Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 15/11/2023 21:44 |
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |
904
“Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”. (Mt 10, 17-22)
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 33TN-A - Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 17-22).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Video Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 33TN-A - Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh - Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Video Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 33 Thường niên -Năm A
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh - Giọng đọc: Isave Nguyên Hiệp
Video Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 33TN-A - Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh - Giọng đọc: Isave Nguyên Hiệp
Suy niệm
Hàng năm, Giáo hội Việt Nam cùng nhau mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để cùng nhau chung lời ca tụng và tri ân Thiên Chúa, đã cho giáo hội Việt Nam những bông hoa đẹp trên cánh đồng truyền giáo, đồng thời, đó cũng là những hạt giống tốt, gieo xuống trên mảnh đất mầu mỡ của quê hương. Từ đây, những hạt giống đâm rễ xuống, mục nát mình đi, tạo nên những cây lúa mới, trổ sinh bông hạt trĩu nặng và chín vàng trên quê hương yêu dấu. Chúa nhật 33 thường niên năm nay, chúng ta được mừng kính trọng thể lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những con người tầm thường đã trở nên phi thường trước mặt Chúa, không do tài lực hay khả năng, nhưng tất cả đến từ ơn Chúa và thái độ sống đức tin của các ngài. Máu các ngài đã đổ xuống làm nảy sinh những Kitô hữu hôm nay.
Đọc lại những lời khôn ngoan trong cuốn sách có cùng tên gọi qua bài đọc 1, chúng ta nghe tác giả gợi lại hình ảnh người khôn ngoan trước mặt Chúa, họ dành cuộc đời cho Thiên Chúa, những hành động và cả cuộc đời là lời chứng sống động về một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa cúi xuống để cứu độ con người, cảm thông với con người: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Với một niềm tin rất trọn vẹn, với một lòng mến rất vẹn toàn, người công chính đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời, ngay cả cái chết với một tâm thái nhẹ nhàng, thanh thản, không một chút sợ hãi hay âu lo. Thập giá cuộc đời luôn có những đòi hỏi, những thách đố, đón nhận thập giá giữa một xã hội vô thần, luôn là một thách đố lớn.
Trước những khó khăn trong quan niệm về việc rao giảng tin mừng, thánh Phaolô đã quả quyết trong lá thư gởi cộng đoàn Corinto, một cộng đoàn có nhiều lầm lẫn trong đời sống chứng nhân: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao?”. Việc rao giảng tin mừng là nhiệm vụ của người môn đệ Đức Giêsu chứ không phải là việc rửa tội, nhưng rao giảng như thế nào còn tùy thuộc vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nữa, bởi đường lối của Thiên Chúa khác xa đường lối của con người. Hãy là người thực hiện chương trình của Thiên Chúa, theo kế hoạch của Ngài chứ đừng theo kế hoạch của con người.
Sự hiện diện của Thiên Chúa lắm lúc trở thành chướng ngại vật cho con người, vì thế, người ta không ngại loại trừ Ngài ra khỏi ngôi nhà thế giới này. Tồn tại giữa thế giới hai nhóm người đối nghịch nhau, một bên là môn đệ của xã hội nhân bản vô thần, một bên là môn đệ của thế giới hữu thần, đặc biệt là Thiên Chúa, vì thế cảnh bắt bớ, tù đày, đàn áp và thậm chí bị loại trừ sẽ là điều hiển nhiên sẽ đến: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”. Làm chứng cho một giáo lý đi ngược với những lợi ích trần thế, ngược với những xu hướng của xã hội, quả thực là một thách đố lớn, một sự dấn thân mạnh mẽ. Dẫu biết rằng giáo lý đó nhằm giúp con người biết sống đúng với những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, nhưng xã hội thực dụng và chủ nghĩa cá nhân, luôn là áp lực cho người môn đệ sống và làm chứng cho tin mừng tình yêu.
Mừng kính các Thánh Tử đạo là lúc cháu con như muốn nhìn lại đời sống đức tin của các ngài, học lại bài học về gương chứng nhân của các ngài, để rồi cùng với lời cầu nguyện thánh thiện trên thiên quốc của các ngài, con cháu dân Việt biết đem Chúa vào đời, biết giới thiệu Tin mừng cứu độ cho mọi người, mọi dân tộc, biết thay đổi nhận thức niềm tin của bản thân, tất cả để cho Thiên Chúa lớn lên, để cho tin mừng trở nên sống động và năng động hơn giữa lòng thế giới. Theo từng giai đoạn của lịch sử xã hội, sự phát triển của con người, tin mừng cần được thích nghi và trở nên năng động hơn. Tất cả tùy thuộc vào niềm tin, tinh thần truyền giáo của người tín hữu Kitô. Có đạo là một câu chuyện, sống đạo lại là một câu chuyện khác, làm chứng cho niềm tin của người có đạo, đòi hỏi sự dấn thân tích cực và khiêm tốn đủ. Dám để cho Chúa lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại, mới có thể đi vào giữa lòng thế giới, để giới thiệu Ngài cho mọi người cách tích cực và hiệu quả hơn.
Bổn phận là thế, trách nhiệm là vậy, nhưng mọi khó khăn trong xã hội luôn làm chùn chân mỏi gối người môn đệ. Với những xu hướng mới của một xã hội thiên về cá nhân chủ nghĩa. Người ta chỉ tập trung cho gia đình, lo cho mọi người có công ăn việc làm, lo cho con cái học hành tốt hơn, lo cho gia đình có thật nhiều tiền, đầy đủ phương tiện, vì thế, đề cập đến việc lo cho người nghèo, giúp đỡ người cơ nhỡ, đồng hành với người mồ côi, chia sẻ với người thiếu thốn, bệnh tật, là những khái niệm đang biến mất trong đời sống con người. Ngồi bên cạnh người đau ốm, thiếu thốn, chỉ có lời nói chưa làm được điều gì, ngồi bên cạnh người bị bỏ rơi, mồ côi, chỉ an ủi thì không thể giúp họ tìm được chút hơi ấm tình người, nhưng cần có một mái ấm, một chỗ tựa lưng qua ngày, một chỗ để chia sẻ tình người. Quả thực là những khó khăn cho người môn đệ trong việc loan báo tin mừng tình yêu.
Bên cạnh những thách đố về chủ nghĩa cá nhân, còn có những khó khăn khác như là sức mạnh của vật chất, tiền bạc. Người ta đang dùng giá trị của đồng tiền để làm thước đo lòng người. Đồng tiền trở nên một sức mạnh, mang theo những quyền lực lớn, do đó, ai cũng muốn có nhiều tiền, muốn tìm công việc thật nhiều tiền, và muốn dùng tiền bạc để mua mọi thứ, thậm chí còn muốn mua cả những giá trị của tôn giáo. Đồng tiền vô tình trở nên ông chủ điều khiển mọi sinh hoạt của con người, sai khiến con người làm mọi thứ trên đời, thậm chí dùng đồng tiền bẻ cong những giá trị chân lý. Thế thì làm sao để người môn đệ giới thiệu một giáo lý lành mạnh cho một xã hội như thế được. Sức mạnh đồng tiền như thế đòi hỏi người Công giáo có những chọn lựa, dựa vào tin mừng để sống hay theo tiền bạc để được an phận, có địa vị và quyền bính. Chọn bên nào và loại trừ bên nào. Giá trị của tin mừng luôn bất biến và đem lại nhiều lợi ích cho con người hôm nay và ngày mai, nhưng con người có đủ can đảm để chọn lựa, để sống và loan báo cho thế giới không, và đó có phải là một hình thức tử đạo không?
Lạy Chúa, noi gương các an hùng tử đạo đất Việt, chúng con vẫn mong được xứng đáng là con cháu, xin Chúa giúp con biết đem những giá trị của tin mừng vào cuộc sống, từ gia đình cho đến xứ đạo, để nâng đỡ anh chị em, đặc biệt những người khó khăn, bởi chỉ có những giá trị của tin mừng, mới có thể xoa dịu những nỗi đau của tha nhân, giúp họ đứng lên, tìm lại chính mình và sống tử tế với nhau. Chúa mời chúng con cùng nhau giới thiệu tin mừng sự sống bằng chính cuộc đời mỗi người, xin giúp chúng con dám chết đi cho chủ nghĩa cá nhân, chết đi trong sức mạnh của tiền bạc, để được sống trong vương quốc của tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chết cho tin mừng, cho tình yêu trời cao, đòi hỏi chúng con phải cố gắng từng ngày trong mỗi hoàn cảnh, xin Chúa ban cho chúng con đủ ơn của Ngài, để chúng con cố gắng bắt đầu trở lại. Amen.