TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN – A

Chủ nhật - 12/11/2023 13:57 |   280
“Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người.” (Mt 25,31-46)

26/11/2023
CHÚA NHẬT TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN -A
Chúa Kitô, Vua Vũ trụ

Vua vũ trụ

Mt 25,31-46


VUA HOÀ BÌNH
“Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người.” (Mt 25,31-46)

Suy niệm: “Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Ki-tô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình” (Thông điệp Quas Primas, 24). Mừng lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, trong bối cảnh đau thương của chiến tranh, thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta được mời gọi giữ vững niềm trông cậy, vì chỉ duy có Chúa Giê-su là Vua vũ trụ. Ngài không thiết lập Vương quốc bằng vũ khí, bạo lực, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá; không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ; cũng chẳng có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nơi trái tim con người. Chính Người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, đem lại bình an, tự do, hạnh phúc, giúp ta hoàn tất hành trình dương thế đạt đến Vương quốc vĩnh cửu. Hãy để cho Đức Giê-su luôn có chỗ đứng quan trọng nhất trong đời mình.

Mời Bạn: Con người thời nay, nhất là giới trẻ, hay đi tìm một thần tượng nào đó để học đòi, bắt chước. Bạn đang chọn ai làm khuôn mẫu cho cuộc đời mình. Phải chăng đó chính là Thầy Giê-su? Được vậy thì hay biết mấy.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm mọi chia rẽ, hận thù, ghen ghét… là những điều không thuộc về Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại được bình an. Xin cho chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự, mến anh chị em như chính mình, để chúng con góp phần xây dựng Nước Chúa ngay giữa thế trần này. Amen.

Ngày 26 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: xác và hồn của chúng con đã được vinh dự thuộc về Đức Kitô. Vì thế, chúng con phải tôn trọng thân xác của mình, cũng như của những người khác. Thân xác của chúng con là để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác chúng con. Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại, thì cũng sẽ cho chúng con sống lại. Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúng con là chi thể của Đức Kitô, chúng con không còn thuộc về chính mình nữa, và Chúa sẽ cho chúng con được cùng sống lại và cùng hiển trị với Đức Kitô trên cõi trời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên -Năm A
Chúa Kitô, Vua Vũ trụ

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô là Mục tử, là Vua, và là Thẩm Phán. Trong suốt chuyến hành trình trần thế, Người lãnh đạo, chăn dắt chúng ta, chiến thắng Satan, giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi và chăm sóc chúng ta. Sau cùng Người sẽ là Thẩm Phán xét xử chúng ta và mọi người thuộc mọi dân tộc. Bài Tin Mừng nói rất rõ tiêu chuẩn Chúa Kitô dùng dể xét xử và quvết định cho ai được lên Thiên Đàng, ai phải xuống hỏa ngục.

Người được vào Thiên Đàng là người có tấm lòng từ nhân biết để ý viếng thăm, thông cảm, chăm lo và giúp đỡ những nhu cầu của kẻ khác trong cuộc sống. Những việc từ thiện bác ái chính là bảo chứng cho biết chúng ta có thuộc về Nước Thiên Chúa hay không. Chúng ta hãy xét mình và thành tâm thống hối.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17

“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

“Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi 

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. 

Xướng: Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. 

Xướng: Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. 

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28

“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

“Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Cha đã đặt Chúa Giêsu làm Chúa của Giáo Hội và vũ trụ. Giờ đây chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, xin Ngài ban cho mọi người có những ước muốn ngay lành, và can đảm dấn thân thực hiện, ngõ hầu thế giới được bảo vệ, xây dựng và phát triển.

1. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Giêsu bằng lời rao giảng và chứng tá đời sống, ngõ hầu muôn dân được hưởng ơn cứu độ.

2. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ xét xử nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người được hưởng hạnh phúc muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ từ khi tạo thành vũ trụ.

3. Chúng ta hãy cầu nguyện, để khi Chúa trở lại sẽ không còn người đói, khát, hoặc bị tù đầy; và xin Chúa đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta, để tất cả những ai đang đau khổ được nâng đỡ, an ủi bằng tình yêu của Chúa và của chúng ta.

4. Chúng ta hãy cầu nguyện, để vào lúc hoàng hôn cuộc đời, chúng ta được Chúa khoan hồng khi xét xử, những hoa trái là thành quả mà chúng ta đã gieo trồng được Chúa chấp nhận. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta cho đi cách quảng đại những gì mà chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu vua vũ trụ, xin hãy làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, để chúng con phụng sự Chúa trong sự tự do của con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Phán xét

Đoạn Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta vào trong quang cảnh hùng vĩ của cuộc phán xét chung. Ở đó, Đức Kitô giữ vai trò xét xử bá nhân bá tánh. Vậy thì sẽ phải xét xử ra làm sao? Hơn nữa, mỗi người có những hoàn cảnh, những nhiệm vụ, những khả năng riêng, do đó quả cân nào sẽ phân định tội trạng và công phúc?

Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu mọi sự xem ra lại đơn giản. Muôn dân thiên hạ cuối cùng được phân chia thành hai loại được đặt ở bên phải và bên trái của Ngài. Tiêu chuẩn để phân biệt cũng rất đơn giản: Đã làm gì cho những kẻ bé mọn. Đối xử với những kẻ bé mọn, đói khát, trần truồng, tù tội, đau yếu là đối xử với chính Chúa vậy.

Sự phân xử của Chúa Giêsu trong ngày phán xét làm cho cả người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên sửng sốt. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi người trong cuộc đời của mình đã có lần được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, với một bảng tên rõ ràng và một lý lịch minh mạch. Biết bao nhiêu người đã xả thân để giải phóng thánh địa chỉ vì đó là nơi đã ghi dấu tích sự hiện diện của Chúa, huồng hồ là gặp Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu và tù tội. Ai có thể lại làm ngơ.

Nhưng cái làm cho chúng ta lúng túng đó là Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta, với những con người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày tại khu phố, tại trường học, trên đồng ruộng, nơi công sở, ngoài chợ ngoài đường và nhất là với những kẻ làm chúng ta khó chịu vì cái nghèo nàn, thô kệch và quấy rầy của họ. Mọi người đều ngạc nhiên.

Nhưng Đức Kitô trong cương vị Đấng xét xử, đã tuyên bố: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Thế là đã rõ. Đức Kitô xét xử theo tình yêu chúng ta đã có hay không có đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những người hèn mọn về chức tước, danh vọng và của cải. Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ.

Đức Kitô Vua

Đức Kitô có phải là Vua không? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.

Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng: Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.

Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán: Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.

Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa?


SUY NIỆM LỄ ĐỨC KITÔ – VUA VŨ TRỤ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Thiên Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô, là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho chúng ta biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng Người.

Bài đọc một của giờ Kinh Sách, được trích từ sách Khải Huyền cho thấy Đức Vua Kitô với vẻ huy hoàng khi Người ngự đến. Tất cả mọi hình ảnh được sử dụng để giúp chúng ta hiểu rằng: Đấng đã chết trên thập giá là Đấng đang sống. Chính Người đã nói: Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ.

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách, được trích từ khảo luận của linh mục Origiênê về cầu nguyện, ngài nói: Ai cầu cho triều đại Thiên Chúa mau đến, thì cũng cầu cho vương quyền của Thiên Chúa nơi mình được tăng triển, đem lại hoa trái và đạt tới tột đỉnh. Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Do đó, chúng ta phải phụng thờ và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng Đức Vua của chúng ta.

Thiên Chúa muốn quy tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô, Người là Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận: phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh  dự với vinh quang. Người là Vua ngự trị muôn đời, Người tuôn đổ phúc lành, cho dân hưởng bình an, như lời Ca Nhập Lễ và Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ hôm nay.

Qua bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 22, các nhà phụng vụ muốn chúng ta nhìn ngắm Vua Kitô, như một mục tử nhân lành: chăn dắt, và bảo vệ chúng ta. Qua câu Tung Hô Tin Mừng, các nhà phụng vụ muốn chúng ta chúc tụng ngợi khen Vua Kitô của chúng ta: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít tổ phụ chúng ta.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Êdêkien cho biết: Đức Chúa là Chúa Thượng phán: này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

Trong bài đọc hai, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã cho thấy: Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Kitô chính là Vua Tình Yêu. Người đến xét xử thế gian: Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt chiên với dê. Vua Tình Yêu xét xử thế gian theo tiêu chuẩn tình yêu: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Thiên Chúa là tình yêu, Vương Quốc của Người là Vương Quốc tình yêu, công dân của Người là những ai biết sống yêu thương. Vua Kitô đã rời bỏ trời cao, để đến ở với con người: đến không phải để được hầu hạ, nhưng, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Do đó, yêu thương phải là căn tính của những ai muốn quy phục Vương Quyền của Vua Kitô; phục vụ phải là kim chỉ nam hành động cho những ai muốn thuộc về Vương Quốc của Vua Kitô. Vua Kitô đã hành động vì yêu thương, thì chúng ta là thần dân của Người, chúng ta cũng phải làm như Người đã làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn những việc làm yêu thương và phục vụ của chúng ta trở thành lời ngợi khen chúc tụng, và thành những của lễ phụng thờ dâng lên Đức Vua của chúng ta, thì những việc làm yêu thương và phục vụ đó: cũng phải mang những thương tích tình yêu, của Đức Vua Tình Yêu, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta, và để rồi, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe từng chính miệng Người: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.


CHỈ VỀ TÌNH YÊU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”.

“Thách thức của Tin Mừng là nó vẫn dang dở mà chúng ta được mời gọi viết ra bằng những việc bác ái. Chúa Kitô muốn Giáo Hội luôn là một Giáo Hội đi ra như Ngài đã đi ra, bỏ trời xuống thế. Ngài hướng chúng ta đi vào con đường một chiều, không có vé khứ hồi: “Đi ra từ chính mình!”. Hy sinh mạng sống vì người khác và bắt đầu con đường tự hiến. Đó là tình yêu! Vì Ngài sẽ luận thưởng mỗi người chỉ về tình yêu!” - Đức Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài sẽ luận thưởng mỗi người chỉ về tình yêu!”. Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua nói với chúng ta về cuộc phán xét cuối cùng. Với hình ảnh sống động của dụ ngôn chiên đứng bên hữu, dê đứng bên trái, Chúa Giêsu cho thấy đó sẽ là cuộc xét xử ‘chỉ về tình yêu!’.

Gioan Thánh Giá nói, “Vào buổi chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét chỉ về tình yêu!”. Ignatiô Loyola thì nói, “Tình yêu được thể hiện nhiều bằng việc làm hơn là lời nói!”. Mỗi việc bác ái chúng ta làm ‘là làm’ cho Chúa Kitô, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…”. Và còn hơn thế, “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta!”.

Vương quyền của Chúa Kitô hoàn toàn khác vương quyền thế gian. Nó đơn giản là thực tại căn bản của mọi sự tồn tại: “Tình yêu!”. Tình yêu sẽ là tiếng nói cuối cùng, cũng là tiếng nói đầu tiên. Với Chúa Kitô, vương quyền đó lên tiếng từ một chiếc nôi khiêm tốn, máng cỏ; và sau cùng, từ một ngai vàng rất khó chịu, thập giá! Vậy mà, trên đó ghi: “Giêsu Nazareth, Vua Do Thái”. Chúa Kitô hiển trị từ thập giá tự hiến nên Ngài cũng luận thưởng chúng ta bằng mức độ ‘thập giá tự hiến’ của mỗi người, nghĩa là ‘chỉ về tình yêu!’.

Vì thế, những con chiên được cứu là những ai đã giúp đỡ kẻ khác. Chúa Giêsu không khen ngợi họ vì họ cầu nguyện nhiều mà vì việc lành họ làm. Cầu nguyện là quan trọng, nhưng ngần ấy không đủ! Ngài muốn tình yêu dành cho Ngài phản ánh qua tình yêu dành cho tha nhân. Điều kỳ lạ là nhiều người trong số những người được cứu lại không nhận ra rằng, họ thực sự đang giúp đỡ chính Ngài. Ngài đang ở nơi những ai cần giúp đỡ, nơi các thành viên trong gia đình tôi, nơi các đồng nghiệp; nơi ông chủ khó tính hoặc các bạn cùng lớp của tôi hoặc ngay cả nơi những người ăn xin hôi hám.

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng những con dê hư mất không nhất thiết là “người xấu”. Họ không bị khiển trách vì đã làm điều ác. Chúa không buộc tội họ gây chiến tranh, buôn người hay khủng bố; đúng hơn, Ngài trách họ về tội thiếu sót, những điều họ không làm, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…”. Bạn và tôi có thể nghĩ mình là những Kitô hữu tốt vì không gian lận, không xem phim xấu hay bỏ lễ Chúa Nhật; nhưng việc bác ái từ thiện cũng rất quan trọng. Hãy làm những việc này mà không bỏ bê những việc khác.

Kính thưa Anh Chị em,

“Như mục tử tách biệt chiên với dê”. Bênêđictô XVI nói, “Nếu thực hành tình yêu thương người lân cận theo sứ điệp Tin Mừng, chúng ta sẽ nhường chỗ cho quyền thống trị của Chúa Kitô và Vương Quốc Ngài được hiện thực hoá giữa chúng ta. Thay vào đó, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì thế giới sẽ chỉ có thể sụp đổ!”. Hãy giàu có không chỉ về của cải mà còn về lòng đạo đức; không chỉ bằng vàng mà còn cả đức hạnh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con kết thúc đời mình với lũ dê trong ngày phán xét. Giúp con đi vào con đường một chiều yêu thương ngay hôm nay mà không cần vé khứ hồi!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây