TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 29/09/2021 18:39 |   953
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18, 3)

01.10.2021

THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

 

Thánh Têrêsa

Mt 18, 1-4

“NHỎ NHẤT” ĐỂ TRỞ NÊN “LỚN NHẤT” TRONG NƯỚC TRỜI

Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.(Mt 18, 3)

Suy niệm: Các môn đệ theo Chúa Giê-su đã lâu, hẳn các ông đã nghe Ngài dạy rằng Nước Trời trổ sinh hoa trái nơi những ai sống khiêm nhường, đơn sơ, nhỏ bé…, và nhất là hằng ngày nhìn thấy mẫu gương sống hiền lành và khiêm nhường của Thầy, thế mà các ông vẫn tranh cãi hơn thua về địa vị đến nỗi phải cậy đến Thầy để làm trọng tài phân xử: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Một lần nữa, Chúa Giê-su khẳng định cho các ông rằng: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Ngài muốn các ông phải tẩy trừ não trạng ham mê danh vọng, lợi lộc, chức quyền… theo kiểu thế gian và “tự hạ, trở nên nhỏ nhất như em nhỏ này” để trở nên “lớn nhất” trong Nước Trời.

Mời Bạn: Chúng ta đừng vội chê các môn đệ, bởi vì tham vọng của các ông cũng là tham vọng muôn thuở nơi con người chúng ta. Lắm khi chúng ta phục vụ xem ra rất nhiệt tình và vì lý tưởng siêu nhiên, nhưng một cách ngấm ngầm vô thức, chúng ta vẫn mong được tiếng khen, hay một địa vị danh dự nào đó. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Tê-rê-xa chính là cách sống Lời Chúa hôm nay: chu toàn việc bổn phận trong tinh thần tự hạ khiêm tốn với tâm niệm: “Tôi là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một việc tự nguyện cụ thể để phục vụ anh chị em trong gia đình, cộng đoàn của tôi.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16,4).
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu bước đi trên con đường phó thác để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh Nhan. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Alleluia: x. Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-4

“Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm nhiều việc kỳ diệu nơi thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu. Xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận nhóm lên trong lòng chúng con lửa mến yêu xưa đã thúc đẩy thánh nữ Tê-rê-xa hiến cuộc đời cho Chúa để cầu xin cho mọi người được ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Tiểu sử Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne d’Arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi. Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô: những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de l’Enfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”, và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12) . . . “Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân.”

Lời nguyện trong ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời “cho những người bé mọn”– cho chúng ta “biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác”. Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là “con đường nhỏ” mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa . . . Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng dược Ngài yêu thương.”

Điệp ca của bài Benedictus: “. . . hãy trở nên giống trẻ thơ” làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4): Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ . . . “Trẻ thơ” đối với thánh Têrêxa Lisieux là người “chấp nhận tất cả”, với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên: Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel: Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, “cái lạnh chết người”, tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi . . . “Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện …”, chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. “Ôi, con yêu Chúa … . lạy Chúa .. con yêu Chúa!” là những lời cuối cùng của chị.

Lời nguyện trên lễ vật gợi lên một khíab cạnh khác của hy tế thầm lặng trong “đời sống đơn sơ và can đảm” của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một “thương tích tình yêu” giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.

Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi: “Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo”, với “ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất . . .” Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng “mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái . . . Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa.” Sau cùng, đây là câu trả lời và là “sự yên nghỉ” đối với thánh Têrêxa: “Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả . . . Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con . . . ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con . . . trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu . . . như thế con sẽ là tất cả . . .” (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).

Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để “cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục”. Năm 1895, chị được cử làm “chị linh hướng” cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một “anh linh hướng”, cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo. Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày. Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d’Arc.

Enzo Lodi

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 1, 15-22

“Chúng ta đã phạm tội trước mặt Chúa và không tin tưởng vào Người”.

Trích sách Tiên tri Barúc.

Sự công chính thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta: như ngày nay, nó thuộc về toàn cõi Giuđa: thuộc về dân cư Giêrusalem, vua chúa, quan quyền, tư tế, tiên tri và các tổ phụ chúng ta. Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người. Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa

Xướng: Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang.

Xướng: Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem, mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con đã bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung?

Xướng: Xin đừng nhớ tội tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 38, 1. 12-21; 39, 33-35

“Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?”

Trích sách ông Gióp.

Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời ông Gióp rằng: “Sau khi ngươi đã sinh ra, ngươi có ra lệnh cho bình minh, và chỉ chỗ cho rạng đông không? Ngươi có cầm giữ các phần cuối cùng trái đất, và xua đuổi khỏi địa cầu bọn gian ác không? Mặt đất trở nên như đất sét có đóng ấn và trải ra như chiếc áo. Bọn gian ác bị tước mất sự sáng, và cánh tay giơ cao bị bẻ gẫy.

“Ngươi có xuống tận đáy biển, và đi bách bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và ngươi có nhìn thấy tối tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không? Nếu ngươi đã hiểu biết, hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm ở nơi đâu, để ngươi dẫn dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường lối nhà chúng? Bấy giờ ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết rõ số ngày đời ngươi không?”

Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: “Con nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên miệng con. Con đã nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không nói thêm gì nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! -Ngày hôm nay, anh em chứ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 10, 13-16

“Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.

“Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.

“Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc:

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG (Lc 10, 13-16)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề giảm thiêng trong đời sống đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn… khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến!

Hình ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon… Sang đến thời Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum… Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Trai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.

Nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.

Sự lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain, Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã không trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội lỗi…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ mà còn cắt đứt mối tương quan với tha nhân.

Thật vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội, gia đình mới trở nên tốt mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng được cứu độ. Amen.
 

TRẺ THƠ: CÓ SAO THÌ CÓ VẬY



 (Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu)

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở nên giống trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-5). Nước Trời là vương quốc của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là “có sao thì có vậy” (x.Xh 3,14) khi mời gọi hãy trở nên như trẻ thơ thì Chúa Giêsu dạy chúng ta:

1. Hãy ở trong tình yêu của Thiên Chúa: Trẻ thơ luôn cần nhận được sự bao bọc bởi tình yêu của mẹ cha, anh chị, của người thân xa gần. Têrêxa hài đồng đã cảm nhận được hạnh phúc này khi mà cả cha lẫn mẹ đến các chị đều dồn hết tình thương vào đứa con, đứa em út trong nhà. Chính bầu khí yêu thương tự nhiên này đã giúp cho Têrêxa cảm nhận tình yêu của Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô. Và rồi, chị Thánh sau này luôn giữ mình trong vị thế ấy. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Têrêxa đã thực hiện lời tâm sự cuối cùng của Thầy Chí Thánh thật rõ nét. Tâm tình của chị là tâm tình của Thánh Tông Đồ dân ngoại: “không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 39). Chị đã viết trong bản tự thuật: “Suốt đời, Chúa nhân lành đã cưng chiều con: Những kỷ niệm đầu trên cuộc đời con ghi đầy những nụ cười, những mơn trớn êm đềm nhất…” (tr 17).

Ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là hãy để cho Người yêu thương ta, chỉ thế thôi. Một tâm hồn biết dìm mình vào lòng từ nhân của Thiên Chúa thì làm sao có thể trầm luân đời đời, tức là mất phần rỗi? Ai trong chúng ta cũng đã từng phạm tội, nhưng mọi thứ tội đều có thể được tha ngoại trừ tội phạm đến Thánh Thần. Tội phạm đến Thánh Thần nghĩa là không chịu để cho Thiên Chúa yêu thương. Dù đã minh nhiên nhìn nhận tội lỗi tày trời của mình nhưng người trộm cướp bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa đã biết tin cậy vào tình yêu của Đấng đang bị treo bên cạnh mình. “Lạy Ngài khi nào về nước Ngài xin hãy nhớ đến tôi. Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,42-43). Anh ta đã được vào Nước Trời ngay hôm ấy. Chị Thánh ghi những dòng thật sâu xa: “Thưa mẹ yêu quý, con đường tình ái thật êm dịu biết bao! chắc là người ta còn có thể sa ngã, có thể phạm tội bất trung, nhưng tình yêu vì biết lợi dụng tất cả, nên đã mau mắn tiêu huỷ tất cả những gì làm phiền lòng Chúa Giêsu mà chỉ còn lưu lại một sự bình an khiêm hạ và sâu xa tận trong đáy lòng…” (sđd. tr 165). Sống tinh thần trẻ thơ là biết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ nhân trần.

2. Sống trong sự thật: Để có thể ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta phải là chính mình trước tha nhân và nhất là trước nhan Chúa. Trẻ thơ luôn sống trong sự thật. Trẻ có sao thì trẻ là vậy. Trẻ thơ không che đậy cũng chẳng phấn son. Ở trong tội thì người ta lấy lá che thân và tránh mặt Chúa (x.St 3,7-10). Ở trong gian dối thì người ta tô son, thoa phấn để loè bịp thiên hạ. Têrêxa ngay từ thuở bé đã bộc lộ một tính cách trong sáng, chân thực. Mẹ của chị viết trong thư gửi cho cô con gái, Pauline: “Hôm qua má muốn cho con bé (Têrêxa) một bông hoa hồng vì má biết nó thích hoa hồng lắm, nhưng nó van má đừng cắt vì Maria (chị của Têrêxa) không cho. Má cứ cắt cho nó hai bông, nó vui lắm nhưng rồi sợ không dám vào nhà nữa. Má nói khéo với nó là hoa của má thì nó bảo: “Không phải, hoa của chị Maria chứ”. Trong thư gửi cho chị Maria bà viết: “Nó (Têrêxa) hễ làm điều gì lỗi thì ai cũng phải biết. Hôm qua nó vô ý làm rách một tí góc giấy dán tường, nó nhất định thú tội với ba…”

Có sao thì có vậy nghĩa là luôn sống trong sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ vốn là cha của sự gian dối (x.Ga 8,44). Khi cảm nhận được yêu và đang sống trong tình yêu của một ai đó thì chúng ta sẽ dễ dàng bày tỏ và biểu lộ chính bản thân mình cách trung thực, cả những mặt tốt lẫn những bất toàn. Hãy ăn ở cách chân thực với nhau và trong sáng trước mặt Thiên Chúa như mình “đang là”. Đây là con đường tình yêu mà Têrêxa đã chọn, con đường thơ bé.

Để giúp nhau sống trong sự thật là “có sao thì có vậy”, thiết nghĩ cần có bầu khí yêu thương, quảng đại giữa chúng ta. Chính sự xét nét, kết án, phỉ báng của chúng ta làm cho tha nhân và cả cho chính mình sống trong sự gian dối, giả hình. Để kích thích tính tò mò của thiên hạ cách có hiệu quả thì không gì bằng những chuyện giật gân, những vụ “xì căng đan” liên quan đến người này người kia, nhất là những người có vai vế, danh phận trong xã hội hay tôn giáo. Chính ma quỷ lợi dụng tật xấu này để kìm hãm chúng ta và tha nhân trong sự giả dối và sự đố kỵ ghen tương. Ghen tương đố kị sinh ra nói xấu để hạ bệ nhau. Khi xét đoán tha nhân thì chúng ta sẽ bị đoán xét. Một mũi tên của thần dữ đã làm hại cả hai là tha nhân và chính bản thân chúng ta, khiến tất cả dần dần vong thân, đánh mất chính mình.

Mong sao xã hội và Hội Thánh có được bầu khí trong lành mà ở đó bớt dần sự xét đoán nhau. Mong sao tình yêu khoan thứ luôn hiện diện giữa chúng ta. Chắc chắn ma quỷ sẽ rất buồn vì có biết bao tâm hồn trẻ thơ đang vui vẻ sống “có sao có vậy” trước mặt nhau và trước mặt Thiên Chúa. Nước Trời không đâu xa, Nước trời đang ở giữa chúng ta, những người sẵn lòng đón nhận nhau và cùng nhau dìm mình vào lòng đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây