TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – B

Thứ sáu - 29/10/2021 18:30 |   1031
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12, 33)

31/10/2021
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - NĂM B

 

cn31 tnB

Mc 12, 28-34

DUY MỘT GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12, 33)

Suy niệm: Đức cha Luis A. Tagle, tổng giám mục Manila, ngay trước khi nhận tước vị hồng y vào tháng 11/2012, đã nhận định trong một cuộc phỏng vấn rằng một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa sẽ giúp củng cố những mối tương quan nhân loại được tốt đẹp; vì chỉ khi có niềm tin vào Thiên Chúa, người ta mới có thể thực sự tin tưởng lẫn nhau, và điều đó giúp xây dựng một xã hội lành mạnh. Nhận định trên chính là cách diễn giải lời Chúa Giêsu nói hôm nay: quy chiếu toàn thể lề luật vào giới răn trọng nhất là Mến Chúa Yêu Người. Quả thật, lòng nhân ái có đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa mới phong phú vững bền và không sợ bị biến chất thành một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, giả dối.

Mời Bạn: Người ta nói nhiều về tình yêu, nhưng thực tế giữa người với người vẫn đầy những đố kỵ, Giáo hoàngen Giáo hoàngét, thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù. Phải chăng vì chúng ta vẫn mắc chứng phân liệt thiêng liêng: chia tách tình Chúa ra khỏi tình người? Có khi người ta cho rằng không cần có Thượng Đế, con người vẫn có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp; nhưng kinh nghiệm cho thấy chưa bao giờ người ta thành công về điều đó. Tệ hại hơn có khi người ta nhân danh Thượng Đế để lìa bỏ nhau, thậm chí tiêu diệt nhau. Bạn nhớ Chúa dạy tình yêu chỉ có một, Mến Chúa Yêu Người chỉ là một giới răn, giới răn trọng nhất!

Sống Lời Chúa: Sống phương châm: Nhìn thấy Chúa trong mọi người và nhìn mọi người trong Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa xin dạy con luôn biết yêu anh em như Chúa yêu con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Trong bối cảnh các dân tộc vùng Cận Đông thời Cựu ước thờ đa thần, như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nước ta, thì dân tộc Israel luôn phải trung thành với một vị thần duy nhất là Giavê Thiên Chúa. Đó cũng là một hiện tượng khác thường: “Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất, ngươi chỉ được tôn thờ một mình Ngài”.

Ngày nay người tín hữu phải thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức, không chỉ trên môi miệng, trong nhà thờ, mà còn phải dùng hết mọi năng quan, mọi khả năng, mọi hoàn cảnh có được, để làm vinh danh Chúa.

Như thế, trong những giây phút này, chúng ta cần tu chỉnh bản thân bằng việc thành tâm hối lỗi, để tôn thờ Chúa cho xứng đáng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh. 

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. 

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Sinh ra trong thân phận làm người, Đức Kitô đã thực hành luật mến Chúa yêu người một cách tuyệt hảo. Chúng ta hãy sống giống như Người đã sống, biết yêu như Người, để những ước nguyện chúng ta dâng lên được Chúa Cha thương nhận:

1. “Yêu đi rồi làm”.- Xin cho tình yêu Chúa nồng nàn nơi các vị Chủ chăn, thúc bách các ngài hăng say hoạt động truyền giáo, để mọi người khắp mọi nơi sớm nhận biết Thiên Chúa và được ơn cứu độ.

2. “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi” Xin cho các tín hữu chu toàn luật thánh hóa ngày Chúa nhật, mà dành trọn thời giờ cho việc tôn thờ Chúa và lo phần rỗi linh hồn mình.

3. “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.- Xin cho nhân loại biết xóa bỏ hận thù chia rẽ, kỳ thị chủng tộc, những âm mưu bá chủ hoàn cầu bằng mọi hình thức chiến tranh, để mọi người luôn sống trong cảnh thái bình thịnh vượng.

4. “Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”,- Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta biết thực hành giới luật yêu thương trọn hảo, để Nước Chúa ngự trị trong lòng chúng ta.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con đáp ứng những đòi hỏi của đức ái, bằng chân thành yêu thương nhau, nỗ lực cải thiện bản thân, để không trở nên nguyên nhân gây mâu thuẫn và chia rẽ cho nhau, nhưng nên nhân chứng của Đức Kitô là Vua tình yêu và là Chúa an bình, Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

Mến Chúa yêu người
Sưu tầm

Vào một buổi sáng mùa đông, nhóm tù công giáo quây quần bên nhau, chia sẻ Lời Chúa với dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành. Họ trao đổi với nhau và tìm cách áp dụng tinh thần yêu thương vào cuộc sống hằng ngày. Căn phòng không đủ ấm vì từng cơn gió lạnh thổi tới. Một tù nhân nghèo túng, trên người chỉ có một bộ quần áo mỏng manh, đang ngồi mà cứ run lập cập. Bên cạnh đó, một bạn tù khoác những hai chiếc mềm. Và thế là, trong lúc mọi người bàn luận về cách thức tương trợ lẫn nhau, người bạn tù đột nhiên đúng dậy, tiến đến và choàng một chiếc mềm lên người tù nghèo túng. Cử chỉ của người bạn tù đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ cho cả nhóm hơn bất cứ lời nào họ nói ra để chia sẻ.

Và cũng từ mẩu chuyện này, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, chúng ta thường nói: Con người đầu đội trời, chân đạp đất, vì thế sống trên đời chúng ta có hai bổn phận phải chu toàn, đó là mến Chúa và yêu người. Hai bổn phận này phải luôn luôn đi đôi với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Nói cách khác, đó chỉ là hai phương diện của một giới luật duy nhất, giới luật yêu thương. Chúng ta không thể cầu nguyện và gắn bó mật thiết với Chúa, nếu như chúng ta không đối xử với những người bên cạnh chúng ta bằng những hành động bác ái. Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: Nếu ai nói rằng mình kính mến Chúa là lại ghét bỏ anh em, thì quả thật kẻ ấy chỉ là một tên nói dối, bởi vì hắn ta không thể kính mến Chúa là Đấng hắn chẳng hề trông thấy bao giờ, nếu hắn không yêu thương anh em, là những người hắn luôn thấy được. Chính Đức Kitô cũng đã dạy: Ai kính mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Hai lệnh truyền này tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn kính mến Thiên Chúa nữa. Có một câu danh ngôn đã bảo: Tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng làm sao thấy được bởi vì Ngài là Đấng thiêng liêng. Thế nhưng khi tôi tìm kiếm người anh em, thì tôi sẽ gặp được chính Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người anh em nghèo khổ: mỗi khi chúng ta cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, người đau yếu và bị cầm tù được viếng thăm là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy.

Thế nhưng, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình của chúng ta. Không yêu thương những người thân cận ruột thịt, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ khó mà yêu thương những kẻ xa lạ cho được. Vậy chúng ta đã dành tình yêu thương cho những người thân cận trong gia đình thế nào? Nếu chúng ta trả lời là chưa đậm đà cho lắm, thì có lẽ tình yêu thương chúng ta dành cho bà con lối xóm cũng sẽ chẳng khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu thương bà con lối xóm cho mặn nồng thì chắc chắn chúng ta cũng không thể kính mến Thiên Chúa một cách nồng nàn được.

Trái lại, nếu chúng ta yêu quý những người thân cận trong gia đình, thì chúng ta mới có thể yêu quý những người bà con lối xóm. Và một khi đã yêu quý những người bà con lối xóm, thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng kính mến Thiên Chúa. Dấu chỉ và bộ đồng phục của người môn đệ Chúa phải là lòng bác ái, và ngôn ngữ của người Kitô hữu, thứ ngôn ngữ mà nhờ đó bất cứ ai cũng có thể hiểu được về Thiên Chúa và về bản thân chúng ta, đó phải là ngôn ngữ của tình yêu thương.

 

HẾT CẢ TRÍ KHÔN

(Chúa Nhật XXXI TN B) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Mến Chúa và yêu người là một điệp khúc quá quen thuộc với Kitô hữu. Từ em bé đã qua tuổi “xưng tội rước lễ lần đầu” đến các cụ già mà chưa lẫn trí thì đều nằm lòng câu kết trong kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy – Amen”. Là người con cái Chúa trong Giáo Hội Công giáo, có thể khẳng định rằng, hiếm có ai tự nhận mình không yêu mến Thiên Chúa. Dù minh nhiên hay mặc nhiên, chúng ta đều xác nhận rằng mình phải yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên mức độ của lòng yêu mến ấy đến đâu cũng như cái cách thức yêu mến ấy có đúng hay không thì cần phải xem xét.

Trước câu hỏi của vị luật sĩ về giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã lấy lại đoạn sách Đệ Nhị Luật đồng thời có thêm một chút để trả lời: “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất! Người phải yêu mến Đức Chúa, Chúa các ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi…” (x.Mc 12,28-34; x.Đnl 6,2-6). Xin mạn bàn về yếu tố Chúa Giêsu thêm đó là “hết trí khôn”, cụm từ không có trong sách Đệ Nhị Luật.

Trí khôn là một trong hai cơ năng của linh hồn mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài thụ tạo hữu hình. Đã là người thì ai cũng chân nhận rằng nhờ trí khôn mà con người trỗi vượt các loài vật bậc thấp. Chuyện tích về bác nông phu mưu trí đánh thắng con hổ là một ví dụ. Cũng là làm việc nhưng nhờ trí khôn, con người ý thức mình làm việc gì với động cơ và mục đích gì. Chính vì thế cung cách làm việc của con người mỗi ngày mỗi mới, phát triển và hoàn thiện không ngừng. Trong khi đó loài vật vì thiếu khả năng này nên cách hoạt động của chúng hầu như không đổi thay mà nếu có thì cũng rất nhỏ và qua một thời gian rất dài chịu điều kiện hóa bởi các yếu tố của giới tự nhiên mà thôi.

Khi thêm vào yếu tố “trí khôn” chắc hẳn Chúa Giêsu không chỉ đề cập đến một nét cao quý của con người mà còn lưu ý đến cung cách “giữ đạo”, “sống đức tin” của dân Chúa xưa và chúng ta mọi thời, mọi nơi. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần hữu ý vi phạm luật sạch nhơ và luật ngày hưu lễ của Do Thái giáo thời bấy giờ. Người cố tình làm như vậy, vì người ta đã giữ luật cách máy móc, vụ hình thức mà quên mất mục đích và ý nghĩa của luật. Chẳng hạn luật sạch nhơ có ra là để dân Chúa biết giữ gìn tâm hồn trong sáng và làm thanh sạch cõi lòng khỏi các vết nhơ của tội lỗi, khỏi những tham lam và đam mê bất chính. Do đó cách thế giữ luật phải chú trọng đến tâm hồn hơn là quá tỉ mỉ, chi li với những nghi thức bên ngoài như rửa chén bát, rửa chân tay… Muốn tâm hồn được thanh sạch là phải loại khỏi tâm trí những ý định bất chính, xấu xa và Người đan cử một số điều như: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Bên cạnh đó để làm cho tâm hồn mình trinh trong thì Người dạy phải sống đức ái qua việc liên đới chia sẻ với tha nhân: “Hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho các ngươi (Lc 11,41).

Với trí khôn thì khi thực hiện các hành vi đạo đức của tôn giáo, chúng ta phải biết rõ hành vi ấy là gì (What?) Vì sao phải thực hiện điều ấy là làm việc ấy để nhằm mục đích gì (Why?). Và rồi chúng ta sẽ biết làm việc ấy như thế nào (How?), ở đâu và trong hoàn cảnh nào (Where? When?). Khi một số biệt phái trách cứ rằng các môn đệ mình không ăn chay thì Chúa Giêsu nhân đó đã dạy họ phải sống đạo với cả trí khôn. Trước hết hãy ý thức ăn chay nghĩa là gì và vì sao ăn chay để rồi biết cách ăn chay đúng đẹp thánh ý Thiên Chúa. Ăn chay là một hình thức sám hối, thú nhận tội lỗi, nhất là tội nghiêm trọng.

Xưa vua quan dân thành Ninivê đã dùng sự ăn chay để bày tỏ sự ăn năn sám hối về tội lỗi tày trời họ đã phạm khiến Chúa đe phạt hủy diệt cả thành. Trong khi đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu không chỉ lầm mà còn giảng dạy sai lạc. Họ lầm tưởng rằng ăn chay là một trong những cách thế thu tích công đức trước mặt thiên hạ và cả trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện có người biệt phái vào đền thờ ngửa mặt kể lễ công trạng ăn chay với cả Thiên Chúa. Để khẳng định điều này thì Người nói rõ: “Không lẽ thực khách hay các phù rể có thể ăn chay khi tân lang đang còn ở với họ. Khi nào tân lang bị đem đi thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Lc 5,33-39). Khi đang còn ở với Thầy Giêsu thì cách nào đó các tông đồ đang còn ở trong ân sủng. Khi phạm trọng tội là lúc chúng ta xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình và lúc đó mới thực sự cần phải ăn chay.

Không dám hồ đồ nhưng có vẻ đến hôm nay còn không ít Kitô hữu từ giáo dân đến tu sĩ, giáo sĩ vẫn sống đạo một cách máy móc, nếu không muốn nói là thiếu ý thức đúng và đủ những gì mình thực hành. Vừa qua Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra lệnh Kitô Hữu Công giáo ăn chay một ngày (22/10) và mời gọi đoàn tín hữu sống mùa dịch bệnh trong tinh thần chay tịnh. Nếu không được hướng dẫn thì đoàn tín hữu dễ lầm tưởng rằng vì nhân loại tội lỗi nên bị dịch bệnh, khiến cho một số người hiểu lầm như nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu. Và cũng có thể có nhiều người nghĩ rằng ăn chay hãm mình hy sinh như lễ vật dâng lên Thiên Chúa hầu mong Người đoái thương khử trừ dịch bệnh. Thế mà đã gần hai năm nay biết bao lễ vật hy sinh trên khắp thế giới cùng với lời cầu nguyện dâng lên mà như chưa thấu đến Đấng Toàn Năng. Tình cảnh này có thể làm cớ cho nhiều người hoài nghi và than thở như cố nhạc sĩ họ Trịnh là “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người…”.

Chuyện chay tịnh, hãm mình, hy sinh thì ai ai cũng mến phục. Tuy nhiên việc sống khắc khổ, kiêng khem trong tình cảnh mà người dân, nhất là người nghèo, người đang thiếu thốn lương thực cần phải có đủ sức đề kháng để chống dịch thì xem ra cần được giải thích và hướng dẫn cho thấu tình đạt lý dưới ánh sáng đức tin. Truyền thống là tốt. Thế nhưng nhiều khi nó cũng có thể kìm giữ chúng ta trong lối mòn của thứ rượu cũ. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới, nhưng người ta lại thích rượu cũ và giữ mãi cái bầu cũ hơn. Đức Phanxicô đã từng cảnh giác về kiểu biện bạch để khỏi canh tân, đổi mới đó là: “xưa đã là như vậy rồi”. Với cả trí khôn thì việc sống đức tin đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành mỗi ngày. Chắc hẳn có đó nhiều cơ chế, luật lệ và hình thức sống đạo trong Giáo hội cần đổi thay khi đoàn con cái Chúa biết sử dụng trí năng để sống đức tin cách ý thức trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây