TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – B

Thứ sáu - 01/10/2021 18:45 |   1332
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

03.10.2021

CHÚA NHẬT TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN – B
Lễ Đức Mẹ Mân Côi

 

cn27 tnB

Lc 1,26-38


LẮNG NGHE VÀ THI HÀNH

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Một thiếu nữ không tên tuổi được sứ thần Gáp-ri-en đến “thông báo” chương trình của Chúa sẽ thực hiện và mời gọi cô tham gia. Cô nghe cách chăm chú, thành kính và suy tư. Biết bao điều hoàn toàn lạ lẫm đối với cô. Nào là thụ thai và sinh con trai; nào là đặt tên Giê-su; nào là Con Đấng Tối Cao; nào là ngai vàng vua Đa-vít; nào là triều đại Người vô cùng vô tận… Mà cô thì nào có “biết đến việc vợ chồng”? Từ tâm trạng “rất bối rối” đến chỗ ngỡ ngàng trước lời mời gọi phi thường, Đức Ma-ri-a vẫn giữ thái độ rộng mở sẵn sàng khi thưa với sứ thần Gáp-ri-en: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?” Và khi được sứ thần cho biết kế hoạch của Thiên Chúa nơi Mẹ là do Chúa Thánh Thần trực tiếp tác động thì Mẹ đã sẵn lòng xin vâng như lời sứ thần nói. Và lời thưa xin vâng của cô gái làng Na-da-rét ấy đã góp phần làm nên lịch sử cứu chuộc.
Mời Bạn: Bạn có cảm nghiệm gì khi lắng nghe và được đánh động bởi Lời Chúa? Bạn có coi trọng việc đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày? Bạn có ghi nhớ và suy niệm những lời ấy để rồi thưa vâng theo thánh ý Chúa giống như Mẹ không? Mỗi lần hiện ra, Mẹ đều nhắn nhủ siêng năng lần hạt Mân Côi vì đó là phương thế giúp bạn suy gẫm và sống theo mẫu gương của Mẹ.
Sống Lời Chúa: Đọc một kinh Kính Mừng cách chậm rãi, sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã mời gọi những người sống âm thầm không tên tuổi cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc trần gian, xin cho con luôn biết mở lòng trước lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cho anh chị em. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Ca nhập lễ
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm phúc lạ.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Kitô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

 

Bài Ðọc I: Cv 1,12-14

“Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su”.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1,46-47.48-49.50-51.52-53.54-55 (Đ. c.49)

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!

Hoặc: Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ thật là diễm phúc, vì đã cưu mang Con Chúa Cha hằng hữu.

1. Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

2. Phận nữ tỳ hèn mọn,Người đoái thương nhìn tới ; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

3. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!

4. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

5. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

6. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.

Bài Ðọc II: Gl 4,4-7

“Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi !” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38
“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống chúng con cho xứng hợp với hiến lễ này, và giúp chúng con biết để tâm suy gẫm những mầu nhiệm cuộc đời Con Một Chúa hầu đáng hưởng những phúc lộc người đã hứa ban. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ
Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, chúng con vừa cử hành bí tích Thánh Thể để tuyên xưng Ðức Kitô Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại. Xin cho chúng con biết cùng chịu đau khổ với người, hầu đáng được hạnh phúc cùng người sống lại vinh hiển. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI – SỢI DÂY YÊU THƯƠNG  (Kn 3,9-15.20; Cv 1, 12- 14; Lc 1,26-38)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Một linh mục đã kể câu chuyện như sau: buổi tối nọ, có cuộc điện thoại mời ngài đến một bệnh viện gần đó để xức dầu cho một bệnh nhân. Người bệnh là một bà cụ già trạc tuổi 80. Khi đến nơi, cụ đang trong cơn nguy kịch. Vì thế, tay bên trái thì chằng chịt dây truyền nước và thuốc vào cơ thể, nhưng tay còn lại thì cụ không rời tràng hạt Mân Côi.
Vị linh mục nói tiếp: “Tôi có thể ví Tràng chuỗi Mân Côi như là sợi dây truyền mà Mẹ đang truyền nước và thuốc tâm linh vào trong cuộc đời của mỗi chúng ta để tăng thêm sinh lực, nhất là đức tin, cậy, mến nơi Thiên Chúa như Mẹ”.
Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng sự kết hiệp mật thiết sâu xa của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm được tình mẫu tử nơi Mẹ Maria với con cái.
1. Cuộc đời Mẹ luôn hướng về Thiên Chúa
Có lẽ không ai là người Việt Nam lại không biết bài hát “Xin Vâng” của linh mục nhạc sĩ Kim Long! Bài hát này được gợi hứng từ chính đoạn tin Mừng Lc 1,26-38 mà chúng ta vừa nghe.
Qua bài hát này, chúng ta nhận thấy cuộc đời Mẹ là một cuộc đời xin vâng.
Khởi đi từ việc Mẹ xin vâng lời Thiên Chúa truyền dạy qua thiên sứ: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chính nhờ lời xin vâng này mà Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.
Từ đây, Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối. Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ này cách trung thành. Nói cách khác: Thiên Chúa có thể tùy nghi sử dụng Mẹ như một nữ tỳ khiêm hạ đầy lòng mến để phục vụ cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên và trong nhân loại. Hình ảnh và thái độ của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay khác hoàn toàn với hình ảnh và thái độ của Evà trong thời Cựu Ước.
Nếu một Evà muốn sống tự do và sử dụng tự do để chống đối lại Thiên Chúa, thì với một Maria, Evà của Tân Ước đã sử dụng tự do để quy phục Thiên Chúa.
Nếu một Evà ham quyền, háo danh trong sự kiêu ngạo, thì với Mẹ Maria, một con người khiêm nhường, và hoàn toàn đón nhận thánh ý Chúa và ra sức làm cho ý Chúa được nên trọn trong thân phận nữ tỳ của Người.
Một Evà là mẹ của chúng sinh, nhưng đã gieo rắc tội chết cho nhân loại, thì với Mẹ Maria, Evà mới, Mẹ đã trở thành Mẹ của một thế hệ mới, thế hệ được ngụp lặn trong ân sủng, tình thương và sự sống nhờ lời xin vâng tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.
Trong suốt cuộc đời của Mẹ, lời xin vâng ấy được lặp lại rất nhiều, có thể nói là liên lỷ đối với Thiên Chúa qua việc gắn bó với Đức Giêsu – Con của Mẹ.
Từ khi trẻ Giêsu còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê… Mẹ luôn hướng về con của Mẹ như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Mẹ vui niềm vui của Đấng Cứu Thế. Buồn nỗi buồn của Đấng Cứu Chuộc. Cùng lo lắng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Con Chí Ái của Mẹ đang thi hành.
Chính sự kết hiệp với Con Chí Ái của Mẹ cách liên lỷ như vậy, nên Mẹ đã trở thành người phi thường khi can đảm đứng dưới chân thánh giá để đồng công cứu chuộc với Đức Giêsu.
Có thể nói: từ khi đón nhận lời xin vâng, Mẹ đã tuyệt đối trung thành với lời tâm huyết thủa ban đầu. Vì thế, dù vui, buồn, sướng, khổ, Mẹ luôn tin tưởng phó thác và cậy trông nơi Thiên Chúa. Cả cuộc đời Mẹ được dệt nên bản tình ca “Xin Vâng” để thánh ý của Thiên Chúa được nên trọn.
Khi gắn bó với Thiên Chúa như vậy, chắc chắn Mẹ được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Hơn nữa, vì Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa, mà Người Con ấy cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Bởi vậy, trước mặt Thiên Chúa, Mẹ Maria là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng đáp lại lời cầu xin của Mẹ cho con cái của mình.
2. Mẹ Maria luôn hướng về con cái
Người Công Giáo chúng ta thật hãnh diện và vui mừng vì có một người Mẹ luôn luôn yêu thương con cái của mình hết mực.
Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội đã vén mở cho chúng ta thấy tình mẫu tử tuyệt vời ấy nơi Mẹ Maria.
Chẳng hạn như: Mẹ đã lên đường viếng thăm và giúp đỡ bà Êlisabét một thời gian; hay như việc Mẹ lên tiếng kêu cứu Đức Giêsu ra tay cứu giúp gia chủ tại tiệc cưới Cana khi trong tình trạng thiếu rượu.
Hơn nữa, chúng ta thật vinh phúc vì được chính Đức Giêsu trao phó cho Mẹ Maria dưới chân thập giá qua thánh Gioan. Và, hình ảnh thật thắm đượm tình Mẹ – con giữa Mẹ Maria với Giáo Hội lúc sơ khai, đó là Mẹ đã cùng với các môn đệ quây quần bên nhau nơi nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội.
Những hình ảnh đó cho thấy sự kết hợp mật thiết của Mẹ dành cho con cái chốn trần gian.
Một trong những biến cố quan trọng cho thấy Mẹ uôn dõi theo con cái của mình đang lữ thứ chốn trần gian và sẵn sàng ra tay bênh đỡ khi con cái gặp hiểm nguy, đó là:
Vào năm 1571, lúc đó, anh em Hồi Giáo đang làm một cuộc viễn chinh nhằm chinh phục thế giới về cho mình. Họ đi từ Trung Đông sang Á Châu rồi Ấn Độ và đổ bộ đến Âu Châu. Tới đâu, thì nơi đó trở nên hoang tàn, chết chóc đến tang thương. Điểm cuối cùng mà họ nhắm tới, đó là nước Ý, nơi đó có thủ đô của Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng. Họ muốn san bằng và phá hủy hết tất cả những dấu tích của Giáo Hội. Vì thế, đội quân viễn chinh đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí và một đội quân tinh nhuệ đã sẵn sàng chiến đấu.
Trước tình trạng nguy hiểm đó, họa Hồi Giáo đang đến gần, Đức Giáo Hoàng Piô X rất vững niềm trông cậy, ngài đã giữ được bình tĩnh và phát động chiến dịch cầu nguyện với kinh Mân Côi để xin Đức Mẹ cứu giúp.
Kết quả thật bất ngờ! Quân Hồi Giáo bỗng dưng bị suy yếu đến lạ thường, và cuối cùng, trái tin Mẹ đã toàn thắng. Con cái Mẹ hân hoan ca mừng chiến công hiển hách do tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Biến cố này rơi vào đúng ngày 7-10, vì thế, ngày này được dâng kính Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi.
3. Mỗi người chúng ta hãy gắn bó cuộc đời mình nơi Mẹ Maria
Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria trong việc gắn bó, vâng phục Thiên Chúa. Chính nhờ sự gắn bó với Thiên Chúa cách tuyệt đối như vậy, mà Mẹ đã trở thành Đấng Đầy Ân Sủng để chuyển cầu cho chúng ta.
Mặt khác, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu thương của Mẹ Maria với Giáo Hội và từng người chúng ta. Khi chiêm ngắm như vậy, chúng ta hãy noi gương Mẹ để cũng biết sống xót thương anh chị em mình như Mẹ đã thương xót chúng ta.
Cuối cùng, lời mời gọi yêu mến Mẹ Maria cách thiết thực mà Giáo Hội không ngừng tha thiết nhắc lại chính lời Mẹ nhắn gửi khi xưa: “Hãy tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha đã ban cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Xin cho chúng con biết yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ và thực hành Lời Chúa cách tuyệt đối trong sự vâng phục như Mẹ khi xưa. Amen.

MẸ MÂN CÔI: NGƯỜI DẪN LỐI VỀ TRỜI
(Chúa Nhật kính Mẹ Mân Côi)


Nói đến cha thánh Gioan Maria Vianey, hẳn chúng ta ít nhiều nghe kể về một chuyện như giai thoại của vị linh mục ngày đầu về nhận xứ. Vì không biết đường đến nhà thờ, cha Vianey bèn hỏi một em bé: Bé ơi, chỉ cho cha con đường đến nhà thờ xứ này đi, rồi cha sẽ chỉ cho bé con đường về trời. Em bé đáp ngay: Xạo quá ông cha ơi, con đường đến nhà thờ mà ông còn chưa biết thì đường về trời ông làm sao biết được.

Cậu nhóc xem ra có lý lắm chứ. Con đường về trời quá xa xôi, thậm chí có khi là xa vời vợi thì làm sao biết được. Không ai có thể lên trời nếu không phải là người đã từ trời xuống hay là đã thực sự đến đích nghĩa là đã về trời. Trong niềm tin, chúng ta khẳng định rằng một người trong nhân loại đã thực sự về trời cách trọn hảo chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu độ cũng là Mẹ của chúng ta. Bước chân của Mẹ đã đến đích là Nước Trời vì Mẹ là người đã dõi theo chân Giêsu, Con của Mẹ cách chính xác nhất.

Đã về trời với Người Con dấu yêu, Giêsu, nhưng tấm lòng của Mẹ vẫn mãi canh cánh với đoàn con nhân loại đang còn lữ thứ là những người con mà Mẹ đã chính thức đón nhận khi đứng dưới chân thập giá năm xưa (x.Ga 19,26-27). Để dẫn đưa bước chân đoàn con nhân loại thẳng hướng về trời, thì Mẹ đã thương trao tặng một cẩm nang “chỉ thiên” đó là tràng chuỗi mân côi. Tràng chuỗi mân côi với các mầu nhiệm vui, thương, mừng và Đức cố giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm năm sự sáng chính là những điểm mốc trên quảng đường Mẹ đã dõi theo Giêsu để về trời hưởng hạnh phúc viên mãn.

Cuộc đời là một chuyến đi. Kiếp người là một cuộc lữ hành. Nói đến chuyện lữ hành, chuyện đi lại, người ta liên tưởng đến chuyện giao thông. Người dân nước Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn đã phần nào chứng nghiệm sự vất vả và lộn xộn của việc giao thông hiện nay. Ngoài một vài nguyên nhân dễ thấy như hệ thống hạ tầng là đường xá, cầu cống nhỏ hẹp, hư hỏng… hay các nguyên nhân nằm trong tâm thức người tham gia giao thông đó là thiếu tôn trọng kẻ khác, đặt lợi ích của mình lên trên hết… thì người ta cũng phải nhìn nhận sự thật này, đó là luật lệ giao thông của chúng ta còn bất cập, các quy hoạch làm đường, cách thế phân luồng, những bảng biểu chỉ dẫn giao thông… còn thiếu tính khoa học, hợp lý và đồng bộ, nghĩa là việc hướng dẫn giao thông ở tầm vĩ mô còn bị hạn chế. Ngay tại các nước tiến tiến, dù đã có những bảng biển hướng dẫn cụ thể, rõ ràng với chữ, số lớn dễ đọc dễ thấy, thế mà vẫn có người lạc lối, lầm đường. Dĩ nhiên sự thường, đó là những người say sưa hoặc bất cẩn, cũng có thể là những người bị hạn chế khả năng nhìn do tuổi tác hay bệnh tật…

“Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Một ca từ kính Mẹ Maria đã từng bị nhận định là sai thần học, nay đã được đổi thành: “Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ…”. Cùng đi với Mẹ, đúng hơn là được Mẹ cùng đi thì ta không sợ lạc lối, lầm đường. Tràng chuỗi mân côi không nguyên chỉ là cuốn cẩm nang hướng dẫn đường về trời mà Mẹ trao cho chúng ta như một vật hay một cuốn sách nhưng đó là một cách thế vừa dịu dàng mà hiệu quả để về trời, vì Mẹ Maria đang cùng chúng ta bước đi.

Những lần Mẹ hiện ra gần đây như ở Fatima, khi các trẻ bé Gianxinta, Phanxiô và Luxia lần chuỗi thì các em đã thấy Mẹ cùng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh và khi các em đọc các kinh Kính Mừng thì Mẹ im lặng, lắng nghe. Khi chúng ta chào: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…”, thì Mẹ hiện diện với chúng ta. Có người mẹ nào khi con cái chào kính mà lại tránh mặt làm ngơ! Và khi chúng ta thực tâm và chuyên chăm xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì chắc chắn Mẹ sẽ nhậm lời.

Chuyện lạc lối hay lầm đường của hành trình làm người là chuyện không hiếm, thậm chí là nhan nhãn vì “nhân bất thập toàn” và “đa thọ thì đa nhục”, tuổi đời càng cao thì lầm lỗi càng nhiều. Tháng mân côi lại về, đặc biệt trong ngày kính Lễ Mẹ mân côi, chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ tâm tình cảm mến tri ân, vì món quà vô giá Mẹ đã trao tặng là tràng chuỗi mân côi, một phương thế tuyệt hảo dẫn lối chúng ta về trời. Các nhà tu đức không chỉ ví von tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng tóm gọn mà còn xác nhận rằng tràng chuỗi mân côi là cuốn Tin mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Trẻ bé cũng có thể thân thưa: Kính mừng Maria… Người già cũng có thể cầu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… Người dân dã, ít học cần lần chuỗi mân côi hay vị bác học như Louis Pasteur cũng cần lần chuỗi hạt để biết cách thế về trời.

Là Kitô hữu Công giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Lòng tôn kính, mến yêu Mẹ đích thực như lời dạy của Hội Thánh “phải thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67). Một trong những cách thế yêu mến Mẹ và noi gương các nhân đức của Mẹ đẹp lòng Mẹ nhất đó là lần chuỗi mân côi. Khi lần chuỗi mân côi chúng ta hãy sốt sắng suy ngắm các mầu nhiệm mà Mẹ đã dõi bước theo chân Chúa Giêsu năm xưa và hãy nhớ rằng Mẹ cũng đang song hành với chúng ta. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con luôn vững tin. Cùng đi với Mẹ, khó nguy ngại gì…

Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 26-38).

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Suy niệm

Hôm nay, Chúa nhật thứ 27 thường niên, nhưng Mẹ Giáo hội cho phép chúng ta mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi, một thánh lễ tạ ơn Đức Mẹ cách đặc biệt khi Đức Mẹ giúp Giáo hội vượt qua mọi thử thách trước nỗi lo sợ Giáo hội rơi vào tình trạng sợ hãi giữa cuộc đời. Lời cầu nguyện của con cái dâng lên Đức Mẹ qua lời kinh Kính mừng, là một lời chúc tụng và cầu xin, hiệp với công nghiệp và tâm tình người Mẹ, Thiên Chúa đã nhậm lời và giữ gìn gia đình Giáo hội được bình an. Từ đó, con cái Mẹ luôn nhắc nhở nhau hãy cùng Đức Mẹ cầu nguyện và lần chuỗi thật nhiều, để được Thiên Chúa tha thứ và ban đủ ơn giúp vượt qua mọi khó khăn giữa biển đời.

Cuộc đời của Đức Ma-ri-a có thể nói đã gắn liền với đau khổ, với những thử thách trong hành trình đức tin. Nhưng gắn liền với đau khổ đó để rồi không tuyệt vọng, không đi vào ngõ cụt, nhưng trong mọi biến cố, Đức Ma-ri-a luôn cầu nguyện, luôn tìm thánh ý Cha mong muốn điều gì. Tác giả Sách Tông Đồ Công Vụ đã kể lại những ngày bơ vơ của cộng đoàn giáo hội sơ khai khi Đức Giêsu không còn hiện diện bên cạnh họ, và Đức Maria đã ở bên cạnh, cùng họ cầu nguyện rất thống thiết: “Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su”. Dù biết Thầy mình được cất nhắc lên trời trong vinh quang, nhưng các học trò như không còn chỗ dựa về mọi mặt, họ hoảng sợ và băn khoăn, Đức Maria đã xuất hiện như một người Mẹ, dang rộng tay, đón lấy đoàn con bơ vơ, cùng họ cầu nguyện để đón nhận niềm vui như lời Đức Giêsu đã hứa với họ. Quả thực vòng tay Mẹ thật ấm áp, tình Mẹ thật bao la và sự hiện diện của Mẹ thật an tâm đoàn con.

Trong những ngày thiết lập cộng đoàn giáo hội tại Ga-la-ta, thánh Phaolô đã hướng dẫn họ từng ngày sống xác tín hơn trong niềm tin Kitô giáo, đồng thời, ngài cũng nhắc cho họ ý thức hơn về tầm quan trọng của ơn gọi Kitô hữu nơi mỗi người: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Đức Giêsu, trong phận làm người, đã liên kết tất cả mọi người trở thành một gia đình, như người Mẹ dang rộng vòng tay ôm lấy đoàn con trong sự ấm áp tình huynh đệ cộng đoàn. Đức Maria như là một nhịp cầu để Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, viết lên một trang mới đầy niềm vui và hy vọng, đầy sức sống và tình yêu.

Biến cố Thiên Thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a như là một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Đã đến thời, đến giờ của Chúa Cha, Ngài thực hiện chương trình cứu độ nhân loại, Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đến với nhân loại và sống làm người với mọi người: “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Đức Ma-ri-a đã đón nhận lời mời của Chúa Cha trong sự khiêm tốn và vâng phục đức tin, từ đây, Con Thiên Chúa đi vào trần gian trong phận làm người, trở nên giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người không còn được gặp gỡ, trò chuyện gần gũi với Thiên Chúa, tương quan Thiên Chúa và con người từ nay bị gián đoạn, tội lỗi đã chia cắt mối tình Cha con giữa Thiên Chúa và con người.

Đức Ma-ri-a đã đón nhận biến cố đó như thế nào? Quả thực ngay từ phút giây gặp gỡ sứ thần, Đức Ma-ri-a chưa thể lãnh hội những gì trong lời mời gọi đó, nỗi băn khoăn và lo lắng xuất hiện. Về thể lý, Mẹ không thể hiểu được biến cố này bởi đó là một điều khác thường. Về tâm lý, Mẹ vô cùng hoang mang, bởi Mẹ là một người tuân giữ lề luật của Gia-vê trọn vẹn. Có thể nói Đức Ma-ri-a đang đối diện với một cuộc chiến trong đức tin, chấp nhận lời sứ thần vì đó là lời Thiên Chúa, hay khước từ vì phải đối diện với những khổ hình của lề luật. Để chấp nhận và chiến thắng trong cuộc chiến đức tin, Đức Ma-ri-a đã chọn con đường thực hiện thánh ý Chúa Cha, dù có phải đau khổ, bị hiểu lầm hay bị kết án như thế nào. Sức mạnh nội tâm đã giúp Mẹ có một chọn lựa đúng, đem lại cho nhân loại một tương lai đầy niềm vui, đó là nhờ ánh sáng Lời Chúa mà Mẹ đã chiêm niệm và học hỏi từng ngày.

Sau khi đón nhận lời truyền tin từ sứ thần Gap-ri-en, Đức Ma-ri-a bắt đầu bước vào một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu trong đức tin. Đối diện với hành trình mới này, Đức Ma-ri-a sẽ hứng chịu nhiều tai tiếng từ dư luận, từ cộng đoàn, từ gia đình, đặc biệt là áp lực từ đời sống tôn giáo. Lề luật không chấp nhận người phụ nữ mang thai trước khi kết hôn và chung sống với nhau trong đời sống gia đình. Khi người con lớn lên giữa cộng đoàn, với những bài giáo huấn, với những phép lạ, một lần nữa, Mẹ phải cố gắng để vượt qua những rào cản của cộng đoàn. Khó khăn hơn khi Mẹ đối diện với bản án của người Con duy nhất, bản án bất công và tang thương, để lại nhiều nỗi đau trong tâm hồn, Mẹ đón nhận tất cả trong niềm tin vào chương trình của Chúa Cha. Nếu không được hướng dẫn từ gia đình, từ cộng đoàn trong việc học hỏi Lời Chúa, chắc Mẹ sẽ không thể vượt qua được những thách đố trong cuộc phiêu lưu đầy sóng gió giữa cuộc đời.

Và chúng ta hôm nay, có nhiều nghi thức trong tôn giáo, có nhiều bí tích trong đời sống đạo chúng ta chưa thể lãnh hội, chưa thể suy biết ý nghĩa, vì thế, cần có một nền tảng tâm linh, một nền tảng giáo lý để có thể vượt qua cuộc chiến đức tin, đón nhận tất cả những điều thánh thiêng trong đời sống tôn giáo. Lời cầu nguyện không phải là một vũ khí để chống lại dịch bệnh hay chiến tranh, lời cầu nguyện sẽ giúp cho tinh thần tôn giáo của bản thân vững vàng và đủ lòng trông cậy vào một Thiên Chúa tình yêu. Có được suy nghĩ và ý thức như thế, người tín hữu Kitô mới có thể bước vào cuộc phiêu lưu trong đức tin và chiến thắng mọi âu lo và trăn trở giữa dòng đời. Đức Ma-ri-a đã vượt qua mọi âu lo trong cuộc chiến, đã đi tới đích trong hành trình phiêu lưu đức tin, tất cả là nhờ ánh sáng Lời Chúa và niềm tin của bản thân. Đức Mẹ mong đợi nơi con cái là hãy cùng lên đường với Mẹ như thế, để cùng về trời với Mẹ. Người tín hữu con cái của Mẹ, có đủ can đảm, có đủ tự tin và đủ mạnh dạn để dấn bước trong cuộc phiêu lưu đức tin giữa thế giới vật chất và hưởng thụ này không? Đó là một thách đố cho Giáo hội, cho con cái của Mẹ Ma-ri-a.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ chỉ là một người thiếu nữ nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng Mẹ đã trở nên người tín hữu mạnh mẽ và can đảm trong cuộc đời theo Chúa, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương Mẹ, chăm chỉ học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh lễ và các bí tích, để vượt thắng trong cuộc chiến đức tin giữa cuộc đời. Mẹ hoàn tất hành trình đức tin như một cuộc phiêu lưu đầy thách đố, xin Mẹ cầu bầu cho chúng con, trong mỗi ơn gọi và hoàn cảnh, chúng con cố gắng tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, để hoàn tất bổn phận của người môn đệ Đức Giêsu giữa lòng nhân loại. Nữ Vương ban sự bình an, xin cầu bầu cho thế giới, cho Giáo hội và cho chúng con mỗi ngày, đặc biệt trong giờ lâm tử. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đề cập tới một vấn đề căn bản, then chốt nhất của xã hội loài người, đó là gia đình. Tin Mừng như muốn đưa nhân loại và mọi người về những trang đầu của sách khởi nguyên, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người có nam có nữ, để họ chung sống với nhau trong sợi giây hôn nhân, bất khả phân ly. Đây là gia đình đầu tiên của con người. Để trả lời vấn nạn của những người biệt phái “người ta có được phép rẫy vợ không?” Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này, để đề cập đến gia đình, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân. Vẫn biết gia đình tự bản chất là thánh thiêng, nhưng lại rất dễ lung lay, đổ vỡ, nên cũng rất cần được quan tâm chăm sóc và hướng dẫn. Hiểu như thế, chúng ta sốt sáng dâng Thánh Lễ để cầu cho các gia đình duy trì được sự hiệp nhất, tình yêu, hạnh phúc. Nhưng để xứng đáng, chúng ta hãy thành tâm xin lỗi Chúa và anh chị em.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: St 2, 18-24
“Cả hai nên một thân thể”.
Trích sách Sáng Thế.
Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).
Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 
Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. 
Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. 
Xướng: Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel.
Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11
“Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 2-12
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến!  Sự chung thủy, bền vững trong hôn nhân không những là ý muốn của Thiên Chúa, mà còn là ước vọng của con người, để gia đình được hạnh phúc. Vậy chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.- Xin cho các vị Chủ chăn, không ngừng rao giảng giáo lý hôn nhân cơ bản này, cho bậc vợ chồng trong thời đại hôm nay, để họ tôn trọng luật hôn nhân của Hội Thánh, hầu bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình.
2. “Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật”.- Xin cho mọi Kitô hữu hiểu rõ rằng: Chính Chúa xây dựng và bảo vệ hôn nhân, nên không ai có quyền phá bỏ những luật lệ chính Ngài đã truyền dạy, mà biết vâng phục và tuân giữ cho đúng ý Chúa.
3. “Sự gì Thiên Chứa kết hợp, loài người không được phân ly”.- Xin cho gia đình ý thức rằng: họ là cộng đoàn cơ bản để xây dựng và phát triển, nên phải luôn luôn hiệp nhất trọn vẹn cả thể xác và tâm hồn, làm cho xã hội thăng tiến và hạnh phúc.
4. “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy đừng ngăn cản chúng” Xin cho các bậc phụ huynh nhớ nhiệm vụ thánh thiêng của họ, là phải giáo dục đức tin cho con em, để chúng sớm nhận biết và tôn thờ Chúa.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh luyện tâm trí chúng con, để chúng con luôn biết tôn trọng luật hôn nhân công giáo, nhờ đó, chúng con biết bảo vệ hạnh phúc cho gia đình, an vui cho xã hội, tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.
Hoặc đọc:
Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
THỦY CHUNG (Mc 10, 2-16)
Chúa Nhật XXVII TN B - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Các bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật XXVII TN B dường như xoáy trọng tâm vào đời sống hôn nhân mà chủ đề chính là sự chung thủy trong nghĩa tình phu phụ. Tuy nhiên điều ta cần ngạc nhiên đó là sau khi tường thuật việc Chúa Giêsu khẳng định về sự chung thủy vợ chồng, đạo nhất phu nhất phụ thì Tin Mừng Maccô lại kể tiếp chuyện Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ em, dù cho các Tông đồ phản đối kịch liệt. Đồng thời Chúa Giêsu cũng nhân sự kiện ấy để dạy cho các môn đệ và chúng ta hôm nay về cách thế vào Nước Trời là hãy nên giống như trẻ thơ.

Hình ảnh trẻ thơ trong vòng tay bố mẹ hay các bé đang chập chững tập đi của tuổi lên hai, lên ba không chỉ gợi cho chúng ta nét đơn sơ trong sáng mà đặc biệt cho chúng ta thấy một sự tin tưởng vào tình yêu. Trong vòng tay mẹ, bé không hề hãi sợ. Trong bàn tay của bố, trẻ vững tin tiến bước. Trẻ thơ chính là kết quả của tình yêu đôi lứa, là hoa trái của đời sống hôn nhân. Cái hình ảnh đẹp này hẳn phải được dệt xây trong một mái gia đình mà ở đó nghĩa tình vợ chồng mãi sắt son và chung thủy.

Người ta không thể cho cái gì mà mình không có. Làm sao có được những người con an bình trong vòng tay bố mẹ khi mà sự thủy chung trong hôn nhân không được đặt lên hàng đầu? Các thống kê xã hội cho chúng ta con số về trẻ hư hỏng thì đại đa số là xuất từ hoàn cảnh gia đình không ấm êm hay bị chia đàn xẻ nghé.

Không khi nào hơn lúc này, những nhà xã hội học, các nhà đạo đức học, những người đứng đầu các tôn giáo, các quốc gia lại quan tâm cách đặc biệt về sự bền vững trong hôn nhân gia đình. Là tế bào của xã hội, là cộng đồng cơ bản của Hội Thánh, vai trò của gia đình luôn có tầm quan trọng mà không có tổ chức hay đoàn thể nào có thể thay thế cách hữu hiệu. Một xã hội mà đời sống hôn nhân thiếu bền vững, thì có thể nói là đang trên đà băng hoại. Chính vì thế thông điệp gìn giữ sự thủy chung trong hôn nhân luôn mang tính thời sự và cấp thiết.

Làm sao để gìn giữ sự chung thủy trong nghĩa tình phu thê giữa một xã hội đầy biến động và chóng đổi thay như hôm nay? Một trong những cách thế gìn giữ sự thủy chung, trước sau như một của đời hôn nhân, đó là nhìn vào trẻ thơ. Một sinh linh luôn sống trong sự tín thác vào tình yêu. Không chỉ biết xây dựng lòng tin vào tình yêu của nhau mà còn hướng tâm trí của mình về hoa trái của tình yêu, đó là một trong những cách thế tuyệt vời để gìn giữ mối dây liên kết bất khả phân ly giữa vợ chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly. Họ không còn phải là hai nhưng là một xương một thịt. Cái sự nên một xương một thịt này được hiện thực hóa nơi chính người con, một kết quả hữu hình của tình yêu đôi lứa. Nói đến điều này chúng ta mới hiểu được tình trạng dù không phải là “đáng buồn” theo nghĩa luân lý nhưng vẫn kém vui theo nghĩa tâm lý của những cặp vợ chồng đang lâm vào tình cảnh hiếm muộn.

Văn hào Saint Exupéry từng nói: “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”. Dĩ nhiên giữa vợ chồng có nhiều cái hướng nhắm, thế nhưng không có hướng nhắm nào quan trọng cho bằng những đứa con. “Có vàng, vàng chẳng hay phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”. Câu ngạn ngữ tuy mộc mạc, nhưng tượng hình và đượm nghĩa. “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba…” Một ca từ không chỉ thi vị mà còn đủ ý tình. Chính qua đứa con mà người cha thêm khắng khít với người mẹ và người mẹ càng gắn bó với người cha và nghĩa tình hôn nhân ngày thêm bền chặt. Khi cùng nhìn về một hướng thì người ta sẽ biết nỗ lực vượt qua những dị biệt, để rồi có sự hiệp thông, hiệp nhất cách vững bền.

Với truyền thống Á đông, để làm người thì cần rèn luyện các nhân đức nền tảng là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Dù được xếp vào hàng thứ năm, nhưng “chữ tín” như là điều kiện đủ, hầu giúp cho các đức nhân, nghĩa, lễ, trí được chính hiệu. Cần khẳng định rằng chữ tín phải được gìn giữ trước hết ngay trong đời sống hôn nhân gia đình. Trong cuộc thi “hoa hậu áo dài” lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 1989, chính nhờ câu trả lời trong phần thi ứng xử đã đưa cô Maria Nguyễn Thị Kiều Khanh, một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận Sài Gòn, lên ngôi hoa hậu. Các thí sinh vào vòng chung kết đều được ban giám khảo hỏi câu: em yêu cái gì nhất và em ghét cái gì nhất? Kiều Khanh đã vượt qua các bạn bằng câu trả lời: “điều em ghét nhất là sự phản bội”.

Quả thật, khi sự bất trung, bất tín xuất hiện và lan tràn như chuyện cơm bữa, trở thành chuyện thường tình, thì mọi mối tương quan giữa các cá nhân cũng như tập thể chắc chắn bị gãy vỡ. Nay ký kết hôn ước, mai đường ai nấy đi thì còn gì là hôn nhân! Nay ký hợp đồng, mai lại tùy tiện hủy bỏ thì còn gì là thương mại, bán mua! Nay ký hiệp ước, mai lại đơn phương rút, hủy thì còn gì là quan hệ đối tác! Tuy nhiên, cũng cần chân nhận rằng “nhân bất thập toàn”. Phận người thì khó tránh khỏi những sai lầm đáng trách hoặc có thể lượng thứ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lý tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình” (Thư Mục Vụ 2018). Không kể các trường hợp cố tình và cố chấp, thì để gìn giữ sự thủy chung thì phía người lỗi phạm cần có sự khiêm nhu, chân thành nhìn nhận sai sót và phía còn lại cần có sự quảng đại, bao dung, tha thứ.

Xin nhớ rằng sẽ không bao giờ là muộn đối với người khiêm nhu, chân thành muốn bắt đầu lại như “thưở ban đầu đầy lưu luyến ấy” (x.Kh 2,4). Bí tích Thánh Thể, tòa cáo giải là những phương thế Chúa tạo cho chúng ta cơ hội lại bắt đầu. Ước gì mỗi người chúng ta biết trao cho nhau những cơ dịp thuận lợi để giúp nhau lại bắt đầu sống tình thủy chung và giữ chữ tín trong đời sống gia đình và xã hội, giữa chúng ta với nhau và với Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây