm nay, những Nicôđêmô thời đại, những thanh niên giàu có tân thời, những con chiên lạc, những người bên lề cuộc sống, những giáo dân ngỗ nghịch và đối với những người đã qua đời.

Sau những giờ thuyết trình của hai cha thuyết giảng, các linh mục có những giờ hội thảo về đề tài vừa được nghe, để nhìn lại chính mình, rút tỉa những kinh nghiệm cho đời sống linh mục, và tham dự giờ chầu phép lành cuối ngày. 

Lm, An-tôn Vũ Thanh Lịch ghi

Xem thêm hình

 

Thánh lễ tạ ơn: Bế mạc Khóa Thường Huấn Linh Mục

Từ chiều thứ Hai, 29/2 đến 04/3/2016, các linh mục thuộc Giáo phận Banmêthuột đã trở về Tòa Giám mục tham dự Khóa Thường Huấn, sống trong bầu khí huynh đệ gia đình thân thương. 158 linh mục thuộc mọi thế hệ khác nhau, từ những đấng cao niên đáng kính đến những linh mục trẻ vừa bước vào đời tận hiến, từ linh mục dòng đến linh mục triều, tất cả cùng về đây sống chan hòa trong Mái Nhà Chung.

Vào lúc 5g sáng nay, 4.3.2016, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục, các linh mục đồng tế với Đức Cha Vinh Sơn trong Thánh lễ tạ ơn, bế mạc Khóa Thường Huấn, cảm tạ Thiên Chúa đã ban muôn phúc lành cho Giáo phận, cho mỗi người.

Sau bài Tin Mừng (Mc 12, 28b-34): Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Và: “Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19, 18). Cha Micae Trần Minh Huy, Giáo sư ĐCV Xuân Bích – Huế, chia sẻ: Thiên Chúa đã yêu thương con người từ khi con người mới được tạo dựng, Tình yêu của Thiên Chúa làm cho con người triển nở, đưa con người đi xa hơn nữa là được làm con Thiên Chúa, chung chia hạnh phúc trong nước Chúa… Đáp trả lại Tình Yêu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, mỗi người chúng ta xin Chúa canh tân, hoán cải tâm hồn để biết đón nhận Tình Yêu vô biên của Chúa và san sẻ cho tha nhân.

Mục đích của Khóa Thường Huấn là giúp cho anh em linh mục lắng nghe tiếng Chúa, nghe tiếng bề trên và nghe những ý kiến chia sẻ của nhau. Những giờ hội thảo nhóm là cơ hội để anh em nói lên những trăn trở suy tư của mình cũng như những khó khăn gặp phải trong công việc mục vụ.

Trong những ngày thường huấn, đều có sự hiện diện của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản. Ngài đồng hành và lắng nghe anh em linh mục, thể hiện mối quan tâm của chủ chăn đối với những người cộng sự của mình. Những bài thuyết trình của Cha Phêrô Trần Ngọc Anh, Giáo sư ĐCV Sao Biển - Nha Trang và Cha Micae Trần Minh Huy, Giáo sư ĐCV Xuân Bích – Huế về NHÂN HỌC KITÔ GIÁO và về MỤC VỤ là những môn học mới nằm trong chương trình đào tạo linh mục của các ĐCV ở Việt Nam, giúp cho các linh mục mở rộng kiến thức.

Chương trình thường huấn đã khép lại, các linh mục trở về nhiệm sở của mình. Tuy những âu lo và khó khăn thử thách vẫn còn đó, nhưng chắc chắn các linh mục trong Giáo phận phần nào trải nghiệm được tình hiệp thông với nhau, nhất là được ơn Chúa tác động và biến đổi. Cầu mong các ngài được tiếp thêm những nghị lực mới trong sứ mạng tông đồ, hăng say dấn thân phục vụ trong tâm tình Hy Vọng và Bình An, đem lại những mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo Tây nguyên thân yêu.

 

Vũ Đình Bình

Mời xem HÌNH ẢNH

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây